
15:05 - 02/11/2023
Thị trường 24/7: Người tiêu dùng vẫn dè dặt chi tiêu; Vàng SJC tiến sát mốc 71 triệu đồng một lượng
Tăng trưởng tín dụng mới đạt 50% mục tiêu cả năm: Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, cập nhật đến ngày 27/10, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 7,1% so với cuối năm 2022.
Từ đầu năm 2023, căn cứ mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát của Quốc hội, Chính phủ, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng có nhiều khó khăn.
Tăng trưởng tín dụng diễn ra chậm chạp trong các tháng đầu năm. Sau đó, tăng trưởng tín dụng bất ngờ có sự hồi phục khá mạnh trong nửa cuối tháng 9, từ 5,91% tại ngày 21/9 lên 6,92% tại ngày 29/9. Đến ngày 24/10, tín dụng đối với nền kinh tế chỉ còn tăng 6,81% so với cuối năm 2022. Song đã có sự hồi phục trở lại khi đến ngày 27/10, tín dụng tăng 7,1%. Dẫu vậy, tăng trưởng tín dụng cũng chỉ mới đạt 50% so với mục tiêu đề ra.
Người tiêu dùng vẫn dè dặt chi tiêu: Báo cáo thị trường ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tiêu dùng tại nhà ở Việt Nam quý 3/2023 do Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar vừa công bố cho thấy nền kinh tế Việt Nam tiếp tục có những dấu hiệu tích cực của sự phục hồi trong nửa cuối năm, với mức tăng trưởng GDP 5,33%.
Báo cáo chỉ ra nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc giúp tăng niềm tin của người tiêu dùng vào một tương lai kinh tế tươi sáng hơn. Niềm tin của người tiêu dùng đang có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn tỏ ra dè dặt trong thói quen chi tiêu của họ. Do đó, dù giá cả tăng ở mức ổn định, tăng trưởng khối lượng mua hàng vẫn sụt giảm, trừ các ngành hàng phi thực phẩm. Điều này tiếp tục đặt ra những thách thức cho tăng trưởng trong mùa mua sắm cuối năm.
Theo Kantar, trong bối cảnh tài chính vẫn còn khó khăn, người tiêu dùng chưa thực sự nghĩ tới các yếu tố bền vững khi chọn mua một sản phẩm. Họ cần được thuyết phục về lợi ích kinh tế và xã hội của hành vi bảo vệ môi trường trong tiêu dùng và tạo điều kiện để dễ dàng tiếp cận các sản phẩm thân thiện môi trường với giá cả phải chăng hơn.
Vàng SJC tiến sát mốc 71 triệu đồng một lượng: Sáng 2/11, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn giao dịch vàng miếng SJC mức 70,05 – 70,75 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Trước đó vào giờ mở cửa, giá vàng miếng được mua – bán ở mức 70,1 – 70,8 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua – giá bán ở mức 700.000 đồng/lượng.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI mua bán vàng miếng SJC ở mức 70,05 – 70,8 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua – bán ở mức 750.000 đồng. CTCP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) giao dịch vàng miếng SJC ở mức 70,05 – 70,8 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giảm nhẹ trong phiên hôm qua sau khi NH trung ương Mỹ nhất trí giữ nguyên lãi suất trong phạm vi 5,25-5,5%. Cụ thể, giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,3% ở mức 1.987,50 USD/ounce.
Nhật Bản công bố gói 113 tỷ USD để chống ‘nỗi đau lạm phát’: Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm thứ Năm 2/11 cho biết chính phủ sẽ chi hơn 17.000 tỷ yên (113 tỷ USD) cho một gói biện pháp nhằm giảm bớt tác động kinh tế do lạm phát gia tăng, trong đó sẽ bao gồm cắt giảm thuế.
Theo Reuters, Tokyo đang xem xét chi hơn 17.000 tỷ yên cho gói này, bao gồm việc cắt giảm tạm thời thuế thu nhập và thuế dân cư cũng như trợ cấp để hạn chế hóa đơn xăng dầu và tiện ích.
Lạm phát tại Nhật Bản đã vượt mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương trong hơn một năm, gây áp lực lên tiêu dùng và che mờ triển vọng về một nền kinh tế đang chậm phục hồi sau những vết sẹo do Covid-19 để lại.
Các nhà máy châu Á lao đao vì Trung Quốc: Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 10 cho thấy hoạt động sản xuất tại các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều co lại. PMI của Trung Quốc tháng trước là 49,5 điểm, giảm so với 50,6 hồi tháng 9. PMI dưới 50 cho thấy hoạt động sản xuất đi xuống.
Tác động của việc kinh tế Trung Quốc chậm lại thể hiện rõ nhất tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Hai nước sản xuất lớn này phụ thuộc nhiều vào nhu cầu từ Trung Quốc.
