09:18 - 27/11/2023
Cá tra phát thải
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam hơn 2,4 tỷ USD. Tuy nhiên, đây cũng là ngành tăng phát thải.
Hiện nay, diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL khoảng 6.000 ha, công suất chế biến cá tra khoảng 1,5 triệu tấn nguyên liệu/năm. Hầu hết nhà máy được trang bị các thiết bị công nghệ hiện đại, đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu.
Tuy nhiên, TS Phạm Thị Thu Hồng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA) cho rằng cá tra được nuôi thâm canh trong ao đất, hoàn toàn bằng thức ăn viên công nghiệp. Vùng nuôi không tập trung mà chủ yếu là trang trại của doanh nghiệp, hộ nuôi lẻ, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi thiếu đồng bộ…
Để đạt sản lượng trung bình khoảng 200 tấn cá/ha cần sử dụng lượng thức ăn tối thiểu 320 tấn và lượng chất hữu cơ thải ra môi trường khoảng 256 tấn. Với sản lượng trên 1,5 triệu tấn là thách thức lớn đối với các vùng nuôi tập trung, bởi việc xử lý chất thải từ ao nuôi hiện nay chủ yếu là thay nước, chế phẩm sinh học, hút bùn… định kỳ thường xuyên, chỉ có một số vùng nuôi áp dụng công nghệ hiện đại. Các nghiên cứu cũng cho thấy cá da trơn chỉ hấp thu được 27 – 30% nitrogen (N), 16 – 30% photpho (P) và khoảng 25% chất hữu cơ đưa vào từ thức ăn.
Sau khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực, Đề án Bảo vệ môi trường ngành thủy sản giai đoạn 2021-2030, xác định “xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngành thủy sản”.
Cả nước có trên 100 cơ sở chế biến cá tra bên cạnh việc trang bị máy móc thiết bị và công nghệ hiện đại, đáp ứng tốt các yêu cầu và tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu còn đầu tư thiết bị, công nghệ tận dụng phụ phẩm làm dầu cá, bột cá, bột xương… Riêng máu cá chưa được xử lý triệt để đã tăng ô nhiễm, nhất là những nhà máy có hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ xử lý lắng lọc sinh học trong ao lắng thải không phù hợp.
Trong khi đó, nguồn nước sử dụng trong nhà máy chế biến cá tra bắt buộc phải là nước sạch đủ tiêu chuẩn uống được (theo quy định của EU và Bộ Y tế). Các quy định về lao động, môi trường trong Hiệp định EVFTA sẽ được kiểm soát tuân thủ chặt hơn.
Chi phí xử lý nước sạch uống được dùng cho sản xuất trong nhà máy chế biến thủy sản khoảng 9.000 đ/m3, chi phí xử lý nước thải hoá-lý là 18.000 –19.000 đ/m3 để chất lượng nước thải đầu ra đáp ứng cột A hoặc tối thiểu theo Cột B của QCVN 11:MT-2015; nếu nhà máy nằm trong khu công nghiệp thì phải bổ sung theo hợp đồng với số tiền 8.000-10.000 đ/m3 để đạt loại A đầu ra.
Bên cạnh việc cạnh tranh bằng chất lượng, dịch vụ, các chứng nhận bền vững (ATTP, trách nhiệm môi trường, trách nhiệm xã hội),thực tế cho thấy điểm cốt yếu nhất của các doanh nghiệp vẫn là cạnh tranh bằng giá xuất khẩu. Nếu đầu tư các hệ thống xử lý nước thải tân tiến, xử lý để phospho xuống dưới 20ppm hoặc dưới 10ppm thì suất đầu tư vận hành rất cao. Do đó, nhiều nhà máy cho rằng chi phí xử lý nước thải làm tăng chi phí giá thành sản xuất, khó cạnh tranh.
Sản xuất có trách nhiệm khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu là hướng cần phải đi tới, TS Huỳnh Văn Hiền, Trường Đại học Thủy sản – ĐHCT, cần tính toán tỷ suất lợi nhuận và lượng phát thải trong toàn chuỗi.
Hiện nay, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào (hiệu quả kỹ thuật) trong quá trình sản xuất các tra mới chỉ đạt gần khoảng 70 %, 30 % còn lại bị thất thoát. So sánh hai mô hình nuôi chưa chứng nhận và có chứng nhận thì có thể thấy: Năng suất mất đi do kém hiệu quả đối với nuôi có chứng nhận là 183 tấn/ha/vụ trong khi nuôi không có chứng nhận thì con số mất đi này lên tới 300 tấn/ha/vụ. Mô hình nuôi theo chứng nhận: nhóm nuôi đạt hiệu quả 70-90% đạt tỷ lên trên 35%, trong khi nuôi chưa có chứng nhận chỉ ở mức 29% đạt hiệu quả từ 70-90%. Điều này cho thấy, cùng một diện tích và sử dụng cùng một lượng yếu tố đầu nhưng áp dụng tiêu chuẩn, kỹ thuật mới thì chúng ta sẽ giảm được lượng phát thải đáng kể trong quá trình sản xuất.
