
11:57 - 14/01/2020
Ông Tây đánh cược 20 năm với nông nghiệp sạch đồng bằng
Jean-Luc Voisin đến Hà Nội năm 1990 theo các chương trÌnh về cây đậu nành của Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) thực hiện tại Việt Nam. Mười năm sau, ông có quyết định lớn nhất đời mình: định cư ở Việt Nam và gắn với canh tác nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Jean-Luc Voisin đến Hà Nội năm 1990 theo các chương trÌnh về cây đậu nành của Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc.
Trong ký ức của Voisin, sân bay Nội Bài lúc đó chỉ là khu xưởng để máy bay bao bọc bởi các đồng lúa xanh mượt. Công cuộc tìm kiếm nông sản chất lượng cao đã đưa ông đi khắp các vùng đất ở Việt Nam. “Đồng bằng sông Cửu Long thật sự là khu vườn lớn, rổ bánh mì lớn”, Voisin nói về vựa lúa của Việt Nam như thế. Ông nói “rổ bánh mì” nuôi sống khoảng 18 triệu dân hiện tại của đồng bằng trực tiếp hay gián tiếp từ nguồn rau trái và thuỷ hải sản của vùng châu thổ này.
Những chuyến đi con thoi dài tám tiếng đồng hồ giữa TP.HCM và Cần Thơ, đã khiến ông nảy ra ý định biến trái cây đồng bằng thành các sản phẩm có giá trị hơn, như: nước trái cây, mứt và nước xốt. Nhưng chỉ đến khi Voisin gặp một doanh nhân thuộc chuỗi Cafes-Folliet – một thương hiệu cà phê rang xay lâu đời và nổi tiếng từ những năm 1880, ông quyết định mở nhà máy ở khu công nghiệp Trà Nóc, Cần Thơ. Ban đầu ông có 40 nhân công và xưởng sản xuất là mặt bằng nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, do một người bạn cho mượn.
Canh bạc cuộc đời
“Đó là quyết định táo bạo của tôi, bởi coi như không có đường lui. Cả vợ và con gái tôi đều góp vốn vào công ty”, Voisin kể.
Cuộc khủng hoảng tài chính những năm cuối 1990 hoá ra lại tạo thuận lợi cho Voisin. “Khi tôi và trợ lý của mình nộp hồ sơ vào tháng 1.2000, chính quyền địa phương hứa sẽ cấp phép trong vòng một tháng. Đúng ngày 29/2 năm đó – một ngày thật đặc biệt của năm nhuận, chúng tôi có giấy phép. Lúc đó, các tỉnh đồng bằng mở cửa chào đón đầu tư nước ngoài”, Voisin kể lại ngày đặc biệt ra đời công ty Les Vergers du Mekong – Vườn cây trái Mekong của mình trong văn phòng của ông ở Thảo Điền, TP.HCM.
Cuối những năm 1990, nước trái cây cho các khách sạn 5 sao hay nhà hàng sang trọng tại TP.HCM và Hà Nội hầu hết được nhập từ nước ngoài. Les Vergers du Mekong nhận ra thị trường ngách đó và đưa các loại nước thơm, xoài, dứa thâm nhập thị trường ngách khó tính như nhà hàng, khách sạn và quán bar sang trọng. Các điểm thu mua mở từ Sa Pa ở Lào Cai đến Châu Đốc ở An Giang. Trà Thái Nguyên, cà phê Dăk Lăk hay Lâm Đồng, và các loại trái cây của đồng bằng… có đủ trong các đơn hàng bán trong và ngoài nước của Les Vergers du Mekong.
Nhưng gương mặt luôn rạng nụ cười bắt đầu méo xệch vào năm 2003. Dịch cúm SARS năm đó đã làm du lịch và các ngành sản xuất liên quan của Việt Nam khốn đốn trong nhiều tháng. “Không khách du lịch, nghĩa là khách của chúng tôi không nhập hàng. Tôi nói với nhân viên của mình rằng, có thể sẽ cố cầm cự, nhiều lắm là sáu tháng. Nếu tình hình vẫn tệ, tôi buộc phải cho một nửa nghỉ việc. Nhưng tôi đã tìm giải pháp, giảm lương một nửa để giữ lại tất cả. May mắn mỉm cười. Chỉ sau năm tháng, trồng trọt và sản xuất trở lại bình thường”, Voisin kể.
