
16:38 - 28/08/2023
Thị trường 24/7: Ấn Độ áp đặt thêm các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo; Pháp chi tiền để nông dân huỷ rượu, phá nho
Ấn Độ áp đặt thêm các biện pháp hạn chế đối với mặt hàng gạo: Hôm 27/8, Bộ Thương mại Ấn Độ thông báo chính phủ nước này sẽ ấn định giá sàn 1.200 USD/tấn đối với gạo basmati (loại gạo thơm hạt thon dài phổ biến ở Ấn Độ) xuất khẩu, theo báo Tuổi Trẻ. Ấn Độ giải thích điều này nhằm ngăn chặn một số thương nhân tìm cách buôn lậu gạo trắng non-basmati (gạo không phải gạo hạt dài basmati) – loại gạo đã bị cấm xuất khẩu – thông qua hải quan dưới vỏ bọc là loại gạo basmati vốn đắt tiền hơn.
Bộ Thương mại Ấn Độ cho biết nước này quyết định đưa ra mức giá tối thiểu cho các lô hàng gạo basmati sau khi nhận thấy sự biến động lớn về giá xuất khẩu của loại gạo này. Trong một số trường hợp, loại gạo này thậm chí được bán với giá 359 USD/tấn, thấp hơn rất nhiều so với giá xuất khẩu trung bình là 1.214 USD/tấn trong tháng này.
Trước đó, hôm 25/8, Bộ Tài chính Ấn Độ thông qua quyết định áp mức thuế 20% đối với gạo xuất khẩu, nhằm kiểm soát tình trạng giá tăng trong khi đảm bảo đủ nguồn cung cho thị trường trong nước. Ấn Độ chiếm tới 40% thị phần gạo toàn cầu vào năm ngoái. Nước này hiện đã cấm hoặc đưa ra một số biện pháp hạn chế đối với việc xuất khẩu tất cả các loại gạo.
Cổ phiếu Tập đoàn Evergrande Trung Quốc giảm gần 90%: Đài CNBC đưa tin cổ phiếu Tập đoàn Evergrande (China Evergrande Group) của Trung Quốc ngày 28/8 đã giảm tới 87% khi mở bán trở lại lần đầu tiên kể từ tháng 3/2022.
Theo đó, cổ phiếu niêm yết tại Hong Kong của ông lớn lắm nợ này được bán ra ở mức 0,22 đô la Hong Kong (HKD) (chưa tới 1.000 đồng/cổ phiếu), thấp hơn mức 1,65 HKD cho một cổ phiếu vào phiên giao dịch gần nhất ngày 18/3/2022. Evergrande sẽ phải đối mặt với việc bị hủy niêm yết nếu thời gian đình chỉ giao dịch kéo dài 18 tháng, theo hãng tin Reuters.
Cổ phiếu Evergrande giao dịch trở lại khi tập đoàn này ngày 27/8 công bố lỗ 4,53 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2023, thấp hơn so với mức lỗ 9,11 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận nửa đầu năm của Evergrande ghi nhận đạt 17,66 tỷ USD, tăng so với khoản lợi nhuận 12,24 tỷ USD vào tháng 6/2022.
Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng về sát 0%: Một số ngân hàng (NH) đã tiếp tục giảm lãi suất (LS) huy động tiền đồng trong tuần thứ 3 của tháng 8 từ mức 0,1 – 0,5%/năm, theo báo Thanh Niên.
Dẫn đầu là 4 NH có vốn nhà nước lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank đồng loạt giảm LS huy động từ 0,3 – 0,5%. Theo đó, LS kỳ hạn 1 – 2 tháng còn 3%/năm, 3 tháng là 3,8%/năm, 6 – 9 tháng còn 4,7%/năm, 12 tháng trở lên còn 5,8%/năm. Riêng tại Agribank có mức LS huy động cao nhất cũng chỉ 5,5%/năm.
Tương tự, LS giao dịch giữa các NH trên thị trường liên NH xuống mức thấp trong vòng 2 năm trở lại đây, về sát mức 0%/năm ở những kỳ hạn ngắn. Vào cuối tuần qua, LS tiền đồng kỳ hạn qua đêm quanh mức 0,2%, 1 tuần khoảng 0,4%, 2 tuần 0,58%, 1 tháng 1,48%… So với mức cao nhất mà LS đạt được trong 52 tuần qua trên thị trường này ở mức 8 – 9%/năm thì LS hiện nay giảm khá mạnh.

