11:43 - 14/01/2020
Hạ lưu sông Mekong: cần một phép tính thuận thiên
Biến đổi khí hậu đang thách thức phát triển bền vững vùng châu thổ Mekong. Tiếp tục theo đuổi mục tiêu gia tăng sản lượng lúa hay nâng cao giá trị sản vật cho đồng bằng, là những ý kiến được các chuyên gia trong nước và quốc tế đặt ra.
TS Dương Văn Ni, Khoa quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên, trường ĐH Cần Thơ: Ngọt và mặn đều là tài nguyên
40 năm qua, các chương trình, chính sách nhà nước gần như bỏ hẳn một mảng cực kỳ quan trọng là tri thức bản địa. Lâu nay, hễ nước lớn thì chặn, rước ròng thì xả, lấy phù sa đâu mà bồi đắp, trong khi những kinh nghiệm của người dân giải quyết các vấn đề rất hệ trọng mà mình bỏ quên. Lún sụt của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), truy nguyên nhân thì thấy: đó là thiếu hụt phù sa Mekong; sử dụng quá mức nước ngầm; xây dựng cống đập càng ngày càng lớn; biến đổi khí hậu nước biển dâng. Nhưng không thấy bóng dáng người dân trong này. Nhìn lại kỹ lại ba vùng mà các bộ, ngành chia ra, thì người dân vùng ĐBSCL đã phân từ lâu rồi. Cụ thể, có bốn miệt: 1/ Miệt ruộng (vùng thượng) họ làm lúa một năm một vụ, thậm chí họ chọn những giống lúa phù hợp, nước dâng tới đâu thì lúa vượt tới đó. Từ xưa, họ để cho môi trường thông thoáng, đồng ruộng mỗi năm nhận 15 – 20mm phù sa. 100 năm tức là vùng này đã nhận 1,5 – 2m phù sa, thì đâu có sợ sụt lún; 2/ Miệt bưng; 3/ Miệt vườn: cứ để phù sa lắng trong mương. Tới cuối mùa vét mương lên làm cho mặt đất càng ngày càng cao; 4/ Miệt biển cũng tương tự như vậy.
GS.TS Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng ĐH Nam Cần Thơ: Tiền làm thuỷ lợi cho cây lúa để làm việc khác
Nghị quyết 120 triển khai được ba năm, nhưng hầu hết từ địa phương tới Trung ương vẫn còn lúng túng. Hơn 40 năm, chúng ta nổi tiếng là nơi có thế mạnh về nông nghiệp, nhưng đời sống người nông dân vẫn không khá lên. Các hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp mà nhà nước đã đầu tư đều là cho cây lúa (hệ thống thuỷ lợi, đập… đều là phục vụ cho sản xuất lúa). Mình sẽ thay thế cây lúa bằng cây gì? Con gì? Ở các địa phương, thực tế đã chuyển đổi, nhưng là tự phát. Ví dụ, họ thấy làm lúa không có ăn thì tự lên liếp trồng cây ăn trái, rau màu hay đào ao nuôi tôm… Thay đổi tư duy theo kiểu kinh tế nông nghiệp, tức là làm phải có lời. Đầu tư bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu và phải làm ra tiền. Theo tôi, bằng cách chuyển tiền làm thuỷ lợi thành cái khác, để khuyến khích nông dân đi theo.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ, Khoa Phát triển nông thôn – trường ĐH Cần Thơ: Không để dân đồng bằng cõng chỉ tiêu nữa
Không nên kêu gọi nông dân trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới, đáp ứng cho bằng được chỉ tiêu xuất khẩu, theo tôi chỉ chọn những vùng nào thật sự phù hợp trồng lúa thì trồng. Còn lại chuyển sang khả năng sinh lợi khác. Không nên để nông dân “cõng” chỉ tiêu nữa. Tính về mặt số lượng, giả sử dân số tăng tới 100 triệu dân, bình quân một người ăn 100kg gạo/năm, thì 10 triệu tấn gạo là đảm bảo an ninh lương thực (tương đương 20 triệu tấn lúa).
Khi mức sống cao hơn, thu nhập người dân tăng, xu hướng giảm ăn gạo, nhiều thịt, cá. Mình sản xuất mỗi năm 45 triệu tấn lúa để làm gì, trong khi bán với giá bèo, đời sống nông dân đâu có cải thiện được bao nhiêu. Nên ủng hộ việc giảm diện tích trồng lúa, tăng cường và tập trung làm lúa chất lượng cao, để có giá trị gia tăng cao hơn. Nhiều địa phương nói đang gặp vấn đề, vì giảm lúa rồi làm cái gì? Họ chưa tìm ra được cây trồng thay thế. Nếu muốn thay thế thì nhiều nguồn lực đang sẵn sàng, chứ cứ trồng lúa thì địa phương chỉ làm theo, chưa biết làm gì nữa.
