12:07 - 13/05/2024
Kinh doanh thời 4.0 ‘khổ sở’ vì ‘review bôi bẩn’
Thời gian qua, thực trạng nhiều TikToker tự gắn mác “reviewer” nhằm công kích, đánh giá phiến diện về chất lượng sản phẩm, dịch vụ khiến nhiều cơ sở kinh doanh phải chịu không ít thiệt hại…
Dường như việc dễ dàng kiếm được mức thu nhập cao cùng những “hào quang ảo” trên Tiktok đang tạo ra một bộ phận người trẻ “ngáo quyền lực mạng xã hội”. Đã có khoảng thời gian nghề review quán ăn, nhà hàng, khách sạn, địa điểm ăn chơi trở thành một nghề “hốt bạc” cùng sự bùng nổ của mạng xã hội, đặc biệt là TikTok.
Rất nhiều bạn trẻ nhanh chóng trở thành cái tên hot, được các tín đồ hâm mộ săn đón, được các nhà hàng quán ăn thuê về review với mức giá quảng cáo “khủng”. Không cần bằng cấp, không cần chuyên môn, chỉ cần có lượng fan theo dõi đông đảo là giới trẻ có thể trở thành những reviewer chuyên nghiệp, kiếm tiền như nước. Cũng từ đó những danh xưng “chiến thần review”, “chuyên gia ẩm thực”, “thánh ăn”, “reviewer xéo xắt” tràn ngập mạng xã hội.
Có lẽ việc kiếm tiền quá dễ dàng trên nền tảng mạng xã hội cùng những lời ca tụng “trên mây” của fan hâm mộ khiến giới trẻ dần ngộ nhận về bản thân và quyền lực mạng xã hội của mình. Thay vì đánh giá tích cực, review đơn thuần bằng cảm xúc chủ quan, hay bằng cách nhận tiền thuê thì giờ đây, các “chiến thần review” lại lợi dụng sự nổi tiếng sẵn sàng mưu toan bóc phốt, dìm hàng, hạ bệ người khác. Đó cũng là biểu hiện của thói “ảo tưởng quyền lực” trên mạng xã hội.
Thậm chí, không ít người còn đang lạm dụng quyền “tự do ngôn luận” trên không gian mạng để đưa ra những phán xét vô căn cứ, phô trương “quyền lực ảo” để thỏa mãn khao khát nổi tiếng của mình. Đáng nói hơn, nhiều hành vi cho thấy các TikToker cố tình review “bôi bẩn” để tấn công vào uy tín, thương hiệu của các đơn vị kinh doanh ẩm thực.
Còn nhớ thời gian ngắn trước đây, TikToker Võ Hà Linh là cái tên được nhắc đến khắp các nền tảng mạng xã hội. Nổi tiếng với các video review mỹ phẩm, đồ ăn, cô sở hữu 3,7 triệu lượt theo dõi trên nền tảng TikTok. Đặc biệt, Hà Linh có rất nhiều clip review thu hút hàng triệu lượt xem nhờ vào việc nhận xét, chê bai các nhà hàng, quán ăn uống.
Nhiều người cho rằng, đánh giá của Hà Linh quá phiến diện và TikToker này cũng không có đủ hiểu biết về những món ăn, hàng quán mà mình đến review. Chẳng hạn khi ăn thử món súp hải sản, cô liên tục khuấy rồi chê loãng, bịt mũi chê gỏi ba khía tanh, nói món rau xào mỡ hay món rau nhút quá chua..
Trước làn sóng chỉ trích, Hà Linh đã chính thức xin lỗi, tuyên bố dừng review hàng quán. “Việc review quán ăn là hoàn toàn sai, vì ngon hay dở là tùy vào khẩu vị của mỗi người, mỗi vùng miền. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các hàng quán” – cô thừa nhận.
Đây không phải lần đầu tiên TikToker gây tranh cãi khi trải nghiệm và đánh giá chất lượng quán ăn, nhà hàng. Cộng đồng mạng từng chứng kiến những màn đối đầu gay gắt giữa hàng quán với các TikToker tự gắn mác “Chiến thần review”, “Thánh ăn”, “Reviewer xéo xắt” dùng việc nói xấu, bóc phốt hàng quán nhằm thu hút sự chú ý.
