12:10 - 05/01/2020
Thành Nam còn lại chút này
Tôi đã đi quanh Bến Thóc, chợ Đò Chè, chợ Rồng, các “phố Hàng” nghe quen thuộc như phố cổ Hà Nội, nhưng lại nằm trên đất Thành Nam (Nam Định).
Đi chơi chợ, chợt nhớ người gánh bèo hoa dâu mặc cả từng đồng bạc lẻ, cánh bèo còn thấm mồ hôi muối trên vai áo bạc. Rồi bước sang năm mới, ai cũng muốn nhà mình khấm khá lên, người theo đạo Phật đi chùa Cổ Lễ. Người theo đạo Thiên Chúa đến nhà thờ phía biển Xương Điền.
Chùa Cổ Lễ, chuông chạm ao bèo
Nhà chùa được xây dựng từ thế kỷ 12, thời Lý Thần Tôn, chùa thờ Phật và đức thánh tổ Nguyễn Minh Không. Nơi có quả chuông nặng 9 tấn treo trên mặt ao bèo, miệng chuông hoạ tiết hình cánh sen cứ lơ lửng, trông cao thấp. Lạ nhất là chuông treo trên mặt ao trước chùa, Phía sau nhà tổ cũng có gác chuông. Riêng lối đi vào ven chùa đặt toàn chum và cây hoa. Rêu có sẵn, dễ trượt chân mà ai cũng thích đi trên con đường rêu phong ấy. Dưới rêu phong là đất. Lâu lắm rồi người thành phố đối mặt với bê tông cong nứt cả người. Về quê có ao bèo, duối dại, có tiếng xao xác của người quét lá khô và chẳng thấy có lấy một bóng người.
Đi khắp chùa chạm vào đâu cũng mát, đường đất vườn cây. Rồi nhất định phải leo tháp cửu phượng liên hoa 12 tầng. Tháp đặt trên lưng rùa lớn, lưng rùa cũng có chỗ mọc rêu. Ông Rùa nằm giữa một hồ nước vuông, bốn góc có bốn hình con voi to nom như voi thật. Bạn phải leo 62 bậc theo đường tròn xoắn ốc, có lúc đi nghiêng người mới lên tới ban thờ Phật. Ở trên đỉnh của ngọn tháp, nơi có tám cạnh tháp mở ra, giúp bạn nhìn thấy một Thành Nam bé nhỏ, thấy chợ Rồng, phố Hàng Nâu, Hàng Quỳ, Hàng Mành (Hàng Tiện) chỉ bé như sợi chỉ thêu đậm màu. Riêng tám mặt của tháp có đắp hình rồng. Nhìn nghiêng góc nào của tháp cũng sững người vì vẻ đẹp của chùa cổ, miền đất này còn lưu giữ nhiều dấu quê cũ của Bắc bộ, nơi chưa trùng tu hoặc phá vỡ “di sản”. Đi về phía cầu ngay cổng chùa còn tảng đá lớn, in dấu nhà Phật trên đá xám. Các lối hành lang nhỏ, tịnh vắng, nó làm cho con tim nhẹ nhõm bình thản trở lại sau một năm vật vã kiếm ăn, mọi tham vọng tiền bạc như đứng ngoài cánh cửa chùa kia.
Ở đây người dân tự hào nói về ông cha ta chỉ bằng chất liệu gạch, vôi, mật, giấy bản để dựng lên ngôi chùa quê kiểng này. Tượng Phật làm bằng gỗ trầm hương trắng. Cứ như lạc chân vào xửa xưa xa lắc xa lơ.
Bạn theo tín ngưỡng nhà Phật nên dừng chân ở thị trấn Cổ Lễ, còn gia đình theo đạo Thiên Chúa, hãy đi về phía biển Hải Hậu tràn đầy cát và gió. Dọc theo đường biển ẩn hiện rất nhiều những nhà thờ, lớn, nhỏ, nhưng kiến trúc rất đẹp. Có một nhà thờ đổ, nơi không có thánh ca du dương, không có cả chuông ngân, chỉ có gạch mòn chờ đổ bên sóng nước mà dân Thành Nam, dân tứ xứ tìm đến rất đông. Kể cả mùa đông giá rét. Mùa xuân đến, xe ô tô lớn nhỏ vẫn đậu bên mép biển. Nơi không có Chúa, không có Phật, chỉ có trời và biển Hải Hậu mà thôi.
Phía biển ấy có nhà thờ đổ
Từ thị trấn Cổ Lễ đi thêm khoảng nửa giờ đồng hồ, ra biển dọc theo những bờ cát sang huyện Hải Hậu thăm nhà thờ đổ trên biển. Đường ven biển không có nhà cao tầng, như Quảng Ninh, Đồ Sơn hay Thanh Hoá, biển nơi đây chỉ có cát, thuyền, bóng nhà thờ đâu đó hiện lên vẻ đa phong cách, kiến trúc rất đẹp. Nhà thờ dọc bờ biển mờ ảo đẹp nhất lúc mặt trời lên. Ngôi làng chài của giáo dân chìm trong tiếng sóng và tiếng gió. Ngư dân đi biển về vẫn chọn cá tôm cua, đóng thùng xốp, lên thành phố.
Chợ ngày ven biển không tên, bán mua cũng gọi điện thoại, nhắn tin mua cua gạch và tôm hùm. Họ đặt cá chim và cá diêu hồng từ khách sạn. Biển phía nhà thờ đổ, ngoài những con thuyền ra khơi còn có khách du lịch ra mua hải sản về ăn trong nhà nghỉ dưỡng. Nơi, vừa là điểm hút khách chụp ảnh nhà thờ đổ bên sóng trắng, vừa là sân chơi, bể bơi dưới trời mùa hè, mùa xuân. Là nơi có quán ăn hải sản, cửa hàng bé nhỏ, thật khiêm nhường, vừa trông xe ô tô, vừa là quán uống nước dừa ngắm biển. Vừa là bến đợi của khách chờ thuyền về lấy tôm cá còn đang bơi. Thì ra điểm du lịch này đi mua niềm tươi sống cá cua dưới biển cũng có cái thú riêng. Thì ra nhà thờ đổ, còn có niềm vui thú với các đầu bếp thích nấu ăn. Nhiều đầu bếp đến đây, tỏ ra bất ngờ vì không nghĩ bờ biển này đẹp thế, theo những thước phim đã chụp trên máy phim đen trắng, niềm thích thú trở lại với góc ảnh đen trắng ngày xưa. Ngoảnh lại ngày xưa dù thời gian của hôm nay, ngày mai đã trở thành ký ức.
bài và ảnh Hoàng Việt Hằng (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này