15:46 - 25/09/2023
Thị trường 24/7: Giá dầu Brent đang trên đà tới mốc 100 USD; Thái Lan dự báo sản lượng gạo sụt giảm do El Nino
Đoàn thanh tra EC dự kiến sang làm việc về chống khai thác IUU từ ngày 10/10: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có quyết định phê duyệt kế hoạch tổng thể và kịch bản đón và làm việc với Đoàn thanh tra EC lần 4 về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Theo đó, thời gian dự kiến là từ ngày 10/10 đến ngày 18/10/2023.
Đoàn thanh tra dự kiến gồm người của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thuỷ sản (DG-MARE) và Phái đoàn EC tại Việt Nam. Nội dung kiểm tra dự kiến là kết quả triển khai các khuyến nghị của Uỷ ban châu Âu về IUU; trong đó tập trung vào kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, kiểm soát tàu cá ra vào cảng và hoạt động trên biển, kiểm soát nguyên liệu nhập khẩu, và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác.
Dự kiến, Đoàn thanh tra EC sẽ kiểm tra thực địa và làm việc kĩ thuật từ ngày 10/10 – 15/10. Theo đó, Đoàn sẽ làm việc với Cục Thú y, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, một số doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm tra thực địa tại cảng cá chỉ định theo Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng (PSMA) và tại địa phương.
Cà Mau lên kế hoạch mời 42 tỉnh, thành phố tham dự Festival tôm: Ngày 24/9, ông Trần Hiếu Hùng – giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau – cho biết trong chuỗi các sự kiện của Festival tôm diễn ra vào tháng 12 năm nay sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn như: ngày hội ẩm thực thủy sản Cà Mau, các cuộc thi về thủy sản. Ban tổ chức sẽ mời 42 tỉnh, thành trong cả nước tham gia trưng bày các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Theo kế hoạch, sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 13/12 đến 16/12 với các hoạt động kết nối thương mại ngành tôm, diễn đàn xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch. Sự kiện kỳ vọng sẽ thu hút được khoảng 10.000 người tham dự.
Đây là cơ hội tốt để Cà Mau giới thiệu tiềm năng, lợi thế của địa phương đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Sự kiện sẽ giúp quảng bá ngành tôm, từ đó mở ra những thị trường mới tiềm năng cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh Cà Mau.
Asiad 19 tạo đất diễn cho doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc: Không chỉ tài trợ, một số doanh nghiệp và startup công nghệ Trung Quốc tranh thủ Asiad 19 để phô diễn giải pháp và tiếp thị sản phẩm.
Đại hội thể thao châu Á lần thứ 19 (Asiad 19) vừa khai mạc tại Hàng Châu, Trung Quốc. Nước chủ nhà không chỉ tổ chức và tham gia thi đấu mà còn phô diễn các giải pháp công nghệ mới nhất từ các doanh nghiệp, công ty khởi nghiệp nội địa. Sự kiện thể thao này nhận được sự tài trợ từ hơn 170 thương hiệu hàng đầu Trung Quốc và quốc tế, gồm những “đại gia” như Alibaba Group Holding, Canon, Geely Auto và Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC).
Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, là một trong những vành đai công nghiệp do doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc hình thành. Và vì Hàng Châu là một trong những thành phố kỹ thuật số của Trung Quốc nên công nghệ cao đã trở thành một đặc điểm chính của Asiad lần này, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành của Trung Quốc phô diễn tài năng. Tất cả địa điểm của sự kiện đều được bao phủ bởi hệ thống 5G, cột sạc năng lượng mới và hệ thống quản lý thông minh. Giải đấu sẽ được phát sóng ở độ phân giải 4K, tạo ra trải nghiệm xem phong phú mới cho khán giả.
Giá dầu Brent đang trên đà tới mốc 100 USD: Nga và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cắt giảm sản lượng đã đẩy giá dầu Brent tăng khoảng 10% tháng qua, lên khoảng 93 USD mỗi thùng. Christyan Malek, Trưởng bộ phận nghiên cứu năng lượng EMEA (châu Âu, Trung Đông và châu Phi) của JPMorgan lo đây là khởi đầu cho kỷ nguyên giá cao hơn.
“Hãy thắt dây an toàn. Đây sẽ là một chu kỳ siêu biến động lớn”, ông bình luận hôm thứ sáu (22/9) với Bloomberg. Cùng với Malek, ngày càng nhiều chuyên gia Phố Wall tin rằng việc thiếu đầu tư vào sản xuất, cùng quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ sẽ dẫn đến giá dầu thô cao hơn trong nhiều năm tới.
Các chiến lược gia hàng hóa của Goldman Sachs cũng dự đoán giá dầu thô sẽ tăng lên 100 USD mỗi thùng. Trưởng bộ phận nghiên cứu dầu mỏ Daan Struyven cho rằng nhu cầu mạnh mẽ từ châu Á và việc tiếp tục cắt giảm nguồn cung từ OPEC sẽ giữ giá tăng cao trong năm tới. “Chúng tôi tin rằng OPEC có thể duy trì giá dầu Brent ở mức 80 đến 105 USD vào 2024”, phân tích của Goldman Sachs dự báo.
Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP quý 3 của Việt Nam đạt 5,1%, tăng so với mức 4,1% trong quý 2: Kinh tế Việt Nam được Standard Chartered đánh giá có các dấu hiệu phục hồi kể từ quý II. Trong tháng cuối cùng của quý 3, ngân hàng này cho biết, dữ liệu có thể sẽ cải thiện đôi chút so với tháng 8 nhờ doanh số bán lẻ.
Tăng trưởng doanh số bán lẻ trong tháng 9 được kỳ vọng duy trì mạnh ở mức 8,2% so với cùng kỳ; xuất khẩu được dự đoán giảm 6,2%; nhập khẩu giảm 7%; tăng trưởng sản xuất công nghiệp tăng lên 3,2%. Thặng dư thương mại có thể thu hẹp xuống 1,3 tỷ USD Mỹ. Lạm phát có thể tăng trở lại lên 3,2% so với cùng kỳ (lạm phát tháng 8 đạt 3%).
Standard Chartered lưu ý, quá trình hồi phục của nền kinh tế vẫn cần được theo dõi khi hoạt động thương mại vẫn đang suy giảm; sản xuất có thể tiếp tục mờ nhạt trong một thời gian và triển vọng phục hồi FDI vẫn chưa rõ ràng.
Tiêu thụ mì ăn liền của thế giới lên mức kỷ lục: Nhu cầu toàn cầu về mì ăn liền đạt 121,2 tỷ gói năm ngoái, đánh dấu năm thứ bảy tăng liên tiếp và đạt mức cao nhất mọi thời đại, theo dữ liệu của Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới (WINA), có trụ sở tại Osaka (Nhật Bản).
So với năm 2021, số lượng tiêu thụ mì ăn liền của thế giới tăng gần 2,6%. Các nền kinh tế nhưTrung Quốc, trong đó có Hong Kong, là thị trường mì ăn liền dẫn đầu năm ngoái. Indonesia đứng thứ hai, tiếp theo là Việt Nam, Ấn Độ và Nhật Bản.
Vào năm 2020, khi phần lớn mọi người ở nhà do lệnh phong tỏa chống đại dịch Covid-19, nhu cầu mì ăn liền toàn cầu tăng 9,5%. Mức tăng giảm xuống còn 1,4% vào năm 2021, sau đó tăng nhanh hơn vào năm 2022. Năm ngoái, nhiều nước chứng kiến giá lương thực tăng vọt do lạm phát. Điều này thúc đẩy người tiêu dùng chuyển sang sử dụng mì ăn liền vì đây là sự lựa chọn giúp tiết kiệm tiền.
Thái Lan sắp nhận 5 tỷ USD đầu tư từTesla, Google và Microsoft: Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin ngày 24/9 cho biết, nước này dự kiến sẽ nhận được khoản đầu tư ít nhất 5 tỷ USD từ ba công ty lớn của Mỹ là Tesla, Google và Microsoft.
Ông nói: “Tesla sẽ xem xét xây dựng một cơ sở sản xuất xe điện, trong khi Microsoft và Google đang cân nhắc thiết lập các trung tâm dữ liệu tại Thái Lan”. Tuy nhiên, ông Srettha không nêu chi tiết liệu 5 tỷ USD dự kiến sẽ là khoản đầu tư kết hợp hay được thực hiện riêng lẻ bởi mỗi công ty.
Thông tin trên được ông Srettha tiết lộ trong cuộc nói chuyện với các phóng viên ở Bangkok sau khi tham dự Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), nơi ông đã có cuộc hội đàm với các giám đốc điều hành ba công ty trên vào đầu tuần này. Các dự án đầu tư nước ngoài mới sẽ thúc đẩy nền kinh tế đang suy yếu của Thái Lan, dự kiến sẽ tăng 2,8% trong năm nay, thấp hơn dự kiến trước đó, do xuất khẩu yếu hơn.
Thái Lan dự báo sản lượng gạo sụt giảm do El Nino: Dự báo mới nhất của Văn phòng Kinh tế nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan cho biết, sản lượng gạo nước này dự kiến sẽ giảm 871.000 tấn (tương đương 3,27%) xuống 25,8 triệu tấn trong mùa thu hoạch 2023-2024, chủ yếu do hiện tượng thời tiết El Nino.
Diện tích trồng lúa của Thái Lan trong niên vụ 2023-2024 đạt khoảng 9,98 triệu ha, giảm 0,96% so với năm trước. Diện tích gieo trồng giảm do thời tiết thay đổi khiến mưa đến muộn.
Theo Cục Khí tượng, lượng mưa năm nay dự kiến sẽ thấp hơn so với năm ngoái. Từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 7 năm nay, lượng mưa thấp gây thiếu nước tưới tiêu trong nông nghiệp, nhất là ở những vùng khô hạn. Điều này dẫn đến việc một số nông dân bỏ ruộng trong khi những người khác chỉ có thể trồng lúa một vụ. Năng suất trên mỗi hécta cũng giảm do lượng mưa thấp. Ngoài ra, còn có nguy cơ dịch bệnh và sâu bệnh phá hoại, dẫn đến sản lượng lúa gạo sụt giảm.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này