15:57 - 15/12/2023
Thương hiệu chung cho nông sản ĐBSCL (P.2): Câu chuyện gạo, ớt, sầu riêng, sen, quýt và xoài
Trong những năm gần đây, không phải là không có những hành động nhằm xây dựng thương hiệu chung cho sản phẩm Việt Nam nói chung hoặc nông sản vùng nói riêng, nhưng các nỗ lực này đều chưa đem đến những hiệu quả.
Gạo
Đề án phát triển “Thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được chính phủ phê duyệt năm 2015. Ngay sau khi đề án ra đời, thương hiệu gạo xuất hiện như nấm mọc sau mưa.
Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) là lá cờ đầu của ngành với kho chứa trải dài từ Đà Nẵng đến Cà Mau và sản lượng gạo trung bình 3 triệu tấn giữa thập niên 2010-2020. Các công ty thành viên thuộc Vinafood 2 đều chủ động xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm của riêng mình. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Mecofood đăng ký các nhãn hiệu gạo như Thố Cơm cho các dòng sản phẩm Nàng Thơm Long An, Hương Lài KDM 105, Tài Nguyên Chợ Đào.
Công ty Lương thực Long An đăng ký các nhãn hiệu “cô gái mặc áo dài xanh đội nón lá” với gần 10 thương hiệu ST24, Nàng Hoa, Việt Đài, Việt Mỹ, Hương Lài KDM, Tài Nguyên… Công ty Lương thực Sông Hậu đăng ký: Bông bưởi xanh/vàng/đỏ/đỏ đậm, Bông Trang Nguyên tím/đỏ/cam/vàng, Bông Sứ, Gạo thơm Sông Hậu, Tây Đô… Bên cạnh đó, Công ty Lương thực TPHCM có nhãn hiệu Đồng Xanh, Hạt Ngọc, Hương Lúa. Công ty Lương thực Đồng Tháp đăng ký nhãn hiệu Hương Tràm, Sếu Đỏ, Ramsar…
Nhưng thật sự các thương hiệu trên hầu như không tồn tại trong tâm trí người tiêu dùng trong nước là mấy. Những cái tên rất quen thuộc như Hoa Sứ, Bông Sứ, Nàng Thơm Chợ Đào, Hương Lài, Tài Nguyên… là chuyện “hữu xạ tự nhiên hương” lâu rồi. Các công ty đăng ký hay chủ sở hữu coi như “thua”, không ai biết. Chuyện xây dựng thương hiệu xem như “bất chiến tự nhiên thành”.
Hiện Việt Nam có hơn 200 doanh nghiệp có quy mô trung bình và lớn tham gia vào hệ thống thương mại gạo, nhưng việc sử dụng thương hiệu trên thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu còn hạn chế.
Nông nghiệp Việt đang thiếu những cái tên nặng ký, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo. Cơ cấu về giống lúa đa dạng, nhưng thiếu các giống chủ lực, có chất lượng cao để hình thành các sản phẩm mũi nhọn, tiếp cận hiệu quả vào thị trường quốc tế.
Chẳng mấy ai biết được rằng cái tên đặc sản dân gian từ hơn 200 năm qua như Nàng Thơm Chợ Đào từng được tiến cung, dâng Vua Minh Mạng (1791-1841). Giống lúa này bị thoái hóa do đất thiếu phù sa, thiếu độ mặn, dùng quá lố phân hóa học. Từ cuối năm 2016, Đại học Cần Thơ đã tiến hành dự án nghiên cứu và phục tráng lại giống lúa thơm này tại ngay chính cái nôi của nó – xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Nông dân ở đây nói chất lượng cơm nấu từ gạo Nàng Thơm Chợ Đào gần giống như trước. Cảm quan là vậy!
Những năm gần đây, một vài tập đoàn như Lộc Trời hay Trung An cũng bắt đầu nổi lên với những tin xuất khẩu gạo ấn tượng. Cả hai tập đoàn đều cố gắng xây dựng thương hiệu riêng, nhưng cũng chưa phổ biến lắm.
