15:35 - 18/03/2024
Mức giá ‘trong mơ’ của cà phê Việt
Cà phê đang có mức tăng trưởng đầy ấn tượng. Nhiều người kỳ vọng, cà phê có thể tiến đến mốc lịch sử 100.000 đồng/kg.
Giá cà phê trong nước được cập nhật lúc 4h24 phút ngày 18/3/2024 có xu hướng ổn định và đang đứng ở mức cao, vượt mốc 93.000 đồng/kg. Hiện giá mua trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên là 93.100 đồng/kg, giá mua cao nhất tại tỉnh Đắk Nông là 93.200 đồng/kg.
Cụ thể, giá cà phê thu mua tại tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum ở mức giá khá cao với 93.000 đồng/kg; Tại tỉnh Đắk Nông cà phê được thu mua với giá cao nhất 93.200 đồng/kg.
Giá cà phê nhân xô (cà phê nhân, cà phê nhân tươi) tại tỉnh Lâm Đồng ở các huyện như Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà, cà phê được thu mua với giá 92.400 đồng/kg.
Giá cà phê hôm nay (ngày 18/3) tại tỉnh Đắk Lắk; ở huyện Cư M’gar cà phê được thu mua ở mức khoảng 92.900 đồng/kg, còn tại huyện Ea H’leo, thị xã Buôn Hồ được thu mua cùng mức 93.000 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê trực tuyến hôm nay của ba sàn giao dịch cà phê kỳ hạn chính ICE Futures Europe, ICE Futures US và B3 Brazil được Y5Cafe cập nhật liên tục trong suốt thời gian giao dịch của sàn, được trang www.giacaphe.com cập nhật như sau:
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn London lúc 4 giờ 24 phút ngày 18/3/2024 có xu hướng ổn định, ít biến động so với phiên giao dịch trước đó, dao động từ 3.038 – 3.318 USD/tấn. Cụ thể, kỳ hạn giao hàng tháng 5/2024 là 3.308 USD/tấn; kỳ hạn giao hàng tháng 7/2024 là 3.211 USD/tấn; kỳ hạn giao hàng tháng 9/2024 là 3.139 USD/tấn và kỳ hạn giao hàng tháng 11/2024 là 3.062 USD/tấn.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn New York sáng ngày 18/3/2024 có xu hướng ổn định, dao động từ 180,20 – 185,10 cent/lb. Cụ thể, kỳ hạn giao hàng tháng 5/2024 là 182,95 cent/lb; kỳ giao hàng tháng 7/2024 là 181,65 cent/lb; kỳ giao hàng tháng 9/2024 là 181,35 cent/lb và kỳ giao hàng tháng 12/2024 là 181,05 cent/lb.
Giá cà phê Arabica Brazil sáng ngày 18/3/2024 duy trì mức ổn định và vẫn giữ mức khá cao ở các kỳ hạn giao hàng. Cụ thể, kỳ hạn giao hàng tháng 3/2024 là 219.05 USD/tấn; kỳ giao hàng tháng 5/2024 là 223,70 USD/tấn; kỳ giao hàng tháng 7/2024 là 224,85 USD/tấn và giao hàng tháng 9/2024 là 220,50 USD/tấn.
Tính chung trong tuần qua, giá cà phê trong nước tăng từ 2.300 – 2.600 đồng/kg. Tính từ đầu tháng 3/2024 đến nay tăng tới gần 10.000 đồng/kg tương đương tăng 12%, đưa giá cà phê trong nước lên mức cao chưa từng có.
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) cho biết, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cà phê đạt giá trị 1,38 tỷ USD, tăng mạnh tới 85% so với cùng kỳ năm 2023, đây thực sự là một con số “không tưởng”.
Đáng chú ý, nếu như giá cà phê xuất khẩu bình quân trong năm 2023 đạt 2.614 USD/tấn, tăng 14,5% so với năm 2022 (đây là mức giá xuất khẩu kỷ lục cho giai đoạn 2023 trở về trước), thì trong 2 tháng đầu năm 2024, giá cà phê xuất khẩu bình quân là 3.153 USD/tấn, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, do nhu cầu tiêu thụ cà phê Robusta thế giới tăng cao đẩy giá cà phê nhân trong nước tăng xấp xỉ 70.000 đồng/kg, so với năm 2001 giá cà phê đã tăng hơn 20 lần và nếu doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh mua vào để thực hiện các hợp đồng đã ký hoặc đầu cơ tích trữ thì giá cà phê nội địa sẽ tiếp tục lên nữa.