“Chúng ta cùng theo dõi”
Giờ đây, Les Vergers du Mekong có khoảng 200 nhân viên trong hệ thống của mình và 2.000 nhà cung cấp ở miền Tây và các tỉnh lân cận. Mạng lưới của ông thu mua 25 loại rau quả với sản lượng khoảng trên 2.000 tấn/năm. Sản phẩm của Les Vergers du Mekong bán cho các khách sạn sang thuộc chuỗi Accor, Caravelle, Rex, Sheraton và Park Hyatt; hay các công ty catering hoặc chuỗi siêu thị Aeon, Big C; hay các cửa hàng tiện lợi như 7-Eleven, Family Mart, Circle K…
Là nông dân vùng Savoy phía Nam nước Pháp, Voisin hiểu rõ sự khác biệt trong cá tính và tập quán canh tác của người dân hai nước. “Tôi không thể bê nguyên xi mô hình nông nghiệp châu Âu về Việt Nam. Hồi đó, mọi người bắt đầu quan tâm đến dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ trong nông sản. Nhưng để loại bỏ 100% tình trạng này, hầu như là không thể”, Voisin nhấn mạnh.
Đời làm nông cực, thức dậy từ 4 giờ sáng. Ông Voisin nói thuyết phục nông dân ở lại nông thôn làm nông là phải bảo đảm nguồn thu nhập xứng đáng công sức họ bỏ ra trên đồng ruộng. “Cái khó là giữ nông dân tiếp tục làm việc với mình sau mỗi dịp Tết, bởi một cái Tết không sung túc đồng nghĩa rằng nhiều người bỏ đồng ruộng ra thành phố kiếm sống”, ông nói. Nhưng cái khó hơn là thuyết phục nông dân đồng bằng làm nông nghiệp sạch, bởi họ quá quen “phóng tay” xài phân hoá học, thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu.
“Chúng ta không thể kiểm soát vấn đề 100%, nhưng tôi chắc chúng tôi kiểm soát phần lớn chuỗi cung ứng của mình. Làm thế nào chúng tôi làm được điều đó? Chúng tôi bắt tay với nông dân”, Voisin nói.
Ông kể chuyên viên của Les Vergers du Mekong đến các nông trại, mảnh vườn của nông dân mỗi tháng với sổ tay hướng dẫn làm nông nghiệp an toàn. Công ty cũng viết ứng dụng WeTrace – Chúng ta cùng theo dõi, để nông dân có thể cùng công ty bám sát quá trình canh tác. “WeTrace cho chúng tôi dữ liệu rằng rau quả là an toàn. Chúng tôi cũng có thể phản hồi cho nông dân biết rằng họ đã thành công trong việc quản lý canh tác nông nghiệp sạch. Các thông tin về thời tiết, tưới nước, bón phân hữu cơ hay phân NPK, thu hoạch đều được ghi nhận”, Voisin cho biết, và nói rằng công ty đã cung cấp miễn phí cho nông dân 400 smartphone có sẵn ứng dụng WeTrace.
Gắn kết
Thường, khoảng thời gian trước Tết, Voisin vô cùng bận rộn, bởi phải lo cung ứng nguồn hàng lớn và việc lập kế hoạch cho ba năm tới. Ông hy vọng số lượng hộ nông dân tham gia cung ứng nguyên liệu cho Les Vergers du Mekong sẽ tăng gấp đôi và đạt con số 4.000 hộ vào năm 2023. Sản lượng đầu ra cũng tăng gấp đôi. Trái cây đồng bằng và các loại rau quả chế biến giờ được Les Vergers du Mekong xuất sang Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Dubai và EU.
Tháng 10.2019, công ty của Voisin đạt chứng nhận Certified B Corporation (CBC). B – Benefit – lợi ích, do tổ chức phi lợi nhuận B Lab cấp cho các công ty vì lợi nhuận. Les Vergers du Mekong là công ty đầu tiên ở Việt Nam và Campuchia đạt chứng chỉ này. Để đạt được CBC, doanh nghiệp phải đảm bảo môi trường canh tác sạch và bền vững, đồng thời bảo vệ quyền lợi nhà nông và người tiêu dùng. Triết lý “from farm to fork” – “từ nông trại đến nĩa ăn” – như vậy đã giúp công ty gia nhập cộng đồng hơn 2.800 công ty CBC ở 150 nước. “Điều này đồng nghĩa sản phẩm của chúng tôi được tiếp nhận dễ dàng hơn, thị trường coi như mở rộng”, Voisin nói.
Ricky Hồ (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này