08:53 - 07/11/2019
Ứng dụng công nghệ để kết nối chuỗi giá trị
Diễn đàn Mekong Connect 2019 có 4 nhóm đề tài được nghiên cứu và thảo luận sâu, trong đó “Ứng dụng công nghệ để kết nối chuỗi giá trị” là đề tài được coi là thế mạnh của An Giang.
– Ông có thể cho biết mức độ quan tâm và đầu tư của An Giang cho việc “ứng dụng công nghệ để kết nối chuỗi giá trị”?
– Từ năm 2015 đến nay, An Giang đã đầu tư trên 90 tỷ đồng cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ các lĩnh vực, bao gồm 70 đề tài KHCN cấp tỉnh, 116 đề tài cấp cơ sở và 50 dự án ứng dụng tiến bộ KHCN; Trong đó khoảng 50% phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn tỉnh và khu vực ĐBSCL.
Trong lĩnh vực nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp, tỉnh đã quan tâm đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch cho các mặt hàng nông sản chủ lực như công nghệ sấy lạnh bảo quản xoài Ba Màu (Chợ Mới), công nghệ sấy năng lượng mặt trời cho bánh phồng (Phú Mỹ), các đối tượng dược liệu và nông sản chủ lực.
Đồng thời, tỉnh cũng triển khai nghiên cứu xây dựng quy trình chế biến đa dạng hóa các mặt hàng dược liệu, nông sản như cao chiết, trà túi lọc đinh lăng, chùm ngây; kẹo ngậm, tinh dầu từ vỏ và lá quả chúc; thức uống và bánh dẻo từ bột củ huyền tinh; bánh phồng từ lúa mùa nổi; lạp xưởng, chà bông cá lóc, dê; sản phẩm ăn liền sấy khô, tẩm gia vị từ chuối, măng, nấm;…
Trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ để kết nối chuỗi giá trị, An Giang đã đầu tư kinh phí hỗ trợ nhiều dự án ứng dụng công nghệ thông minh vào quản lý, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp như điều khiển tưới nước từ xa cho các mô hình trồng nấm linh chi, trồng dưa lưới; máy đo quan trắc tự động trong nuôi trồng thủy sản (cá tra)…
Bên cạnh đó, để giúp các cơ sở sản xuất, nông dân trên địa bàn tỉnh nắm bắt mạnh xu huớng thị trường, tỉnh đã tổ chức nhiều hội thảo tập huấn, tuyên truyền thông tin, hỗ trợ áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới, đáp ứng yêu cầu thị trường thu mua như hỗ trợ áp dụng tiêu chuẩn VietGAP cho các đối tượng rau (Mỹ Hòa Hưng, Châu Đốc, Long Xuyên); chứng nhận hữu cơ Châu Âu và Mỹ cho cánh đồng lúa lớn tại Tri Tôn; chứng nhận hữu cơ cho mô hình lúa – cá (Thoại Sơn, Châu Phú),…
Tỉnh cũng xây dựng và đưa vào áp dụng chương trình hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh; chương trình hỗ trợ nhãn hiệu chứng nhận An Giang cho các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh; chương trình hỗ trợ phát triển khởi nghiệp đổ mới sáng tạo tỉnh An Giang.
An Giang tiếp tục đầu tư và phát triển sản phẩm có giá trị cao dựa trên cơ sở phát huy các ưu điểm và không ngừng cập nhật thông tin mới, công nghệ tiên tiến để khắc phục các khó khăn, tồn tại hiện nay nhằm hỗ trợ người sản xuất, nông dân tỉnh An Giang nâng cao trình độ, năng lực hội nhập kinh tế quốc tế.
– Trong số những ứng dụng trên, theo ông, ứng dụng nào của An Giang có thể giới thiệu, chia sẻ ngay với các tỉnh ĐBSCL?
