
16:13 - 31/01/2024
Thị trường 24/7: Cước vận tải hàng không tăng cao; Nhiều nhà thầu bị phạt vì bỏ hợp đồng dự trữ gạo
Vàng SJC neo ở giá cao, vàng 9999 tiếp tục tăng: Giá vàng thế giới giảm nhẹ trong khi chờ kết quả cuộc họp của Fed thì giá vàng SJC trong nước sáng 31/1 vẫn neo trên 77 triệu đồng/lượng và giá vàng 9999 vẫn tiếp tục tăng.
Sau khi tăng mạnh 600.000 – 700.000 đồng/lượng vào hôm trước, giá vàng SJC sáng nay vẫn được neo ở giá cao. Vào khoảng 10 giờ, tiệm vàng Mi Hồng (quận Bình Thạnh, TP.HCM) giao dịch vàng SJC ở mức 75,6 triệu đồng/lượng mua vào và 76,6 triệu đồng/lượng bán ra, giá không đổi so với cuối giờ chiều hôm trước.
Trong khi giá vàng SJC chựng lại sau khi tăng mạnh vào hôm trước thì giá vàng 9999 sáng nay tiếp tục tăng. Cụ thể, Công ty SJC cũng niêm yết vàng nhẫn 9999 1 chỉ, 2 chỉ và 5 chỉ ở mức 62,95 triệu đồng/lượng mua vào và 64,15 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 50.000 đồng cả 2 chiều mua và bán so với cuối giờ chiều qua.
Tháng 1/2024, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng gần 80%: Chiều 31/1, Bộ NN-PTNT thông tin về tình hình xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản trong tháng đầu năm 2024.
Theo Bộ NN-PTNT, trong tháng 1/2024, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 5,14 tỷ USD, tăng 79,2% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu đạt 3,72 tỷ USD; xuất siêu 1,43 tỷ USD, tăng hơn 4,6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 1,49 tỷ USD, tăng 72,5%; thủy sản đạt 730 triệu USD, tăng 60,8%; các loại nông sản đạt 2,71 tỷ USD, tăng 93,8%; chăn nuôi đạt 36 triệu USD, tăng 3,5%. Về thị trường, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang các thị trường đều tăng. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 23% (tăng 106,9%); Mỹ chiếm 20,8% (tăng 95,9%) và Nhật Bản chiếm 7,4%, (tăng 47,5%).
Nhiều nhà thầu bị phạt vì bỏ hợp đồng dự trữ gạo: Cục Dự trữ nhà nước khu vực Hà Nội (thuộc Tổng cục Dự trữ nhà nước) vừa công bố danh sách 4 doanh nghiệp đã bỏ hợp đồng sau khi trúng các gói thầu dự trữ gạo quốc gia trong năm 2023 và bị phạt, gồm: Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Đông Phương (địa chỉ ở TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình); Công ty TNHH Vạn Lợi (địa chỉ ở TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam); liên danh Công ty TNHH Thương mại quốc tế Khải Minh (địa chỉ ở huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) và Công ty TNHH Xây dựng và phát triển dự án Việt Nam.
Trong năm 2023, Tổng cục Dự trữ nhà nước được giao kế hoạch nhập kho dự trữ 220.000 tấn gạo, nhưng chỉ thực hiện được 62% kế hoạch; còn lại hơn 83.197 tấn gạo chưa mua được. Tổng cục Dự trữ nhà nước đã trình Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển chỉ tiêu này sang năm 2024 tiếp tục thực hiện.
Quỹ ngoại rót vốn 5,1 triệu USD vào Đông Nam Á: Antler – quỹ đầu tư mạo hiểm vào giai đoạn đầu của start-up – công bố khoản tài trợ hạt giống trị giá 5,1 triệu USD (khoảng 125 tỷ đồng) vào 37 start-up trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có 4 của Việt Nam.
4 start-up Việt được đầu tư là Barely Skin, flaex, Naki và Upbrand. Số tiền cụ thể không được Antler tiết lộ, nhưng đại diện quỹ cho biết là “không hề nhỏ”.
Quỹ Antler cho biết đây là số tiền hạt giống được đầu tư nhiều nhất từ trước đến nay vào các nhà khởi nghiệp công nghệ thế hệ mới tại Đông Nam Á. Danh mục các start-up trải dài đến 19 lĩnh vực, từ AI, B2B SaaS (phần mềm doanh nghiệp với doanh nghiệp dưới dạng dịch vụ) đến fintech và công nghệ chăm sóc sức khỏe, để giải quyết các thách thức cụ thể trong khu vực.
Vingroup lần đầu ghi nhận doanh thu sản xuất vượt bất động sản: Tập đoàn Vingroup (VIC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2023 với doanh thu thuần đạt 27.452 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, trong cơ cấu doanh thu quý cuối năm ngoái, số thu từ hoạt động sản xuất đạt tới 11.290 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ quý 4/2022 và chiếm 41% tổng doanh thu hợp nhất trong quý. Con số này cũng giúp hoạt động sản xuất (với chủ lực là VinFast) trở thành hoạt động mang lại nguồn thu lớn nhất cho tập đoàn, vượt qua hoạt động kinh doanh chuyển nhượng bất động sản (thu 4.800 tỷ đồng quý vừa qua).
Đây cũng là quý đầu tiên kể từ khi VinFast đi vào vận hành thương mại, doanh thu hoạt động sản xuất của Vingroup mới vượt qua số thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản.

