10:57 - 20/02/2024
Bali với những chiếc lược chải mây xanh
Đảo du lịch Bali nổi tiếng thế giới ở sự cuốn hút của biển bờ. Nhưng không chỉ có vậy, Bali còn những nét duyên về văn hóa, tôn giáo, kiến trúc đền đài… và đặc biệt khi nhấn nhá thêm nét duyên cho hầu hết những thứ trên là những hàng dừa, cùng tất tật thứ của chúng.
Indonesia là nước sản xuất, xuất khẩu dừa lớn nhất thế giới. Dừa có mặt nơi nơi, từ rất lâu, trên bi ký Talang Tuo, dừa – tên bản địa kelapa được nhắc tới từ năm 684 Dương lịch. Điều thú vị là ở miền biển đảo nổi tiếng Bali, dù không trồng nhiều bằng nơi khác, dừa quan trọng trong cuộc sống hàng ngày, cả đời sống tâm linh. Khác xứ Nam Dương phần lớn theo Islam giáo, người Bali lại là tín đồ Hindu. Từ những dĩa hoa dâng cúng mỗi mai sớm, những lễ hội ken dày… đến bàn ăn mỗi bữa… dễ thấy sự lan tỏa, thâm nhập sâu vào đời sống của dừa, khi hầu như đều có mặt.
Đã xanh đẹp, Bali còn duyên hơn với dừa
Nếu như ở nước Việt, những biển bờ, làng quê, đồng ruộng… được những rặng dừa duyên dáng, với mềm mại những “chiếc lược chải vào mây xanh” (thơ Trần Đăng Khoa) tô vẽ thêm duyên, Bali cũng vậy và hơn nữa. Vì thêm điểm lạ là những hàng dừa soi bóng bên nương đồi bậc thang. Ruộng bậc thang mình nhiều, đẹp nữa là khác nhưng nằm ở miền cao phía bắc, nơi hiếm dừa, nên nét duyên hàng dừa bên đồng bậc thang rất lạ với người Việt. Rị mọ bển kha khá, từng thấy ruộng bậc thang khi mới đổ nước ải lung linh, mạ non xanh mướt hay lúa chín vàng cúi đầu… bên hàng dừa đều thấy lung linh đẹp lạ.
Nổi tiếng với những ngôi đền Hindu đá đen khắp nơi, mấy cung điện xưa cấu trúc tinh tế… dáng dừa xanh vẽ thêm nét quyến rũ. Không chỉ vậy, là xứ sở lễ lạc hội hè, tới nỗi “ngày nào cũng có”… những tàu lá dừa ghép vào những cổng chào, “cây nêu”… trang trí rải đều mọi chốn. Càng xinh xắn hơn với các họa tiết trang trí gút xếp từ lá dừa, từ sắc lá già xanh đậm đến non tơ trắng vàng…
Dĩ nhiên, lừng danh với biển đẹp, không thể thiếu những rặng dừa. Như người Bali tự hào giới thiệu về một trong những nét duyên của mình “bên bãi biển dưới bóng dừa mát rượi, nhấm nháp ly nước dừa ngọt lành, đong đưa trên chiếc võng xơ dừa… thiên đàng ở đâu xa”. Mà dừa với Bali đâu chỉ vậy.
Dừa muôn hình vạn dạng trong đời sống Bali
Trong đời sống hàng ngày, dĩ nhiên ẩm thực sẽ phải đưa lên hàng đầu. Theo SCMP, Hongkong, “dừa hầu như hiện diện trong mọi bữa ăn của người Bali”. Như nước mắm Việt? Mà đúng vậy, dừa hầu hết có mặt, dù lúc ẩn lúc hiện, trong mọi bữa ăn người bản địa. Hiện rõ, dễ thấy là trong các món càri hay na ná càri… rất phổ biến xứ này, khi nước cốt dừa luôn được dùng. Ẩn, nhưng có mặt còn nhiều hơn càri, là xốt sambal, một kiểu gia vị mặn do xào các gia vị chung với nước cốt dừa, luôn có mặt như chén mắm trên bàn ăn Việt. Tây Tàu gì hầu như từng uống khi ghé Bali là những trái dừa mát lành tươi ngọt. Điều khá lý thú, có lẽ ít người để ý là ở bên mình kiểu chặt dừa “ba nhát” gặp nhiều nhất ở Phan Thiết ít thấy chốn khác, thì ở Bali cũng có thấy! Hình ảnh những người phụ nữ đội rổ to cộ đầy dừa đi bán trên những con đường ruộng bậc thang chênh vênh loáng thoáng dáng dừa… là những điểm nhấn ở các điểm tham quan.
