11:36 - 23/04/2024
Hé lộ lý do giá vé máy bay toàn cầu khó ngừng ‘leo thang’
Cùng với trục trặc chuỗi cung ứng, các vấn đề của Boeing – một trong hai nhà cung ứng máy bay lớn nhất thế giới – đang đẩy giá vé máy bay trên toàn cầu lên một nấc thang mới.
Tình hình tồi tệ của Boeing từ năm ngoái cho đến năm nay đang ảnh hưởng tới các hãng hàng không và hành khách của họ. Sự chậm trễ trong sản xuất của tập đoàn Mỹ do nhiều vấn đề khác nhau càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt máy bay chở khách – vốn là xương sống của ngành du lịch hàng không thương mại.
Hai nhà cung ứng hàng đầu gặp vấn đề
Ở Mỹ và nhiều quốc gia khác, các công ty hàng không đang nỗ lực ứng phó với tình trạng số lượng giao hàng giảm từ Boeing khi nhà sản xuất máy bay này tập trung vào việc khắc phục những sai sót về chất lượng nghiêm trọng.
Boeing đang phải đối mặt với hàng loạt cuộc thanh, kiểm tra tại Mỹ, khiến việc sản xuất bị đình trệ và chính các lãnh đạo của họ cũng chưa biết khi nào mọi thứ có thể trở lại bình thường.
“Chúng tôi đang làm việc chăm chỉ nhất có thể. Chúng tôi xin lỗi vì sự gián đoạn”, John Plueger, Giám đốc công ty cho thuê Air Lease Corp tiết lộ những gì mà Boeing trả lời họ.
Đây lại là thời điểm quan trọng nhất của ngành hàng không quốc tế. Mùa du lịch hè đang đến và hàng tỷ người đang chuẩn bị cho các hành trình bằng máy bay của mình. Nhưng có nguy cơ họ sẽ phải cạnh tranh gay gắt để có chỗ ngồi.
Airbus, nhà sản xuất máy bay của châu Âu, cũng đang vất vả nhằm nâng sản lượng trở lại mức trước đại dịch. Đối thủ cạnh tranh chính của Boeing phần lớn đã có đủ đơn hàng cho tới cuối thập kỷ này, nhưng không thể nhanh chóng mở rộng quy mô sản xuất do thiếu hụt nhân sự và các hàng hóa thiết yếu. Điều này khiến các hãng hàng không gần như không còn nguồn cung ứng nào khác.
Shukor Yusof, chuyên gia ngành hàng không từ công ty tư vấn Endau Analytics cho biết: “Các đơn đặt hàng mới sẽ gặp khó khăn trong việc giao hàng do tình trạng thiếu lao động và nguyên liệu thô tiếp tục diễn ra, các vấn đề về hậu cần cũng như chi phí năng lượng vẫn tiếp diễn”.
Một vấn đề khác mà hãng phải đối mặt là quá trình bảo dưỡng độ hao mòn động cơ đã khiến hàng trăm máy bay Airbus phải ngừng hoạt động trên toàn thế giới. Tình trạng thiếu phụ tùng đã khiến máy bay mất nhiều thời gian hơn để chờ bảo trì, trong khi vấn đề về động cơ khiến máy bay phải ngừng bay.
Mỗi chiếc 787 Dreamliner cần khoảng 2,3 triệu bộ phận, trong đó một số do công ty sản xuất và một số khác có nguồn gốc từ các nhà cung cấp trên toàn thế giới. Hay Airbus có hàng nghìn nhà cung cấp trực tiếp và gián tiếp từ hơn 100 quốc gia.
Sự đóng băng của ngành hàng không suốt từ thời đại dịch Covid-19 giờ đang hiện rõ tác động. Chuyên gia Steven Townend của BOC Aviation ước tính sự chậm trễ trong sản xuất liên quan đến đại dịch tại Airbus và Boeing đã khiến các hãng hàng không mất tới 4.000 máy bay mới trong vòng 3 đến 4 năm qua. Tình trạng đó chưa có dấu hiệu được giải quyết khi nhiều nút thắt trong chuỗi cung ứng chưa kịp phục hồi, dẫn tới số lượng máy bay sẵn có vào thời điểm nhu cầu đặc biệt cao này càng thêm ít ỏi.
Khách hàng hứng chịu hậu quả
Đối với hành khách, điều này có nghĩa là có ít lựa chọn chuyến bay hơn và giá vé có thể cao hơn trên ít nhất một số đường bay phổ biến. Sự thiếu hụt chủ yếu ảnh hưởng đến các loại máy bay có một lối đi như máy bay phản lực dòng Boeing 737 và Airbus A320, bay những khoảng cách ngắn đến tầm trung và chiếm phần lớn trong đội bay toàn cầu. Do đó, các chuyến bay nội địa và khu vực đang bị ảnh hưởng nhiều hơn so với các chuyến đi đường dài.
Theo Amex Global Business Travel, giá vé hạng thương gia sẽ tăng tới gần 10% tại Mỹ. Giá vé ở Mỹ tăng vọt vào năm 2022 và đầu năm 2023 khi du khách quay trở lại đặt vé máy bay, nhưng sau đó lại giảm trở lại trong hầu hết năm ngoái do nhu cầu trong nước suy yếu. Dữ liệu mới nhất của chính phủ Mỹ cho thấy giá vé tăng 3,6% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 2, mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 5 năm 2022.
Ông John Plueger dự báo trong mùa hè này sẽ thấy ít chuyến bay hơn và nhiều máy bay đầy chỗ hơn. Điều đó có thể “đồng nghĩa với việc giá vé sẽ cao hơn.
Tại châu Âu, Ryanair cho biết họ sẽ thiếu 17 máy bay phản lực Boeing như dự kiến. Cùng với đó, hãng có kế hoạch tăng giá lên tới 10% và cắt giảm các dịch vụ từ Dublin, Milan và Warsaw. Câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra ở Châu Á như tại Trung Quốc và Ấn Độ – những nơi chứng kiến nhu cầu di chuyển cao sau đại dịch cộng với chi phí nhiên liệu tăng mạnh khiến áp lực về giá vé ngày càng nặng nề.
Như tại Việt Nam, câu chuyện giá vé máy bay tăng vọt đang gây lo ngại sẽ kìm hãm sự phát triển của ngành du lịch trong nước. Khi gần tới dịp nghĩ lễ lớn (30/4 và 1/5), giá vé các hãng bay có thời điểm tăng tới 30-40% so với ngày thường. Thay vì du lịch bằng đường hàng không, nhiều người đã phải lựa chọn các địa điểm gần nơi ở hơn để tiết kiệm chi phí. Và với những khó khăn căn bản của ngành công nghiệp hàng không toàn cầu, cơn sốt này có thể sẽ không sớm hạ nhiệt.
Theo Trường Đặng/DĐDN
Ngày đăng: 23/4/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này