Năm 2019, gạo ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua đoạt giải nhất Gạo ngon nhất thế giới. Trong khi ông Cua chưa kịp làm gì thì một công ty tại Úc và bốn công ty tại California, Mỹ đã nhanh chân làm hồ sơ đăng ký thương hiệu ở nước sở tại. ST 25 chỉ là “bản sao”, tai nạn mà Nàng Thơm Chợ Đào từng bị trước đó. Năm 2002, thương hiệu này đã được cấp cho công ty Cong Nguyen Inc ở Oklahoma, Mỹ. Sở Khoa học & Công nghệ Long An thuê hãng luật Mỹ đi kiện, nhưng vẫn như không.
Nếu không xây dựng chiến lược bảo hộ thương hiệu đúng đắn, Việt Nam sẽ không bao giờ có được một thương hiệu gạo Việt có tầm toàn cầu – điều mà các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Thái Lan và Campuchia đã làm được. Các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao nhận thức và khả năng tự bảo vệ thương hiệu của mình, nhưng sự hỗ trợ của nhà nước là cần thiết và đóng vai trò lớn. Trên thị trường trong nước, các thương lái đã nhanh nhảu cầm luôn các “thương hiệu” Nàng Thơm Chợ Đào và ST25 bán lềnh khênh trên thị trường, thật có giả có, nông dân khóc ròng.
Tại Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ 3 tổ chức ở Long An tháng 12-2018, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chính thức công bố logo thương hiệu gạo Việt Nam – Vietnam Rice. Tuy nhiên, đã gần năm năm, hầu như chưa có doanh nghiệp nào gắn logo Vietnam Rice vào các túi gạo hay bao gạo bán ra thị trường trong nước hay xuất khẩu.
Thanh long
Từ những vườn thanh long tập trung đầu tiên ở Bình Thuận thập niên 1980, thanh long dần lan sang hai tỉnh Long An, Tiền Giang và các tỉnh khác. Diện tích tăng vọt từ hơn 5.500 ha trong năm 2000 lên hơn 55.000 ha trong năm 2018, tức tăng 10 lần, và vẫn đang tiếp tục mở rộng. Thanh long được mệnh danh là “nữ hoàng trái cây” và kim ngạch xuất khẩu vượt ngưỡng 1 tỉ đô la từ năm 2019.
Thích hợp với đất đai và thổ nhưỡng ba tỉnh trên, đặc biệt là Bình Thuận, thanh long thành giống quý, cho trái ngon. Thanh long được nhân giống nhanh và trồng ồ ạt, phần lớn là loại ruột trắng, ở hàng chục tỉnh thành trong nước. Chất lượng tỉnh nào cũng ngang ngang nhau, không có sự nổi bật bởi ngành nông nghiệp quan niệm “đây là cây xóa đói giảm nghèo”. Hệ quả là, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói, người dùng trong nước không thể phân biệt đâu là thanh long từ Bình Thuận hay từ Long An, Tiền Giang hay từ các tỉnh ở phía Bắc.
Thanh long nhanh chóng mất lợi thế. “Trung Quốc, Đài Loan và Thái Lan đã phát triển được trái thanh long có giá trị cao hơn từ nguồn giống của Việt Nam. Trong khi Việt Nam sản xuất dư thừa và có lúc đổ cho bò ăn thì thật đau lòng…”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.
Thanh long Việt Nam từng được thương lái Trung Quốc tranh giành mua với giá 50.000 – 60.000 đồng/ký. Khi người dân mở rộng diện tích ồ ạt để tăng sản lượng, giá thanh long lại rớt thẳng đáy. Lúc tắc biên, thanh long chỉ còn 500 đồng/ký, nông dân đổ đống làm thức ăn cho bò và gia súc hoặc để thối rữa trên các cánh đồng.
Ngay tại Trung Quốc – thị trường tiêu thụ đến 90% thanh long Việt Nam, diện tích trồng cũng tăng gấp 10 lần đạt hơn 35.000 ha trong những năm gần đây, tập trung ở các tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông, Quý Châu, Hải Nam, Vân Nam và Phúc Kiến. Thanh long Việt không chỉ phải canh thời tiết, mùa thuận, mùa nghịch mà còn phải lo né vụ thu hoạch của Trung Quốc để bán được hàng.
