
08:05 - 19/03/2016
Cay mắt hạt tiêu Chư Sê
Vườn tiêu 200 trụ của bà Chín năm ngoái thu bình quân 3kg tiêu khô/trụ, vậy mà năm nay bỗng dưng chết đứng, mót máy được vài chục ký tiêu lép.
Vụ tiêu năm 2016 ở vùng tiêu Chư Sê (Gia Lai) đã bắt đầu. Khác với những vụ mùa trước, năm nay, người dân trồng tiêu ở Chư Sê ra vườn hái tiêu trong tâm trạng uể oải, chán chường.
“Thôi kệ, lượm được hột nào hay hột đó. Năm nay dân tiêu Chư Sê coi như mất mùa”, ông Nguyễn Khanh ở thôn 3 (xã Ia Blang, Chư Sê) nói như vậy…
Thiếu nước từ tháng 9
Chuỗi ngắn, hạt đóng thưa thớt, kích thước hạt nhỏ… là hậu quả đến với cây tiêu ở Chư Sê vụ mùa 2015 – 2016 sau hai mùa mưa… thiếu nước.
Theo nhiều nông dân trồng tiêu ở xã Ia Blang, tháng 9 năm ngoái đã hết mưa nên cây tiêu không đủ nước để nuôi chuỗi, nuôi hạt.
“Chưa có năm nào mà bước sang tháng 10, nhiều vườn tiêu đã phải bơm nước để tưới. Năm ngoái, không chỉ mưa ít mà còn dứt sớm nên cây tiêu thèm nước”, ông Đinh Văn Khánh (thôn 2, xã Ia Blang) nói với Thế Giới Tiếp Thị.
Thiếu nước thì bơm nước nhưng thời tiết đỏng đảnh, đất bạc màu, giống thoái hoá… nhiều vườn tiêu đang xanh tốt, bỗng nhiên “sụm bà chè” trong vòng… một tháng.
Nhiều vườn tiêu từ 5 – 10 năm tuổi, đang xanh mướt, bỗng nhiên vàng lá, rồi rụng đốt. Nhìn thấy cây tiêu chết mà bất lực vì không còn cách để cứu.
Vườn tiêu 200 trụ của bà Chín năm ngoái thu bình quân 3kg tiêu khô/trụ, vậy mà năm nay bỗng dưng chết đứng, mót máy được vài chục ký tiêu lép! Bà nhổ trụ trong tiếng thở dài, tiếp tục trồng cây xanh để chờ hai năm sau xuống giống mới.
Năm nay năng suất tiêu ở Chư Sê giảm. Sau khi hái vài chục trụ tiêu chín sớm, bà Thảo (xã Ia Blang) cho biết, năng suất năm nay giảm ước chừng 40% so với vụ trước.
Nhiều chủ vườn nói rằng, năng suất bình quân của các vườn tiêu đang trong giai đoạn kinh doanh ước chừng 2,5 tấn/ha, nghĩa là mỗi trụ tiêu chỉ thu được từ 1 – 1,25kg tiêu khô.
“Vậy là cao rồi đó. Có nhiều vườn giảm 60 – 70%, tính luôn số trụ chết trong năm. Càng ngày tiêu càng khó trồng, đỏng đảnh như hoa hậu. Dễ chết lắm”, ông Vinh, chủ một cửa hàng bán vật tư nông nghiệp, bình luận.
Theo lời chủ cửa hàng này, nông dân ở Chư Sê bây giờ chỉ còn biết bám vào cây tiêu, còn cây cà phê chỉ là cây phụ, nên dù thế nào cũng phải bám vào tiêu để mà sống.
Trao đổi với Thế Giới Tiếp Thị, phó chủ tịch hiệp hội Tiêu Chư Sê Hoàng Phước Bính cho rằng, năng suất bình quân tiêu vụ mùa 2016 của tỉnh Gia Lai và ở Chư Sê là 4 tấn/ha (2.000 trụ).
“Nếu tính riêng từng vùng, có vùng năng suất giảm mạnh vì tỷ lệ tiêu chết, tiêu bệnh cao, nhưng tính trên toàn tỉnh, năng suất tiêu vụ mùa 2016 của Chư Sê vẫn còn cao”, ông Bính nói.
Mất giá
Nhiều chủ vườn tiêu cho rằng, nếu tính toán trên diện tích đất, giá trị của tiêu mùa vụ 2016 chỉ ở mức “trung bình khá”.
