10:12 - 28/10/2022
Trái cây Việt chịu nhiều tác động mới từ Trung Quốc
Khu vực Trung Quốc tính luôn phần mở rộng – gồm Trung Quốc, Hong Kong và Macau – ước tính chiếm hơn 90% giá trị xuất khẩu của các loại trái cây từ Việt Nam.
Tuy nhiên, chính sách phòng chống dịch và việc Trung Quốc cho nhập chính ngạch từ các thị trường đối thủ khác khiến các loại trái cây xuất khẩu chính yếu của Việt Nam giảm mạnh.
Về tổng quát tình hình xuất khẩu của Việt Nam về thanh long – loại trái cây được mệnh danh “nữ hoàng tỷ đô” – giảm 38%, các loại khác giảm mạnh như nhãn (75%), dưa hấu (62%), chôm chôm (56%), xoài ổi và măng cụt (54%). Riêng mít giảm nhẹ chỉ 4%. Kim ngạch xuất khẩu chuối và sầu riêng của Việt Nam tăng mạnh trong chín tháng đầu năm với tỷ lệ lần lượt là 50% và 38% – theo dữ liệu mới nhất của BSA (Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp). Riêng bưởi tăng vọt 98%, bơ tăng 60%.
Bị nhiều nước cạnh tranh
Lượng trái cây Việt Nam xuất sang Trung Quốc sụt giảm do có sự cạnh tranh của các nước Thái Lan, Philippines và Indonesia. Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, trong bảy tháng đầu năm, đã nhập khẩu 6 tỷ USD trái cây từ các nước ASEAN.
Thái Lan hiện là nước xuất khẩu trái cây tươi lớn nhất vào Trung Quốc, đạt 4,5 tỷ USD. Thái Lan kỳ vọng việc xuất khẩu trái cây vào Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm, đặc biệt khi sản lượng trái cây tại nước này đang có dự báo lạc quan. Theo Bộ Nông nghiệp Thái Lan, sản lượng trái cây nước này ước tính tăng 13%, cụ thể sầu riêng tăng 22%, măng cụt tăng 43%, nhãn tăng 7,8%, chôm chôm tăng 6% và xoài tăng 5%. Thị trường xuất khẩu chiếm 70% sản lượng. Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm 65% tổng xuất khẩu trái cây của Thái Lan.
Ngoài ra, sân bay quốc tế Ngô Vu tại Nam Ninh, khu tự trị Choang Quảng Tây đã bắt đầu nhận các chuyến hàng trái cây tươi nhập khẩu từ tháng 5 năm nay. Theo đó, chuyến bay Bangkok – Nam Ninh được đưa vào hoạt động với tần suất một chuyến khứ hồi/ngày, sức tải 260 tấn, đặc biệt hỗ trợ cho các loại trái cây tươi ngắn ngày như măng cụt và nhãn. Đáng chú ý, Trung Quốc hiện đang thực hiện mở cửa nhập khẩu chính ngạch cho nhiều trái cây tươi của các nước khác như thanh long Ecuador, nhãn Cambodia, dứa Indonesia và bơ Kenya, khiến cạnh tranh tại thị trường này đối với các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Việt Nam ngày càng gay gắt.
Thanh long vàng được chuộng
Các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc đã ổn định trở lại. Tuy nhiên, chính sách zero Covid đã khiến sức mua khó phục hồi nhanh chóng như trước.
Cuối tháng 7 vừa rồi, Trung Quốc đã chính thức cho phép nhập chính ngạch thanh long từ Ecuador, bao gồm loại ruột đỏ và loại vỏ vàng (kirin fruit). Hình thức đẹp và vị ngọt vượt trội, thanh long vàng được chuộng tuy giá khá cao. Tuy vậy, kirin lại hiếm trên thị trường đại lục.
Diện tích trồng thanh long vàng tại Trung Quốc cũng đang được mở rộng. Các vùng trồng lớn được đưa vào khai thác từ năm 2021 tại đảo Hải Nam với tổng diện tích hơn 1.300 ha. Theo ước tính của BSA, nếu tính năng suất của thanh long vỏ vàng tại Hải Nam ngang bằng năng suất thanh long trung bình tại Bình Thuận – 20 tấn mỗi ha, sản lượng ở Hải Nam có thể đạt 26.000 tấn thanh long vỏ vàng.
Trung Quốc hiện có hơn 40.000 ha trồng thanh long, tập trung tại Quảng Tây và Quảng Đông, nhỉnh hơn chút so với tổng diện tích 33.750 ha của Bình Thuận.
Chuối và sầu riêng tăng mạnh
Giá trị xuất khẩu chuối trong chín tháng đầu năm 2022 đạt 286 triệu USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2021, tăng ở hầu hết các thị trường. Khu vực Trung Quốc mở rộng là thị trường chính của chuối Việt Nam xuất khẩu, ước tính hơn 90% giá trị.
Các chính sách về thuê đất nông nghiệp, chi phí lao động tăng và ảnh hưởng của dịch héo lá Panama khiến nguồn cung lẫn chất lượng chuối nội địa tại thị trường này giảm mạnh, và tăng nhập khẩu chuối từ nước ngoài. Hiện giá C&F trung bình của các đơn hàng chuối xuất khẩu đến Trung Quốc là 0,45 – 0,55 USD/kg.