Trong khi lãi suất huy động đã giảm mạnh thì lãi suất cho vay của các ngân hàng vẫn “đủng đỉnh” neo ở mức cao.
Singapore đứng thứ 2 trong số quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam: Theo báo Chính Phủ, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Lý Hiển Long sẽ giúp thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, nhất là về kinh tế số-kinh tế xanh. Hiện tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 8,3 tỷ đô la Mỹ năm 2021 và 9,15 tỷ đô la năm 2022 (tăng 11,6% so với năm 2021), trong đó, Việt Nam xuất khẩu 4,3 tỷ đô la và nhập khẩu 4,8 tỷ đô la.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 4,5 tỷ đô la, giảm gần 6% so với năm 2022 (trong đó, Việt Nam xuất khẩu 2 tỷ đô la, giảm hơn 13% so với cùng kỳ năm 2022 và nhập khẩu 2,5 tỷ đô la, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2022).
Với 3.274 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 73,5 tỷ đô la Mỹ, Singapore duy trì vị trí đứng đầu ASEAN và thứ 2/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Quy mô dự án bình quân là 22,4 triệu đô la/dự án, cao hơn quy mô dự án bình quân chung là khoảng 12,1 triệu đô la/dự án. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, Singapore là đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam, với 163 dự án cấp mới, 72 lượt điều chỉnh và 164 lượt góp vốn mua cổ phẩn với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3 tỷ đô la.
Các tập đoàn vận tải và logistics chạy đua đầu tư cơ sở hạ tầng ở châu Á: TBKTSG dẫn tin từ Financial Times cho biết các tập đoàn vận tải biển và logistics lớn nhất thế giới đang chạy đua mua các cơ sở hạ tầng kho vận ở châu Á nhằm giúp khách hàng của họ mở rộng chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc. Các doanh nghiệp bao gồm hãng vận tải container Hapag-Lloyd của Đức và Maersk của Đan Mạch đã đầu tư vào các cảng, nhà kho và cơ sở hạ tầng hậu cần khác. Cơ sở vật chất hỗ trợ chuỗi cung ứng ngày càng phức tạp và đang phát triển ở các nước như Việt Nam, Ấn Độ và Malaysia.
Dheeraj Bhatia, người giám sát hoạt động kinh doanh của Hapag-Lloyd tại Ấn Độ, cho hay cuộc cạnh tranh đầu tư vào các thị trường này đang gia tăng khi họ thu hút nhiều hoạt động sản xuất ở nước ngoài mà trước đây tập trung vào Trung Quốc. “Cả thế giới coi Ấn Độ và Đông Nam Á là lựa chọn tự nhiên tiếp theo để sản xuất ở nước ngoài. Các công ty kho vận từ Trung Đông, Trung Quốc, châu Âu đều tìm cách đầu tư vào những thị trường này”, Bhatia nói.
Các lãnh đạo trong ngành kho vận cho biết họ đang đáp lại mong muốn của các công ty đa quốc gia phương Tây nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và thiết lập các dây chuyền sản xuất dự phòng. Xu hướng này mạnh lên do tác động từ những rạn nứt địa chính trị và những đứt gãy chuỗi cung ứng trong thời kỳ đại dịch.
Doanh nghiệp nước ngoài lo ngại về kinh tế Trung Quốc: Theo Financial Times, báo cáo từ nhiều doanh nghiệp trên khắp thế giới đã cho thấy những lo ngại về Trung Quốc, nơi mà thị trường bùng nổ trong nhiều thập kỷ với mọi loại hàng hóa và dịch vụ, từ hóa chất đến ô tô, y tế và du lịch.
Ông Martin Brudermüller, Giám đốc tập đoàn hóa chất BASF của Đức, một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Trung Quốc, cho rằng người Trung Quốc đã đầu tư lớn cho giáo dục, mất nhiều tiền cho bất động sản và đang thận trọng trong việc tiêu tiền.
Ông Maike Schuh, Giám đốc Tài chính của Evonik, một tập đoàn hóa chất khác của Đức, nhận định tốc độ phục hồi của kinh tế Trung Quốc rất chậm, lĩnh vực xây dựng vẫn khủng hoảng và tỷ lệ thất nghiệp, đặc biệt là trong giới trẻ, là một vấn đề thực tế.
