11:57 - 03/08/2021
Xuất khẩu chip và xe hơi tiếp tục là bệ đỡ cho tăng trưởng kinh tế châu Á
Các nền kinh tế ở Đông Á như Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc có những đợt sóng tăng trưởng xuất khẩu liên tục “sóng sau đè sóng trước”, đặc biệt là chip và xe hơi.
Vì thế, các nền kinh tế sẽ đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng hoặc vượt mức kỳ vọng trong năm nay. Trong khi đó, các đợt dịch mới ở Đông Nam Á được xem là cú phủ đầu mới đối với chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.
Lo ngại bất định do chủng Delta
Xuất khẩu của Hàn Quốc đạt 55,4 tỷ đô la trong tháng 7 vừa rồi nhờ vào doanh số xuất khẩu chip và xe hơi. Theo Korea Times, đây là mức cao nhất trong 55 năm qua kể từ khi Hàn Quốc bắt đầu thống kê số liệu xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á đạt 358,7 tỷ đô la.
Doanh số xuất khẩu chất bán dẫn, một trong những ngành công nghiệp chủ lực của Hàn Quốc, trong tháng 7 tăng 39,6% so với cùng kỳ năm trước và đạt 11 tỷ đô la. Xuất khẩu xe hơi cũng tăng 26,4% so với cùng kỳ và đạt 4,1 tỷ đô la. Sản phẩm hóa dầu và các ngành công nghiệp mới cũng đạt các chỉ số tăng ấn tượng.
Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc dự đoán đà tăng trưởng của xuất khẩu sẽ tiếp tục được duy trì trong năm do kinh tế toàn cầu hồi phục. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc nói kinh tế nước này sẽ có đà tăng trưởng trên 4% trong năm nay nhờ sự hồi phục nhu cầu trong nước và xuất khẩu tăng.
Trong khi đó, Đài Loan cũng ghi nhận sự tăng trưởng hơn mong đợi trong kim ngạch xuất khẩu tháng 6 vừa rồi. Chính quyền hòn đảo triển vọng của nền kinh tế khá tươi sáng nhờ vào nhu cầu trên toàn cầu tăng cao đối với chip công nghệ cao của Đài Loan và các dịp mua sắm cuối năm. Xuất khẩu tăng 31,1% trong tháng 6, đạt kim ngạch 53,73 tỷ đô la – theo dữ liệu của Bộ Kinh tế công bố tuần rồi. Đây là tháng 16 liên tục ngành xuất khẩu của Đài Loan tăng trưởng vượt bậc, vượt chỉ số dự báo trung bình 29,45% do Reuters thực hiện.
Bộ Kinh tế Đài Loan nói các con số kỷ lục đạt được nhờ vào thiết bị 5G và chất bán dẫn, đặc biệt là ở ngành công nghệ xe hơi khi toàn cầu phải đương đầu với nạn thiếu hụt chip. Nhu cầu đối với điện tử gia dụng như laptop để hỗ trợ “kinh tế gia đình” trong bối cảnh dịch hoành hành, mọi người phải ở nhà. Trong tháng 5, xuất khẩu của Đài Loan tăng 34,5% so với cùng kỳ năm trước và đạt 52,29 tỷ đô la.
Bộ Kinh tế dự báo xuất khẩu của Đài Loan trong tháng 8 sẽ tăng 15,7-18,9% so với cùng kỳ năm trước. Bộ này cũng khuyến cáo sự bất định của kinh tế toàn cầu khi chủng Delta và các chủng virus khác tiếp tục hoành hành, nhưng vẫn nhìn nhận khía cạnh tích cực của tỉ lệ tiêm chủng đang tăng và sự hồi phục kinh tế thế giới.
Trong khi đó, xuất khẩu của Trung Quốc cũng tăng nhanh hơn dự đoán trong tháng 6 rồi, với nhu cầu toàn cầu với hàng hóa từ Trung Quốc bật tăng trở lại sau khi các nước nới lỏng lệnh phong tỏa, chiến dịch tiêm chủng tiến triển hơn – hai yếu tố này giúp tiến độ giải phóng cảng hàng hóa nhanh hơn. Xuất khẩu trong tháng 6 tăng 32,2%, trong khi nhập khẩu lại tăng 36,7%. Tuy vậy, Trung Quốc đạt thặng dư xuất khẩu đến 51,53 tỷ đô la trong tháng 6, tăng hơn 11% so với tháng 5 trước đó và cao hơn con số dự báo 44,2 tỷ đô la của Reuters.
