14:29 - 15/03/2017
Cấm qua cấm lại, chỉ nông dân chết
Ngay sau khi Việt Nam ra quyết định tạm ngừng nhập khẩu năm mặt hàng nông sản của Ấn Độ do nhiễm mọt gây dịch hại, Ấn Độ cũng trả đũa bằng biện pháp ngừng nhập sáu loại nông sản của Việt Nam gồm hồ tiêu, cà phê, tre, sắn, quế và thanh long. Trong số đó, các mặt hàng như tiêu, cà phê và thanh long chịu thiệt hại nặng nhất…
Hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu tiêu vào Ấn Độ đã được cảnh báo về lệnh cấm nhập từ quốc gia Nam Á này. Bà Nguyễn Mai Oanh, phó chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA), nói đây là thị trường tiêu thụ tiêu lớn thứ ba thế giới của mặt hàng tiêu Việt Nam, sau Mỹ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Do đó, phần thiệt hại nhãn tiền, chắc chắn thuộc về phía doanh nghiệp và người trồng tiêu.
Hiện nay, dù vẫn được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch đủ điều kiện xuất khẩu tiêu vào Ấn Độ, nhưng do có lệnh cấm nên theo bà Oanh, rất ít doanh nghiệp dám xuất khẩu vào thị trường này vì không ai dám chắc Ấn Độ sẽ cho thông quan.
Vụ tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên đang thu hoạch. Người trồng tiêu sẽ không vui khi đón nhận thông tin mặt hàng này tạm thời mất đi thị trường đứng thứ ba của Việt Nam. Chỉ tính riêng trong năm 2016, Ấn Độ nhập khoảng 11.000 tấn tiêu Việt Nam, đạt giá trị trên 84 triệu USD, tăng 36% về lượng và 11% về giá trị so với năm 2015. Tính ra, lượng tiêu xuất vào Ấn Độ chiếm 10% tổng lượng tiêu xuất khẩu.
Hiện tại, do đang vào vụ nên giá tiêu còn hơn 100.000 đồng/kg, giảm tới hơn 60% so với cách nay một năm, và cách nay một vụ, nông dân bán một ký tiêu có lúc trên 200.000 đồng. Nay, họ phải tính toán lại mức lợi nhuận kỳ vọng để quyết định nên bán tiêu vào thời điểm nào.
Lệnh ngừng nhập 6 loại nông sản từ Việt Nam mà Ấn Độ đang áp dụng, không phải vô can vô cớ. Cách nay chưa đầy hai tuần, tức là ngay ngày 1/3, bộ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam cũng đã ra thông báo tạm ngừng nhập khẩu 5 loại nông sản từ Ấn Độ, gồm đậu phộng (lạc), hạt muồng, hạt ca cao, đậu cô ve và quả me do các loại nông sản này có nguy cơ cao nhiễm mọt Caryedon serratus – loài mọt nguy hiểm thuộc danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam và chưa có trên lãnh thổ Việt Nam.
Trong năm 2016, Việt Nam phát hiện hơn 3.000 tấn đậu phộng, 24 tấn me và từ đầu năm 2017 đến nay tiếp tục phát hiện thêm 380 tấn đậu phộng từ Ấn Độ có loại mọt còn sống. Do đó, bộ NN-PTNT đã ra quyết định tạm ngừng nhập khẩu có hiệu lực sau 60 ngày, kể từ 1/3/2017.
Việt Nam ngừng nhập nông sản từ Ấn Độ, rồi đến lượt Ấn Độ làm y chang như vậy. Cấm qua cấm lại, nhiều ý kiến cho rằng, vụ này nói đúng bản chất thì là những hành động trả đũa thương mại lẫn nhau từ các quốc gia. Sau khi bị Việt Nam ngưng nhập 6 mặt hàng, chưa biết đúng hay sai, Ấn Độ cũng đã kịp thời ra tay đáp trả. Nhớ lại hồi cuối năm ngoái, Việt Nam cũng từng đưa ra lệnh ngưng nhập khẩu nguyên liệu DDGS (bã ngô) từ Mỹ vì có nhiễm mọt. Người trong cuộc có thể hiểu đây chẳng qua cũng chỉ là một vụ đáp trả cho hành động của Mỹ trước đó ngưng nhập gạo từ Việt Nam vì phát hiện hoạt chất bảo vệ thực vật.
Việt Nam đang thực hiện chính sách mở cửa rất nhanh và sâu rộng ra thế giới thông qua hàng loạt các hiệp định thương mại tự do ký với các quốc gia. Thúc đẩy hội nhập, rõ ràng đang đưa đến nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu, nhưng thách thức phải đối phó với các vụ tranh chấp phòng vệ thương mại từ bên ngoài lẫn bên trong cũng không hề nhỏ. Các mặt hàng nông sản của Việt Nam vốn yếu thế cạnh tranh, lại đang là đối tượng dễ tổn thương nhất khi xảy ra các vụ tranh chấp thương mại. Hậu quả là nông dân và doanh nghiệp đứng giữa phải gánh chịu các hệ lụy.
So với tiêu, việc Ấn Độ ra quyết định ngưng nhập cà phê được dự báo không ảnh hưởng nhiều do sản lượng cà phê mà Ấn Độ mua của Việt Nam không lớn. Năm 2016, Ấn Độ chỉ nhập khẩu gần 45.800 tấn cà phê các loại của Việt Nam trị giá hơn 79 triệu USD, tăng 67% về lượng và tăng 63% về giá trị so với năm 2015. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi hiện cũng đang nhập khá nhiều loại nguyên liệu từ Ấn Độ như DDGS, bắp – có lợi thế giá rẻ. Còn với thủy sản, hầu hết doanh nghiệp đều đang nhập tôm từ Ấn Độ làm nguyên liệu chế biến do trong nước không sản xuất đủ. Và một khi, nếu chính sách “ăn miếng trả miếng” chưa đủ thì Ấn Độ hoàn toàn có thể ra quyết định ngưng bán các sản phẩm này cho Việt Nam hoặc ngược lại Việt Nam ngưng nhập. Như vậy là, dù bên này hay bên kia ra tay đi nữa thì doanh nghiệp và nông dân cũng đều lãnh hậu quả.
Bảo Ngọc
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này