08:29 - 07/11/2019
Mekong Connect 2019: Để nông dân không bị bỏ lại
Chủ đề liên quan đến liên kết chuỗi sản xuất nông sản ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chưa bao giờ là cũ, là không hợp thời.
Nhiều ý kiến cho rằng, liên kết chuỗi như hiện nay lỏng lẻo và có quá nhiều rào cản, khiến nông dân trở thành nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh hội nhập đang diễn ra như vũ bão hiện nay. Có nhiều quan ngại liên quan đến vấn đề làm sao bảo vệ được nhà nông trước cơn lốc hội nhập, nâng vị thế của họ, từ đó có thể thay đổi bộ mặt của nông nghiệp miền Tây. Phạm vi bài viết này chỉ tập trung vào việc liệu nhà nông đã hiểu được vị thế thực sự của họtrong chuỗi sản xuất nông sản.
Một doanh nhân lớn đã cảm thán trong một toạ đàm rằng, với ông, nông dân là những người suốt năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, sống cùng với nỗi lo thường trực được mùa mất giá, bị chèn ép. Họ là những người cần được sự quan tâm và hỗ trợ của nhà nước, của doanh nghiệp, để sản xuất ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có đầu ra ổn định.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, thời này có nhiều nông dân hiện đại.Họ biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải tiến năng suất, làm tăng chất lượng nông sản, tỏ tường tiêu chuẩn từ VietG.A.P.đến GlobalG.A.P., rành rẽ trong việc lựa chọn đối tác đáng tin cậy có thể cùng họ đồng hành trên con đường đi đến sự thịnh vượng bền vững. Nhóm này có thể nói là “không phải dạng vừa đâu”. Họ sẵn sàng “làm phiền” các nhà khoa học (ghi lại từ một cuộc trò chuyện với nhóm cán bộ nghiên cứu viện Cây ăn quả miền Nam), và không ngại chứng tỏ cho người mua hàng thấy họ chẳng kém cạnh gì nông dân các nước phương Tây.
Tuy nhiên, hai luồng ý kiến trên có thể là nhận định rất chủ quan, vì hiện chưa có nghiên cứu chính thống về cách mà nông dân nhìn nhận vị thế của họ trong chuỗi sản xuất, cũng như khả năng đóng góp của họ vào một chuỗi giá trị. Vì rằng, chỉ khi nhận thức đúng vị thế, họ mới có thể quyết định được liệu đó có phải là vị thế họ mong muốn, và liệu họ muốn có một vị thế tốt hơn, tích cực hơn trong việc tạo ra và tham gia vào một chuỗi giá trị.
Từ câu chuyện thực tiễn
Hợp tác xã (HTX) Mỹ Tịnh An (Tiền Giang) có lẽ là một trong số ít HTX ở miền Tây có ban giám đốc tốt nghiệp đại học các ngành thương mại, kho vận và từng làm việc trong các công ty quốc tế với mức lương vài chục triệu. Họ có cùng khát vọng mang thanh long Việt Nam ra thế giới và làm cho đời sống nhà vườn (trước hết là những người trong gia đình, bà con) sung túc hơn. Họ hợp tác với viện Cây ăn quả miền Nam cho các giải pháp liên quan đến kỹ thuật trồng (để có năng suất, chất lượng trái tốt) và bảo quản sau thu hoạch. Họ tìm kiếm và nhận được sự hỗ trợ từ tỉnh Tiền Giang, các dự án quốc tế làm tiêu chuẩn GlobalG.A.P., giao thông nông thôn và nhà đóng gói. Hợp đồng với nhà vườn bao gồm các quy định rõ ràng về tiêu chuẩn, áp dụng quy trình sử dụng phân, thuốc, cũng như liều lượng cho phép. Hộ nào không tuân thủ sẽ bị chấm dứt hợp đồng.Từ non chục hộ cách đây gần mười năm, đến nay HTX này đã hợp tác với vài trăm hộ.Thanh long của HTX xuất khẩu toàn cầu. Nông dân trong chuỗi giá trị thanh long của HTX Mỹ Tịnh An có tính kỷ luật và tinh thần hợp tác.
Khác với HTX Mỹ Tịnh An, Đại Thuận Thiên là công ty chuyên về thương mại, người sáng lập tốt nghiệp ngành quản lý đất đai, cũng là nông dân. Có lẽ vì làm khoa học đất nên anh trăn trở với những gì đang diễn ra với đất. Anh chọn giải pháp sinh học trong trồng trọt và xử lý sâu bệnh, dịch hại trên cây ăn trái, để đất đỡ ô nhiễm hơn, sức khoẻ đất tốt hơn. Công ty hợp tác với nhà vườn thuộc các tổ sản xuất, cung cấp vật tư nông nghiệp, hướng dẫn quy trình trồng và làm tiêu chuẩn cho họ.Nhà vườn nào làm tốt, đúng thoả thuận thì công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Nhà vườn nào vi phạm thì báo về cho tổ để xử lý, khai trừ, chấm dứt hợp đồng. Công ty hợp tác với trường đại học Cần Thơ, cho vấn đề bảo quản sau thu hoạch. Và họ đã và đang xuất khẩu trái cây miền Tây đi nhiều thị trường khó tính trên thế giới. Bác Bảy, một lão nông ngoài 70, ở Cao Lãnh, cho biết bác hợp tác với công ty từ những ngày đầu, lý do duy nhất là… sợ chết vì thuốc bảo vệ thực vật hoá học. Nhà vườn hợp tác với công ty sản xuất hoàn toàn theo phương pháp sinh học, vì chính sức khoẻ của họ và vì môi trường. Họ tự hào làm ra trái cây sinh thái, bán vào thị trường cao cấp và được nhà mua hàng tín nhiệm.
Có thể thấy, công thức thành công của cả HTX Mỹ Tịnh An và công ty Đại Thuận Thiên chính là đội ngũ lãnh đạo có năng lực, khả năng nắm bắt thị trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật và quản lý tốt sự tuân thủ của nhà vườn. Trong bốn yếu tố này, yếu tố cuối cùng đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nông nghiệp của ĐBSCL hiện nay.Đồng thuận, tin tưởng, cùng làm, có lẽ là ba từ khoá để nông dân tự thay đổi vị thế của mình.Những công ty như Đại Thuận Thiên, chính quyền hay các tổ chức quốc tế chỉ có thể đóng vai trò hỗ trợ, thúc đẩy, chứ không thể mang nông dân đặt lên một vị thế mới. Yếu thế hay hiện đại, nông dân phải là người lựa chọn và tự bảo vệ vị thế của mình, sau đó mới là yêu cầu quyền trợ giúp để có thể đến nơi mình muốn.
Kim Thanh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này