Tuy nhiên, một quan chức Hải quan Trung Quốc nói nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phát triển chậm lại trong nửa cuối năm 2021, một phần bởi vì tình trạng bất định do chủng Delta gây ra trên thế giới. Theo CNBC, sản xuất trong tháng 7 rồi tăng chậm nhất trong 17 tháng qua do giá tăng của nguyên liệu thô, bảo trì thiết bị và ảnh hưởng của các cơn bão trong tháng rồi. Chỉ số quản lý thu mua PMI đã giảm xuống còn 50,4 trong tháng 7, so với 50,9 trong tháng 6 – theo dữ liệu vừa công bố của Cục Thống kê Quốc gia (NBS). Nếu PMI dưới 50, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng trưởng âm.
Đứt gãy chuỗi cung ứng Đông Nam Á
Mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu bị đứt ở Đông Nam Á trong gần ba tháng khi chủng Delta hoành hành. Đây là cú đánh mới vào chuỗi cung ứng toàn cầu – Financial Times bình luận.
Việt Nam và Malaysia đóng vai trò quan trọng không chỉ trong sản xuất thiết bị điện tử mà cả ở mảng đóng gói và thử nghiệm các linh kiện từ smartphone đến xe hơi. Đợt dịch nghiêm trọng nhất từ trước đến nay khiến tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn toàn cầu thêm trầm trọng.
Gokul Hariharan, nhà nghiên cứu truyền thông và công nghệ châu Á tại ngân hàng JP Morgan, nói rằng Đông Nam Á có vai trò chủ yếu trong sản xuất các linh kiện thụ động như điện trở, tụ điện sử dụng trong smartphone và các thiết bị điện tử khác. Theo ngân hàng, tỷ lệ này khoảng 15-20%.
“Tình trạng khan hiếm hay thiếu hụt chưa xảy ra, nhưng vấn đề đang trở nên trầm trọng hơn. Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình”, chuyên gia của JP Morgan phát biểu.
Hơn 50 nhà thầu cung cấp chip quốc tế đang hoạt động tại Malaysia, với đủ phương tiện đóng gói và thử nghiệm. Đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ tư gây thiệt hại nặng cho các nhà cung ứng. Một trong những công ty bị ảnh hưởng là hãng Taiyo của Nhật Bản chuyên sản xuất tụ điện bằng sứ đa lớp sử dụng trong điện thoại di động và xe hơi. Ralec, công ty mẹ của hãng điện tử Kaimei Electronics của Đài Loan, nói sản xuất trong tháng 7 giảm 30%. Hãng này chuyên cung ứng điện trở và các linh kiện khác.
Mặc dù bán đảo Malaysia trong đợt phong tỏa nghiêm ngặt, nhiều hãng bán dẫn đã được phép duy trì sản xuất ở mức 60%. “Sự chuẩn thuận này đã diễn ra từ trước, kể từ tháng 3 năm ngoái. Taiyo có thể tăng lên 80-85% năng lực từ mức 60%”, theo lời nhà phân tích Forrest Chen thuộc hãng nghiên cứu về điện tử Trendforce tại Đài Loan. Chen cũng nói rằng hãng Taiyo cũng có thể chuyển bớt đơn hàng linh kiện xe hơi cho các nhà thầu đồng hương như Murata, Kyocera và TDK có nhà xưởng tại Malaysia.
Nhưng quá trình sản xuất tự động hóa ở ngành bán dẫn vẫn không thể cứu vãn “tình trạng giao hàng trễ nhiều tuần do ảnh hưởng của lệnh phong tỏa” – Chen bình luận.
Việt Nam là nhà xuất khẩu hàng điện tử gia dụng lớn nhất thế giới và cũng là nơi Samsung – hãng sản xuất thẻ nhớ, màn hình và smartphone lớn nhất thế giới – đặt các cơ sở sản xuất lớn. Hôm 14/7, Samsung Electronics phải đóng cửa tạm 3 trong 16 nhà máy tại TP.HCM, giảm số nhân công xuống còn 3.000 người từ con số 7.000 người.
Hiện tập đoàn này chưa phải chịu thiệt hại tài chính nào lớn – các nguồn tin nói với Financial Times.
Trong khi đó, hãng công nghệ Intel phải cho công nhân ở khách sạn và đưa đón mỗi ngày nhằm đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”. Tuy vậy, hãng sản xuất chip hàng đầu vẫn bị ảnh hưởng nhất định.
“Việt Nam đưa ra các quy định bắt buộc để bảo vệ an toàn của người dân là mục tiêu hàng đầu, nhưng chúng tôi cũng phải vận hành doanh nghiệp để bảo vệ tính cạnh tranh của Việt Nam”, Giám đốc truyền thông Uyên Hồ phụ trách thị trường Việt Nam và Malaysia của Intel nhấn mạnh.
