10:10 - 15/04/2024
Giá cà phê có thể tăng lên mức 120.000 đồng/kg
Khô hạn kéo dài tại Tây Nguyên có thể khiến sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2024-2025 tiếp tục giảm sâu, làm tình trạng thiếu hụt nguồn cung, đẩy giá tăng vọt lên các mức cao mới.
Giá cà phê trong nước ngày 14/4, dao động trong khoảng 109.500 đồng/kg và 110.000 đồng/kg, tiếp đà tăng 1.000 đồng/kg ngày cuối tuần.
Cụ thể, 2 tỉnh Gia Lai và Đắk Nông đang neo ở mức thấp nhất và cao nhất là 109.500 đồng/kg và 110.000 đồng/kg.
Sau khi điều chỉnh tăng, Lâm Đồng và Đắk Lắk nâng giá thu mua cà phê lên mức tương ứng là 109.000 đồng/kg và 109.800 đồng/kg.
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 5 tăng 57 USD/tấn, ở mức 3.900 USD/tấn; giao tháng 7 tăng 62 USD/tấn, ở mức 3.852 USD/tấn.
Tổng kết tuần, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 5 tăng tất cả 156 USD. 2 tuần đầu tháng 4, cà phê trong nước tăng hơn 10.000 đồng/kg, vượt 110.000 đồng/kg.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, hiện nay, khu vực Tây Nguyên – vùng trồng cà phê lớn nhất của Việt Nam đang đối mặt tình trạng diện tích bị thu hẹp. Khô hạn do nắng nóng gay gắt và mực nước ngầm giảm sâu dẫn đến thiếu nước tưới nên sản lượng cà phê niên vụ tới có thể tiếp tục giảm.
Trong khi đó, nhu cầu thị trường tiếp tục ở mức cao và Việt Nam đang là nguồn cung cà phê lớn thứ hai trên thế giới; đồng thời, niên vụ 2023-2024, Việt Nam cũng là nước thu hoạch đầu tiên nên tác động mạnh tới giá của thế giới.
Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) nhận định, doanh nghiệp đang giao dịch ở mức 110.000 đồng/kg. Nếu giá cà phê tăng lên 120.000 đồng/kg cũng là bình thường, do nhu cầu thế giới cao trong khi nguồn cung từ Việt Nam đang cạn kiệt.
Theo các chuyên gia, sản lượng cà phê thực tế thấp hơn tính toán. Các thông tin cho rằng lượng tồn kho cà phê trong dân và đại lý còn nhiều không có cơ sở chắc chắn, bởi với tâm lý của người dân, khi giá cà phê tăng từ dưới 50.000 đồng/kg lên 90.000 đồng/kg chỉ trong vài tháng thì không ai dám dự trữ số lượng lớn.
Ước tính sản lượng cà phê còn trong dân và đại lý khoảng 300.000 tấn. Trong khi đó, tính trung bình 6 tháng còn lại của niên vụ cà phê 2023–2024, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần khoảng 80.000 tấn.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 3 đạt gần 189.000 tấn, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2023. Nhưng giới trong ngành đang đề cập vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng cà phê nguyên liệu trong hai năm trở lại đây. Việc thu mua cà phê trong nước ngày càng khó khăn và rủi ro.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VICOFA cho hay, niên vụ cà phê 2023–2024 của nước ta đã đi được nửa chặng đường. Trong 6 tháng qua, Việt Nam đã xuất khẩu được 956.000 tấn cà phê, giảm 1% về lượng nhưng giá trị đạt hơn 40% so với cùng kỳ năm trước nhờ giá cà phê tăng mạnh.
Tuy nhiên, cũng vì giá cà phê biến động mạnh nên chuỗi sản xuất, chế biến, thu mua cung ứng và kinh doanh cà phê xuất khẩu đang đối mặt nhiều thách thức. Đặc biệt, đã xảy ra tình trạng các bên tham gia chuỗi không giao hàng theo đúng hợp đồng đã ký, dù đã bàn bạc chia sẻ rủi ro.
Theo Đức Trung/SGGP-ĐTTC
Ngày đăng: 15/4/2024
Có thể bạn quan tâm
Lần đầu tiên, Việt Nam xuất khẩu thịt heo theo đường chính ngạch
Xuất khẩu cá tra tiếp tục đi xuống
Giá lương thực toàn cầu tăng, gạo Việt hưởng lợi
Giảm bán thô để chuyển qua hàng chế biến
Hàn Quốc nâng cấp tiêu chuẩn an toàn thực phẩm
Tags:giá cà phê
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này