14:44 - 05/10/2020
‘Kinh gốm’ – đường hành của đạo tâm
Sau hơn 3 năm ra mắt dự án “Thơ gốm” (tháng 2/2017), từ ngày 2-12/10/2020, tại Gallery 39A, Lý Quốc Sư, Hà Nội, họa sĩ Lê Thiết Cương tiếp tục giới thiệu tới công chúng dự án thứ hai mang tên “Kinh gốm”.
Triển lãm gồm hơn 40 tác phẩm gốm chép những câu kinh Phật, được thực hiện ở 4 làng nghề gốm Việt và 13 bức tranh bột màu vẽ trên vải màn minh họa những câu thơ thiền Việt Nam, là cuộc trở về sâu hơn với ý nguyện làm nghệ thuật của họa sĩ.
Giải thích lí do lấy tên gọi “Kinh gốm” làm dự án lần này có điểm gì khác với “Thơ gốm” 2017, họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ: “Rất tự nhiên, tạng tính của tôi hợp với triết Đông hơn là triết Tây. Tôi đọc Kinh Dịch, Lão, Trang, Phật nhưng càng về sau càng thích tư tưởng của Phật giáo. Và từ thời sinh viên, tôi đã mê gốm. Tuần nào tôi cũng đạp xe sang Bát Tràng để xem, để học các công đoạn làm gốm; sau này sưu tầm nhiều gốm cổ Việt Nam. Những điều tự nhiên và hữu duyên đó chính là ý tưởng để viết kinh lên gốm, cũng là để “Kinh gốm” ra đời.
Kinh văn Phật giáo (truyền miệng hoặc viết ra) chia ra làm ba loại là Kinh, Luật, Luận. Kinh viết lên gốm ở đây, được hiểu là những kinh điển của Phật giáo, là tinh thần Phật giáo; không nên hiểu theo nghĩa hẹp là câu kinh để Phật tử tụng niệm. Cho nên, ngoài tác phẩm gốm, tôi còn viết bình chú giải thích cách hiểu của mình về những câu kinh điển đã chọn và in trong cuốn sách. Đồng thời, bày 13 bức tranh bột màu trên vải màn viết, minh họa những câu thơ thiền Lý- Trần Việt Nam.
Điều khác biệt của “Kinh gốm” chính là có thêm phần bình chú trong sách, trong khi sách “Thơ gốm” chỉ trích câu thơ, bài thơ đính kèm minh họa. Nhưng trước hết, đó là sự mở rộng các tác phẩm gốm của 4 làng nghề Hương Canh (Vĩnh Phúc), Phù Lãng (Bắc Ninh), Thanh Hà (Hội An), Bát Tràng (Hà Nội) mà “Thơ gốm” mới chỉ tập trung ở gốm Bát Tràng. Dự án lần này là cuộc đối thoại kép: của 4 làng gốm, của kinh- gốm, tranh- gốm, là sự trở về với lòng mình sâu hơn”.
Thực tướng vô tướng
Có một điểm khác biệt cho triển lãm lần này ở cả tranh và gốm là các tác phẩm đều có kích thước nhỏ. Riêng các tác phẩm gốm, kích thước nhỏ hơn hẳn so với trong triển lãm “Thơ gốm” 2017. Về điều này, họa sĩ bày tỏ, ông cho rằng tranh bày trong triển lãm kích thước nhỏ 55x35cm, còn lọ gốm, vại gốm chỉ cao 20-28cm với đường kính miệng 8-15cm. Riêng chiếc tiểu nhi (gốm Phù Lãng) kích thước 38x18x14cm, nghĩa là đều bé nhỏ. Lê Thiết Cương trước khi vẽ nhiều tranh sơn dầu kích thước lớn hơn, đã bắt đầu với hội họa từ những bức bột màu vẽ trên vải màn kích thước nhỏ. “Cũng như kinh điển đạo Phật có vẽ câu “Thực tướng vô tướng” và bình chú: Cái hình dáng, hình tướng chân thực nhất của một hữu thể chính là không có hình tướng gì hoặc là có hình tướng nhưng là hình tướng – không. Nếu hình tướng chỉ là hình tướng, thì một hạt cải không thể chứa được cả quả núi Tu di. Và Tăng thống Khánh Hỷ (1067-1142) thời nhà Lý không thể nói ra những câu như: Tất cả càn khôn đều ở trên đầu một sợi lông / Mặt trời, mặt trăng đều nằm gọn trong hột cải (Trả lời Pháp Dung- Hỏi về lẽ sắc không và Phàm thánh)”, ông nói.