Láng giềng Campuchia đang có những bước đi rốt ráo để cạnh tranh với xoài, chuối và ngay cả thanh long của Việt Nam trên thị trường nhập khẩu vào Trung Quốc. Hồi tháng 5-2020, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Campuchia đã khởi động dự án thử nghiệm phát triển thanh long. Trên 1.000 ha đất nông nghiệp, Campuchia sẽ trồng 1 triệu cây thanh long hướng đến xuất khẩu. Campuchia cũng đang đàm phán với chính phủ Trung Quốc để xuất thanh long theo đường chính ngạch.
Có khí hậu hàn đới, nhưng chính phủ Hàn Quốc cũng cũng đang khuyến khích và hỗ trợ nông dân trồng thanh long và các loại cây ăn trái nhiệt đới để tăng thu nhập – theo Korea Times. Cơ quan phát triển nông thôn Hàn Quốc cho biết diện tích trồng trái cây cận nhiệt đới đạt 170 ha trong năm 2019, tăng 50% so với năm 2017. Xoài và chanh dây dẫn đầu về diện tích trồng, kế đến là chuối và thanh long.
Tuy nhiên, khác hẳn với Trung Quốc và Campuchia, mục tiêu của Hàn Quốc là chuyển đổi canh tác để thích hợp với biến đổi khí hậu trong 50-60 năm tới. Nếu nhiệt độ trái đất vẫn ấm dần như tốc độ tăng hiện nay, 62,3% diện tích trồng trọt của Hàn Quốc sẽ thành đất trồng vùng cận nhiệt đới vào năm 2080.
Trong khi đó, các nhà khoa học Mỹ hiện đang nghiên cứu ít nhất ba giống thanh long từ Việt Nam được đặt tên Bien Hoa White, Bien Hoa Red và Vietnamese Giant. Ba giống này cùng nhiều giống thanh long từ các nước khác đang được các nhà khoa học Mỹ nhân rộng ở bốn bang California, Florida, Hawaii và Texas – theo hãng tư vấn Blue Book Services.
Tháng 8/2021, Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương đề nghị các địa phương cần quy hoạch lại vùng trồng thanh long gắn với yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, chất lượng và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn của từng thị trường như EU, Bắc Mỹ, Nhật Bản… Các trang trại trồng thanh long không thể tiếp tục mở rộng diện tích mãi được.
Những lời kêu gọi tương tự lại cất lên vào cuối tháng 12 vừa rồi khi gần 5.000 xe tải chở thanh long và nông sản ở phía Nam bị tắc biên ở biên giới phía Bắc. “Chúng ta không thể bỏ được thị trường Trung Quốc khổng lồ này bởi nó nằm sát cạnh, thuận lợi. Nhưng phải xem đây là cơ hội thách thức để đánh giá lại đất đai, công nghệ và năng lực của nông nghiệp trong nước. Phải xem đây là điều may mắn, cho chúng ta cơ hội để tập dượt, chuẩn bị cho thị trường khó tính hơn và ở xa hơn nữa như Mỹ và châu Âu. Chính vì thế phải nâng cao năng lực bảo quản và chế biến”, CEO Vinamit Nguyễn Lâm Viên nói.
“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống. Việt Nam chúng ta từ bao đời nay làm nông với quan niệm xa xưa như vậy. Trước đây, nước là nguồn tài nguyên vô tận, nay đã khác. Hai yếu tố kế đến cũng thay đổi. Đã đến lúc chúng ta chú trọng và nên nói nhất giống tốt, nhì phân hữu cơ – những yếu tố tạo nên giá trị gia tăng mới cho hàng nông sản Việt Nam trong tương lai”, chuyên gia Phạm Chi Lan nhận định.
Khoảng 20 giống thanh long đang được trồng khắp các tỉnh tại Việt Nam, trong đó phổ biến là loại ruột trắng. Trong khi đó, giống ruột đỏ LĐ1 và giống ruột hồng và tím đỏ LĐ5 lại cho chất lượng tốt hơn. Đặc biệt là LĐ5 có vị ngon hơn, có thể bảo quản lâu hơn, hình dáng đẹp và kháng sâu bệnh.
