16:16 - 15/12/2023
Thương hiệu chung cho nông sản ĐBSCL (P.4): Chiến lược liên kết
Điểm chung của hai ví dụ điển hình “quýt Unshu” và sầu riêng Thái Lan” nằm ở một chiến lược tổng thể và nhất quán, trong đó đòi hỏi sự liên kết của nhiều bên có liên quan (giữa công và tư, giữa các ngành), để tạo hiệu ứng quảng bá cho thương hiệu được lựa chọn.
Việc thấu hiểu bản chất của các yếu tố cấu thành sự nhận diện thương hiệu theo bảng dưới đây sẽ giúp cho việc hoạch định mối liên kết và phân bổ nguồn lực giữa các bên được mạch lạc và hiệu quả hơn khi triển khai trong thực tế.
Theo đó, mỗi cấp độ biểu hiện sự ưa chuộng của người tiêu dùng đối với thương hiệu sản phẩm được tác động bởi các yếu tố cấu thành tương ứng; và mỗi yếu tố cấu thành đều bao gồm rất nhiều các lĩnh vực có liên quan, đòi hỏi sự tham gia của các cơ quan ban ngành và các khối công – tư trong một kế hoạch tổng thể và xuyên suốt.
Bảng: Những yếu tố thương hiệu trong xuất khẩu đối với nông thủy sản
(Nguồn: BSA)
Kết luận và đề xuất
Cách tiếp cận phù hợp về thương hiệu chung
Thế giới đang bước vào cuộc hội nhập rộng và sâu, đặc biệt với sự gia tăng hợp tác đa lĩnh vực giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực, trong đó, xuất khẩu nông thủy sản của vùng ĐBSCL là một mảnh ghép quan trọng. Làm thế nào để tạo thêm giá trị gia tăng để cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân và phát triển bền vững? Một phần quan trọng của câu trả lời nằm ở việc xây dựng một thương hiệu chung cho các sản phẩm của vùng ĐBSCL, để từ đó, các sản phẩm nông sản trong vùng có thể được tận hưởng các giá trị mà thương hiệu chung này tạo ra, có được vị thế vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của vùng. Với mục tiêu trên, có thể thấy rằng việc xây dựng thương hiệu chung cho các sản phẩm nông thủy sản của đồng bằng sông Cửu Long là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết.
Tuy nhiên, những điển hình thành công của quốc tế trong các phân tích trên cho thấy cần có nhận thức phù hợp hơn với khái niệm “thương hiệu chung” này. Từ kinh nghiệm của Nhật Bản và Thái Lan, rõ ràng việc xây dựng thương hiệu chung cho toàn bộ các các sản phẩm nông thủy sản của một vùng kinh tế trong một quốc gia là không phù hợp. Trên thế giới chưa từng có những case study thành công nào với cách tiếp cận này, mà chỉ có thương hiệu cho đặc sản cụ thể của 1 tỉnh thành như trường hợp giống quýt Unshu của tỉnh Ehime (Nhật Bản); hoặc hình ảnh trái sầu riêng của Thái Lan là một tổ hợp nhận thức về chất lượng sản phẩm được định vị bởi một số giống sầu riêng chủ đạo được canh tác tại Thái Lan.
Từ cách tiếp cận này, xây dựng “thương hiệu chung” cho nông thủy sản ĐBSCL nên được hiểu là một ô dù mà bên dưới là thương hiệu của một tập hợp các sản phẩm nông thủy sản cụ thể ở từng địa phương, theo cách mà Nhật Bản đã thực hiện, đó là thương hiệu chung của vùng hoặc quốc gia được xây dựng từ tác động và hiệu ứng liên kết của các sản phẩm cụ thể của từng tỉnh trong vùng hoặc quốc gia đó. Dù vậy, chiến lược phát triển cho các sản phẩm cụ thể này phải là chiến lược nhất quán cấp quốc gia. Thương hiệu chung ở đây, vì thế, cần được hiểu là một bộ tập hợp những ấn tượng nhận diện gắn kết giữa chất lượng sản phẩm với phẩm chất của một vùng đất, một quốc gia, một dân tộc, hơn là một logo hay slogan thuần túy.
