
11:51 - 28/11/2020
Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành siêu cường quốc dữ liệu
Hãy quay ngược lại năm 2001! Vào thời điểm đó, Mỹ là quốc gia chiếm ưu thế vượt trội khi nhắc đến các dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới.
Đó là những ngày sơ khai của kỷ nguyên bùng nổ Internet và khi Mỹ vẫn là cái nôi duy nhất của các công ty công nghệ và tệp khách hàng sành công nghệ.
Nhưng trật tự dữ liệu thế giới đang thay đổi nhanh chóng.
Trung Quốc hiện chiếm đến 23% dữ liệu xuyên biên giới, gần gấp đôi so với vị trí thứ hai của Hoa Kỳ chỉ 12%. Vị trí dẫn đầu của Trung Quốc có thể biến thành lợi thế vượt trội khi hệ thống Internet toàn cầu bị phá vỡ thành những “pháo đài Internet” khi các nước cố xây dựng nền tảng thông tin riêng và dựng lên các hàng rào, thành lũy bảo vệ lợi ích quốc gia riêng của mình.
Một cuộc khảo sát của Nikkei về dòng dữ liệu xuyên biên giới từ các dữ liệu của Liên đoàn Viễn thông Quốc tế và hãng nghiên cứu TeleGeography của Mỹ đã cho thấy: dòng dữ liệu chảy từ Trung Quốc và lãnh thổ Hong Kong trong năm 2019 đã vượt xa bất cứ 10 quốc gia và lãnh thổ khác được Nikkei khảo sát, bao gồm luôn Mỹ. Trong khoảng thời gian đó, trao đổi dữ liệu xuyên biên giới của Trung Quốc tăng 7.500 lần, trong khi Mỹ chỉ tăng 219 lần.
Nguồn tiếp liệu cho quyền lực mới của Bắc Kinh nằm ở các mối quan hệ với châu Á. Mỹ chiếm 45% của dòng dữ liệu ra vào Trung Quốc vào năm 2001, nhưng con số nay giảm xuống chỉ còn 25% trong năm ngoái. Các nền kinh tế châu Á nay chiếm hơn một nửa dòng chảy đó, đặc biệt Việt Nam chiếm đến 17% và Singapore 15%.
Bắc Kinh đã dùng sáng kiến “nhất đới nhất lộ” để khuyến khích các hãng công nghệ như Alibaba và Tencent phát triển ở bên ngoài Trung Quốc. Nền tảng thanh toán di động Alipay của Alibaba hiện có mặt ở hơn 55 quốc gia và được 1,3 tỷ người sử dụng.
Trung Quốc đã vượt Mỹ vào năm 2014, nhưng sức ảnh hưởng của quốc gia này chỉ gia tăng rõ rệt trong vài năm gần đây.
Điều này có ý nghĩa như thế nào?
Khi Trung Quốc trở thành siêu cường dữ liệu toàn cầu, họ sẽ kiểm soát một khối lượng khổng lồ tài nguyên vô giá với sức mạnh cạnh tranh kinh tế của nước này trong tương lai. Dữ liệu từ các nước có thể tạo thế mạnh trong việc phát triển các công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo.
Hơn thế nữa, Trung Quốc có thể trở thành người hưởng lợi lớn nhất đối với nền tảng Internet rạn nứt.
Đầu năm 2020, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh cấm ứng dụng WeChat mà nhiều triệu người dân Hoa Kỳ sử dụng trong đời sống thường nhật.
Đây chỉ là một trong nhiều bước để chặn các ứng dụng của Trung Quốc và loại bỏ Trung Quốc khỏi nền tảng hạ tầng mạng của Mỹ. Nhưng các nỗ lực của Mỹ trong việc hình thành mặt trận đoàn kết các đồng minh của Mỹ trong việc chống lại “đại công nghệ Trung Quốc” đã thật sự không hiệu quả.
Hồi tháng 7, Tòa án Công lý EU đã phủ quyết một thỏa thuận quyền bảo mật dữ liệu đang thảo luận giữa EU và Mỹ với lý do “Washing chưa bảo vệ đúng mức với dữ liệu cá nhân”. Tòa đã viện đến vấn đề Hoa Kỳ giám sát công dân nước ngoài để phòng ngừa các nguy cơ khủng bố – một vấn đề khá mỉa mai mà Washington đang cáo buộc Bắc Kinh. Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross đã phản ứng rằng ông “thật sự thất vọng” với phán quyết này.
