16:20 - 26/02/2024
Thị trường 24/7: USD ngân hàng vượt mốc 25.000 đồng; Thái Lan giảm thuế rượu để kích cầu du lịch
Ngân hàng rục rịch tăng lãi suất tiền gửi trở lại: Sau kỳ nghỉ tết, lãi suất tiền gửi vẫn trong xu hướng giảm nhưng vẫn có vài ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng trở lại ở mức từ 0,1-0,4%/năm, trong đó, có cả ngân hàng lớn.
Cụ thể, ngày 23/2, Sacombank vừa điều chỉnh tăng 0,2-0,4% ở các kỳ hạn tiền gửi 1-5 tháng, lên cao nhất 3,6%/năm.
Techcombank cũng vừa tăng 0,2%/năm lãi suất huy động 6 tháng lên cao nhất 3,3%/năm và gửi trực tuyến cao nhất 3,5%/ năm. Lãi suất niêm yết cao nhất tại Techcombank là 5%/năm dành cho khách hàng gửi tối thiểu 3 tỷ đồng kỳ hạn từ 12 tháng.
Trước đó, ACB cũng tăng 0,1-0,3% ở các kỳ hạn, lên cao nhất 4,8%/năm kỳ hạn 12 tháng và mức gửi từ 5 tỷ đồng kỳ hạn này lên 5%/năm. Thậm chí, HDBank đang áp dụng lãi suất tiền gửi 8,1%/ năm dành cho khách hàng gửi số tiền tối thiểu 300 tỷ đồng tại kỳ hạn 13 tháng.
USD ngân hàng vượt mốc 25.000 đồng: Trong phiên giao dịch 26/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam so với USD ở mức 24.004 đồng/USD, tăng 8 đồng so với phiên giao dịch cuối tuần trước.
Với biên độ dao động +/-5%, các ngân hàng thương mại hôm nay được phép giao dịch đồng bạc xanh với tỷ giá trần ở 25.204 đồng/USD và tỷ giá sàn là 22.804 đồng/USD.
Đáng chú ý, tại VPBank, giá giao dịch ngoại tệ này hôm nay đã chính thức vượt mốc 25.000 đồng, hiện cố định ở mức 24.498 – 25.008 đồng/USD (mua – bán), tăng 48 đồng so với cuối tuần trước và tăng 160 đồng so với đầu tuần trước. Với mức giá này, VPBank là ngân hàng đầu tiên niêm yết giá bán USD vượt mốc 25.000 đồng.
Trên thị trường tự do, giá USD tiếp tục neo cao và bỏ xa mốc 25.000 đồng. Tại các điểm thu đổi ngoại tệ tại Hà Nội, giá giao dịch đồng bạc xanh hiện dao động quanh 25.200 – 25.300 đồng/USD (mua – bán).
Gần 5.000 container hàng tồn ở cảng biển TP.HCM: Đến tháng 2, còn gần 5.000 container hàng hóa tồn tại cảng biển, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, theo Hải quan TP.HCM.
Trong đó, hàng tồn quá 90 ngày tại các cảng biển tính đến cuối tháng 1 còn 4.845 container, giảm 247 container so với tháng 12/2023. Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 tồn đọng nhiều nhất. Tiếp đến là Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3, khu vực 4 và cảng Hiệp Phước.
Ngoài ra, hàng tồn tại cửa khẩu đường hàng không có 2.038 dòng hàng, với gần 470.000 tấn. Trong đó, tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất gần 1.700 dòng hàng, với trên 467 tấn; Chi cục Hải quan cửa khẩu chuyển phát nhanh tồn 348 dòng hàng, với gần 2 tấn.
Hải quan TP.HCM cho biết các lô hàng này bao gồm gỗ nhập khẩu, phế liệu và nhiều loại hàng hóa khác. Với hàng phế liệu, nhiều công ty đứng tên nhập khẩu là công ty “ma”. Nhiều lần nhà chức trách thông báo nhưng không đến nhận hàng.
Tháng 2, xuất khẩu rau quả giảm mạnh: Tháng 2, xuất khẩu rau quả ước đạt 290 triệu USD, giảm 41,5% so với tháng trước và sụt 10,9% so với cùng kỳ 2023, theo số liệu vừa được Hiệp hội Rau quả Việt Nam ước tính sơ bộ dựa trên tính toán từ Hải quan.
Theo đó, xuất khẩu rau quả tháng 2 chững lại và quay đầu giảm mạnh nhất trong 2 năm qua. Lũy kế hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 778 triệu USD, tăng 38% so với cùng kỳ 2023 nhờ kim ngạch tháng đầu năm tăng mạnh.