Bên cạnh đó, việc EU quy định cà phê muốn xuất khẩu vào thị trường này phải đáp ứng quy định chống phá rừng (EUDR) cũng là yếu tố ảnh hưởng đến giá cà phê hiện nay. Trong khi đó, nhiều nước vẫn chưa kịp chuẩn bị các thủ tục đáp ứng yêu cầu về quy định trên, còn với Việt Nam cơ bản đã đáp ứng được, vì vậy khách hàng lựa chọn cà phê Việt.
Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Hải – Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cho biết, hai tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng xuất khẩu cà phê Việt Nam gần 400.000 tấn, trong đó, kim ngạch xuất khẩu là 1,25 tỷ USD, cao nhất trong thời gian vừa qua.
Theo ông Hải, để có kết quả tăng trưởng kim ngạch ấn tượng, các doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội từ thị trường tăng lượng rang xay, những sản phẩm chế biến sâu. Nhờ đó cà phê vươn lên vị trí thứ hai về giá trị xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ sau gỗ và sản phẩm gỗ.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho rằng, Việt Nam đang là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Trung bình, lượng xuất khẩu cà phê trong một năm của Việt Nam vào khoảng 1,6 triệu tấn (tương đương 26 – 27 triệu bao loại 60kg/bao), cao gấp hơn 2 lần tổng lượng cà phê Robusta xuất khẩu của 2 quốc gia đứng sau là Brazil và Indonesia, với khoảng 11 triệu bao.
Bên cạnh đó, khoảng cách giữa thời điểm thu hoạch cà phê của Việt Nam và Brazil cũng tạo cơ hội để cà phê Việt Nam chiếm vị thế chi phối thị trường toàn cầu trong những tháng đầu năm. Thông thường, thời gian thu hoạch cà phê của nước ta kéo dài từ tháng 10 đến hết tháng 1 năm sau. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung cà phê Việt Nam sẽ sẵn có nhất trong những tháng đầu năm 2024.
Cho ý kiến về tình hình cung cầu cà phê trên toàn cầu, ông Steve Wateridge, Trưởng phòng Nghiên cứu, Dịch vụ Nghiên cứu Nhiệt đới cho rằng, thế giới sẽ không thiếu hay gặp khó khăn đối với nguồn cung Arabica nhưng sẽ có khó khăn với Robusta do nhu cầu loại này đang cao, đẩy giá cà phê Robusta tăng và niên vụ 2023-2024, sự khác biệt giữa cà phê Arabica và Robusta sẽ thay đổi. Vụ thu hoạch sẽ kết thúc trước 6 tháng so với các nước trồng cà phê khác chính là lợi thế của cà phê Việt Nam và năm sau nếu có mùa vụ phù hợp có thể đón đầu xu hướng này.
Trong khi đó, bà Vanúsia Nogueira, Giám đốc điều hành, Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho biết, trong năm 2024 nhu cầu của thế giới về cà phê Robusta vẫn tăng cao và Việt Nam là nước có lợi thế hơn Brazil trong 6 tháng tiếp theo, tuy nhiên, cà phê Conilon sẽ làm ảnh hưởng đến giá cà phê Robusta do có giá rẻ hơn và có thể nhập khẩu cà phê Conilon cho năm sau sẽ tăng lên để thay thế cho Robusta.
Mặc dù xuất khẩu cà phê có nhiều thuận lợi, song nhiều doanh nghiệp, chuyên gia vẫn đưa ra cảnh báo, bà con nông dân cân nhắc chọn thời điểm thích hợp để bán hàng, bởi dự báo diễn biến giá trong bối cảnh hiện nay rất khó khăn.
Theo các doanh nghiệp, đơn hàng xuất khẩu không thiếu nhưng thực tế, doanh nghiệp không dám nhận thêm đơn phát sinh cho quý II, bởi nguồn cung hàng trong dân không còn nhiều. Vì vậy, đơn hàng thế giới có thể được các nhà rang xay dịch chuyển sang nhập từ các quốc gia khác như Indonesia, Brazil khi họ sắp vào vụ thu hoạch. Một số doanh nghiệp cho rằng, khoảng tháng 4, tháng 5 tới, khi thị trường Brazil, Indonesia vào vụ thu hoạch mới, khả năng thị trường sẽ có sự điều chỉnh.
Theo Nguyễn Thu Hà/DĐDN
Ngày đăng: 18/3/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này