10:00 - 02/05/2024
Có nên đánh thuế hàng nhập khẩu giá trị nhỏ?
Nếu không thu thuế GTGT, rõ ràng các doanh nghiệp kinh doanh trên sàn TMĐT từ nước ngoài sẽ có lợi thế về thuế, trong khi các doanh nghiệp trong nước phải nộp thuế đầy đủ và trả nhiều chi phí khác.
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh đã đề nghị Chính phủ cân nhắc bỏ quy định về miễn thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ vì hiện giá trị các mặt hàng nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT) Shopee, Lazada, TikTok… đã lên tới hàng tỷ USD mỗi tháng. Việc này vừa để bảo vệ nguồn thu và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng trong nước.
Tốn hàng tỷ USD nhập hàng mỗi tháng
Theo ông Mạnh, trước đây, số lượng hàng hóa có giá trị nhỏ được nhập khẩu không quá nhiều nên tác động tổng thể tới số thu không đáng kể. Tuy nhiên hiện nay, với sự bùng nổ của TMĐT xuyên biên giới, lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ đã tăng nhiều lần.
Ông Mạnh dẫn số liệu của Tổng Công ty CP Bưu chính Viễn thông Việt Nam cho thấy tháng 3/2023, có trung bình khoảng 4 – 5 triệu đơn hàng/ngày từ Trung Quốc về Việt Nam, giá trị mỗi đơn hàng từ 100.000 – 300.000 đồng. Điều đó có nghĩa, trung bình mỗi ngày có khoảng 45 – 63 triệu USD, một tháng khoảng 1,3 -1,9 tỷ USD giá trị hàng hóa giá trị nhỏ được luân chuyển qua các sàn TMĐT Shopee, Lazada, Tiki, TikTok…
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, hiện nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu.
Đề xuất này nhanh chóng nhận được sự ủng hộ từ giới kinh doanh trên các sàn TMĐT, bởi thời gian qua, hàng giá rẻ xuyên biên giới ảnh hưởng rất lớn đến những người này. Ông Nguyễn Thanh Liên (ngụ TP.HCM), chủ shop thời trang trên một sàn TMĐT, cho biết việc áp thuế GTGT với hàng nhập khẩu giá rẻ trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết. Việc này vừa tạo sự công bằng vừa giảm áp lực cho các nhà bán hàng trong nước.
“Hiện cá nhân trong nước bán hàng online phải chịu thuế phí tính bằng 1,5% nhân tổng doanh thu, cộng thêm các loại chi phí khác, lợi nhuận còn lại chỉ 3%-4%, thậm chí có tháng lỗ vì phải “chạy” chương trình để cạnh tranh với đối thủ và hàng nước ngoài.
Nếu chúng tôi bán giá cao, khách sẽ chuyển sang mua hàng của shop nước ngoài vì giá rẻ hơn. Khách cứ thấy ai bán rẻ là mua, ít để ý đến chất lượng, trong khi mua hàng trong nước việc bảo hành và đổi trả dễ hơn nhiều” – ông Liên nói.
Bà Huỳnh Thanh Ngân, chủ shop bán đồ gia dụng online và offline tại TP Thủ Đức, tỏ ra khá bức xúc vì thời gian qua các shop Trung Quốc, Hàn Quốc trên sàn TMĐT “ăn không” tại thị trường Việt rất nhiều nhưng không chịu bất kỳ loại thuế phí nào. Các gian hàng trong nước “đuối sức” vì không cạnh tranh nổi, lượng hàng tiêu thụ ngày càng giảm. “Ngoài thuế GTGT, tôi mong sẽ có thêm chính sách để hỗ trợ người bán” – bà Ngân bày tỏ.
Một thống kê của nền tảng số liệu TMĐT Metric, do tính chất cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt mà năm 2023 có tới hơn 105.000 nhà bán hàng trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo rời khỏi thị trường.
Cạnh tranh bằng giá trị cốt lõi
Dưới góc độ chuyên gia TMĐT, ông Nguyễn Bình Minh – Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội TMĐT Việt Nam, Phó trưởng Khoa Hệ thống thông tin kinh tế và TMĐT Trường ĐH Thương mại (Hà Nội) – cho biết những đơn hàng xuyên biên giới có giá dưới 1 triệu đồng thường sẽ được vận chuyển dưới dạng quà tặng, quà biếu nên không bị áp thuế GTGT.
Nếu không thu thuế GTGT, rõ ràng các doanh nghiệp kinh doanh trên sàn TMĐT từ nước ngoài sẽ có lợi thế về thuế, trong khi các doanh nghiệp trong nước phải nộp thuế đầy đủ và trả nhiều chi phí khác.
Theo ông Minh, nhà sản xuất và nhà bán hàng trong nước nếu chỉ cạnh tranh về giá với một ông lớn như Trung Quốc chắc chắn sẽ không sánh được vì quy mô sản xuất của họ rất lớn, đến hàng tỷ dân, hàng triệu nhà sản xuất và logistics rất phát triển. Thay vào đó, nhà bán hàng trong nước cần tận dụng lợi thế về chất lượng, thương hiệu, sự thấu hiểu thị trường, kiểm soát chi phí, chủ động nguồn hàng để tiếp cận người tiêu dùng.
“Hàng xuyên biên giới vào Việt Nam cũng cần được kiểm soát chặt về nguồn gốc xuất xứ để tránh hàng giả, hàng kém chất lượng. Các đơn vị bán hàng trên sàn TMĐT cũng cần phát triển sản phẩm cốt lõi, xây dựng thương hiệu, ứng dụng công nghệ để tạo mối quan hệ người mua, giúp họ có thêm niềm tin, từ đó tạo tính cạnh tranh cho hàng hóa” – ông Minh đề xuất.
Tương tự, chuyên gia Lưu Thanh Phương, người từng sở hữu một sàn TMĐT tại Việt Nam, cho rằng việc áp thuế GTGT chỉ có lợi cho người bán trong ngắn hạn. Về dài hạn, bản thân các nhà bán hàng trên sàn TMĐT cần tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) và tận dụng chính sách của các sàn TMĐT để tiếp cận khách hàng, quảng bá sản phẩm.
Tại Việt Nam, hầu hết người bán online chủ yếu là cá nhân nên không đủ sức để nắm thông tin thị trường nhanh. Vì vậy, họ không thể cập nhật xu hướng thị trường nhanh bằng các shop ở nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc.
“Các nhà bán hàng online tại Việt Nam cần có sự liên kết, hợp tác để chia sẻ nguồn hàng, kinh nghiệm bán hàng, quảng bá sản phẩm. Định hướng nhóm khách hàng mục tiêu để từ đó hợp tác với các KOL, KOC (người có sức ảnh hưởng trên mạng) giới thiệu sản phẩm đến đúng đối tượng một cách hiệu quả. Nếu chỉ chăm chăm mỗi giá, người bán hàng trong nước khó lòng đấu lại những người bán hàng xuyên biên giới, đặc biệt là Trung Quốc, nơi được xem là công xưởng của thế giới, giá thành sản phẩm rất rẻ” – ông Phương nói.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này