
15:44 - 20/10/2023
Thị trường 24/7: Vàng SJC hướng đến kỷ lục mới 71 triệu; Thái Lan lùi thời điểm triển khai ‘ví kỹ thuật số’

Giá vàng trong nước phiên sáng nay tăng mạnh so với phiên hôm qua, đẩy giá mua và giá bán lên gần mốc 71 triệu đồng/lượng.
Vàng SJC hướng đến kỷ lục mới 71 triệu đồng: Mở cửa phiên 20/10, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá mua – bán vàng miếng SJC ở mức 70,15 -70,85 triệu đồng/lượng, tăng 250.000 đồng mỗi lượng so với chốt phiên hôm qua. Còn so với sáng qua, giá vàng miếng đã tăng 500.000 đồng. Chênh lệch giá mua – giá bán ở mức 700.000 đồng/lượng.
Tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, vàng miếng SJC giao dịch ở mức 70,05 – 70,95 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua – bán ở mức 900.000 đồng. CTCP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 70 – 70,8 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, vàng đã tăng phiên thứ ba liên tiếp khi căng thẳng gia tăng ở Trung Đông làm dấy lên nhu cầu trú ẩn an toàn. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,6% ở mức 1.980,50 USD. Giá vàng trên Kitco sáng nay (giờ Việt Nam) giao dịch quanh mức 1.976 USD/ounce. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới gần 12 triệu đồng/lượng.
Ngân hàng lớn thứ 2 Nhật Bản trở thành cổ đông chiến lược của VPBank: VPBank hôm nay (20/10) thông báo đã hoàn tất giao dịch phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho lớn thứ 2 tại Nhật Bản là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC).
VPBank đạt được thỏa thuận phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược SMBC vào cuối tháng 3 vừa qua. Theo đó, VPBank sẽ chào bán hơn 1,19 tỷ cổ phiếu cho SMBC, ngân hàng trực thuộc Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group, Inc. (SMFG).
Tổng giá trị của đợt phát hành đạt hơn 35.900 tỷ đồng (tương đương gần 1,5 tỷ USD). Toàn bộ số cổ phiếu phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 5 năm. Được biết, 10% giá trị đợt chào bán đã được SMBC đặt cọc ngay trước thềm ĐHCĐ thường niên 2023 của ngân hàng tổ chức hồi tháng 4. Khoảng 90% giá trị còn lại của giao dịch sẽ được ghi nhận vào vốn chủ sở hữu của VPBank ngay sau khi giao dịch hoàn tất.
Ấn Độ rút lại quyết định áp đặt hạn chế nhập khẩu máy tính xách tay gây nhiều tranh cãi: Theo Bộ trưởng Bộ Thương mại Ấn Độ Sunil Barthwal, chính phủ chỉ yêu cầu các nhà nhập khẩu máy tính xách tay phải theo dõi chặt chẽ quá trình nhập khẩu.
Trước đó, ngày 3/8, Chính phủ Ấn Độ công bố kế hoạch hạn chế nhập khẩu máy tính xách tay, máy tính bảng, máy tính cá nhân và máy tính có kích thước siêu nhỏ. Đây là một nỗ lực nhằm củng cố chương trình khuyến khích liên kết sản xuất của trong nước đối với phần cứng công nghệ thông tin.
Kế hoạch cũng là một phần trong tham vọng của Ấn Độ trở thành một cường quốc trong chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu, với mục tiêu sản xuất hàng năm đạt giá trị 300 tỷ USD vào năm 2026. Tuy nhiên, kế hoạch đã vấp phải nhiều chỉ trích. Dư luận cũng cho rằng lệnh hạn chế đặc biệt nhắm vào Trung Quốc, nơi xuất xứ của 75% hàng nhập khẩu công nghệ của Ấn Độ với trị giá 5,33 tỷ USD trong năm 2022 – 2023.
Liên minh châu Âu điều tra Facebook và TikTok: Ngày 19/10, Liên minh châu Âu thông báo mở cuộc điều tra đối với mạng xã hội Facebook và TikTok để ngăn chặn việc lan truyền các thông tin sai lệch về cuộc xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel.
Theo Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA), có hiệu lực từ tháng 8, các công ty công nghệ lớn nhất phải đối mặt với các nghĩa vụ bổ sung biện pháp nhằm ngăn chặn nhiều nội dung bất hợp pháp phát triển trên nền tảng của họ hoặc đối mặt với nguy cơ bị phạt nặng. DSA đang được EU thử nghiệm trong cuộc xung đột Israel-Hamas.
Theo tờ My Journal Courier, tùy thuộc vào phản hồi của các công ty công nghệ, Brussels có thể quyết định mở các thủ tục tố tụng chính thức chống lại Meta hoặc TikTok và phạt tiền đối với “thông tin không chính xác, không đầy đủ hoặc gây hiểu nhầm, làm gia tăng sự kỳ thị trong một số cộng đồng, gieo rắc bất ổn xã hội”.
