10:18 - 20/02/2024
Ngã ba Bằng Lãng
Có hai dòng sông từ rặng Trường Sơn Đông non cao cặp kè đổ xuống đồng bằng. Tả Hữu Trạch như hò hẹn gặp nhau để góp nguồn thành sông Hương tại thôn Bằng Lãng. Ngã ba sông mang tên Ngã ba Bằng Lãng cũng là Ngã ba Tuần.
Đấng quân vương đầu triều Nguyễn nhìn ra thế đất lành mới dồn bao tâm huyết xây dựng Kinh thành Huế. May được thái tử hiền tài thành toàn ý cha. Tâm nguyện lớn đã hoàn thành, hai đấng quân vương chọn an nghỉ ngàn năm nơi đất thiêng này. Lăng Gia Long bên Tả Trạch, lăng Minh Mạng bên Hữu Trạch vùng ngã ba Bằng Lãng.
Từ Bằng Lãng đến cửa Thuận An sông dài khoảng 33km. Nước sông trong veo dòng chảy nhẹ nhàng, dòng sông Hương an bình, thanh lịch con sông nổi tiếng của Huế.
Ngã ba Bằng Lãng hay ngã ba Tuần
Nghe đâu dòng chính Tả Trạch gần 70 cây số chảy qua 55 thác ghềnh hùng vĩ đi Hữu Trạch khoảng 60 cây số qua 14 thác nước. Ngã ba Bằng Lãng là ngã ba sông nơi Tả – Hữu Ngạn hội ngộ với sông Hương. Đã cho tổ chức tuần tra vùng thượng nguồn sông Hương. Gọi là ngã ba Tuần vì nơi đây có trạm thu thuế của triều đình và thuyền tuần tra.
Cầu Tuần và ngã ba Tuần. Tôi có dịp qua cầu Tuần nối hai bờ sông Hương lần đầu năm 2014. Xe chạy chậm chậm tôi nhìn đằng xa thấy một vùng sông nước mênh mông: sông Hương ôm hai dòng sông Tả Hữu Trạch vào lòng. Ngã ba Tuần tại đầu nguồn sông Hương! Được biết cầu nằm trên Quốc lộ 1 tuyến tránh thành phố Huế, nối liền xã Hương Thọ với xã Thủy Bằng, sử dụng từ đầu năm 2003.
Chợ Tuần. Xe qua cầu Tuần rồi theo đường nhỏ tới chợ Tuần. Đi bọc nhanh phía sau chợ Tuần thì đến sát bờ sông. Đúng ngã ba Tuần đây rồi! Cũng là ngã ba Bằng Lãng. Rõ ràng sông Hương rộng dòng chảy êm đềm, ôm hai nhánh sông nhỏ, vài bóng thuyền nhỏ lướt nhẹ.
Toàn tâm toàn ý xây dựng Kinh thành
Ngã ba Tuần đất lành chiến lược. Rõ rồi, chúa Nguyễn Phúc Lan đã thấy vị thế và cảnh quan tuyệt vời nơi ngã ba sông nên chọn Kim Long cách đó không xa, làm thủ phủ xứ Đàng Trong. Vua Gia Long mới lên ngôi đã thấy vị trí chiến lược ngã ba Tuần án ngữ và bảo vệ Kinh thành Huế. Đấng quân vương đầu triều Nguyễn nhìn ra thế đất lành mới dồn bao tâm huyết xây dựng Kinh thành Huế. May được thái tử hiền tài thành toàn ý cha.
Kinh đô xây bên bờ Bắc sông Hương. Năm 1802, chúa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi, niên hiệu Gia Long. Từ năm 1803 toàn bộ quá trình khảo sát thực địa do chính vua cùng các đại thần đảm nhận. Nằm ở Bắc sông Hương, Kinh thành quay mặt về hướng Nam, tiền án là núi Ngự Bình, rồng chầu hổ phục là cồn Hến – cồn Dã Viên. Sông Hương trước mặt là Minh Đường. Sông Hộ Thành bao bọc. Kinh thành rộng hơn 500 ha với ba vòng thành: Kinh thành, Hoàng thành và Tử Cấm thành từ lớn đến nhỏ.