Sự gián đoạn trong dòng chảy dữ liệu toàn cầu đã ảnh hưởng đến chia sẻ kiến thức trên mạng Internet. Chẳng hạn như, trên 50 triệu lập trình viên và người dùng trên thế giới sử dụng nền tảng có tên GitHub để cùng làm việc chung trong một số hoạt động như viết code chẳng hạn. Nhưng các kỹ sư Trung Quốc hiện bắt đầu sử dụng một nền tảng riêng của họ – nhà phân tích Charlie Dai, 28 tuổi, thuộc hãng nghiên cứu Forrester ở Mỹ cho biết.
Bởi lo lắng căng thẳng Mỹ – Trung có thể ảnh hưởng đến việc tiếp cận GitHub – thuộc sở hữu của Microsoft – một số người dùng đã chuyển sang nền tảng tương tự có tên Gitee do Trung Quốc xây dựng.
“Gitee sẽ lớn mạnh hơn với sự hỗ trợ từ các công ty Trung Quốc”, nhà phân tích – kỹ sư Dai nhận xét.
Một hệ thống Internet rạn nứt hay gãy vỡ có nghĩa là các quốc gia có thể thu thập lượng lớn dữ liệu trong biên giới quốc gia họ và phát huy lợi thế phát triển công nghệ và trí tuệ nhân tạo. Không đâu thể hiện rõ điều này như ở Trung Quốc, với 900 triệu người sử dụng Internet.
Hiện có nhiều dấu hiệu chỉ rõ ràng dân số đang trở thành động lực chính trong sáng tạo và phát triển kinh tế. Tỷ lệ các trích dẫn về báo cáo nghiên cứu AI của Trung Quốc đã tăng từ 10% lên 26,5% trong năm 2018, gần bắt kịp với con số 29% của Mỹ – theo Viện Allen về trí tuệ nhân tạo (AIAI). Giám đốc Carissa Schoenick của AIAI dự báo rằng Trung Quốc sẽ lật đổ ngôi vị hàng đầu thế giới của Hoa Kỳ trong vài năm tới.
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi cho các quốc gia đông dân số nhất trên thế giới, thế giới mạng bị phân nhỏ cũng ảnh hưởng đến khả năng của thế giới trong việc cùng giải quyết các vấn đề chung của nhân loại như dịch Covid-19, suy thoái môi trường và tình trạng bất bình đẳng.
Về tổng quan, chính phủ Trung Quốc tránh can thiệp quá mức vào lĩnh vực công nghệ, nhưng đã bất ngờ “trấn áp” vụ phát hành lần đầu cổ phiếu ra công chúng (IPO) của tập đoàn tài chính Ant Financial trong tháng này. Hệ sinh thái công nghệ của Bắc Kinh đang ngày phát triển, cùng với đó là việc chính phủ toan chiếm bất cứ thông tin nào khi họ có thể.
Đối với Nhật Bản, đất nước đang thúc đẩy “dòng chảy tự do dữ liệu với sự tin cậy” – data free flow with trust, viết tắt DFFT – một ý tưởng do cựu thủ tướng Shinzo Abe khởi xướng, kỳ vọng đã được thay bằng sự thất vọng.
“Chữ T trong tin cậy đã biến mất”, một quan chức của Bộ Công nghiệp, thương mại và kinh tế (METI) nói về việc Ấn Độ và các nền kinh tế đang nổi lên đã xóa nhòa ý tưởng.
“Nếu bây giờ chúng ta từ bỏ việc xây dựng một thế giới mạng tốt hơn, chúng ta biến thế giới mạng này thành vô nghĩa” – Tim Berners-Lee, người sáng tạo ra world wide web nhận định. Một thế giới mạng rạn nứt không chỉ ảnh hưởng đến năng lực của một quốc gia trong việc lèo lái giữa một thế giới số hóa ngày một tăng, mà còn lấn át sự tiến triển chung của nhân loại.
1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 54,45 – 54,95 triệu đồng/lượng, tăng trở lại 150.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 100.000 đồng/lượng chiều bán ra. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng trên sàn Kitco đang được giao dịch ở mức 1.807,3 USD/ounce, giảm nhẹ 0,8 USD, tương đương 0,04% giá trị so với chốt phiên trước.