AEON chi 4.300 tỷ mua công ty tài chính của SeaBank: Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank, SSB) vừa thông báo đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ 100% vốn điều lệ của Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu Điện (PTF) cho AEON Financial Service – thành viên của AEON Group, tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản. Giá trị thương vụ chuyển nhượng là 4.300 tỷ đồng.
Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu Điện (PTF) thành lập tháng 10/1998, là một trong những tổ chức tín dụng phi ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam. Năm 2018, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã chuyển nhượng 100% vốn của PTF cho SeABank.
Sau khi ký kết hợp đồng, SeABank cho biết hai bên sẽ xin ý kiến chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền cũng như sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để hoàn tất giao dịch chuyển nhượng. AEON Financial Service, được thành lập năm 1981, là thành viên thuộc mảng tài chính của AEON Group.
Hơn 35.000 vé tàu Tết được mua sau 5 giờ mở bán: Trong ngày đầu đường sắt bán vé tàu Tết Nguyên đán 2024, nhiều chặng từ TP.HCM về các tỉnh miền Trung đã kín người đặt dù giá tăng so với năm ngoái.
Vé đi các đoàn tàu dịp Tết Giáp Thìn 2024 được bán từ 8h ngày 20/10, cho cá nhân mua trực tiếp tại nhà ga, điểm bán vé hoặc qua mạng. Đến 13h30, tổng số chỗ trên các đoàn tàu được khách đặt mua gần 35.400 vé, cho cả thời gian trước và sau Tết. Trong đó, khách đã thanh toán gần 18.000 vé, số còn lại khách được giữ chỗ trong thời gian 24h.
Cùng khoảng thời gian này trong ngày đầu bán vé Tết năm ngoái, tổng số chỗ trên các đoàn tàu được khách đặt thành công hơn 31.500, cho cả thời gian trước và sau Tết. Trong đó, hơn 10.200 vé được thanh toán, chủ yếu chiều đi trước Tết.
Sầu riêng Musang King trồng ở Việt Nam giá thấp kỷ lục: Mỗi kg sầu riêng Musang King được các nhà vườn bán giá 80.000-100.000 đồng, giảm tới 70% so với năm ngoái và thấp nhất từ trước đến nay. Trên thị trường, Ri 6 hiện có giá bán tại vườn là 55.000-80.000 đồng một kg, Monthong 60.000-100.000 đồng, Musang King 70.000-100.000 đồng một kg.
Theo giới buôn, Musang King trồng tại Việt Nam giá giảm mạnh do chất lượng thấp, phần thịt ngọt gắt và dễ ngán. Trong khi đó, sầu giống Thái và Ri 6 quả đồng đều, được khách ưa chuộng. Vì vậy, để bán được hàng Musang King, các đầu mối phải hạ giá bằng với các giống khác, thậm chí thấp hơn nếu mẫu mã kém.
Musang King có nguồn gốc từ Malaysia, đã được người dân khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long trồng thử nghiệm và cho trái ba năm nay. Tuy nhiên, lợi nhuận đạt được từ giống này thấp hơn so với Ri 6 và Monthong.
Thái Lan lùi thời điểm triển khai “ví kỹ thuật số”: Thứ trưởng Tài chính Thái Lan Julapun Amornvivat cho biết kế hoạch của chính phủ nước về triển khai phân phát “ví kỹ thuật số 10.000 baht” (280 USD) cho tất cả công dân Thái Lan trên 16 tuổi sẽ không thể triển khai vào ngày 1/2/2024 như kế hoạch ban đầu.
Giải thích về việc lùi thời điểm triển khai kế hoạch trên, Thứ trưởng Tài chính Julapun Amornvivat cho biết sẽ mất nhiều thời gian hơn để phát triển một hệ thống an toàn. Phát biểu với báo giới ngày 19/10, ông Julapun nói: “Chương trình cần được bảo mật tối đa. Tuy nhiên, chương trình chắc chắn sẽ được khởi động trong quý 1/2024”.
Trước đó, Thủ tướng Srettha Thavisin đã ấn định ngày 1/2/2024 là ngày bắt đầu chương trình phát “ví kỹ thuật số” nói trên. Chính phủ của Thủ tướng Srettha có kế hoạch trao 10.000 baht tiền kỹ thuật số cho mỗi người dân Thái Lan từ 16 tuổi trở lên, với tổng chi phí ước tính là 548 tỷ baht (khoảng 15 tỷ USD). Việc phân phát tiền số có thể được thực hiện thông qua một “siêu ứng dụng” mới.
Có thể bạn quan tâm
Thị trường 24/7: Vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam; Giá dầu giảm hơn 2% khi nỗi lo về nguồn cung lắng dịu
Giá thức ăn chăn nuôi tăng 40%, DN hủy con giống, ngừng nuôi mới
Thị trường 24/7: Giá xăng vượt ngưỡng 23.000 đồng; Shopee thừa nhận vi phạm luật độc quyền ở Indonesia
Thị trường 24/7: TikTok ‘hồi sinh’ tại Mỹ; Sầu riêng Việt Nam ‘tắc đường’ sang Trung Quốc
Thị trường 24/7: Giá vàng miếng vượt 87 triệu đồng; Thái hướng đến tiền điện tử thúc đẩy kinh tế
Tin khác


Thị trường 24/7: Giá vàng nhẫn vượt 96 triệu đồng/lượng; Giá gạo xuất khẩu đảo chiều, tăng liên tục

Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này