16:24 - 07/03/2024
Thị trường 24/7: Vàng miếng SJC lập kỷ lục gần 82 triệu đồng mỗi lượng; Giá cà phê vượt mức 90.000 đồng/kg
Vàng miếng SJC lập kỷ lục gần 82 triệu đồng mỗi lượng: Đầu giờ chiều 7/3, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng ở mức 79,8 – 81,8 triệu đồng/lượng, tăng 800.000 đồng so với cuối phiên trước và lập thêm kỷ lục mới về giá.
Vàng nhẫn cũng đang xô đổ các kỷ lục trước đó. Nhẫn SJC 99,99 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ tăng 250.000 đồng chiều mua và 300.000 đồng chiều bán lên mức 66,85 – 68,1 triệu đồng/lượng. Nhẫn tròn của DOJI chiều nay mua bán ở mức 67,5 – 68,8 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước tăng mạnh trong bối cảnh giá vàng giao ngay trên Kitco lên 2.155 USD/ounce. Theo đó, giá vàng miếng SJC đang cao hơn thế giới 16,3 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn cao hơn thế giới 2,9 triệu đồng/lượng.
Phiên 7/3, tỷ giá USD trên thị trường tự do bất ngờ lao dốc, giảm 200 đồng chiều bán và giảm 280 đồng chiều mua, về mức 25.280 – 25.350 đồng/USD (mua vào – bán ra). Tại Vietcombank, tỷ giá USD/VND hôm nay tăng thêm 10 đồng, hiện ở mức 24.500 – 24.870 đồng/USD.
Giá xăng, dầu cùng giảm: Ngày 7/3, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Theo đó, từ 15 giờ, xăng E5RON92 giảm 240 đồng/lít, có giá bán mới không cao hơn 22.512 đồng/lít; xăng RON95 giảm 372 đồng/lít, có giá bán 23.557 đồng/lít.
Tương tự, dầu diesel giảm 302 đồng/lít, có giá 20.471 đồng/lít; dầu hỏa giảm 176 đồng/lít, có giá mới là 20.609 đồng/lít. Riêng dầu mazut có giá 16.133 đồng/kg sau khi tăng 174 đồng/kg so với giá cơ sở hiện hành.
Tại kỳ này, Liên Bộ thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg; không chi quỹ với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng – giảm đan xen. Tại kỳ điều hành gần nhất ngày 29/2, giá xăng được điều chỉnh tăng, trong khi giá dầu giảm.
Doanh nghiệp vẫn khó vay tiền: Báo cáo tình hình doanh nghiệp tháng 2, Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho rằng dù phía Ngân hàng Nhà nước đã có một số hỗ trợ (cơ cấu thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, ưu đãi 2% lãi suất vay), tình hình vay vốn của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo khảo sát của HUBA, hiện 41% doanh nghiệp đã không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn. Do đó, hiệp hội kiến nghị ngân hàng xem xét tăng tỷ lệ thế chấp các tài sản này, thực hiện mở rộng cho vay theo hợp đồng, với các tài sản và quyền tài sản hình thành trong tương lai.
Mặt khác, hiệp hội cũng cho rằng phía ngân hàng có thể xem xét ân hạn nợ bên cạnh việc gia hạn. Theo đó, doanh nghiệp gia hạn nợ được phép hoàn trả khoản vốn vay gia hạn tại năm cuối cùng của kỳ hạn vay, thay vì phải trả ngay khi hết gia hạn, làm tăng gấp đôi số tiền phải trả trong năm tiếp theo, gây khó khăn kép.
Tồn kho gạo thế giới thấp nhất 6 năm qua: Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ về ngành hàng lúa gạo, tồn kho cuối kỳ toàn cầu niên vụ 2023/24 dự kiến ở mức 167,2 triệu tấn. Llượng tồn kho này thấp hơn 9,2 triệu tấn so với một năm trước và là nhỏ nhất trong 6 năm. Mức giảm tồn kho được ghi nhận ở các quốc gia như Trung Quốc, Nigeria, Pakistan, Philippines và cả Mỹ.
Đáng chú ý, kho dự trữ gạo lớn nhất thế giới là Trung Quốc giảm 6,4 triệu tấn tương đương 5%, xuống còn 101,4 triệu tấn. Bên cạnh đó, nước đông dân nhất thế giới và cũng là nơi có kho dự trữ lớn thứ 2 là Ấn Độ lượng tồn kho giảm 6% xuống chỉ còn 33 triệu tấn. Đây là 2 kho dự trữ gạo lớn nhất thế giới với hơn 80% lượng tồn kho toàn cầu.
Trong khi lượng gạo tồn kho giảm mạnh thì nguồn cung gạo chỉ tăng nhẹ 0,7 triệu tấn, đạt con số 690 triệu tấn, thấp hơn đến 6,2 triệu tấn so với năm trước và là năm thứ hai liên tiếp nguồn cung gạo toàn cầu giảm.
