
16:27 - 20/09/2023
Thị trường 24/7: Người Việt chi 33,3 triệu USD mua tôm hùm Australia; Xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Singapore giảm mạnh
7 tháng, người Việt đã chi 33,3 triệu USD để mua tôm hùm Australia, tăng hơn 138% so với cùng kỳ năm ngoái: Đây là thông tin được bà Rebecca Ball – Tham Tán Thương Mại và Đầu tư cấp cao Chính Phủ Australia – chia sẻ tại sự kiện tôm hùm Đông Australia lần đầu nhập chính ngạch vào Việt Nam, chiều 19/9.
Theo bà Rebecca Ball, các sản phẩm hải sản của nước này ngày càng được người Việt Nam ưa chuộng. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm, tổng giá trị hải sản xuất khẩu từ Australia sang Việt Nam đạt khoảng 65 triệu đôla Australia. Trong đó́, tôm hùm chiếm hơn 79%, tương đương 51,5 triệu đôla Australia (khoảng 33,3 triệu USD), tăng hơn 138%, tức gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia, xuất chính ngạch lô tôm hùm Đông Australia đầu tiên vào Việt Nam trong tháng 9 là bước đệm giúp kim ngạch xuất khẩu hải sản của nước này tăng trong những tháng cuối năm. Trước đó, tôm hùm Tây và Nam Australia vào Việt Nam cũng đã được nhiều người tiêu dùng đón nhận.
320 doanh nghiệp tìm đơn hàng nhập khẩu gỗ từ Việt Nam: Ngày 19/9, Bộ Công Thương cho biết, từ 20 đến 23/9 sẽ có 320 doanh nghiệp trong nước và quốc tế hoạt động lĩnh vực sản xuất chế biến gỗ đến TP.HCM xúc tiến giao thương, tăng cường thu mua sản phẩm gỗ của doanh nghiệp Việt Nam.
Chương trình này nằm trong khuôn khổ triễn lãm VietnamWood 2023 diễn ra tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC) quận 7, TP.HCM do Bộ Công Thương phối hợp Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM cùng các đơn vị liên quan tổ chức.
Việc hơn 320 doanh nghiệp, phần lớn đến từ 28 quốc gia, vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Đức, Ý, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Mỹ… đến Việt Nam tìm kiếm nguồn cung sản phẩm gỗ sẽ là cơ hội để doanh nghiệp gia tăng khả năng tiếp cận đơn hàng xuất khẩu cho quý 4/2023 và quý 1/2024.
Malaysia tăng tốc phát triển công nghiệp mới: Để bắt kịp cơ hội thu hút nguồn vốn FDI quốc tế, Chính phủ Malaysia đang đẩy nhanh việc hoàn thiện hệ sinh thái toàn diện, hướng tới phát triển ngành công nghiệp chất lượng cao. Báo cáo Xếp hạng Năng lực cạnh tranh thế giới năm 2023 cho thấy, Malaysia đã tăng 5 bậc, lên vị trí thứ 27 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới.
Để hỗ trợ cho kế hoạch phát triển kinh tế mới của Malaysia, Kế hoạch Tổng thể công nghiệp mới 2030 (NIMP 2030) ra đời, với mục đích đạt được các mục tiêu đặt ra trong 10 năm tới, bao gồm trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu châu Á, một trong 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới và nằm trong số 12 quốc gia hàng đầu về năng lực cạnh tranh toàn cầu.
NIMP 2030 đặc biệt chú trọng đến sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) của Malaysia trong chuỗi giá trị toàn cầu, qua đó cung cấp thêm nhiều việc làm với thu nhập cao hơn cho người dân. Tổng số việc làm trong lĩnh vực sản xuất cũng dự kiến sẽ tăng lên 3,3 triệu vào năm 2030. Số liệu này dựa theo tính toán của sự gia tăng các hoạt động sản xuất tạo ra giá trị cao, sự phát triển của các ngành công nghiệp mới cũng như việc tăng cường ứng dụng tự động hóa, số hóa vào lĩnh vực sản xuất.
OECD cảnh báo kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn: Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa công bố dự báo mới nhất về GDP toàn cầu 2023 với mức 3%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Tuy nhiên, đây vẫn là kết quả “dưới trung bình”, đánh dấu mức tăng trưởng hàng năm thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008-2009), trừ năm 2020 ảnh hưởng bởi Covid-19.
Cùng với đó, OECD hạ dự báo tăng trưởng năm sau 0,2 điểm phần trăm, xuống còn 2,7%. Clare Lombardelli, Kinh tế trưởng của OECD đánh giá lạm phát tiếp tục giảm nhưng kinh tế thế giới vẫn ở trong tình trạng khó khăn. “Chúng ta đang đối mặt với thách thức kép là lạm phát và tăng trưởng thấp”, ông nói hôm 19/9.
Tổ chức trụ sở Paris cho rằng rủi ro là dự báo đang nghiêng về phía tiêu cực, vì những đợt tăng lãi suất trong quá khứ có thể tác động mạnh hơn dự kiến và lạm phát nguy cơ dai dẳng, đòi hỏi siết chặt tiền tệ hơn nữa. Họ xem những khó khăn của Trung Quốc là “rủi ro chính” với sản lượng toàn thế giới.
Hơn 103 triệu thẻ ngân hàng nội địa và 36,7 triệu thẻ quốc tế đang lưu hành: Số liệu của Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến cuối tháng 7/2023, cả nước có hơn 103 triệu thẻ nội địa và 36,7 triệu thẻ quốc tế đang lưu hành. Trong đó, có gần 10,8 triệu thẻ mở bằng phương thức điện tử đang lưu hành. Các ngân hàng thương mại đã tích hợp thêm nhiều tính năng, tiện ích vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ an toàn, thuận tiện với trải nghiệm khách hàng.