Hoạt động sản xuất tại Nhật Bản đã giảm 5 tháng liên tiếp. Sản lượng nhà máy tháng 9 của nước này cũng tăng thấp hơn dự báo do nhu cầu chậm lại. Các hãng máy móc Fanuc và Murata Manufacturing mới đây công bố lợi nhuận 6 tháng yếu đi do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc lao dốc. Trong khi đó, hoạt động sản xuất tại Hàn Quốc đã giảm 16 tháng liên tục. PMI của Đài Loan, Việt Nam và Malaysia đều giảm trong tháng 10.
Phúc Long cải thiện lợi nhuận sau khi tái cấu trúc hàng trăm ki-ốt ở Winmart: Đóng bớt cửa hàng loạt ki-ốt không hiệu quả trong hệ thống Winmart giúp chuỗi trà và cà phê Phúc Long ghi nhận lợi nhuận cải thiện 33% trong quý 3.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh mới đây của công ty mẹ Tập đoàn Masan (MSN), doanh thu của Phúc Long giảm hơn 16% về 377 tỷ đồng. Mức này tăng nhẹ so với quý 2 và dần hồi phục so với năm 2022.
Doanh thu giảm nhưng các chỉ tiêu về lợi nhuận cải thiện lớn. Biên lợi nhuận gộp quý 3 đạt hơn 65%, tăng hơn quý trước đó và cả cùng kỳ năm ngoái. Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) đạt 78 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Đây cũng là quý có EBITDA cao nhất trong năm nay của Phúc Long. “Yếu tố chính giúp cải thiện khả năng sinh lời trong quý 3 là cơ cấu hợp lý số lượng điểm bán tại hệ thống Winmart và Winmart+”, đại diện Masan giải thích.
Nền kinh tế số Đông Nam Á dự kiến đạt 100 tỷ đô la doanh thu: Bất chấp các bất ổn vĩ mô toàn cầu, các nền kinh tế số của Đông Nam Á dự kiến đạt tổng giá trị giao dịch hàng hóa và dịch vụ 218 tỷ đô la Mỹ và tổng doanh thu 100 tỷ đô la trong năm 2023, theo báo cáo chung của Google, Temasek và Bain & Company, công bố hôm 1/11.
Báo cáo thường niên của Google, Temasek và Bain & Company phân tích năm lĩnh vực chính của nền kinh tế số Đông Nam Á gồm thương mại điện tử, du lịch, thực phẩm và vận chuyển, truyền thông trực tuyến và dịch vụ tài chính kỹ thuật số. Báo cáo chỉ đề cập sáu nền kinh tế lớn trong khu vực Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Đông Nam Á có hơn nửa tỷ người, với dân số trẻ, sử dụng điện thoại thông minh rộng rãi và tầng lớp trung lưu đang phát triển, giúp khu vực này trở thành một trong những thị trường internet phát triển nhanh nhất thế giới. Theo báo cáo, nền kinh tế số của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 20% mỗi năm trong giai đoạn 2023-2025, nhanh nhất Đông Nam Á và đang trên đà đạt giá trị 45 tỷ đô la vào năm 2025.
Hàn Quốc lạm phát ở trên mức 3% trong tháng thứ ba liên tiếp: Cơ quan Thống kê Hàn Quốc ngày 2/11 công bố số liệu cho thấy lạm phát của Hàn Quốc đã tăng với tốc độ nhanh hơn trong tháng 10/2023, ở trên mức 3% trong tháng thứ ba liên tiếp, do giá năng lượng và hàng hóa nông sản cao hơn.
Theo cơ quan trên, giá tiêu dùng, thước đo chính của lạm phát, đã tăng 3,8% trong tháng 10/2023 sau khi tăng 3,7% trong tháng 9/2023 và 3,4% trong tháng 8/2023 do giá dầu và hàng hóa nông sản cao. Lạm phát lõi, không tính giá năng lượng và lương thực dễ biến động, đã tăng 3,6% trong tháng 10/2023, chậm lại so với mức tăng 3,8% trong tháng 9/2023.
Bộ trưởng Tài chính Choo Kyung-ho cho biết lạm phát dự kiến sẽ giảm với tốc độ chậm hơn dự kiến do những rủi ro địa chính trị từ Trung Đông, điều kiện thời tiết bất thường và các yếu tố khác. Do đó, chính phủ sẽ ưu tiên ổn định giá cả và kích hoạt một chương trình đặc biệt có sự tham gia của tất cả các bộ ngành liên quan. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) cho biết lạm phát dự kiến duy trì trên mức 3% cho đến hết năm 2023, cao hơn so với mức lạm phát mục tiêu 2%.
Có thể bạn quan tâm
Thị trường 24/7: Người Việt chi 33,3 triệu USD mua tôm hùm Australia; Xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Singapore giảm mạnh
Giá vàng giảm mạnh trước sức ép của đồng USD
AstraZeneca xin phê duyệt sử dụng khẩn cấp thuốc AZD7442 điều trị Covid tại Mỹ
Giá vàng SJC xuống thấp nhất 1 tháng
Bộ Tài chính xem xét giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương
Tin khác


Thị trường 24/7: Giá xăng RON95 giảm 34 đồng mỗi lít; Ấn Độ tiếp tục là điểm sáng kinh tế toàn cầu

Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này