Chế biến sâu là giải pháp để trái thanh long tươi được đi xa hơn. Thanh long cần phải “biến hình” thành các sản phẩm cao cấp hơn, giá trị hơn như sấy khô hay sấy dẻo, nước ép si rô, chip hay snack thanh long, rượu vang thanh long, kem thanh long, chả cá thanh long, bánh mì thanh long… Đặc biệt, sản phẩm bột thanh long (hay còn gọi là bột pitahaya) có hàm lượng dinh dưỡng và tác dụng rất tốt cho sức khỏe, được coi là một siêu thực phẩm nhiệt đới.
Tài liệu khoa học của tác giả Phan Thị Thu Hiền đăng tải trên trang của Trung tâm Công nghệ thực phẩm và phân bón châu Á – Thái Bình Dương (FTTC-AP) của Đài Loan đề nghị cần tập trung vào các giá trị dinh dưỡng và y học của loại trái cây này.
Sầu riêng
Lấy ví dụ của trái sầu riêng Việt Nam – loại quả đang được xem là phát triển nóng năm 2022 và 2023. Thương lái trong nước dù cũng có phân định “sầu riêng miền tây” “sầu riêng miền đông” hay “sầu riêng tây nguyên” nhưng chủ yếu dựa trên đánh giá “cảm quan” của thương lái và thời điểm mua hàng thị trường có hút hay không hút hang, tựu chung là quy luật cung cầu chứ cũng không dựa vào thương hiệu để định giá nông sản. Sự nhận diện về thương hiệu chung của sầu riêng Việt Nam trên thị trường quốc tế so với những “sầu riêng gối vàng”, Kanjao – sầu Thái hay Musang King sầu Mã Lai thì còn kém xa, khi những nước này đã đưa ra nhận diện thương hiệu đi kèm chất lượng mang tính biểu trưng cho sản phẩm của họ, còn sầu riêng Việt Nam vẫn loay hoay với từ khóa “ngon”, “đặc sắc”, “được yêu thích”.
Xây dựng và bảo vệ thương hiệu bằng chất lượng là chiến lược rất rõ của sầu riêng Thái, bằng chứng là Chính phủ Thái đã lập tức tuyên bố tăng độ khô của sầu riêng từ 32% lên 35% để làm múi sầu ngọt hơn, ráo hơn ngay khi họ thấy sầu riêng Việt Nam thâm nhập Trung Quốc bằng con đường chính ngạch (dù sản lượng sầu Thái vẫn chiếm 90% trên thị trường tỷ dân này). Những chỉ tiêu chất lượng này chính là “nền tảng” vững chắc cho thương hiệu sầu riêng Thái trên thương trường.
Sầu riêng Mã Lai vẫn luôn cho thấy sự sáng tạo vô bờ khi lâu lâu họ lại tuyên bố nghiên cứu được sầu riêng cầu vồng như cách nhắc nhớ đến vị trí “thương hiệu sầu Mã Lai” độc đáo số 1 của mình. Do vậy bất cứ chiến dịch truyền thông quảng bá nào cũng không thể thiếu đi chất liệu cần thiết là những “tiêu chuẩn” nhất quán về sản phẩm, bảo chứng cho sự ngon được đo đếm được chứ không chỉ dừng lại ở cảm quan. Các khâu trong chuỗi sản xuất nông sản cũng có thước đo rõ ràng để hướng tới, đạt được hay cần bảo vệ. Và trên cơ sở đó, liên kết mới thực sự bền vững và minh bạch.
Ớt
Gia vị là một thị trường toàn cầu với giá trị tỷ đô. Đã từ lâu, nhiều hộ nông dân ở ĐBSCL đã canh tác và cung cấp ớt tươi cho các thương lái phục vụ thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, điều tương tự cũng diễn ra với ớt xuất khẩu của Việt Nam. Các nhà mua hàng chỉ quan tâm ớt có đạt chỉ tiêu để xuất khẩu sang Nhật, sang Hàn hay Trung Quốc với các màu sắc, độ cứng của trái, độ bền, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… chứ ít quan tâm đây là giống ớt gì, của đơn vị nào, canh tác ra sao. Chính vì vậy, mỗi tổ chức cá nhân ở đồng bằng tự mình canh tác, tự tìm con đường trồng trọt, sản xuất chứ cũng không ai cất công xây dựng cho thương hiệu ớt đồng bằng dù trong “truyền thuyết” ớt ở miền tây được thương lái đánh giá có độ ngon, độ cay hơn các vùng khác và thường được trả giá cao hơn “một hai giá”.
