11:20 - 20/02/2024
Bánh gạo dừa ở xứ 1001 sản phẩm từ dừa
Kêu tên bánh gạo dừa trước vì hopper có tên tuổi trong làng ẩm thực thế giới. Năm 2022, cùng với phở, bánh mì, cà phê sữa Việt, hopper (còn gọi appam) của Sri Lanka lọt vô bình chọn 50 món ăn đường phố ngon nhất châu Á, của CNN Hoa Kỳ.
Có chút lấn cấn khi hopper, cũng như phở, thường bán trong quán, nhà hàng nhiều hơn lề đường. Nhưng hơi lạ và khá thú vị là đã có nước cốt dừa trong thành phần, khi ăn mấy thứ đi kèm hopper phần lớn cũng từ dừa – sợ chưa đủ độ béo ngọt sao?! Lang thang bển, mới ngộ ra là có thể lạ ở quốc gia khác nhưng ở đảo quốc hình giọt lệ thì có lẽ không. Mà không chỉ hopper, còn rất nhiều thứ liên đới tới dừa ở xứ này.
Dừa từ ngàn xưa tới ngày nay
Những năm gần đây, sản lượng dừa Việt Nam tăng dần, xếp thứ 6 trong các quốc gia sản xuất, xuất khẩu dừa, sản phẩm từ dừa hàng đầu thế giới. Sri Lanka cao hơn, thứ 4, sau Indonesia, Ấn Độ, Philippines – 3 vị trí đầu này thay đổi tùy năm. Nhưng khi biết thêm diện tích Sri Lanka chỉ 65.610km2, khoảng 1/5 so với Việt Nam 331.212km2, sẽ thấy rõ dừa quan trọng như thế nào trong canh tác nông nghiệp ở xứ đảo. Theo số liệu Bộ Nông nghiệp bển, dừa chiếm 20% tỷ trọng đất đai canh tác nông nghiệp, so với Việt Nam thì chủ yếu là lúa gạo, cà phê… Nên không chỉ được trồng trọt, đóng góp nhiều về kinh tế, ở Sri Lanka dừa còn tham gia nhiều hơn vào cuộc sống hàng ngày, trong văn hóa, tôn giáo… Đặc biệt ẩm thực, khi có thể nói là có mặt trong từng bữa ăn hàng ngày xứ bển, dạng này, dạng khác.
Người Việt rất quý, luôn nhấn mạnh việc dừa rất đặc biệt khi sử dụng được mọi thứ từ thân tới lá, ngay khi chết cũng còn cái cổ hủ ngon lành dâng hiến hay cả “phụ phẩm” trước khi chết là mấy con đuông béo múp… Nhưng nước Việt vẫn chưa vinh danh dừa nhiều như Sri Lanka, khi kêu cái tên thật ý nghĩa, kapruka, có nghĩa “the tree of life” – “cây của sự sống”. Điều lý thú hơn nữa là xứ bển nhiều dân tộc, ngôn ngữ, cái tên chung của dừa trước giờ luôn có nghĩa là “cây của sự sống”.
Có thể dễ hiểu hơn sự quý trọng dừa của người xứ đảo khi tìm hiểu thêm nguồn gốc. Sử liệu mình chưa rõ dừa có từ bao giờ, lại khá rõ bên đó. Bi ký, sổ sách ghi chép xa xưa nhất về dừa ở Ceylon, tên cũ của Sri Lanka, hồi trước mình kêu là Tích Lan, là vào năm 300 Tr.CN, khi sứ thần của đảo quốc qua dâng tặng lễ vật cho vua Ấn Độ lúc bấy giờ. Tới thế kỷ 5, ghi chép của thương gia Ả Rập, nhà sư Phổ Hiền, Trung Quốc trong hành trình thỉnh kinh học đạo cũng đã nhắc tới sự hiện diện không chỉ dừa mà cả rượu dừa ở Tích Lan. Còn theo sử thi Mahawamsa, vua Agga Boddi I đã thành lập đồn điền dừa, có lẽ là đầu tiên trên xứ đảo, vào năm 589… Như vậy, dễ thấy lịch sử lâu đời, cũng như sự gắn kết của dừa với dân đảo quốc, xứ của dừa.
Xứ của đủ thứ từ dừa
Như nói trên, người Việt tự hào là dùng hết mọi thứ từ dừa, nhưng có lẽ vẫn chưa bằng Tích Lan. Ví dụ như rễ, ngoài việc đơn giản làm chất đốt, ở thôn quê, thời chưa công nghiệp hóa và ngay giờ vẫn còn, rễ dừa được dùng như bàn chải đánh răng. Nước rễ dừa nấu có tính sát khuẩn, dùng trị mẩn ngứa hay nước súc miệng… Còn bông dừa, người Việt sử dụng ít, bên đó trích lấy mật dừa để làm nước giải khát hay nấu rượu. Bông dừa còn độc đáo hơn khi đưa vào các spa sang chảnh, để dùng trong các liệu pháp y học cổ truyền Ayuverdic và đương nhiên thường đồng hành cùng “đồng bọn” dầu dừa.
