15:14 - 31/05/2017
Tự cởi trói, khỏi cần hộ chiếu
Chiếc phao “trại nuôi heo” đã cứu khổ cứu nạn ông Cao Huỳnh Lâm sau khi cơn bão số 9 năm 2006 dìm mấy bè cá, trên 80 tấn cá trôi tuột ra sông.
Trại heo, do ông tự tay phối trộn thức ăn, tự lập hệ thống phòng dịch, tự đánh mã số chuồng trại… duy nhất ở Mang Thít, Vĩnh Long. Bây giờ, có nguồn nguyên liệu sạch từ trại nuôi heo sạch, trại nấm sạch và trải nghiệm trên thớt thịt… ông Lâm nói cơn quẫn bách phải cậy tới kênh ngoại giao để giải cứu heo khiến ông sục sôi ý định lập xưởng chế biến chả giò, chà bông, bột nấm… để không bao giờ phải cầu cứu ai cả.
Chủ trang trại ra thớt thịt
Ngày hôm qua, xẻ thịt bán hết bốn con heo tại quầy treo bảng Trang trại Minh An, ông Lâm, chủ trang trại Minh An, nói Co.opmart Vĩnh Long khiến ông thấm thía từ “giải cứu”.
Heo từ trại Minh An có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc từng cá thể nên bà con mua thịt, người mua giải cứu người bán khỏi áp lực chẳng đặng đừng. Để đáp lại thịnh tình, ông bán rẻ hơn giá chợ 5.000 đồng/kg. Tuần thứ 2 đưa hàng ra thớt thịt, ông Lâm mắt thâm quầng, thú thiệt: “Bán thịt heo đâu phải dễ. 3 giờ sáng thức dậy, theo người đem heo tới lò mổ, ra thớt tề đầu, xẻ thịt kiểu gì mình chưa biết, nhưng cứ làm”.
Chỉ nói chuyện mổ heo thôi mà cả nhà ông Lâm phản đối. Má ông khuyên: nhà đủ ăn rồi, mình nuôi thôi chứ mổ tội lắm con.
Khi đứa con gái lớn học xong cao học ngành sinh học ở Anh quốc trở về, xin việc làm ở cơ quan nhà nước quá khó khăn, hai cha con có thời gian tự thẩm định cách làm của trang trại, dù chưa bao giờ heo sạch bán được giá, tương xứng công cán đổ ra, nhưng thôi thì cứ làm đúng ngay từ đầu còn hơn ngớ ngẩn khi hỏi các nhà tư vấn: làm sao để ra hàng sạch?
Hành trình của ông Cao Huỳnh Lâm cứ tuần tự tiệm tiến. Đùng một cái, áp lực từ đâu dội tới! 2.500 con heo, 120 con nái trở thành áp lực vì ngày nào cũng phải tự phối chế thức ăn cho ăn, heo tới lứa phải cho vào “bảo sanh viện”… nhưng xuất chuồng lẻ tẻ hoặc phải tự mổ đưa ra thớt theo kiểu “tự sản tự tiêu”. Lúc đầu, ông không tin chăn nuôi có định hướng từ cục, vụ, viện, bộ, ngành phát triển kinh tế hàng hoá mà lại phải dễ dàng chịu áp lực chỉ vì thương lái Trung Quốc ngưng mua. Chỉ vì lượng dôi dư 1 triệu con mà mọi thứ bị dồn vào thế bí.
Cuối cùng thì ông cảm nhận áp lực vô hình ấy đã tràn vào trang trại chăn nuôi 7ha này, đè nặng mọi cố gắng tới mức phải tính cách ngắt quãng dòng heo thịt vài tháng, tính toán lại “nhà bảo sanh” heo giống. Nhưng thực tế cũng khiến ông tự an ủi khi tự định hướng phát triển trại cá, tôm càng xanh, trại nấm, trại rau để phân bố lại dòng vốn, phân tán rủi ro, đa dạng hoá nguồn hàng có thể tự giải cứu thay vì trông đợi kênh ngoại giao.
“Mắt xích”
Khi xẻ thịt bán được ba ngày, mọi thứ tiêu thụ hết, chỉ còn lại cái đùi là bán chậm. Trong khi đó thịt đùi là nguyên liệu rất cần của Chả hoa Năm Thuỵ. Ông Nguyễn Trường Chinh, chủ cơ sở Chả hoa Năm Thuỵ, gặp ông Lâm, hỏi: “Mỗi ngày cơ sở cần 20 con, nhưng thịt làm chả lụa đòi hỏi thịt phải “nóng”, có khó cho chú lắm không?”.