Dù nông dân miền Tây có tiếng là kinh nghiệm trồng ớt lâu năm, thổ nhưỡng, thời tiết phù hợp… để tạo ra trái ớt vùng Thanh Bình Đồng Tháp, Chợ Gạo Tiền Giang, Trà Vinh… Tuy nhiên khi hỏi việc đánh giá này cần xác minh bằng kết quả kiểm định hầu hết chỉ có thương lái biết, thương lái tự thực hiện, người trồng hoàn toàn chỉ mơ hồ “được nghe” chứ không ai biết đích xác các chỉ tiêu nào chứng minh cho thương hiệu ớt miền tây ngon hơn.
Đồng Tháp: sen, quýt và xoài
Ở quy mô địa phương, tỉnh Đồng Tháp là một trường hợp thú vị để quan sát. Trong hơn 5 năm trở lại đây, chính quyền tỉnh cùng cộng đồng doanh nghiệp đã ráo riết tiến hành các hoạt động quảng bá và hình ảnh xúc tiến thương mại cho các sản phẩm chủ lực của mình, trong đó nổi bật là các sản phẩm từ sen, quýt và xoài. Các lễ hội chủ đề được tổ chức thường xuyên, với nhiều hình thức truyền thông hiện đại, trẻ trung. Sản phẩm sen được lựa chọn thành “linh vật” của tỉnh với tên gọi “Bé Sen Hồng”, xuất hiện trong hầu hết các sự kiện và lễ hội mà tỉnh tổ chức hoặc tham gia trong và ngoài nước, bao trùm các lĩnh vực từ xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch đến thi đấu thể thao. Bé Sen Hồng cũng được thiết kế thành các biểu tượng nhắn tin và giới thiệu trong các ứng dụng tin nhắn di động dành cho điện thoại thông minh. Với xoài và quýt, tỉnh hợp tác với các đầu bếp uy tín để tổ chức các chương trình sáng tạo ẩm thực gắn với hai loại trái cây này, nhằm đem lại nhiều gợi mở hơn về xu hướng thưởng thức và cơ hội kinh doanh, qua đó kích cầu cho sản vật địa phương.
Tuy nhiên, tính dàn trải là một điểm yếu mà tỉnh Đồng Tháp cần cân nhắc khi chọn lựa và xây dựng kế hoạch quảng bá thương hiệu cho sản vật địa phương. Với ngân sách giới hạn và trong bối cảnh chưa có ấn tượng với thị trường, chọn 1 loại sản vật duy nhất để quảng bá cho các kế hoạch 5 năm có lẽ là cách tiếp cận hiệu quả hơn. Dù sao, ở góc độ kiến tạo của Nhà nước, đây là những tín hiệu chuyển mình đáng mừng, dù hiệu quả thực sự vẫn cần có thêm thời gian để đánh giá.
Phân tích nguyên nhân
Có lẽ, người theo đuổi việc xây dựng thương hiệu chung cho các sản phẩm ĐBSCL một cách tận tụy nhất chính là bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Lê Minh Hoan. Là người con của vùng đất Đồng Tháp, một trong những trọng điểm phát triển của vùng, ông liên tục chia sẻ các góc nhìn về sự kết nối vùng để có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp.
Ví dụ, trong cuộc gặp mặt đầu năm 2022 với tất cả lãnh đạo sở Nông nghiệp 13 tỉnh ĐBSCL, “tư lệnh ngành” Lê Minh Hoan khẳng định: Vấn đề đặt ra hiện nay là phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phải lan tỏa tinh thần, tư duy đó ở các địa phương, thiết thực nhất là thực hiện thành công các mô hình, nổi bật như lúa thơm, tôm sạch ở vùng ĐBSCL.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói: “Đã đến lúc ĐBSCL phải tự tin 10 năm, 20 năm nữa thương hiệu vùng được xây dựng từ chính những khó khăn trong điều kiện khắc nghiệt. Chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn và trở thành hình mẫu là một trong những đồng bằng thích ứng với biến đổi khí hậu trên thế giới”.