Khuyến nghị
Để việc xây dựng thương hiệu chung cho các sản phẩm của đồng bằng sông Cửu Long đạt được hiệu quả cao, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, doanh nghiệp trong vùng và sự hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế. Cụ thể, cần thực hiện các giải pháp sau:
Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng: Hệ thống tiêu chuẩn chất lượng cần đảm bảo các sản phẩm của ĐBSCL đạt chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Hệ thống tiêu chuẩn chất lượng cần được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế.
Thúc đẩy xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu: Cần tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu để đưa các sản phẩm của ĐBSCL đến với đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước. Các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu cần được triển khai đa dạng, phù hợp với từng đối tượng khách hàng mục tiêu. Thông qua các hoạt động đàm phán thương mại, Nhà nước cần chủ động tích cực mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tăng độ phủ sản phẩm. Điều này quan trọng, vùa thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu đồng thời tăng mức độ nhận diện cho sản phẩm, “trải đường” cho việc kiến tạo thương hiệu chung được thuận lợi hơn.
Tăng cường vai trò của các nhà tài trợ quốc tế: Các nhà tài trợ quốc tế có thể hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật và chuyên môn cho các hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu chung. Các nhà tài trợ quốc tế có thể tham gia vào việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu chung, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu.
Cộng hưởng với vai trò đầu tàu của TP.HCM: TP.HCM là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ của cả nước và là đầu tàu của vùng đồng bằng sông Cửu Long. TP.HCM có thể đóng vai trò kết nối, hỗ trợ các địa phương trong vùng trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu chung. TP.HCM có thể hỗ trợ các địa phương trong vùng về tài chính, kỹ thuật, chuyên môn, kết nối thị trường,…
Tận dụng các sự kiện, hoạt động lớn để quảng bá thương hiệu: Các sự kiện, hoạt động lớn như Diễn đàn kinh tế thường niên Mekong Connect, Hội chợ triển lãm thương mại,… có thể được tận dụng để quảng bá thương hiệu chung. Các địa phương cần phối hợp với nhau để tận dụng các sự kiện, hoạt động lớn để quảng bá thương hiệu chung.
Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu chung: Bộ nhận diện thương hiệu chung cần thể hiện được bản sắc và tiềm năng của vùng ĐBSCL. Bộ nhận diện thương hiệu cần bao gồm các yếu tố như logo, slogan, màu sắc, font chữ,…
Để triển khai xây dựng thương hiệu chung cho các sản phẩm của ĐBSCL hiệu quả hơn, cần thực hiện các giải pháp sau:
– Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, doanh nghiệp trong vùng: Các cơ quan quản lý nhà nước cần có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp trong vùng để xây dựng và phát triển thương hiệu chung. Các địa phương cần phối hợp với nhau để xây dựng và phát triển thương hiệu chung. Các doanh nghiệp cần có sự hợp tác chặt chẽ với nhau để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh.
– Tăng cường sự tham gia của cộng đồng: Cộng đồng cần được tham gia vào quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu chung. Cộng đồng có thể đóng góp ý kiến về bộ nhận diện thương hiệu chung, hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu.
– Tăng cường sử dụng công nghệ thông tin: Công nghệ thông tin cần được sử dụng hiệu quả trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu chung. Các địa phương cần xây dựng website, fanpage,… để quảng bá thương hiệu chung.
– Thường xuyên đánh giá, điều chỉnh thương hiệu: Thương hiệu cần được thường xuyên đánh giá, điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu của thị trường và sự phát triển của vùng
Nhóm tác giả*/Mekong Connect
(*) Trần Vũ Nguyên, Nguyễn Phạm Hà Minh, Nguyễn Thị Xuân Yến, Hồ Nguyên Thảo, Hồ Đức Minh.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này