2/ Nhiều vườn hồ tiêu ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu rơi vào cảnh mất mùa khi đang vào thời điểm nuôi trái mà tỷ lệ hạt tiêu trên các gié lác đác và thưa thớt trên cây. Tại huyện Xuyên Mộc – vúng trồng tiêu chính của tỉnh, nhiều vườn tiêu ra lá xum xuê, xanh tốt, nhưng tỷ lệ đậu trái rất thưa thớt. Một điều bất thường là vụ tiêu năm nay có tình trạng tiêu ra hoa đợt hai trong vụ, khiến cây tiêu suy yếu vì phải vừa nuôi hoa và trái. Hiện tại, toàn tỉnh chỉ còn trên 11.300ha, giảm gần 2.000ha so với cùng kỳ năm 2019; tổng sản lượng tiêu thu hoạch ước đạt trên 19.340 tấn, bằng 91,7% so với kế hoạch, giảm 1.754 tấn so cùng kỳ năm ngoái.
3/ Sau khi Vietnam Airlines được Chính phủ hỗ trợ vốn vay, các hãng hàng không Vietjet Air và Bamboo Airways cũng kiến nghị vay ưu đãi. Phó tổng giám đốc Vietjet Air Hồ Ngọc Yến Phương cho biết trước đại dịch, hàng năm hãng tăng trưởng bình quân trên 30%, đóng góp thuế, phí khoảng 9.000 tỷ đồng. Đến khi ảnh hưởng dịch bệnh, doanh thu của hãng suy giảm 70%. Hãng đã cắt giảm nhiều chi phí cũng như giảm lương 50% với cán bộ quản lý và chi trả thu nhập tối thiểu 8-10 triệu đồng đối với người lao động khác. Theo đó, Vietjet kiến nghị hỗ trợ nguồn tái cấp vốn cho các hãng hàng không vay hạn mức 4.000 tỷ đồng để giải quyết thanh khoản với lãi suất ưu đãi trong thời hạn 3-5 năm. Theo đó, Vietjet sẽ trả nợ và lãi trong năm 2023-2025. Bamboo Airways cũng đã kiến nghị Chính phủ có các gói hỗ trợ và tái cấp vốn 2-3% thông qua hồ sơ tín dụng. Cùng với đó là hỗ trợ giảm phí điều hành bay và phí nhiên liệu bay đến hết 2021.
4/ Foxconn sẽ di dời một số hoạt động sản xuất và lắp ráp iPad và MacBook sang Việt Nam từ Trung Quốc theo yêu cầu của Apple. Động thái này diễn ra khi chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã khuyến khích các công ty của Mỹ trong việc di dời hoạt động sản xuất của mình ra khỏi Trung Quốc. Foxconn, cảnh giác với việc bị cuốn vào cuộc chiến thương mại này, đã chuyển hoặc đang xem xét chuyển một số hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia như Việt Nam, Mexico và Ấn Độ. Foxconn hiện đang xây dựng một nhà máy lắp ráp cho Apple tại tỉnh Bắc Giang, Việt Nam. Ngoài Việt Nam, thì công ty cũng có kế hoạch chi tới 1 tỷ USD để mở rộng một nhà máy lắp ráp iPhone ở Ấn Độ theo yêu cầu của Apple.
5/ Sau thời gian thăm dò, nhà bán lẻ các sản phẩm gia dụng và đời sống của Nhật Bản, MUJI, chính thức mở cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam hôm 26/11. Với tổng diện tích hơn 2.000 m2, cửa hàng đầu tiên của MUJI ở Việt Nam đặt tại trung tâm thương mại Parkson Saigontourist Plaza (quận 1, TP HCM). Đây cũng là cửa hàng lớn nhất Đông Nam Á của thương hiệu này. Cửa hàng này có hơn 5.000 mặt hàng gia dụng và phục vụ đời sống, từ sản phẩm chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, văn phòng phẩm đến thời trang và thực phẩm. MUJI đã thành lập một công ty con tại Việt Nam với 100% vốn vào tháng 8/2019. Sau cửa hàng tại TP HCM, MUJI có kế hoạch mở cửa hàng flagship tiếp theo tại Hà Nội.
