09:34 - 27/11/2023
Cộng sinh dưới tán rừng, hay chuyện nấm linh chi ‘ông Thế’
Hệ sinh thái của The VOS đang chứng minh khả năng cộng sinh bền vững. TS Lê Hoàng Thế đã lai tạo thành công giống keo lai từ keo bản địa với keo Úc, và dưới tán rừng trồng nấm linh chi đỏ với doanh thu riêng từ nấm trong 8 tháng đạt khoảng 200 triệu đồng/ha.
Mô hình kinh tế dưới tán rừng tại Việt Nam chỉ mới khởi động dạng thí điểm sau 5 năm kể từ khi có Luật Lâm nghiệp năm 2017. Người quản lý rừng hiện còn nghiên cứu, chưa cụ thể hóa mô hình, chưa đánh giá được mô hình nào là hợp lý nhất, tuy nhiên đã có những giải pháp cải thiện sinh kế đầy triển vọng.
Điều chỉnh nhỏ, giá trị lớn
Rừng trồng của chúng ta chưa đủ chất lượng và chỉ có loại cây keo lai (Acacia Hybrid) là chủ lực nên nguyên liệu gỗ cho chế biến mới chỉ đạt 10%. TS Lê Hoàng Thế, Giám đốc Công ty TNHH Hệ sinh thái The VOS thẳng thắn nói: “Trồng cây 5 năm thu hoạch thì chỉ làm củi. Nhà nước cần khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn bằng cách kéo dài thời gian thu hoạch từ 5 năm lên 8 năm. Giải pháp cải thiện sinh kế trong thời gian chờ gỗ lớn là trồng nấm thảo dược dưới tán cây, người dân có thêm thu nhập. Con người và cây trồng chung sống, nuôi dưỡng lẫn nhau”.
Hệ sinh thái của The VOS đang chứng minh khả năng cộng sinh giữa loài không biết nói và con người. Ở đây không có khái niệm khai thác rừng mà là thu hoạch từ rừng trồng vào thời điểm thích hợp nhất. Chuỗi giá trị lâm sản từ cây giống – trồng trọt – khai thác – chế biến tinh (đến người tiêu dùng) hướng đến mục tiêu phải làm sao cho giá trị của cây rừng trồng đạt hiệu quả 90-95% và có lợi nhất cho người trồng rừng.
TS Thế đã lai tạo thành công giống keo lai từ keo bản địa với keo của Úc, dưới tán rừng trồng nấm linh chi đỏ. Mô hình thu nhỏ đầu tiên ở Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Nấm linh chi trồng dưới tán rừng đã được cấp giấy chứng nhận dược tính cao hơn từ 1,5-2 lần so với nấm linh chi cùng loại ở một số nước trên thế giới.
“Trồng rừng mà không xây dựng chuỗi, thiếu liên kết, thiếu vốn, thiếu chứng chỉ FSC-FM quốc tế dành cho các đơn vị trồng và khai thác rừng thì hội nhập rất khó. Do đó, các hộ lâm dân tham gia chương trình được The VOS hỗ trợ về giống nấm, chuyển giao kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm… Rừng trồng được nấm linh chi đạt chuẩn 100% Organic Reishi Mushroom của USDA Organic rất khó. Đạt chứng nhận của FDA, USDA-NOP, GlobalGAP, USPTO, Amazon Brand Regis càng khó hơn, nhưng The VOS đã làm được; đồng nghĩa còn có thể trồng được nhiều loại dược liệu khác nữa. Dư địa mà chúng ta chưa khai thác trên đất mẹ còn nhiều lắm…”.
TS Thế cho biết và nói tiếp: “Loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe (health supplement – mang thương hiệu VOS Ganolucidum được FDA của Hoa Kỳ cấp phép) duy nhất của Việt Nam đạt chứng nhận USDA-NOP, USPTO, GLOBALGAP, GMP, ISO; xác định sự chuẩn mực để sản phẩm được gắn nhãn Climate Pledge Friendly (sản phẩm thân thiện với môi trường) bán chạy trên Amazon Global Selling”.