– Nhà sấy bằng năng lượng mặt trời. Đó là một quy trình công nghệ sau thu hoạch nhằm bảo quản sản phẩm tốt hơn, hiệu quả hơn. Ưu điểm của mô hình này là có thể sấy được hầu hết các loại, từ nông, thực phẩm đến thủy hải sản. Quá trình sấy giúp giảm phát thải khí CO2, tiết kiệm ít nhất 50% năng lượng và rút ngắn 30 – 50% thời gian làm khô bình thường sấy. Bên cạnh đó, mô hình được sử dụng đơn giản, không tốn thêm bất kỳ chi phí vận hành nào khác. Đặc biệt, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và người dân có thể chủ động được thời gian bảo quản nông sản của mình.
Đây là mô hình vừa hiệu quả kinh tế, hiệu quả kỹ thuật, lại thân thiện môi trường và có thể triển khai ứng dụng, nhân rộng cho cả khu vực ĐBSCL và cả nước nói chung.
– Ông nhận xét như thế nào về những chuyển biến trong doanh nghiệp, các Start up, nông dân An Giang sau những ý tưởng chia sẻ từ Mekong Connect?
– Hình thành từ năm 2015 đến nay, Diễn đàn Mekong Connect tiếp cận ĐBSCL thông qua những chủ đề như “Liên kết – Hội nhập – Phát triển”, “Tìm cơ trong Nguy”, “Phát triển tài nguyên bản địa kết hợp sức mạnh công nghệ” và nhiều hội thảo chia sẻ tầm nhìn, cảnh báo thách thức – giới thiệu cơ hội trong quá trình hội nhập… Đây là những chủ đề rất thời sự và thiết thực. Diễn đàn là nơi hội tụ các chuyên gia tâm huyết, kết nối doanh nhân thành đạt cùng trao đổi chia sẻ thông tin, kinh nghiệm – là cầu nối hiệu quả giữa nhà khoa học, nhà quản lý và người dân khu vực ĐBSCL và cả nước.
Doanh nghiệp lớn đã quan tâm đầu tư, đổi mới công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực cạnh tranh, cập nhật nhanh chóng thông tin thị trường và hàng rào kỹ thuật tương đối tốt, trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các Start up và nông dân vẫn còn khá lúng túng trong tiếp cận thông tin và ứng dụng tiến bộ KHCN tiến tiến vào sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy việc duy trì diễn đàn Mekong Connect hàng năm cũng như sự hỗ trợ từ mạng lưới liên kết ABCD Mekong và chính quyền địa phương trong thời gian tới là rất cần thiết.
– Là thành viên sáng lập Mạng lưới liên kết ABCD Mekong – đồng tổ chức Diễn đàn Mekong Connect, theo ông nên làm gì để cổ vũ tinh thần đổi mới, sáng tạo trong từng địa phương và phát triển mối liên kết có ý nghĩa cho vùng ĐBSCL nhằm giảm bớt rủi ro, khai thác tốt nhất mọi cơ hội khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu?
– Thời gian qua, Mekong Connect đã rất thành công về quy mô tổ chức, chất lượng các diễn đàn và tác động tích cực đến cộng đồng. Chính vì vậy, trong thời gian sắp tới Mekong Connect cần phát huy và mở rộng phạm vi kết nối, không chỉ khu vực ĐBSCL mà cả kết nối quốc tế. An Giang đã đề xuất ý kiến trong khuôn khổ hợp tác của mạng lưới liên kết ABCD Mekong để nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác trong thời gian tới, cụ thể:
– Nên mở rộng quy mô liên kết cho cả vùng ĐBSCL, gồm 13 tỉnh thành phố để tăng quy mô, sức mạnh nguồn tài nguyên bản địa của cả khu vực ĐBSCL, hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn và đồng nhất về chất lượng.
– Nên xây dựng và chia sẻ cơ sở dữ liệu về các kết quả nghiên cứu KHCN… giúp tiết kiệm thời gian và kinh phí cho công tác nghiên cứu và ứng dụng.
– Xây dựng chuỗi liên kết cho cả vùng ĐBSCL đối với một số mặt hàng nông sản chủ lực của khu vực như lúa, cây ăn trái, rau màu, cá,…
– Tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các tỉnh trong khu vực và với bên ngoài, để nâng cao trình độ quản lý, tiếp cận thông tin và công nghệ mới cho từng tỉnh và cho cả khu vực, theo hình thức liên kết WIN – WIN.
– Xin cảm ơn ông!
Khoa Công thực hiện (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này