Ngoài ra, Campuchia cũng là một trong những bên cung cấp chính đối với chuối cho thị trường Trung Quốc. Trong năm 2021, Cambodia đã xuất 377.000 tấn chuối vào Trung Quốc, tương đương giá trị hơn 200 triệu USD, chiếm khoảng 1/5 tổng giá trị nhập khẩu chuối của Trung Quốc. Nước này kỳ vọng trong năm 2022, con số này sẽ tăng lên sau khi Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc – Cambodia chính thức có hiệu lực từ đầu năm nay. Tuy vậy, tính hết tháng tháng 7/2022, sản lượng chuối xuất khẩu của Cambodia đạt 250.000 tấn, giảm 7% so với cùng kì năm trước. Trong đó, ước tính có 220.000 tấn được đưa đến Trung Quốc và khoảng 24.000 tấn xuất khẩu đến Việt Nam.
Thị trường sầu riêng đang vào mùa cao điểm và giá đang được giữ ở mức cao do tác động tích cực từ nhu cầu của thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, vì lượng mưa nhiều bất thường, sản lượng sầu riêng Monthong thu hoạch được tại miền Nam Thái Lan, quốc gia cung cấp sầu riêng chính cho thị trường này và cả thế giới, ước tính đã giảm hơn một nửa so với năm 2021, góp phần đẩy giá bán lên cao. Tình trạng khan hiếm nguồn cung sầu riêng từ Thái Lan sẽ tiếp tục kéo dài đến cuối năm nay. Trong tuần đầu tháng 10, trung bình có khoảng 6 đến 16 container sầu riêng Thái Lan cập cảng Trung Quốc hàng ngày, trong khi ở các vụ cao điểm trước, số lượng container có thể lên đến 200 mỗi ngày.
Trong chín tháng đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng ước tính đạt hơn 113 triệu USD, tăng 38% so với cùng kì năm 2021. Trung Quốc mở rộng vẫn là thị trường lớn nhất của sầu riêng Việt Nam. Cùng kỳ xuất khẩu sầu riêng Việt Nam ước tính đạt 70 triệu USD, tăng gần 49% so với cùng kỳ 2021. Phần lớn sầu riêng xuất khẩu đến đây được cập cảng tại Hong Kong, đơn giá theo điều kiện C&F trong tháng 8 và 9 đang dao động ở mức 2 – 2,2 USD/kg.
Trong tuần đầu tháng 10, sầu riêng tại khu vực lục địa Trung Quốc đang ở mức cao. Tại khu chợ Gia Hưng, tỉnh Sơn Đông phía đông Trung Quốc, giá bán sỉ sầu riêng Thái Lan ở mức 132 – 146 USD/thùng 6 trái (950 – 1050 nhân dân tệ) và sầu riêng Việt Nam 125 – 132 USD/thùng (900 – 950 nhân dân tệ).
Từ khi được chính thức cấp phép xuất khẩu chính ngạch, sầu riêng Việt Nam vận chuyển vào thị trường này với số lượng lớn và dự báo có thể khiến giá sầu riêng Thái Lan sụt giảm. Tuy vậy, điều này đã không xảy ra. Giá các loại sầu riêng tại đây đều đang được bán với giá tốt. Theo Fresh Legends, một trong những nguyên nhân giữ giá sầu riêng tại Trung Quốc cao là vì kỳ nghỉ lễ Quốc khánh bắt đầu từ ngày 1/10 khiến nhu cầu đối với loại trái này tăng. Đồng thời, sầu riêng Thái Lan đang vào cuối vụ, nguồn cung giảm khiến giá bán được giữ tốt.
Nhìn chung, tại Trung Quốc, sầu riêng Monthong của Thái Lan và Musang King của Malaysia đang có độ phân phối và nhận diện lớn. Sầu riêng Việt Nam cũng được ưa chuộng, song chất lượng và số lượng vẫn thua hai nước trên. Tuy vậy, Việt Nam đang có lợi thế rất lớn về mùa vụ khi mùa sầu riêng chín tại các tỉnh khác nhau rải rác đều quanh năm. Trong tương lai, sầu riêng Việt Nam còn phải cạnh tranh với sầu riêng từ Philippines khi hiệp định xuất khẩu chính nghạch trái tươi được ký kết với Trung Quốc.
Nhận định: Từ các xu hướng trên, BSA cho rằng giá trị xuất khẩu trái cây Việt Nam năm nay có thể giảm từ 10 – 15%. Chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, chiến lược marketing và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cũng chưa rõ nét, vẫn mang tính cục bộ khiến vị thế của trái cây Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu dễ dàng bị lấn át. Việc phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc và chất lượng thiếu ổn định khiến tăng trưởng của trái cây xuất khẩu, dù có, là chưa bền vững và khó khăn khi cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Để có bản báo cáo chi tiết, vui lòng liên hệ: bsa-i@bsa.org.vn
Nguyễn Phương Anh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này