Doanh thu từ nấm linh chi trồng dưới tán rừng trong 8 tháng đạt khoảng 200 triệu đồng/ha, lợi nhuận 70 triệu đồng/ha. Chỉ cần định vị giá trị keo lai theo thời gian thu hoạch thích hợp và trồng nấm linh chi đỏ theo đúng tiêu chuẩn vừa có thể cải thiện sinh kế vừa giúp công tác quản lý nhẹ nhàng hơn, cơ hội phát triển rừng bền vững hơn.
Tiêu chuẩn, tiêu chuẩn và tiêu chuẩn
FSC (Forest Stewardship Council) là tổ chức quốc tế phi lợi nhuận, khuyến khích việc quản lý rừng trên thế giới phù hợp với môi trường, có lợi ích xã hội và đạt hiệu quả kinh tế. Rừng đạt chuẩn FSC thì đi khắp thế giới giá trị cao hơn, đất đai đạt chuẩn organic còn có thể tính chuyện tín chỉ carbon. Đó là sự thần kỳ.
Ông giải thích: “Đây là cục gỗ 3.000 đồng, nó có thể làm được nhiều điều thần kỳ như tên của cây nấm linh chi mà ông bà mình đặt từ ngàn xưa là tiên thảo dược. Chúng ta chứng minh cho lâm dân hiểu giá trị dược liệu linh chi đỏ, nguyên liệu hữu cơ sinh học có thể làm ra nhiều sản phẩm khác nhau, có thêm gỗ lớn nhờ lâm dân yên tâm. Có sinh kế tương hợp, lâm dân sẽ tiếp tục trồng và giữ rừng. Cộng đồng phát triển bền vững thì kinh tế lâm sinh sẽ hỗ trợ “agri herbal heritage” – di sản thảo dược nông nghiệp…”
Từ ngàn năm trước, Tuệ Tĩnh thiền sư (1330 – 1400), Hải Thượng Lãn Ông (1720 – 1791) đều đã ghi Nam dược là của Nam nhân với tên thần tiên thảo… TS Lê Hoàng Thế chắc mẫm rằng ông có đủ bằng chứng để chứng minh điều này.
Hiện nay, mô hình từ Cao Lãnh đã lan tới Cà Mau, Kiên Giang, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Bảo Lộc – Lâm Đồng, Hà Giang… Mục tiêu là lan tỏa hệ sinh thái The VOS để người dân, doanh nghiệp cùng hưởng lợi từ rừng.
Năm 2010, UBND tỉnh Cà Mau có chủ trương giao 1.200ha đất rừng nghèo cho TS Lê Hoàng Thế. Một năm sau, tỉnh quyết định chỉ giao 700ha. Mấy năm qua, ông chuyển nhượng thêm hơn 300ha đất của người dân địa phương, khu “rừng ông Thế” tới nay đã rộng tới 1.047ha và sẽ mở rộng tới 1200 ha.
TS Thế làm đất trồng lại rừng bằng máy, cây giống cấy mô, khi thu hoạch-từ thân, vỏ, lá cây được chế biến trả lại cho rừng. Cách làm này trúng khía khách hàng Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu, họ tìm tới nơi rồi đề nghị ký hợp đồng mua lâm sản khi rừng đạt chứng chỉ FSC-FM. Tương tự, tại Đồng Nai, TS Lê Hoàng Thế lập Công ty TNHH Lâm nông nghiệp vi sinh VOS Harvest để thực hiện mô hình lâm nông nghiệp vi sinh quy mô 230 ha – ứng dụng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp tái sinh, sản phẩm lâm nông nghiệp hữu cơ (Organic, Global GAP) và rừng trồng đúng tiêu chuẩn FSC-FM chuyển đổi số gắn với trí tuệ nhân tạo ở huyện Xuân Lộc.
Hiện nay, nhiều nước nhập khẩu gỗ bắt buộc nơi bán phải có chứng chỉ FSC-FM (FSC Forest Management) để xác định nguồn gốc hợp pháp và đạt tiêu chuẩn quốc tế. Muốn được cấp chứng chỉ này, rừng phải đạt 10 nguyên tắc và 56 tiêu chí chuẩn mực quốc tế.