Giá cà phê tiếp tục tăng: Ngày 7/3, giá cà phê trong nước đã ở mức 90.000 đồng/kg. Nhiều dự đoán giá “vàng đen” này sẽ tiến tới mức 100.000 đồng/kg là điều không xa, vì thị trường thế giới đang rất hạn chế nguồn cung.
Tại Đắk Lắk là 90.000 đồng/kg; Đắk Nông 90.100 đồng/kg, Gia Lai 88.900 đồng/kg và thấp nhất là Lâm Đồng 88.900 đồng/kg. So với tháng 2/2023, giá cà phê chỉ ở mức 42.000 – 43.000 đồng/kg. Như vậy, giá cà phê đang tăng bứt phá, tăng hơn gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giá cao chưa từng có với cà phê Việt Nam.
Còn thị trường thế giới, hôm nay giá cà phê robusta bất ngờ tăng mạnh trở lại, mức tăng từ 104 – 129 USD/tấn. Giá cà phê arabica Brazil cũng tăng lên 234,40 USD/tấn…
Theo dự báo của nhiều doanh nghiệp, giá cà phê vẫn còn có khả năng tăng tiếp do thị trường thế giới “khát” nguồn cung, Việt Nam vẫn “một mình một chợ” vì ảnh hưởng El Nino nên cà phê Indonesia giảm sâu sản lượng.
Xuất khẩu wasabi tăng mạnh theo “làn sóng” phổ biến của ẩm thực Nhật Bản: Xuất khẩu wasabi của Nhật Bản đang tăng lên, khi ngày càng có nhiều người nước ngoài yêu thích hương vị độc đáo từ loại gia vị cay nồng, đặc trưng này.
Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, số lượng nhà hàng của nước này ở nước ngoài tính đến năm 2023 là khoảng 187.000 nhà hàng – tăng 20% so với cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2021. Mặc dù wasabi cũng được sản xuất ở nước ngoài, bao gồm cả ở Trung Quốc, nhưng wasabi có nguồn gốc từ Nhật Bản vẫn được ưa thích nhất.
Nhu cầu từ khách du lịch trong nước cũng mang lại lợi ích cho ngành trồng trọt và chế biến wasabi Nhật Bản. Số lượng khách du lịch nước ngoài đến thăm quốc gia Nam Á đang tăng trở lại sau đại dịch COVID-19 và ngày càng nhiều người nước ngoài làm quen với ẩm thực Nhật Bản.
Fed để ngỏ khả năng giảm lãi suất cuối năm: Trong bài phát biểu trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện hôm thứ tư (6/3), Chủ tịch Fed Jerome Powell nói lạm phát nhanh và dữ liệu tuyển dụng mạnh mẽ của tháng 1 không làm thay đổi kỳ vọng rằng việc giảm lãi suất vào cuối năm nay là “có khả năng sẽ phù hợp”.
Tuy nhiên, Fed muốn có thêm bằng chứng cho thấy lạm phát đang chậm lại một cách bền vững về mốc 2%. Ông Powell lưu ý việc cắt giảm lãi suất “thực sự sẽ phụ thuộc vào hướng đi của nền kinh tế. “Trọng tâm của chúng tôi là ổn định việc làm và giá cả một cách tối đa. Chúng tôi sẽ xem xét các dữ liệu sắp tới vì chúng ảnh hưởng đến triển vọng”, ông nói.
Hai năm qua, Fed đã tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất 40 năm để chống lại lạm phát. Kể từ tháng 7/2023 đến nay, họ giữ lãi suất chuẩn ở mức từ 5,25-5,5%.
Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao năm 2031: Phóng viên TTXVN tại New Delhi dẫn Báo cáo Triển vọng Ấn Độ do công ty xếp hạng Crisil công bố ngày 6/3 (giờ địa phương) cho rằng nền kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới này – dự kiến tăng trưởng 6,8% trong năm tài chính tiếp theo – có thể đạt được vị thế thu nhập trung bình cao vào năm 2031.
Dự báo trên được đưa ra dựa vào những cải cách trong nước và các yếu tố mang tính chu kỳ, có tiềm năng vượt qua kỳ vọng, hướng tới nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Báo cáo có đoạn: “Sau mức tăng trưởng 7,6% tốt hơn mong đợi trong tài khóa này, GDP (Tổng thu nhập quốc nội ) của Ấn Độ có thể sẽ ở mức vừa phải là 6,8% trong tài khóa 2025”.
Cũng theo Crisil, trong 7 năm tới, từ 2025-2031, giá trị nền kinh tế Ấn Độ dự kiến vượt 5 nghìn tỷ USD, tiến gần hơn tới 7 nghìn tỷ USD. Ấn Độ thậm chí có khả năng vượt qua triển vọng tăng trưởng của mình khi đặt mục tiêu trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong 7 năm tới, với mức tăng trưởng trung bình 6,7%. Crisil dự báo, đến năm tài chính 2031, thu nhập bình quân đầu người của nền kinh tế hiện đứng thứ 5 thế giới này sẽ đạt 4.500 USD.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này