Ông Lâm, học ngành thuỷ sản, nhưng trong nhà có người làm chả nên biết “thịt nóng”, biết bắt heo chở về giết liền thì chất lượng thịt rất tệ, không làm thứ gì ngon chứ đừng nói làm chả lụa. Người mổ phải tách thịt, xẻ “trái bưởi” để bảo quản… Ông Chinh chia sẻ và ông Lâm hình dung những dự định đang trùng khớp tới mức nào.
“Lái mua heo còn trong lồng mà rút ống chích ra định tiêm cho heo ngủ là tôi ngăn vì công tụi tui coi như hết. Nói vậy, nhưng ra khỏi trại thì sao ngăn họ được? Mình nuôi heo, tất cả các khâu làm sạch chỉ cần một khâu không bảo đảm là công cán ở trại thành vô nghĩa”, ông Lâm băn khoăn.
“Nếu bạn có tâm làm hàng đàng hoàng thì tôi bảo đảm từng cá thể, xuất chuồng đều có lý lịch rõ ràng: Sinh ngày nào? Con của ai? Ngăn số mấy? Có bịnh gì không? Tiêm thuốc gì đều có thể truy xuất được hết”, ông Lâm cho biết thêm rằng mình quyết định bán một lô đất ở Hoà Phú để đầu tư, tìm mắt xích ở gần thay vì tìm mắt xích cách xa hàng ngàn cây số.
Khủng hoảng lòng tin
Bà Nguyễn Kim Thanh, chuyên gia trong lĩnh vực kiểm định an toàn thực phẩm (ATTP), nói rằng trong báo cáo của ngân hàng Thế giới (WB), tình trạng các ngành hàng gặp thách thức, nhưng chưa đẩy tới khủng hoảng mà cái chính của khủng hoảng là do lòng tin, một phần do truyền thông.
Trong mối quan tâm của bà Thanh, đạo luật Hiện đại hoá ATTP của Mỹ có rất nhiều cái mới cần biết. Việc kiểm soát ATTP trong khối EU cũng vậy. Đặc biệt, việc quản lý ATTP bởi các tiêu chuẩn tự nguyện và tiêu chuẩn hiệp hội. “Theo báo cáo của WB, Nhà nước nên trao quyền nhiều hơn cho khu vực tư, vì Nhà nước không đi sâu đi sát, không linh động, không có nguồn lực nên để việc quản lý những tiêu chuẩn thị trường ủng hộ theo hướng xã hội hoá”, theo bà, Nhà nước đưa ra khung luật pháp, chuyện giám sát, nghiệp vụ để khối tư nhân làm, cùng hợp tác công – tư.
Tại EU, tiêu chuẩn GlobalGAP được áp dụng cho trang trại gần như được công nhận toàn cầu, mạng lưới thúc đẩy việc áp dụng và các nhà bán lẻ chấp nhận tiêu chuẩn đó khiến cho tổ chức này mạnh lên. GlobalGAP có chương trình công nhận tiêu chuẩn của nước sở tại, có khi là tiêu chuẩn của hội, của ngành khi họ chấp nhận khung đánh giá. Cái chính là chương trình này là họ kèm theo lộ trình để tự mình xem đang đứng ở đâu so với tiêu chuẩn và các nhà định hướng biết phải làm gì nữa. Đó là cách xây dựng lòng tin với các nhà cung cấp.
Tại Việt Nam, các tiêu chuẩn, cách đo lường giá trị hàng hoá, cách quản lý chất lượng, ATTP, trách nhiệm của các doanh nghiệp khi tạo ra sản phẩm đang được hội nói trên, một số nhà bán lẻ thực hiện. Tuy nhiên, các quy chuẩn riêng, chưa thừa nhận lẫn nhau. Do đó, cần dựa theo khung giá trị theo luật định, đồng thời thừa nhận những chuẩn mực được thị trường ủng hộ để xây dựng lòng tin.
“Lòng tin không chỉ giải cứu mà sẽ tạo những bước đi cho sự bền vững”, bà Thanh nói.
Vân Anh
bài, ảnh Hoàng Lan
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này