“Đó là họ so sánh với giá tiêu khi đang ở trên đỉnh thiên hạ, còn so với giá trị trên đất, giá tiêu hiện nay quá hấp dẫn với lao động nông nghiệp của Việt Nam”, ông Bính phân tích.
Cũng theo vị phó chủ tịch này, nếu một hộ (hai lao động) có 1ha tiêu, sau khi trừ chi phí sản xuất trong năm, kể cả chi phí khấu hao, mỗi năm họ cũng thu được 200 triệu đồng.
“So với mặt bằng thu nhập của nông dân Việt Nam, mức này không phải là thấp”, ông Bính nói thêm.
Dù vậy, nông dân thở dài khi giá tiêu giảm mạnh so với nhiều năm trước đó. Sau tết Nguyên đán vài tuần, giá tiêu là 129.000 đồng/kg.
Bây giờ, giá có nhích lên, dao động từ 150.000 – 155.000 đồng/kg nhưng so với giá cùng kỳ năm ngoái, vẫn còn thấp hơn từ 40.000 – 50.000 đồng/kg!
Đối phó với hạn
“Chưa biết điều gì sẽ xảy ra vì diễn biến thời tiết phức tạp. So với nhiều loại cây khác, mức độ chống hạn dành cho tiêu luôn ở mức cao nhất. Bất cứ giá nào, nông dân cũng ưu tiên để chống hạn cho tiêu vì đây là cây có giá trị cao nhất của mảnh đất này”, lãnh đạo huyện Chư Sê (đề nghị không nêu tên) nói.
Vị lãnh đạo này còn cho biết, Chư Sê hiện có kênh thuỷ lợi Ia Rin đủ năng lực tưới khoảng 3.000ha cây nông nghiệp,
chủ yếu là tiêu và cà phê cho vùng tây nam của Chư Sê và một phần huyện Chư Pưh.
Do hai năm liên tục 2014 – 2015 lượng mưa thấp nên hiện mực nước ngầm đã giảm mạnh. Theo nhiều chủ vườn tiêu, những năm trước, khi lượng nước dồi dào, bình quân một công lao động có thể tưới 400 – 500 trụ/ngày, vì tưới liên tục.
Còn hiện nay, mỗi ngày chỉ tưới khoảng 150 gốc. “Cứ tưới 50 – 70 gốc là hết nước, phải chờ 2 – 3 tiếng đồng hồ nước lên đủ mới tưới tiếp. May mà năm nay giá dầu hạ, nếu giá dầu cao như hai năm trước, chi phí tưới đã ăn hết phần lợi nhuận của cây tiêu”.
Chi phí tưới năm nay gấp 2 – 3 lần so với những năm trước, chưa kể công đào giếng, khai mương… Theo nhiều nông dân, lo lắng nhất là vào tháng 4, tháng 5, sợ không còn nước để tưới! Đây là thời điểm nắng nóng cao nhất trong năm ở vùng đất này.
Được biết, huyện Chư Sê đã cho nông dân đăng ký diện tích tiêu bị chết, khô hạn để có kế hoạch hỗ trợ. Theo số liệu đăng ký của nông dân, khoảng 800ha tiêu nằm trong diện “báo động đỏ” thiếu nước.
“Khai báo để hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhưng trước mắt chủ yếu hỗ trợ cho vùng trồng lúa và các cây lương thực khác, tiêu và càphê chưa tới lượt”, một nguồn tin của huyện Chư Sê, nói.
Nắng ở Chư Sê ngày càng vàng hơn. Người trồng tiêu Chư Sê cũng chờ mưa đến… vàng mắt!
“Năm 2015, Việt Nam xuất khẩu gần 134.000 tấn tiêu (kế hoạch năm 2016 là 150.000 tấn), chiếm 80% sản lượng tiêu trên toàn thế giới. Cuối tháng 12.2015, nhiều tổ chức kinh doanh gia vị thế giới đã có cuộc gặp mặt với bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng các hiệp hội tiêu Việt Nam. Trong cuộc họp này, các tổ chức quốc tế đã cảnh báo dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật trong hạt tiêu Việt Nam “năm sau cao hơn năm trước”! Đây là mối lo quan trọng của hạt tiêu Việt Nam. Đã đến lúc cần tổ chức sản xuất để có hạt tiêu sạch hơn, lúc đó giá trị hạt tiêu Việt Nam mới được khẳng định” – ông Hoàng Phước Bính, phó chủ tịch hiệp hội tiêu Chư Sê
Song Minh
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này