Thái tử hiền tài thành toàn ý cha
Từ mùa hè năm 1805 vua bắt đầu xây dựng Kinh thành. Vua lâm trọng bệnh mất, công trình dang dở. Vua Minh Mạng nối ngôi tiếp tục theo đúng ý cha, hoàn thành vào năm 1832. Vua thật hài lòng: “nay toàn cục đã xong, công việc đã hoàn thành, thành trì bền vững, truyền lại hàng muôn ức năm, lòng trẫm thực rất vui mừng”.
Vua cha đầu triều đem tim óc chiến lược xây dựng Kinh thành. Vua con nối tiếp công trình theo ý cha. Suốt 30 năm hai bậc quân vương tạo nên Kinh thành Huế đồ sộ quy mô cho một triều đại. Cũng đầu óc nào dọn sẵn ngã ba Bằng Lãng thế đất đẹp đầu nguồn sông Hương làm nơi an giấc ngàn thu. Thật đáng khâm phục. Tâm nguyện lớn đã hoàn thành, hai đấng quân vương chọn an nghỉ ngàn năm nơi đất thiêng này. Lăng Gia Long bên Tả Trạch, lăng Minh Mạng bên Hữu Trạch vùng ngã ba Bằng Lãng.
Nơi an nghỉ ngàn thu vua đầu triều Nguyễn
Nhớ lại lần đầu (năm 2014) tôi được viếng nơi an nghỉ ngàn thu của vị vua sáng lập triều Nguyễn. Thật là thỏa mãn ước mơ. Chuyến đi gian khổ trở thành kỳ thú.
Theo dòng Tả Trạch. Cùng người hướng dẫn đoàn chúng tôi men theo con đường nhỏ ven sông Tả Trạch đi ngược lên phía thượng nguồn khoảng mươi cây số. Rồi theo cầu phao vượt sông bằng xe gắn máy, cảm giác thật kỳ thú. Nước trong xanh hai bờ sông cây cối rậm rạp. Nhìn xa xa hàng chục ngọn núi lớn nhỏ in trên nền trời. Xe gắn máy đèo từng người theo đường đất đến lăng Gia Long.
Thiên Thọ lăng
Vị vua đầu triều Nguyễn an nghỉ ngàn thu tại Thiên Thọ lăng. Chúa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua niên hiệu Gia Long năm 1802 mất năm 1820 trị vì 18 năm thọ 57 tuổi. Nghe kể thầy địa lý Lê Duy Thanh con trai nhà bác học Lê Quý Đôn tìm được thế đất này tại xã Hương Thọ thị xã Hương Trà tỉnh Thừa Thiên Huế. Xây dựng từ 1814, hoàn thành khoảng 6 năm. Vị trí phong thủy đẹp nhất các lăng.
Dựa vào núi xây dựng lăng (Nhân sơn chế lăng). Phối trí Thiên Thọ Sơn với rừng núi suối khe trùng điệp. Có 34 ngọn núi chầu về (sơn triều), thêm 8 ngọn núi khác gồm núi Thiên Thọ án ngữ phía trước, bảy ngọn núi hầu cận ở phía sau. Hai dòng Tả Hữu Trạch từ dãy Trường Sơn đổ về (thủy tụ), rồi hợp thành sông Hương ở ngã ba Tuần.
Lăng tẩm của vua và Thừa Thiên Cao Hoàng hậu (mẹ hoàng tử Cảnh) trên đồi Chính Trung ở vị trí trang trọng nhất. Chuyện tình sắt son của vua dành cho hoàng hậu: hai mộ đá lớn bằng nhau rất giản dị cách nhau một gang tay. Lần này viếng lăng, vợ chồng tôi lại được bái vọng. Hiểu thêm “ý lăng” sâu thẳm.
Lăng Minh Mạng (Hiếu lăng)
Rời lăng Gia Long xe chạy một đoạn đường khang trang rộng rãi rồi vượt qua cầu và sông Hữu Trạch. Rõ là anh em với Tả Trạch: nước trong xanh cây cối dầy đặc hai bờ. Dòng sông chảy thẳng đến ngã ba Tuần.