Nên, bên đó dừa được dùng cho rất nhiều nhu cầu thiết yếu như thực phẩm, đồ uống, dầu, thuốc, chất xơ, gỗ, tranh, chiếu, làm nhiên liệu và đồ dùng sinh hoạt… Hơn nữa, dừa còn được nhấn mạnh trong việc bảo vệ môi trường khi chịu mặn tốt, để chống xói mòn đất ở các vùng ven biển, bảo vệ đất đai, tạo bóng mát cho các loại cây trồng… Có thời gian bên đó người dân hạ dừa quá nhiều để lấy gỗ làm nhà… chính phủ phải đưa ra các chương trình hỗ trợ để giảm việc chặt dừa.
Không chỉ có ý nghĩa trong ẩm thực, xây dựng… dừa hiện diện cả trong tâm linh. Lá, hoa dùng ở đám cưới, nghi lễ tôn giáo, hội hè. Trong nghi lễ Poruva, phải có các chậu gạo cắm bông dừa đặt ở bốn góc. Tại lễ Thovil, nghệ sĩ múa cùng bông dừa. Tin rằng ma quỷ sợ bông dừa nên khi có dịch bệnh, người dân thường tổ chức cuộc thi chẻ dừa. Bữa tôi lang thang tới ngôi đền Hindu cổ Maha Devale ở Kataragama miền nam đảo, thấy người dân thành kính đốt lửa trên dừa để dâng cúng… rồi đập vỡ sau đó. Trong Hindu giáo, trái dừa có phẩm chất Sattva – bao gồm tính thuần khiết, trong sáng và cân bằng, nên dùng trong thờ cúng. Hay thú vị khi họ cho rằng 3 con mắt của sọ dừa là 3 mắt của thần Siva (!?).
Quay lại với hopper, có từ hơn 2000 năm trước bên Ấn Độ, giờ là món quen của người Sri Lanka. Làm từ bột gạo được cho lên men qua đêm để thay đổi vị hương, cấu trúc, sẽ nhồi với nước cốt dừa, nêm nếm đường, muối cân vị chua… Hỗn hợp sau đó được tráng trong nồi nhỏ, kiểu tráng bánh xèo nhưng không dầu mỡ. Tráng bột lên cả thân nồi, nên khi mới lấy, bánh có hình cái tô. Giòn, béo, chua ngọt nhẹ và thơm mùi bột gạo xem xém lẫn mùi nước cốt dừa. Nếu để lâu hopper có thể mềm lại như kiểu bánh kếp (crêpe). Bánh có thể cho thêm cái trứng ở giữa, với kiểu tráng này thường chín lòng đào.
Thú vị là với phiên bản có trứng, hopper lọt vào bình chọn khác, trong danh sách những món ăn có trứng ngon nhất thế giới – CNN, 2020. Món hopper, trứng hoặc không, thường dọn với chuppy – kiểu xốt sền sệt, đa dạng ngọt tới mặn, nhưng hay gặp nhất là ăn kèm với xốt cay sambol hay các món càri. Xốt cay sambol và càri, hầu như trên bàn ăn mỗi bữa xứ bển, đều có thành phần nước cốt dừa, dừa nạo, dừa rang… Nên hopper gom khá nhiều thứ của dừa, làm tăng thêm độ béo ngọt, đưa chúng trở thành “quốc bảo” xứ đảo, vô danh sách 50 món ăn đường phố ngon lành nhất châu Á, theo CNN Mỹ 2022.
Sống chung, trân quý dừa, qua bao đời nên bên đảo quốc đa dạng phẩm vật từ dừa. Như sữa dừa đặc có đường, sữa dừa gầy (skim milk – bỏ chất béo), đủ thứ nước dừa đóng lon chai nhiều vị hương táo cam xoài ổi… Ngay như thứ thường bỏ lơ bên mình là gân lá, cũng là nguyên liệu làm giỏ xách, rổ rá, bình hoa… cả xuất khẩu. Nên, thiết nghĩ nếu muốn tăng tính đa dạng đầu ra của dừa Việt, việc tham quan học hỏi kinh nghiệm bển khá cần. Nếu không, xem như chuyến thưởng ngoạn. Vì ngoài những câu chuyện lý thú về dừa, quốc đảo hình giọt lệ lung linh miền xích đạo còn là thiên đường du lịch đầy hấp dẫn.
Thái Hoãn (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này