Doanh thu hoạt động sản xuất (chủ lực là VinFast) của Vingroup lần đầu cao hơn hoạt động bất động sản.
Cước vận tải hàng không tăng cao: Cước phí vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không trên toàn cầu đã tăng lần đầu tiên trong bảy tuần qua, trước thềm Tết Nguyên đán và giữa lúc các cuộc tấn công vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ đã khiến nhiều công ty chuyển sang vận chuyển bằng đường hàng không với chi phí cao hơn.
Công ty TAC Index cho biết Chỉ số cước phí hàng không Baltic – thước đo cước phí vận tải hàng hóa bằng đường hàng không theo tuần ở nhiều đường bay, đã tăng 6,4% trong tuần tính đến ngày 29/1, qua đó đảo ngược đà giảm kể từ thời kỳ cao điểm theo mùa vào giữa tháng 12 năm ngoái.
Cước phí vận tải hàng hóa bằng đường hàng không từ Thượng Hải đã tăng 8,8% vào ngày 29/1 so với một tuần trước đó, trong đó tăng mạnh nhất ở đường bay đến châu Âu. Cước phí vận tải từ Hong Kong (Trung Quốc) tăng 5,9% và từ Đông Nam Á tăng 10%.
Kinh tế toàn cầu đã ‘cách xa kịch bản suy thoái’: Trong báo cáo cập nhật Triển vọng Kinh tế Toàn cầu công bố hôm 30/1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới. Theo đó, GDP toàn cầu có thể tăng 3,1% năm 2024, thêm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2023.
Dự báo cho năm 2025 không đổi, là 3,2%. Dù vậy, tăng trưởng vẫn dưới mức trung bình giai đoạn 2000-2019 là 3,8%. Thương mại được dự báo tăng 3,3% năm nay và 3,6% vào 2025. Mức này đều dưới ngưỡng trung bình là 4,9%, do chịu sức ép từ các rào cản thương mại mới bị áp trên toàn cầu.
“Kinh tế thế giới tiếp tục cho thấy sự sôi động ấn tượng. Lạm phát giảm và tăng trưởng đang nhích lên. Khả năng hạ cánh mềm đang cao lên. Chúng ta đã cách rất xa kịch bản suy thoái toàn cầu”, kinh tế trưởng IMF Pierre-Olivier Gourinchas nói.
New Zealand cấm sử dụng các hóa chất khó phân hủy trong mỹ phẩm: Cục Bảo vệ môi trường (EPA) New Zealand ngày 30/1 thông báo cấm sử dụng các chất tồn tại bền vững (PFAS) khó bị phân hủy, trong mỹ phẩm từ cuối năm 2026. New Zeland là một trong những nước đầu tiên làm như vậy.
PFAS đôi khi được sử dụng trong các sản phẩm như sơn móng tay, kem cạo râu, kem nền, son môi và chuốt mi. Chúng được bổ sung để làm mịn da hoặc làm cho mỹ phẩm bền hơn, trơn hơn và chống nước.
Chuyên gia về các chất độc hại của EPA, Shaun Presow nhấn mạnh các chất này không dễ bị phân hủy, chúng có thể tích tụ trong cơ thể và một số gây độc ở mức cao.
Quyết định về PFAS là một trong số ít cập nhật được đưa ra đối với tiêu chuẩn nhóm mỹ phẩm nhằm đảm bảo mỹ phẩm an toàn và các quy định phù hợp hơn với chuẩn mực quốc tế.
Có thể bạn quan tâm
VN Index mất gần 15 điểm phiên cuối tuần
Thị trường 24/7: Giá gạo Việt lội ngược dòng thế giới; Hàng Việt bán được 17 triệu sản phẩm trên Amazon
Thị trường 24/7: Chứng khoán bất ngờ lao dốc; Trung Quốc siết xuất khẩu sang 28 công ty Mỹ
Thị trường 24/7: Giá vàng miếng mất mốc 90 triệu đồng; Người Úc ‘bạo chi’ nhất khi du lịch nước ngoài
Úc: Các ngành khác ‘méo mặt’ khi hàng không được chính phủ cứu trợ
Tin khác


Thị trường 24/7: Giá xăng dầu giảm lần thứ ba liên tiếp; Thái Lan tăng cường quản lý nguồn cung trái cây

Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này