Gỗ keo lai được thế giới đưa vào danh mục gỗ thương mại từ năm 2015, kích thước lớn thì dùng làm tủ, bàn, ghế; còn nhánh, lá nghiền làm biomass, dăm gỗ… Đối tác Nhật Bản nhìn thấy viên gỗ năng lượng (biomass) cung cấp cho các nhà máy điện sinh khối từ cách tạo lâm sản từ rừng của TS Thế. Mới đây, Đan Mạch đã đồng ý tài trợ cho Công ty Thúy Sơn của TS Thế xây dựng một nhà máy ở Cần Thơ chuyên sản xuất biomass cho nhà máy điện sinh khối ở Nhật Bản và Hàn Quốc và nơi chế biến dăm gỗ, gỗ xẻ xuất khẩu có nguồn gốc từ rừng ở U Minh. Dự kiến cuối năm 2023 vận hành chính thức.
Dư địa và nguồn lực còn quá lớn
“Biomass không bao giờ cạn kiệt nếu có kế hoạch trồng và khai thác rừng bền vững. Nhu cầu biomass cho nhà máy điện sinh khối rất lớn khi nhiều nước nói không với nhà máy điện chạy bằng than đá, nhiên liệu hóa thạch… vì chi phí cao và không bền vững. Chúng ta hoàn toàn làm chủ nguồn cung cấp. Khách hàng đã đặt tôi 200.000m3 gỗ xẻ và 200.000 tấn biomass/năm, TS Thế cho biết mỗi năm, khách hàng của The VOS cần tới 1 triệu m3 gỗ xẻ và 1,5 triệu tấn biomass.
“Trồng rừng, sản phẩm dưới tán rừng bán cho ai ? Bán ở đâu? Luôn là câu hỏi đầu tiên với the VOS.“ Bài toán này chúng tôi đã đặt ra từ lúc khởi động việc trồng nấm thảo dược Ganoderma Lucidum từ tháng 1/2018. Quy trình sản xuất từ phòng thí nghiệm đến sản phẩm đầu cuối được quản lý bằng Blockchain và QRcode cho phép chúng tôi tương tác, cân đối cung cầu và sản phẩm sẽ tham gia thị phần nấm Ganoderma Lucidum quốc tế vào năm 2025”, TS Lê Hoàng Thế, Giám đốc Công ty TNHH Hệ sinh thái The VOS, cho biết.
Là nhà khoa học môi trường thuộc Trường đại học Copenhagen, Đan Mạch, lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Trường Kinh tế Waseda, Nhật Bản, hoàn thành chương trình tập huấn về quản lý, bảo vệ rừng, đáp ứng cấp chứng chỉ rừng của Hội đồng Quản lý rừng thế giới, ông trở về quê hương Cao Lãnh, thành lập công ty The VOS và đầu tư vào nhiều lĩnh vực, nhiều công ty, nhiều dự án. Trong đó, trồng rừng và dược liệu dưới tán rừng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước… là hành trình ông tâm huyết.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và TS Lê Hoàng Thế hẹn nhau về Đồng Tháp, cùng đến nhà máy dược phẩm Đồng Tháp – nơi làm ra sản phẩm đạt chuẩn FDA – bán rất chạy trên Amazon và khu vực sản xuất phôi tơ nấm nằm trong một căn nhà diện tích chưa đầy 200 m2 sau lưng nhà máy Dược phẩm Domesco. Hai người đồng hương Cao Lãnh, nhà gần nhau mà hơn nửa đời đi vòng trái đất mới tìm ra nhau để nghe câu chuyện lui cui đi trồng rừng 10 năm – đạt chuẩn FSC-FM, rồi hướng dẫn thực hành mô hình nông nghiệp tái sinh (regenerative agriculture) – một hướng tiếp cận khác trong nông nghiệp để cải tạo đất, nước, khuyến khích duy trì nông sản đa dạng, bảo tồn các chất hữu cơ, vi sinh trong đất.
Câu chuyện sức khỏe của đất, dinh dưỡng giúp cây trồng phát triển tốt và hệ sinh thái đa dạng sinh học từ đó kinh tế trải nghiệm theo kiểu agritourism hoàn toàn có thể kết nối với mô hình này.
Hoàng Lan*/Mekong Connect
———–
(*) Nguồn: Kỷ yếu Mekong Connect 2023.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này