Tinh thần Phật giáo trong đời sống dân gian người Việt lâu nay người ta hay nhắc đến sự từ bi hỉ xả; phần bình chú của ông lại chủ nhắc “Vô thường, vô ngã là một”, “Phật và chúng sinh là một”, “Đạo và đời là một” chủ về tính vô thường, vô ngã, vô ưu. Ông cũng lại vẽ câu “Phật là Phật, ta là ta” của Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1291) đáp lại em ruột là Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cầm. Lê Thiết Cương nhận định: “Bạn kể cho tôi có một đạo nào không bắt nguồn từ đời sống và không quay trở về đời sống? Đạo Phật cũng vậy. Nó đi ra từ đời sống rồi quay trở lại giúp cho con người ta sống hay hơn, thiện hơn, lành hơn.
Phật cũng là một người bình thường tu tập, giác ngộ thì trở thành Phật, cho nên trong Phật có chúng sinh. Nhưng Phật cũng là một người đặc biệt. Ông từ bỏ ngôi vị Thái tử Tất Đạt Đa, từ bỏ cuộc sống hoàng tộc giàu sang, về mặt cá nhân là xuất thế, nhưng thực chất là nhập thế bằng trí huệ của mình.
Đạo Phật đưa ra một con đường để mọi người tự đi “về mình”, còn đi thì mỗi người phải tự đi, tùy vào giác và ngộ. Tuệ Trung Thượng Sỹ kế thừa những thiền sư thời Lý tư tưởng thiền/nhập thế, chính xác nhập thế và xuất thế là một. Ông trực tiếp cầm quân ra trận đánh giặc Nguyên (lần 2 năm 1285). Chiến tranh kết thúc ông về nhà tu đạo. Giặc Nguyên tấn công Đại Việt lần 3 (1287-1288), ông lại cất chuông mõ, cầm gươm ra trận. Ông Phật nói: Tất cả là một, chân lý này nếu không thực hiểu thì người ta có thể cho rằng Thiện và Ác là một, trong khi Thiện và Ác là khác nhau, không thể là một. Vậy nên, đối với những chân lý tuyệt đối thì không phải ai cũng có thể nói, và tùy người mà tiếp nhận được”.
Đừng nhìn quen mắt, nên nhìn ở sự mở ra
Trên con đường của đạo Phật, trở về với thơ thiền, trở về với gốm là trở về với những điều tốt đẹp, là cách Lê Thiết Cương đi con đường của mình. Vì vậy, ông xác tín rằng: “Kinh điển đạo Phật có câu “Bình thường tâm thị đạo”. Tâm là cái vốn bình thường đã là tốt đẹp, chỉ là như tấm gương bị bụi che mờ. Lau hết bụi, trở về bình thường, thì cái đạo tâm ấy tự hiện ra.
Hiểu được đạo Phật, để lòng mình thật tĩnh tâm thiền tịnh. Tĩnh tâm, suy nghĩ thấu đáo rồi thì phải “hành”. Nghĩa là thực hành cái điều tốt đẹp từ trong tâm. Làm gốm, vẽ tranh, với tôi là đạo “hành”. Người nghệ sĩ, suy cho cùng, sứ mệnh của họ là nhìn ra và chỉ cho mọi thấy vẻ đẹp từ những thứ bình thường nhất hiện hữu trong cuộc sống này.
Cái đẹp có thể đứng riêng, đứng cùng, có thể là tấm vải vàn, có thể là chiếc vại muối dưa, là ấm sắc thuốc, là lon cua, là chum, vò, lọ… Có thể là gốm trắng Bát Tràng làm từ đất sét trắng với men bóng, có thể là gốm sành Hương Canh màu nâu cháy không men, có thể là gốm Phù Lãng với hai màu men đặc trưng là men nâu và men da lươn, là gốm Thanh Hà không men màu đỏ gạch. Và cũng có thể là tất cả.
Chúng ta đừng nhìn với sự quen mắt, mà nên nhìn ở sự mở ra. Bằng tâm, bằng thiện, bằng tình yêu những giá trị nghìn đời của văn hóa Việt, chúng ẩn nấp đâu đây, không xa, nhưng dần dần trôi vào quên lãng.
Buổi sáng ngày khai mạc “Kinh gốm” có một vị khách đến, anh thấy cái cại muối dưa Hương Canh đã nói rằng: Anh thấy như đang nhìn lại một góc sân, một góc bếp ở trong ký ức dội về. Thế nghĩa là gốm đã chở kinh, đã có kinh”.
Các tác phẩm gốm và tranh trong triển lãm được in thành sách “Kinh Gốm”, nội dung Lê Thiết Cương, Nhat Le chỉ đạo và thiết kế. Dự án “Kinh gốm” là một cách tôn vinh gốm thủ công bằng nghệ thuật, trước bối cảnh các làng nghề bị mai một hoặc thất truyền trong cuộc sống hiện đại. Thời gian triển lãm: Từ 2/10-12/10/2020. Địa điểm: Gallery 39, 39A Lý Quốc Sư, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Hải An (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này