16:21 - 18/03/2024
Thị trường 24/7: Vingroup thoái vốn khỏi Vincom Retail; Kinh tế Trung Quốc ghi nhận tín hiệu khởi sắc
Giá vàng thế giới và trong nước cùng giảm: Trong phiên giao dịch đầu tuần mới (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đang ghi nhận xu hướng giảm nhẹ, phổ biến giao dịch ở mức 2.151 USD/ounce, giảm khoảng 5 USD so với chốt phiên cuối tuần trước.
Giá vàng thế giới yếu đi cũng tác động tới thị trường trong nước, kéo giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn cùng giảm.
Trong đó, giá vàng miếng SJC trong nước hôm nay ghi nhận mức giảm 100.000-300.000 đồng/lượng, hiện neo cao nhất tại vùng 81,5 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng nhẫn cũng giảm tương ứng, xuống vùng 69 triệu đồng/lượng.
Cũng tại SJC, mặt hàng vàng nhẫn 99,99% loại 1-5 chỉ hiện được niêm yết ở mức 67,35 – 68,55 triệu/lượng (mua – bán), giảm 250.000 đồng so với chốt phiên cuối tuần trước.
Gần 48.000 tỷ đồng đổ vào chứng khoán: Áp lực bán tháo xuất hiện ngay sau đợt khớp lệnh ATO khiến cho VN Index có thời điểm “rơi tự do’ hơn 40 điểm.
Tại thời điểm kết phiên sáng 18/3, VN Index giảm gần 36 điểm (2,84%) xuống chỉ còn hơn 1.227 điểm. Toàn sàn HoSE có 461 mã giảm, 38 mã tăng và 31 mã đứng giá.
Bước sang phiên chiều, áp lực cung giá rẻ dần hạ nhiệt khi nhà đầu lấy lại sự bình tĩnh. Ngược lại, dòng tiền bắt đáy vẫn tiếp tục đổ dồn vào thị trường khi hàng loạt mã rơi về vùng giá hấp dẫn. Nhờ vậy, VN Index kết phiên hôm nay với số điểm giảm chỉ nhỉnh hơn con số 20 (tương đương 1,6%) xuống 1.243,5 điểm.
Thanh khoản hiên hôm nay ghi nhận kỷ lục với hơn 1,7 tỷ cổ phiếu được khớp lệnh trên sàn HoSE, tương đương giá trị giao dịch đạt 43.132 tỷ đồng. Tính trên toàn thi trường, tổng giá trị giao dịch đạt gần hơn 47.920 tỷ đồng.
Vingroup sẽ thoái vốn khỏi Vincom Retail: Vingroup quyết định thoái toàn bộ sở hữu tại Công ty Đầu tư và Phát triển Thương mại SDI, từ đó gián tiếp bán cổ phần và chỉ còn giữ 18,8% vốn tại Vincom Retail.
Tập đoàn Vingroup (VIC) vừa công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị thông qua việc tập đoàn và các công ty con sẽ bán phần vốn góp lên tới 100% vốn điều lệ trong Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thương mại SDI.
SDI là công ty sở hữu trên 99% vốn điều lệ của Công ty Kinh doanh Thương mại Sado – cổ đông lớn của Vincom Retail.
Giao dịch dự kiến thực hiện từ tháng 3 đến quý III/2024. Sau khi giao dịch này hoàn tất, SDI, Sado và Vincom Retail không còn là công ty con của Vingroup.
TP.HCM – Tiêu thụ điện tăng kỷ lục do nắng nóng: Theo số liệu từ Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), trong 2 tuần đầu của tháng 3, sản lượng điện nhận tại TP.HCM đạt gần 82 triệu kWh/ngày, tăng vượt hơn sản lượng bình quân năm ngoái là 74,5 triệu kWh/ngày.
EVNHCMC dự báo sản lượng điện bình quân ngày của tháng 3 của TP.HCM đạt 84,84 triệu kWh/ngày, tăng 8,31% so với sản lượng điện bình quân ngày của tháng 3/2023 là 78,33 triệu kWh/ngày.
Trước đó, số liệu sản lượng điện tiêu thụ tại TP.HCM bình quân ngày của 2 tháng đầu năm nay đạt 75,34 triệu kWh/ngày, cao hơn 11,39% (tương đương 7,7 triệu kWh/ngày) so cùng kỳ năm ngoái.