Theo các chuyên gia, Việt Nam là thị trường tiềm năng với 70% dân số trẻ, trong độ tuổi lao động, thu nhập ổn định, nhu cầu tiêu dùng chưa khai thác còn lớn, do đó rất tiềm năng cho mở rộng thị trường thẻ tín dụng nội địa.
Ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch HĐQT Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết: “Đến hết quý 2/2023, hoạt động thanh toán qua mạng lưới của NAPAS tăng trưởng 65,1% về số lượng giao dịch và 12,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giao dịch rút tiền mặt qua ATM Quý 2/2023 có xu hướng giảm 13,5% về số lượng và 17,8% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ 2022. Qua số liệu cho thấy xu hướng thanh toán điện tử vẫn đang phát triển mạnh mẽ và có sự chuyển dịch thay thế cho tiền mặt trong cuộc sống hàng ngày”.
Australia đề xuất chấm dứt điều tra chống bán phá giá mặt hàng ống đồng của Việt Nam: Australia vừa ban hành Dữ kiện trọng yếu kiến nghị chấm dứt điều tra trong vụ việc điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với mặt hàng ống đồng của Việt Nam.
Trước đó, liên quan tới vụ việc Australia điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với mặt hàng ống đồng (mã HS 7411.10.00) của Việt Nam, ngày 22/3/2021, Ủy ban chống bán phá giá Australia (ADC) đã khởi xướng vụ việc sau khi xem xét hồ sơ của Công ty MM Kembla – nhà sản xuất ống đồng duy nhất tại Australia (Nguyên đơn).
Sau khi thu thập thêm thông tin, trên cơ sở xem xét những lý do ADRP đưa ra, ngày 1/9/2023, ADC đã ban hành bản Dữ kiện trọng yếu. Theo đó, ADC kiến nghị chấm dứt điều tra, với lý do: Công ty bị đơn hợp tác duy nhất của Việt Nam (cũng là doanh nghiệp xuất khẩu ống đồng lớn nhất của Việt Nam sang Australia) không có hành vi bán phá giá đối với mặt hàng ống đồng xuất khẩu từ Việt Nam sang Australia; Các nhà xuất khẩu khác của Việt Nam có biên độ bán phá giá không đáng kể: 1.3% (dưới 2%); Do biên độ phá giá cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đều dưới 2% ADC không xem xét vấn đề thiệt hại.
Giá dầu Brent lần đầu tiên vượt 95 USD/thùng kể từ tháng 11/2022: Giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất 10 tháng qua trong phiên giao dịch ngày 19/9 trước khi giảm xuống, do giới đầu tư chốt lời sau ba phiên tăng liên tiếp.
Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 9 xu Mỹ xuống 94,34 USD/thùng sau khi có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái là 95,96 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 28 xu Mỹ xuống 91,20 USD/thùng, sau khi có thời điểm tăng lên mức cao nhất 10 tháng qua là 93,74 USD/thùng.
Sau khi giá dầu Brent vượt mức 95 USD/thùng trong phiên này ngân hàng đầu tư UBS cho biết họ đã bắt đầu chốt lời. Nhưng các chuyên gia của ngân hàng này dự đoán dầu Brent vẫn được giao dịch trong khoảng 90-100 USD/thùng trong những tháng tới, và mức giá mục tiêu vào cuối năm là 95 USD/thùng.
Xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Singapore giảm mạnh: Theo số liệu mới nhất từ Singapore, xuất khẩu nội địa phi dầu mỏ (NODX) của nước này đã giảm 20,1% trong tháng 8, trong đó lĩnh vực thiết bị điện tử và phi điện tử đều giảm. Đây là tháng giảm thứ 11 liên tiếp của xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của “quốc đảo sư tử”.
Sự sụt giảm trong tháng 8 đã tiếp nối đà giảm mạnh từ tháng 7 với mức 20,3% và 15,7% trong tháng 6 cũng như tệ hơn mức dự báo là 15,8% trong cuộc thăm dò ý kiến của hãng tin Reuters.
Theo dữ liệu do Enterprise Singapore, cơ quan kinh tế thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI), công bố ngày 18/9 cho thấy xuất khẩu sản phẩm điện tử đã giảm 21,1% trong tháng 8, thấp hơn con số 26,1% trong tháng 7. Xuất khẩu phi điện tử giảm 19,9% trong tháng 8, kéo dài mức giảm 18,5% trong tháng 7. Trong đó, giảm mạnh nhất là lĩnh vực tàu thuyền, dược phẩm và máy móc chuyên dụng, giảm lần lượt 97,7%, 37,7% và 25,5%.
Có thể bạn quan tâm
Tân Sơn Nhất đã quên cải thiện chất lượng dịch vụ trong nhiều năm?
Việt Nam xếp áp chót trong bảng chỉ số hồi phục của Nikkei
Giá vàng ngày 14/3: giảm về sát mốc 68 triệu đồng/lượng
Giá vàng SJC tiếp tục đà giảm
Thị trường 24/7: Dừng bán SIM qua đại lý, cửa hàng từ ngày 10/9; Apple chuyển 11 nhà máy vào Việt Nam
Tin khác


Thị trường 24/7: Doanh nghiệp sắp được phép khuyến mãi 100%; VN áp thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024

Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này