Trong đời sống hàng ngày, mà ai từng ghé Bali đều biết tôn giáo đóng vai trò quan trọng đối với người dân, từ việc việc cúng kiếng thần linh mỗi sáng tới các ngày hội tôn giáo nhiều không đếm xuể. Dừa nằm trong năm loại cây thiêng của đạo Hindu, còn được gọi là kalpavriska – cây mong ước vì có thể giúp thần linh nghe thấu những nguyện cầu. Cây dừa, được cho là tượng trưng của Dewi Sri, nữ thần bảo hộ mùa màng và sự phồn thịnh, nên thường hay trồng ở các đền đài. Ngoài việc tham gia vào các nghi lễ cúng lớn, dừa cũng luôn có mặt trong chuyện cúng kiếng mỗi sáng. Đồ cúng, dâng lễ thường giản dị, chủ yếu là hoa và nến, có thể trái cây… và tất cả đều được bày biện trong chiếc khay nhỏ đan bằng lá dừa. Chiếc khay này có thể thấy ở các góc đền đài, chân mấy pho tượng… hay trên lề đường trước các cửa hàng.
Trong đời sống ngày ngày, dừa là nguyên liệu không thể thiếu trong các hội hè bên đó, khi là nguyên liệu trang trí, cấu trúc… Nhiều lễ tết na ná mình, chỉ đặc biệt khác hẳn không có bên Việt là Ngaben, lễ hỏa táng được làm chung một ngày trong năm cho những người đã ra đi của nguyên một xóm, cả làng… Sôi động, ồn ã, rực rỡ sắc màu… mà không thể thiếu sự góp sức của thân dừa dùng để làm các linh thú, đền đài mô hình, lá dừa trang trí đủ kiểu… Tất cả, cùng xương cốt người quá cố, rồi sẽ ra tro bụi trong lửa đỏ rực… là điểm cuốn hút rờn rợn cho những ai may mắn được gặp, hòa mình vào một buổi Ngaben kỳ bí – mà với tôi thì không chỉ một lần.
Trong kỹ nghệ chạm khắc Bali – ukir, có một nhánh dành riêng cho nguyên liệu từ dừa, cả gáo dừa hay gỗ thân dừa. Khá sinh động, kỳ thú hơn mình nhiều khi quá trời họa tiết của cỏ, hoa, chim, cá, rồng, cọp… trên nhiều vật dụng trang trí, tranh, đèn… chứ không chỉ là muỗng đũa tô chén… Kỹ thuật đánh bóng, sơn màu trang trí làm tăng thêm giá trị của chúng.
Nói nào ngay, tôi cũng như khá nhiều khách từ đất nước 3.260km bãi bờ, chưa kể kha khá đảo lớn nhỏ lung linh đẹp, thường lắc đầu khi lần đầu ghé mấy bãi biển Bali danh tiếng. Nhưng rồi từ sự cuốn hút bởi những hàng dừa bên nương đồng thân quen, sự mộc mạc người quê bên những xa hoa xô bồ… mới dừng chân, rồi từ từ bị cuốn hút bởi nhiều những nét duyên khác của Bali. Nên, nếu mới tới còn chưa thấy Bali đẹp, hãy lang thang tìm những nét duyên thầm Bali, mà không thể thiếu các rặng dừa, mấy món ăn, đồ mỹ nghệ từ dừa… để sẽ thấy những góc đẹp khác. Âm thầm, nền nã, duyên dáng, nhẹ nhàng… như những hàng dừa vẫn miệt mài lặng lẽ làm “chiếc lược chải vào trời xanh” làm đẹp thêm Bali.
Hoàng Bảo (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này