Nhưng vì sao lại phải “10 năm, 20 năm nữa?”, câu trả lời nằm ở một chuỗi các yếu tố “thiếu” của vùng:
Thiếu liên kết và hợp tác: Một thách thức cốt lõi đối với phát triển thương hiệu chung của các sản phẩm ĐBSCL là thiếu sự liên kết và hợp tác giữa các doanh nghiệp, nông dân và các bên liên quan khác trong khu vực. Đồng Tháp có lẽ là địa phương duy nhất theo đuổi việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu “sen hồng” với biểu tượng “bé sen” xuyên suốt nhiều năm nay. Nhưng “sen hồng” liệu có đại diện cho một vùng rộng lớn hơn như ĐBSCL? Câu trả lời có lẽ là không. Và nhiều đơn vị đặt tên cho sáng kiến của mình là Mekong, chẳng hạn Mekong Innovation Hub của Bến Tre hay sáng kiến Mekong Innovation Network của Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia NIC cũng chưa tìm kiếm được mô hình liên kết hữu cơ hơn giữa các đơn vị hành chính ở vùng. Tính cục bộ địa phương trong cuộc đua hoàn thành nhiệm vụ kinh tế xã hội của tỉnh được đặt lên trên, làm che mờ tác động rộng lớn hơn của việc hợp tác và liên kết cho vùng.
Thiếu sự đồng thuận và phối hợp: Sự thiếu sự đồng thuận và phối hợp giữa các bên liên quan, bao gồm các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp, cộng đồng địa phương và các tổ chức trong và ngoài nước là một vấn đề quan trọng trong việc triển khai thương hiệu chung. Sự phân tán và không đồng nhất trong các hoạt động và thông điệp có thể làm giảm hiệu quả của việc xây dựng thương hiệu. Nguyên nhân cốt lõi cần giải quyết là xây dựng được cơ chế chia sẻ đồng đều lợi ích của mỗi thành phần trong nỗ lực hợp tác này.
Thiếu nguồn lực và đầu tư: Sự thiếu hụt nguồn lực và đầu tư là một vấn đề nghiêm trọng khi triển khai thương hiệu chung cho ĐBSCL. Để xây dựng và quảng bá một thương hiệu mạnh mẽ, cần có sự đầu tư về nguồn lực, kỹ năng, và công nghệ. Thiếu nguồn lực và đầu tư làm hạn chế khả năng thực hiện các hoạt động quảng bá và tiếp thị thương hiệu cho vùng ĐBSCL.
Thiếu chuỗi cung ứng và hệ thống giám sát: Thiếu một chuỗi cung ứng hiệu quả và hệ thống giám sát gây khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng và nguồn gốc của các sản phẩm ĐBSCL. Điều này có thể làm giảm độ tin cậy và giá trị của thương hiệu chung. Đồng thời, thiếu hệ thống giám sát cũng làm giảm khả năng đảm bảo tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn quốc tế trong việc sản xuất và tiếp thị các sản phẩm từ ĐBSCL.
Thiếu chiến lược xây dựng nhận diện thương hiệu chung: Hiện tại, vẫn chưa có một chiến lược phát triển thương hiệu chung rõ ràng và mạnh mẽ cho các sản phẩm nông nghiệp của ĐBSCL. Điều này gây thiếu sự nhận diện và sự phân biệt trên thị trường, làm giảm giá trị cạnh tranh của các sản phẩm ĐBSCL. Cần lưu ý rằng chiến lược này là một tổng thể nhiều hành động khác nhau trên nhiều lĩnh vực, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ nguồn lực của nhiều bên công – tư theo một mục tiêu nhất quán, chứ không đơn thuần là việc thiết kế một bộ nhận diện hình ảnh. Những kinh nghiệm thực tiễn của quốc tế về chiến lược xây dựng thương hiệu chung được thảo luận chi tiết hơn ở phần sau của bài viết này.
(Còn tiếp)
Nhóm tác giả*/Mekong Connect
———
(*) Trần Vũ Nguyên, Nguyễn Phạm Hà Minh, Nguyễn Thị Xuân Yến, Hồ Nguyên Thảo, Hồ Đức Minh.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này