Theo EVNHCMC, phụ tải điện sinh hoạt tại TP.HCM tăng 11,9% (chiếm 49,55% tổng phụ tải); các phụ tải ngoài sinh hoạt (chiếm 50,45% tổng phụ tải) tăng 7,32%. Trong đó, phụ tải có tỷ trọng lớn nhất là công nghiệp và xây dựng (chiếm 29,49% tổng phụ tải).
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng mở công ty phát triển trạm sạc xe điện toàn cầu: Ngày 18/3, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, đồng thời là nhà sáng lập VinFast – ông Phạm Nhật Vượng công bố thành lập Công ty Phát triển Trạm sạc Toàn cầu V-GREEN.
Mục tiêu của V-GREEN là đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng trạm sạc nhằm hỗ trợ tối đa cho VinFast nhanh chóng vươn ra toàn cầu, đồng thời đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có mật độ trạm sạc xe điện lớn nhất thế giới.
Công ty V-GREEN do nhà sáng lập VinFast thành lập với tỷ lệ sở hữu 90% cổ phần, được tách ra từ bộ phận phát triển trạm sạc của hãng xe điện VinFast. V-GREEN sẽ hoạt động hoàn toàn độc lập trong vai trò đối tác phát triển mạng lưới trạm sạc cho VinFast trên quy mô toàn cầu.
Theo đó, công ty sẽ chịu trách nhiệm đầu tư toàn bộ hạ tầng xe điện, qua đó giảm tải áp lực tài chính và triển khai cho VinFast để hãng xe tập trung mở rộng thị trường và phát triển bền vững.
Kinh tế Trung Quốc ghi nhận tín hiệu khởi sắc: Ngày 18/3, Cục Thống kê quốc gia (NBS) Trung Quốc công bố một loạt báo cáo kinh tế, phản ánh những dấu hiệu tăng trưởng tích cực của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Số liệu của NBS cho thấy tổng sản lượng công nghiệp giá trị gia tăng của Trung Quốc, một chỉ số kinh tế quan trọng, đã tăng 7% trong 2 tháng đầu năm nay. Tốc độ tăng trưởng này nhanh hơn 0,2 điểm phần trăm so với tháng 12/2023. Trên cơ sở tháng, sản lượng công nghiệp trong tháng 2 tăng 0,56% so với tháng trước.
Sản lượng công nghiệp là chỉ dấu đo lường hoạt động của các doanh nghiệp có doanh thu kinh doanh hằng năm tối thiểu là 20 triệu Nhân dân tệ (khoảng 2,82 triệu USD).
Trong cùng giai đoạn, doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng của Trung Quốc, một chỉ số quan trọng phản ánh sức mạnh tiêu dùng của cả nước, đã tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hàn Quốc điều tra Netflix, Wavve: Theo hãng tin Yonhap, Ủy ban thương mại công bằng (FTC) – cơ quan chống độc quyền của Hàn Quốc – đã mở một cuộc thanh tra tại chỗ các nền tảng phát video trực tuyến Netflix và Wavve do nghi ngờ các nền tảng này không thông báo đúng cho người dùng về các điều khoản hủy sớm thuê bao.
Các quan chức trong ngành cho biết FTC đã phái các thanh tra viên đến các văn phòng của Netflix và Wavve tại Seoul và tìm được các tài liệu về các điều khoản sử dụng và các biện pháp chính sách đối với khách hàng liên quan việc hủy thuê bao dịch vụ.
Netflix và Wavve bị cáo buộc gây khó khăn cho người dùng trong việc hủy sớm thuê bao và nhận hoàn tiền một phần hoặc không cung cấp cho người dùng đủ thông tin về cách thức hủy thuê bao trong thời hạn thanh toán.
EU xem xét nới lỏng các quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp: Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất nới lỏng một loạt quy định trong việc để đất hoang hoặc luân canh cây trồng, đưa ra những nhượng bộ với người nông dân khi họ biểu tình khắp châu Âu trong vài tháng qua.
EC sẽ gửi các đề xuất trên tới 27 chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Nghị viện châu Âu, đưa ra giải pháp nhằm nâng cao vị thế của người nông dân trong chuỗi cung ứng nông sản.
Nông dân ở EU đã biểu tình để đưa ra một loạt yêu cầu như dỡ bỏ các hạn chế theo kế hoạch Thỏa thuận Xanh của EU nhằm ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu.
Danh mục các giải pháp sẽ được bộ trưởng nông nghiệp các nước thảo luận tại cuộc họp ở Brussels vào ngày 26/3.
Theo BSA Media
Ngày đăng: 18/3/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này