6/ Số lượng các công ty “kỳ lân” trên thế giới đã đạt con số 500, tăng gấp đôi trong vòng hai năm qua khi các ngành công nghiệp truyền thống nỗ lực kỹ thuật số hóa và sử dụng trí tuệ nhân tạo. Forter, một công ty khởi nghiệp an ninh mạng của Hoa Kỳ – Israel, đã trở thành kỳ lân thứ 500 khi giá trị doanh nghiệp của họ đã vượt quá 1 tỷ USD, vào ngày 19/11, khi định giá công ty của họ đã đạt 1,3 tỷ USD. Mỹ dẫn đầu toàn cầu với 242 kỳ lân, tiếp theo là Trung Quốc với 119. Anh và Ấn Độ đều có 24. Hàn Quốc có số lượng kỳ lân lớn thứ sáu, với 11. Indonesia đứng thứ 10 trong danh sách với 5, và Nhật Bản là đứng thứ 11 với 4.
7/ Tài khoản TikTok của Apple bắt đầu được sử dụng để đăng tải video do KOL sản xuất, quảng cáo về smartphone mới. Theo đó, nhiều nhân vật có sức ảnh hưởng trên TikTok được Apple thuê để tạo video quảng cáo tập trung vào smartphone. Động thái quảng cáo iPhone 12 của Apple trên TikTok được đánh giá là khá bất ngờ bởi công ty này thường rất thờ ơ với việc sử dụng các mạng xã hội hay nền tảng video lớn. Với hơn 800 triệu người dùng trên toàn thế giới, TikTok là nền tảng video cần thiết để Apple quảng cáo sản phẩm. TikTok đang chịu sức ép hạn chế hoạt động ở Mỹ dưới chính quyền Tổng thống Trump. Tuy vậy, khi Tổng thống đắc cử Joe Biden lên nắm quyền, nhiều người hy vọng TikTok sẽ là một ứng dụng phổ biến ở Mỹ để Apple tiếp tục tận dụng để truyền thông.
8/ Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo sẽ áp thuế chống bán phá giá đối với rượu vang nhập khẩu từ Úc. Theo đó, các nhà nhập khẩu rượu vang Úc sẽ phải chịu mức thuế từ 107,1% đến 212,1% từ ngày 28/11. Theo lý giải của cơ quan này, đây là biện pháp tạm thời nhằm đáp trả việc “gây tổn thất đáng kể cho ngành sản xuất rượu vang trong nước”. Bộ trưởng Nông nghiệp của Úc, David Littleproud, ngay lập tức bày tỏ sự thất vọng và bác bỏ các cáo buộc rằng các nhà sản xuất rượu vang Úc bán phá giá ở Trung Quốc. Theo số liệu của chính phủ Úc, doanh số bán rượu vang của nước này sang Trung Quốc trong năm ngoái đạt mức kỷ lục 1,3 tỷ AUD (900 triệu USD), đưa Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ rượu vang lớn nhất của quốc gia châu Đại Dương này.
9/ Tập đoàn giải trí hàng đầu thế giới Walt Disney đã thông báo kế hoạch sa thải 32.000 nhân viên, chủ yếu là những người làm việc tại các công viên, trong bối cảnh công ty này đang phải vật lộn với nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Trong thông báo, Walt Disney cho biết việc sa thải này sẽ diễn ra trong 6 tháng đầu năm 2021. Trước đó, trong thông báo hồi tháng 9, công ty này cho biết dự định sẽ sa thải 28.000 nhân viên. Thống kê cho thấy, có khoảng 203.000 nhân công đang làm việc cho Walt Disney trên toàn thế giới, trong đó có khoảng 20% người làm việc bán thời gian.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Có thể bạn quan tâm
Grab mở rộng thị trường thanh toán điện tử ở Indonesia
Rủi ro khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng cao
Giá vàng nhẫn, vàng trang sức giảm mạnh
Giá vàng thế giới đột ngột tăng mạnh
Bảo hiểm Thái Lan tung sản phẩm điều trị tác dụng phụ của vắc xin Covid-19
Tin khác


Thị trường 24/7: Tăng trần giá vé máy bay nội địa; Giá cà phê tiếp tục lập kỷ lục mới

Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này