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – cho biết kim ngạch quay đầu giảm trong tháng 2 do trùng dịp nghỉ Tết Nguyên đán nên hải quan và nhân viên bốc xếp Trung Quốc nghỉ khiến lượng hàng xuất khẩu giảm. Các thương nhân mua hàng cũng nghỉ Tết một tuần nên giao dịch chậm lại, nguồn hàng xuất khẩu giảm theo.
Máy bay ‘Made in China’ lần đầu đến Việt Nam: Sau Singapore, Việt Nam là điểm đến nước ngoài thứ 2 của C919 – chiếc máy bay “Made in China”.
Máy bay C919 do Trung Quốc sản xuất đã hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) sáng ngày 26/2. Sau đó gần 1 giờ, chiếc ARJ21-700 cũng hạ cánh.
2 chiếc máy bay nói trên đều là sản phẩm của Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (Comac) với tham vọng cạnh tranh với 2 ông lớn là Boeing và Airbus.
2 chiếc máy bay “Made in China” hạ cánh tại Việt Nam dự kiến để tham dự chuỗi sự kiện Triển lãm và trình diễn Comac Airshow từ 26-29/2.
20 hãng hàng không thế giới thu 33 tỷ USD phí hành lý ký gửi: IdeaWorks, công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Mỹ, cho biết phần lớn các hành khách phải trả thêm khoản tiền không cần thiết cho hành lý (gồm phí kiểm tra, phạt vượt quá cân nặng…) khi sử dụng dịch vụ hàng không.
Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia ngành du lịch thuộc IdeaWorks với 20 hãng hàng không, khoản phí thu từ ký gửi hành lý của họ tăng 15% trong năm ngoái, khoảng 33 tỷ USD.
Nghiên cứu này được đưa ra dựa trên khảo sát từ các hãng hàng không nổi tiếng như American Airlines, Delta, United, Southwest, Emirates…
Hiện, phí hành lý ký gửi nội địa tại Mỹ áp dụng cho hành lý đầu tiên dao động 25-89 USD. Do đó, để tránh bị thu thêm tiền, không ít người buộc đối phó bằng cách mang thêm hành lý xách tay lên máy bay, theo báo cáo của IdeaWorks.
Thái Lan giảm thuế rượu để kích cầu du lịch: Cục Thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc Bộ Tài chính Thái Lan chính thức giảm thuế đối với rượu và các địa điểm giải trí đêm từ ngày 23/2, nhằm thúc đẩy du lịch và chi tiêu trong nước.
Lãnh đạo cơ quan Cục Thuế tiêu thụ đặc biệt Ekniti Nitithanprapas cho biết mức thuế mới phù hợp với các biện pháp đã được nội các Thái Lan phê duyệt vào ngày 2-1 trước đó, nhằm thúc đẩy Thái Lan trở thành trung tâm du lịch.
Thuế suất tính theo giá trị đối với rượu nho và rượu nho có gas đã giảm từ 10% còn 5%.
Thuế suất đối với rượu hoa quả cũng giảm từ 10% còn 0%, mức thuế đối với các loại rượu địa phương (có nồng độ cồn dưới 7 độ) cũng giảm từ 10% còn 0%.
Ngoài ra thuế với các địa điểm giải trí về đêm, bao gồm hộp đêm và quán rượu giảm từ 10% còn 5% từ ngày 23/2 đến ngày 31/12.
Giá dầu châu Á tiếp tục giảm: Giá dầu châu Á nối dài đà giảm vào đầu phiên giao dịch sáng 26/2 sau khi kết thúc tuần qua giảm 2-3%, trong bối cảnh thị trường lo ngại rằng lạm phát tăng dự kiến có thể làm Mỹ trì hoãn hạ lãi suất.
Giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 34 xu Mỹ xuống 81,28 USD/thùng vào lúc 8 giờ 21 phút (giờ Việt Nam), trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 33 xu Mỹ xuống 76,16 USD/thùng.
Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ cho biết, giá dầu thô giảm do thiếu động lực mới. Giá dầu đã bị kẹt giữa các yếu tố tăng giá như sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) giảm và rủi ro địa chính trị gia tăng cũng như lo ngại về nhu cầu yếu ở Trung Quốc”.
Tuy nhiên, ANZ cũng cho rằng dự trữ dầu mỏ có thể bắt đầu giảm trong những tuần tới do các nhà máy lọc dầu hoạt động trở lại sau bảo trì, điều này có thể hỗ trợ giá dầu.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này