10:27 - 16/05/2024
Cổ phiếu nhà băng ào ạt tăng giá nhờ Thông tư 02
Thông tin Ngân hàng nhà nước đề xuất kéo dài thêm 6 tháng thời gian cơ cấu thời hạn trả nợ theo Thông tư 02 đến hết năm 2024 đã giúp cho thị trường chứng khoán bật mạnh với lực đỡ từ nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Thông tin gia hạn Thông tư 02 ngay lập tức tạo sự hưng phấn lên thị trường chứng khoán phiên sáng nay. Dòng tiền ào ạt đổ vào thị trường, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Tại thời điểm 10 giờ sáng, VN Index tăng hơn 10 điểm, với lực đẩy mạnh mẽ từ các mã cổ phiếu ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank, VietinBank, Sacombank, Techcombank, MB, ACB, VPBank, VIB.
Nhóm cổ phiếu các doanh nghiệp bất động sản, chứng khoán, bán lẻ, thép , vật liệu xây dựng.. cũng đua nhau tăng giá. Bảng điện HoSe tràn ngập trong sắc xanh với hơn 300 mã tăng trong khi số mã giảm chưa đầy 70 mã.
NHNN đề xuất gia hạn Thông tư 02 đến cuối năm 2024
NHNN vừa công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
Dự thảo Thông tư 02 sửa đổi đề xuất kéo dài thêm 6 tháng thời gian cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng. Cụ thể, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hết ngày 31/12.
Theo phân tích của NHNN, mặc dù kinh tế vĩ mô 2 tháng đầu năm cơ bản ổn định, kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, dự báo tiếp tục kéo dài trong năm 2024. Chủ trương của Quốc hội và Chính phủ là tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2024.
Do vậy, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư 02 sẽ góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, góp phần hỗ trợ phục hồi phát triển nền kinh tế.
Đối với hệ thống TCTD, Thông tư 02 quy định tổ chức tín dụng phải xác định số tiền dự phòng cụ thể phải trích đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng như trong trường hợp không áp dụng quy định giữ nguyên nhóm nợ và phải thực hiện trích lập bổ sung đầy đủ vào ngày 31/12.
Vì vậy, đến ngày 31/12, tổ chức tín dụng đã có đủ nguồn tài chính để xử lý rủi ro như trong trường hợp tổ chức tín dụng thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định hiện hành (Thông tư 11/2021/TT-NHNN).
Theo đó, trường hợp kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư 02 đến hết ngày 31/12 sẽ không ảnh hưởng đến cơ chế trích lập dự phòng rủi ro do kéo dài thời gian cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với hệ thống.
Ngoài ra, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư 02 đến 31/12 sẽ góp phần làm giảm mức độ gia tăng nợ xấu nội bảng của tổ chức tín dụng và tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng thực hiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, góp phần hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.
Theo Hải Hồ/SGGP-ĐTTC
Ngày đăng: 16/5/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này