Trong 4 mô hình nuôi: riêng lẻ, HTX, vùng nuôi của nhà máy chế biến và nuôi gia công. Các cuộc khảo sát của trường cho thấy nuôi gia công có tỷ suất lợi nhuận cao nhất. Nhóm duy trì hoạt động sản xuất trên đất của mình, hợp tác với các nhà máy chế biến. Họ cố gắng làm sao nâng cao hiệu quả trong quá trình sản xuất với mức chi phí tối ưu nhất. Loại hình này đạt tỷ suất lợi nhuận trên 17%.
Trong 4 loại hình chứng nhận nuôi (ASC, VietGAP, GlobalGAP và chưa có chứng nhận) thì mô hình VietGAP có tỷ suất lợi nhuận cao nhất (lợi nhuận bình quân 3.900 đồng/kg), chưa chứng nhận (3.300 đồng/kg), ASC (3.100 đồng/kg) và GlobalGAP lợi nhuận bình quân 2.900 đồng/kg.
Kết quả tính toán phát thải CO2 trong nuôi cá tra tại Hậu Giang trung bình là 60,95 tấn/ha/năm. Đây là con số không hề nhỏ. Vấn đề ở đây là xử lý bùn đáy và lượng phát thải từ thức ăn là vấn đề quan trọng trong việc giảm phát thải trong thủy sản.
4 yếu tố quan trọng ảnh hướng đến hiệu quả kỹ thuật: 1/ Tập huấn kỹ thuật: Ứng dụng kỹ thuật mới (công nghệ mới) đúng nghĩa; 2/Tỷ lệ diện tích ao lắng: Tỷ lệ ao lắng chỉ mang tính chất cải thiện chất lượng nước khi thải ra môi trường chứ chưa thật sự hiệu quả trong kinh tế tuần hoàn (trước đây sử dụng nước sản xuất lúa, cây ăn trái, màu… lượng nước quá lớn); 3/Quy mô ao nuôi: hướng tới ứng dụng công nghệ cao cần có quy mô phù hợp đảm bảo tính hiệu quả; 4/Thời gian nuôi: Cải thiện tốc độ tăng trưởng sẽ nâng cao hiệu quả trong sản xuất.
So với mô hình nuôi tuần hoàn cá tra trên bể tại Trường Thủy Sản – trường ĐH Cần Thơ cho thấy: Hệ thống nuôi 320 m2 (bể 460 m3, sâu 2,5m); mật độ thả 65 con/m3; thời gian nuôi là 6 tháng. FCR 1,45; năng suất 40 kg/m3 (562 tấn/ha/vụ). Sử dụng 880 lít nước/kg (so với nuôi trong ao là 4.700 lít nước/kg cá). Mô hình thực nghiệm nuôi tuần hoàn không thay nước đạt được hiệu quả về mặt môi trường, nhưng tính toán hiệu quả kinh tế thì vẫn còn âm 1.300 đồng/kg.
Trong chuỗi thủy sản có rất nhiều mắt xích, từ khâu sản xuất giống đến các nhà sản xuất, vật tư đầu vào, đến quá trình nuôi và thu mua, vận chuyển, chế biến, xuất khẩu. Chính vì vậy, Bộ NN&PTNT đã đưa ra sáng kiến hợp tác đối tác công- tư trong lĩnh vực thủy sản. ĐBSCL có rất nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, startup, các tổ chức trong và ngoài nước- làm sao hợp lực phát huy sáng kiến để giúp cải thiện từng khâu trong chuỗi.
Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, Quyết định 1658/QĐ-TTg: Phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050. Quyết định 687/QĐ-TTg: Phê duyệt đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.Về định hướng: Phải tính đến lợi thế cạnh tranh của toàn chuỗi. Bên cạnh việc cải tiến quy trình chính trong sản xuất con giống, nuôi, thu mua, chế biến thì việc khai thác hiệu quả các phụ phẩm với những công nghệ phù hợp, sử dụng tốt hơn nguồn phụ phẩm… Sự phối hợp công – tư sẽ có thêm nguồn thông tin, những định hướng, cách làm từ trong nước và các thị trường nhập khẩu. Từ đó nghiên cứu, áp dụng vào sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế coi trọng việc khai thác nguyên liệu theo hướng nâng cao giá trị, hạn chế tối đa chất thải phát sinh, kéo dài vòng đời sản phẩm, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, theo ông Trần Đình Luân.
Hoàng Lan*/Mekong Connect
———
(*) Nguồn: Kỷ yếu Mekong Connect 2023.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này