Đáng nói hơn, nhiều hành vi cho thấy các Tiktoker cố tình review “bôi bẩn” để tấn công vào uy tín, thương hiệu của các đơn vị kinh doanh ẩm thực. Thậm chí, có những nơi đã treo ảnh “cấm cửa”, miễn phục vụ khi những người này đặt chân đến quán.
Nờ Ô Nô từng là “cơn ác mộng” từ hàng quán cho đến người xem trước khi bị khóa kênh do miệt thị người nghèo. Người này có cách đánh giá ẩm thực sử dụng những lời lẽ, hành vi thô tục, thậm chí phản cảm. Và mới đây, thực hiện phong trào “review bôi bẩn”, một tài khoản có tên “Đi theo Tiktok riviu” tiếp tục thực hiện việc chê bai các quán cà phê. Thực tế nhiều cơ sở kinh doanh đã trở thành nạn nhân phải chịu ảnh hưởng nặng nề khi “tiếng xấu” qua lời đánh giá của Tiktoker này được chia sẻ chóng mặt và luôn thu hút hàng trăm nghìn lượt xem.
Quả thật mạng xã hội biến những con người không có gì trở thành người nổi tiếng chỉ trong phút chốc. Từ anh xe ôm, bà nông dân, chị lao công, bà bán trà đá đến giáo sư, tiến sĩ… khi đã lên mạng xã hội đều có cơ hội nổi tiếng như nhau. Không cần biết họ đến từ đâu, làm nghề gì, nhưng khi những quan điểm cá nhân của họ phút chốc được chia sẻ, tung hô trên mạng, được dân mạng khoác cho những danh xưng mỹ miều như “nhà sáng tạo nội dung”, “chiến thần”, “bà trùm”, họ bắt đầu ngộ nhận và ảo tưởng về quyền lực của mình.
Từ đó, họ tự cho mình cái quyền được đến những sự kiện riêng tư của người khác rồi ngang nhiên ghi hình, phát livestream, thậm chí lao vào tận quan tài của người chết để quay hình, bất chấp nỗi đau, sự khó chịu từ phía người thân của người mới nằm xuống.
Các “chiến thần” nghênh ngang bước vào các nhà hàng, quán ăn của người khác, rồi tự cho mình cái quyền của một reviewer nổi tiếng để soi mói, bình luận, chê bai các món ăn, chỉ trích chủ quán. Thậm chí có người còn tự cho mình là bề trên, là tầng lớp tinh hoa của xã hội lên mạng phê phán, bôi nhọ, vu khống người khác mà không cần bằng chứng, chỉ là thích thì nói, thích thì chê bai. Thậm chí livestream cảnh mình hành hung người khác để chứng tỏ quyền lực.
Nhiều người không hiểu rằng, thế giới mạng và thế giới ngoài đời thực là khác nhau. Mạng ảo nhưng hậu quả là thực. Trên mạng có thể họ nổi tiếng được nhiều người “tung hô”, nhưng ngoài đời họ không là gì cả, thậm chí là những kẻ thất bại. Hãy nhớ, ranh giới giữa sự nổi tiếng và vi phạm pháp luật rất mong manh, nếu không làm chủ được bản thân, làm chủ được cảm xúc thì một ngày sẽ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật là điều khó tránh khỏi.
Theo Khôi Nguyên/DĐDN
Ngày đăng: 13/5/2024
Có thể bạn quan tâm
Thách thức chờ đón KIDO ở ngành hàng gia vị?
Bộ Công Thương hỗ trợ nhập khẩu thịt heo
Black Friday sớm, trung tâm thương mại vẫn vắng khách
Gạo Cỏ May muốn mở 3.000 điểm bán tại TPHCM
Doanh thu bán lẻ hàng hóa và tiêu dùng sụt giảm
Tags:review bôi bẩn
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này