TS Martijn van de Groep, trưởng nhóm Chương trình hợp tác Việt Nam – Hà Lan về Chuyển đổi nông nghiệp vùng ĐBSCL: Đa canh trên đất vốn thuộc cây lúa
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần chuyển đổi độc canh lúa gạo sang các hệ thống sản xuất tích hợp khác, như: lúa-cá; lúa-rau; cá-cá… Đây cần được xem như phương án tối ưu để tránh tác động kinh tế, do tác động của ENSO làm giảm năng suất lúa. Nghiên cứu tổng quan cho thấy các sáng kiến chuyển đổi nông nghiệp chính tại bảy tỉnh vùng ĐBSCL (An Giang, Đồng Tháp, Long An, Hậu Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang), có lồng ghép các đề xuất của chúng tôi vào quá trình xây dựng chiến lược. Những sáng kiến này được xem là “chuyển đổi đầu tiên” để tạo ra “số đông quyết định” quan trọng, nhằm thúc đẩy việc “thể chế hoá” trong tầm nhìn lâu dài. Cần một sự tái định hướng, từ chỗ coi nông nghiệp là một “cách sống” hoặc một hệ thống phúc lợi xã hội, sang một cách tiếp cận mang tính kinh doanh, tạo điều kiện cho khối tư nhân là nhân tố kích hoạt.
Ông Willem Schoustra, tham tán nông nghiệp, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam: Tôn trọng quy tắc tự nhiên, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bị đe doạ, cần chuyển đổi kinh doanh nông nghiệp để cứu vãn vùng này. Trước hết, các bạn cần đổi mới cơ chế quản lý để thích nghi với các thách thức. Mô hình thích ứng cần đảm bảo mục tiêu dài hạn, nhằm cải thiện đời sống nông nghiệp của người nông dân, phát huy vai trò của hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân. Phát triển môi trường bền vững bằng cách tôn trọng nguyên tắc tự nhiên, và dần dần đưa ra các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn. Cụ thể là người dân và môi trường, làm dài hơi và cần có sự cam kết.
Tôi tự hỏi, liệu chúng ta có dám chấp nhận sai lầm, đòi hỏi có sự thay đổi lớn về mặt chính sách và đầu tư tài chính. Một sự chuyển đổi theo hướng tư nhân dẫn đầu theo định hướng doanh nghiệp làm chủ. Học cách lựa chọn mô hình bền vững là cách mà Hà Lan đã làm. Việc sở hữu hệ thống lương thực bền vững, xuất khẩu lớn là điều hoàn toàn khả thi, nhưng chỉ khi ta biết hài hoà lợi ích của mình với sức chịu đựng và chống chọi của môi trường. Mục tiêu xây dựng hệ thống lương thực bền vững cần quan tâm đến nông dân và môi trường, tiếp cận và cố gắng giữ được nước ở thượng nguồn, cắt giảm sử dụng nước ngầm để ngăn chặn sụt lún, bảo vệ hệ sinh thái, xem xét những gì thiên nhiên cần và suy nghĩ cho thế hệ mai sau.
Tham vọng trở thành một nước xuất khẩu hàng đầu là đáng khích lệ, nhưng khi thế giới bước sang một bước ngoặt từ an ninh lương thực sang an ninh dinh dưỡng; chuyển sang chuỗi giá trị bền vững theo yêu cầu của người tiêu dùng, tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp và tìm cách nâng cao trình độ của người nông dân… thì chúng ta phải chuyển đổi. Nếu ĐBSCL mạnh dạn chuyển mình, thì bằng những tiểu vùng được phân chia cụ thể: một vùng thịnh vượng gồm lúa, trái cây, thuỷ sản, chăn nuôi… là hoàn toàn có thể. Muốn vậy, cần: 1/ Lãnh đạo các địa phương cùng nhau tham gia; 2/ Phối hợp với chuyên gia địa phương, nước ngoài, khối tư nhân (trong nước và khối tư nhân của Hà Lan), nông dân được thông tin, phổ biến kiến thức; 3/ Chuyển đổi nông nghiệp trong quy hoạch tổng thể.
Ngọc Bích tổng hợp (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này