Hiếu lăng trên núi Cẩm Khê
Anh minh nhất triều Nguyễn. Kế vị vua cha năm 1820, ở ngôi 21 năm, vua Minh Mạng có nhiều đóng góp to lớn, đất nước cường thịnh nhất, mở rộng hơn bao giờ hết. Qua đời năm 1841 thọ 50 tuổi, an nghỉ ngàn thu tại Hiếu lăng.
Vua đích thân thiết kế. Quần thần chọn được ngọn núi Cẩm Khê sau 14 năm tìm kiếm. Vua đích thân xem xét thiết kế lăng, đổi tên núi thành Hiếu Sơn và đặt tên mộ là Hiếu lăng. Năm 1840 bắt đầu xây lăng. Đang thi công vua lâm bệnh băng hà, vua Thiệu Trị tiếp tục xây lăng vua cha, đến năm 1843 thì xong. Hiếu lăng rất uy nghi, kiến trúc cân đối, vẻ đẹp trang nghiêm.
Đường Thần Đạo. Lăng có bố cục kiến trúc cân bằng đối xứng gồm 40 công trình lớn nhỏ, bố trí trên đường Thần Đạo làm một trục kiến trúc từ Đại Hồng môn ở ngoài cùng tới chân tường La thành sau mộ vua.
Bậc đế vương nho sĩ. Lần này viếng lăng tôi ngẩm ra vua Minh Mạng quả là thấm nhuần đạo Nho. Hiển Đức môn xây trên mảnh đất hình vuông, (quan niệm thiên viên địa phương), không gian linh thiêng. Minh Lâu (lầu sáng) là nơi vua suy ngẫm vào những đêm trăng thanh gió mát và là nơi đi về của linh hồn tiên đế. Lầu sáng đậm chất phương Đông, hình vuông, hai tầng tám mái trên đồi Tam Đài Sơn, đỏ son toàn bộ. Tân Nguyệt là cái hồ hình trăng non ôm Bửu thành hình tròn ở giữa, nơi yên nghỉ của nhà vua giữa tâm đồi Khai Trạch Sơn.
Sông Hương
Con sông dùng dằng con sông không chảy – thơ Thu Bồn.
Tả và Hữu Trạch như hẹn gặp để tạo nên sông Hương tại ngã ba Tuần. Dòng sông trở nên rộng lớn lại hiền hòa hơn. Do độ dốc của dòng nước so với mặt biển không chênh lệch nhiều nên nước sông chảy chậm. Nước sông trong veo dòng chảy nhẹ nhàng, chậm rãi tạo nên con sông nổi tiếng của Huế.
Từ Bằng Lãng đến cửa Thuận An sông dài khoảng 33km, lượn qua các làng mạc trù phú, rồi vào giữa lòng thành phố Huế, lại tiếp tục uốn lượn qua các miền quê trước khi ra biển.
Đi thuyền trên sông phong cảnh hút hồn du khách. Hai bên bờ sông đền đài thành quách, chợ búa, vườn tược, chùa chiền,… Nhận nước sông Bồ, tiếp nước Ô Lâu vào phá Tam Giang rồi ra biển tại cửa Thuận An. Dòng sông Hương an bình, thanh lịch và cảnh vật đẹp đẽ của Huế.
Tên gọi sông Hương. Theo thời gian dòng sông mang nhiều tên khác nhau. Nguyễn Trãi (1435) ghi là sông Linh. Năm 1555, Dương Văn An dùng tên Kim Trà đại giang. Lê Quý Đôn gọi sông Hương Trà.
Một giải thích dễ hiểu hơn. Dòng sông chảy qua nhiều cánh rừng, qua các làng mạc xanh tươi, rợp bóng cây quyện theo mùi thơm của các loài hoa xứ Huế. Từ đó có tên gọi sông Hương.
Ngã ba Bằng Lẵng. Cái tên này như hợp với cảnh trí sông núi mộng mơ.
Nghe kể vua Minh Mạng ngự thuyền qua nơi này mê mẫn non nước hữu tình:
“Một thước nước in trời. Đò ai chiếc lá khơi
Non cao xem vòi vọi. Dòng biếc thấy vơi vơi…”.
Bài và ảnh Nguyễn Chấn Hùng, Trần Kim Liên (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này