1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 56,5 – 57,2 triệu đồng/lượng, giảm tiếp 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Chênh lệch giá hai đầu là 700.000 đồng như cuối tuần trước. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.810,3 USD/ounce, giảm 3,5 USD, tương đương 0,19% so với chốt phiên trước. Hiện giá vàng thế giới đang ở mức cao nhất trong gần 6 tuần và tiếp tục duy trì trên mức 1.800 USD/ounce. Điều này giúp giới phân tích lạc quan với xu hướng đi lên của kim loại quý trong tuần này.
2/ Tập đoàn Vingroup cho biết vừa đàm phán thành công đơn hàng đặc biệt – 500.000 lọ Remdesivir, thuốc điều trị Covid-19 được FDA Mỹ cấp phép. Toàn bộ số thuốc sẽ được trao tặng cho Bộ Y tế ngay trong tháng 8 này, nhằm góp phần đẩy nhanh phục hồi khả năng phục hồi cho bệnh nhân Covid-19. Remdesivir là thuốc kháng virus được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt điều trị cho bệnh nhân COVID-19 từ 22-10-2020. Với khả năng rút ngắn thời gian chữa trị và đẩy nhanh phục hồi ở bệnh nhân diễn tiến nặng, Remdesivir đã được 50 quốc gia như Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ… đưa vào phác đồ điều trị, và là một trong những loại thuốc đặc trị khó tiếp cận hàng đầu thế giới.
3/ Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, lần đầu tiên một lô hàng 22 tấn quả sấu đông lạnh của Việt Nam được xuất khẩu, phân phối và tiếp thị tại Australia. Với giá bán thấp nhất là 18 AUD/1kg, tổng giá trị của lô hàng 22 tấn tiêu thụ tại thị trường Australia có thể mang về giá trị kim ngạch 390.000 AUD (hơn 6,5 tỷ đồng Việt Nam). Như vậy, với mùa thu hoạch kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9, tiềm năng về kim ngạch của quả sấu không thua kém một số loại quả khác đang xuất khẩu sang quốc gia này. Mặc dù nhiều thành phố bị giãn cách xã hội và vận tải xuất khẩu gặp khó khăn, nhưng 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nông sản rau quả sang Australia tăng trưởng kỷ lục lên đến hơn 52% so với cùng kỳ năm 2020, đạt hơn 40 triệu USD.
4/ VnLife, công ty mẹ của dịch vụ thanh toán kỹ thuật số VnPay, vừa thông báo đã huy động thành công hơn 250 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B do các nhà đầu tư Mỹ General Atlantic và Dragoneer Investment Group dẫn đầu. Với khoản đầu tư này, VnLife đảm bảo vị thế là kỳ lân công nghệ của Việt Nam. Tham gia vòng gọi vốn lần này còn có sự tham gia của PayPal Ventures và EDBI. VnLife cho biết sẽ sử dụng 250 triệu USD mới để phát triển các nền tảng và công nghệ mới. Báo cáo năm 2020 của Google, Temasek và Bain & Company về nền kinh tế số của Đông Nam Á công nhận VnLife là kỳ lân công nghệ thứ 2 của Việt Nam sau VNG.
5/ Ủy ban Thương mại quốc tế (ITC) thuộc Cơ quan Quản lý Kinh tế Đài Loan (MOEA) vừa thông báo gia hạn thời gian điều tra chống bán phá giá đối với gạch ốp lát có xuất xứ từ Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia tới ngày 17/9/2021. Cục Phòng vệ thương mại đã khuyến nghị Hiệp hội và các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, xuất khẩu gạch ốp lát sang thị trường Đài Loan cần lưu ý, việc điều tra thiệt hại và tổ chức phiên tham vấn công khai là một cấu phần bắt buộc trong điều tra chống bán phá giá theo quy định của WTO. Được biết, biên độ bán phá giá được tính toán cho các doanh nghiệp Việt Nam thấp nhất là 2,35% và cao nhất là 28,64%.
6/ Pfizer và Moderna đã bắt đầu tăng giá vắc xin. “Thương hiệu được yêu thích nhất” Pfizer đã tăng giá một liều vắc xin từ 15,5 Euro lên 19,5 Euro (23,15 USD), tức 531.000 đồng. Trong khi đó, Moderna báo giá là 25,5 USD, tức gần 600.000 đồng, tăng gần 3 USD so với giá trước đó là 22,6 USD. Đây là mức báo giá mới cho Liên minh châu Âu (EU) khi các nước này đang lo ngại về gián đoạn nguồn cung. Các chính phủ EU cũng đã đồng ý trả một mức giá cao hơn để đảm bảo nguồn cung. Theo dự đoán, Pfizer và Moderna dự kiến tạo ra doanh thu hàng chục tỷ USD trong năm nay khi họ ký các thỏa thuận mới với nhiều quốc gia đang tìm kiếm vắc xin để đảm bảo nguồn cung cấp trước sự lây lan của biến thể Delta.