Trang web du lịch trực tuyến Booking Holdings tháng này cho biết người Trung Quốc đi nước ngoài ít hơn. Giám đốc điều hành Glenn Fogel cho rằng thị trường Trung Quốc sẽ chưa phục hồi. Tuy nhiên, trong số những công ty sản xuất hàng tiêu dùng có những ngoại lệ như Apple, khi Giám đốc điều hành tập đoàn này, Tim Cook, cho biết doanh số bán tại Trung Quốc từ chỗ giảm 3% trong quý 2 đã tăng trưởng 8% trong quý 3.
Số liệu công bố tháng trước cho thấy, kinh tế Trung Quốc mất động lực trong quý 2, khi xuất khẩu giảm, doanh số bán lẻ thấp và lĩnh vực bất động sản đang khủng hoảng đã gây sức ép lên tăng trưởng kinh tế.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 0,8% trong quý 2, giảm so với mức 2,2% trong quý 1. Những khó khăn mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt đang cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
8 tháng, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt hơn 18 tỷ USD: Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến ngày 20/8/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 18,1 tỷ USD, tăng 8,2% so cùng kỳ.
Đáng lưu ý, vốn đầu tư đăng ký mới và hoạt động góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục giữ xu hướng tăng. Riêng vốn đầu tư điều chỉnh giảm mạnh so cùng kỳ mặc dù số lượt dự án điều chỉnh tăng vốn tăng lên.
Cụ thể, trong tổng giá trị vốn FDI vào Việt Nam 8 tháng năm 2023, có 1.924 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với vốn đăng ký đầu tư mới đạt hơn 8,8 tỷ USD, tăng 69,5% về số dự án và tăng 39,7% về số vốn so cùng kỳ.
Bên cạnh đó, có 830 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 4,5 tỷ USD, tăng 22,8% về số lượt dự án điều chỉnh và giảm 39,7% về số vốn. Tuy vẫn giảm nhưng mức giảm về vốn đầu tư điều chỉnh tiếp tục có xu hướng cải thiện hơn so với các tháng đầu năm.
Chính phủ Pháp chi tiền để nông dân huỷ rượu, phá nho: Chính phủ Pháp đang lên kế hoạch chi 200 triệu Euro để nông dân huỷ rượu, theo Financial Times.
Bộ Nông nghiệp Pháp đã nhận được sự phê chuẩn và hỗ trợ tài chính từ Liên minh châu Âu (EU) để chi trả khoản trợ cấp khủng hoảng ngành rượu vang. Theo đó, số tiền trợ cấp nói trên sẽ chủ yếu được rót cho Bordeaux và Languedoc, hai vùng trồng nho và ủ rượu hàng đầu của Pháp. Trong kế hoạch được vạch ra, rượu vang dư thừa sẽ được chưng cất thành ethanol – loại cồn có thể được sử dụng cho các mục đích công nghiệp như sản xuất nước hoa hay gel hydroalcoholic.
Đây là một phần trong nỗ lực của Chính phủ Pháp nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất rượu vang của nước này vốn đang phải chật vật ứng phó với sự suy giảm nhu cầu rượu vang của người tiêu dùng ở Pháp, cuộc cạnh tranh ngày càng căng thẳng trên thị trường xuất khẩu, và doanh số suy giảm tại thị trường Trung Quốc.
Ngành công nghiệp rượu vang Pháp ước tính lượng rượu dư thừa trong năm nay có thể lên tới 300 triệu lít, tương đương 7% sản lượng của toàn ngành trong năm ngoái là 4.200 triệu lít. Ngoài chương trình hỗ trợ biến rượu thành ethanol, Chính phủ Pháp còn có một chương trình khác bồi thường cho những nông trại rượu vang chấp nhận từ bỏ việc trồng nho để sản xuất rượu và thay vào đó chuyển sang trồng cây lấy gỗ hoặc bỏ hoang đất trồng. Khoảng 1.000 nông dân ở Bordeaux đã nộp hồ sơ xin trợ cấp theo chương trình này, với tổng diện tích đất trồng nho là 9.200 hectare, chiếm 8% tổng diện tích đất trồng nho của vùng.
Có thể bạn quan tâm
Kết cục buồn từ đồng tiền của người xa xứ
Quả dâu 10 đô giúp thị trấn Nhật Bản hồi sinh sau sóng thần
Khi chuỗi cà phê Việt tiến vào thị trường Mỹ
Niềm tin nhà đầu tư vẫn còn, nhưng cần sớm có lộ trình mở cửa rõ ràng
Ấn Độ cũng mở ‘ATM gạo’ để hỗ trợ người nghèo
Tin khác


Thị trường 24/7: Giá vàng tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm; Gạo 25% tấm của Việt Nam rớt mốc 600 USD/tấn

Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này