7/ Hội đồng Du lịch tỉnh Chon Buri, nơi có thành phố Pattaya nổi tiếng cho biết kế hoạch mở cửa du lịch của Pattaya vào tháng 9 có thể bị trì hoãn, do nước này đang thiếu hụt vắc xin nghiêm trọng. Tình trạng thiếu vắc xin thậm chí có thể ảnh hưởng đến chương trình mở cửa du lịch đang diễn ra tại Phuket và Samui. Được biết, mô hình mở cửa ở Pattaya dự kiến cũng sẽ tương tự như Phuket. Theo đó, dù mở cửa cho du khách quốc tế nhưng thành phố vẫn có các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt, nghĩa là nhiều cửa hàng, nhà hàng và địa điểm giải trí vẫn đóng cửa. Các biện pháp chặt chẽ như vậy sẽ không khuyến khích du khách đến Thái Lan, khiến cho nhu cầu du lịch sẽ ở mức thấp trong giai đoạn đầu.
8/ Sở Du lịch TP.HCM đã hợp tác với ứng dụng đặt phòng Traveloka triển khai chương trình hỗ trợ người dân tìm kiếm và đặt phòng khách sạn, phương tiện vận chuyển theo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, chương trình đang có hơn 80 đối tác khách sạn và vận chuyển được chọn trên khắp thành phố, bao gồm xe thuê riêng và phương tiện công cộng, được cung cấp qua ứng dụng và trang mạng của Traveloka. Người có nhu cầu có thể truy cập vào phần “Khách sạn cách ly” để đặt phòng và thanh toán trực tuyến hoặc trực tiếp. Các thao tác cũng tương tự với nhu cầu di chuyển, tại mục “Vận chuyển cách ly”. Được biết, TP HCM là địa phương đầu tiên thí điểm số hóa quy trình đặt dịch vụ khách sạn và dịch vụ vận chuyển dành cho F1.
9/ Theo dữ liệu của Coin Desk ngày 2/8, giá Bitcoin quay đầu lao dốc sau khi chạm ngưỡng cao nhất kể từ hồi tháng 5, 42.500 USD/đồng. Đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới hiện được giao dịch ở mức 39.800 USD/đồng, giảm 5,71% so với một ngày trước đó. Đợt sụt giảm đã khiến Bitcoin trở lại vùng giá 30.000-40.000 USD/đồng mà đồng tiền đã mắc kẹt trong nhiều tháng qua. Giá bật tăng trở lại sau những bình luận ủng hộ của tỷ phú Elon Musk và nhà sáng lập Cathie Wood của Ark Investment Management LLC. Được biết, giới chức trách Mỹ hiện đang thúc đẩy những quy định chặt chẽ hơn đối với các nhà đầu tư, nhằm tăng thu thuế để tài trợ cho kế hoạch đầu tư 550 tỷ USD vào hệ thống giao thông và năng lượng.
10/ Nền tảng thanh toán trực tuyến Square (Mỹ), do ông chủ của Twitter thành lập, đã thông báo sẽ mua lại công ty công nghệ tài chính (fintech) Afterpay Limited của Australia với giá 29 tỷ USD. Được biết, Afterpay chuyên về mô hình “mua ngay, trả sau” cung cấp cho người dùng các khoản thanh toán xen kẽ và thường không tính thêm phí. Công ty fintech này đang hoạt động tại Australia, Mỹ, Canada, Anh, Pháp và Italy, với 100.000 nhà cung cấp trên toàn cầu và phục vụ 16,2 triệu khách hàng. Thương vụ sáp nhập này dự kiến sẽ kết thúc trong quý I/2022 và được thực hiện hoàn toàn thông qua hình thức trao đổi cổ phiếu.
11/ Cơ quan quản lý mạng Internet Trung Quốc đã công bố khởi động chiến dịch 6 tháng nhằm siết chặt các hoạt động trực tuyến bất hợp pháp. Theo đó, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) mới đây đã yêu cầu 25 công ty Internet và phần cứn Trung Quốc bao gồm Alibaba và Tencent Holdings thực hiện các đợt kiểm tra nội bộ và rà soát nhiều vấn đề từ an ninh dữ liệu cho đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Như vậy, rõ ràng Bắc Kinh đang cố gắng siết chặt quản lý các doanh nghiệp Internet hàng đầu nước này trong nhiều mảng, từ chống độc quyền cho đến an ninh dữ liệu hay gọi xe bằng ứng dụng. Dữ liệu lớn hiện đang trở thành chiến trường mới trong cuộc đối đầu của nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn tại Trung Quốc, diễn biến trong lĩnh vực này có thể định hình kinh tế toàn cầu trong nhiều thập kỷ tới.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này