
09:46 - 20/01/2020
Lê Thiết Cương – hành giả Kinh Gốm
Hoạ sĩ Lê Thiết Cương nói về triển lãm Kinh Gốm vào đầu năm 2020: “Cuộc hành thiền Kinh Gốm đã được hai năm, sẽ hoàn thành vào năm 2020. Thời gian đầu tôi chủ yếu là đọc đi đọc lại kinh Phật và tìm đọc thơ thiền Lý, Trần, Lê, Nguyễn để chọn ra những câu, những bài phù hợp cho Kinh Gốm. Trong lòng mÌnh vốn đã thích Kinh Phật, thích gốm thì… Kinh Gốm thôi”.
– Trên thế giới, những hoạ sĩ theo trường phái tối giản phần lớn đều tìm hiểu về Phật pháp và con đường sáng tạo của họ song hành với sự trở lại của tính như nhiên – một trạng thái thiền. Là một hoạ sĩ theo trường phái tối giản, anh cũng không đi ngoài hành trình song hành này?
– Tạng tính của tôi hợp với triết Đông hơn là triết Tây. Tôi đọc Nho, Lão, Phật, nhưng càng về sau thì càng thích tư tưởng của Phật giáo. Thích tự nhiên chứ không cố gắng gì. Có nhiều con đường để đến với Phật, tịnh độ tông, mật tông, thiền tông… Tôi thích thiền tông, thích con đường “đốn ngộ”. Quan niệm về cái đẹp của thiền chính là tối giản, vì thiền vốn vô ngôn. Chắt lọc, hàm súc, cô đọng là mỹ học thiền.
– Sự liên kết giữa nghệ thuật tối giản, thiền đã dẫn anh đến những tác phẩm Kinh Gốm cho một chuỗi tác phẩm mà anh đang thực hiện để chuẩn bị cho cuộc triển lãm đầu năm 2020 như thế nào?
– Tôi đến với gốm từ lúc còn là sinh viên. Tuần nào cũng đạp xe sang làng Bát Tràng xem, chơi, học hỏi các công đoạn của nghề gốm, than củi, lò bễ, làm đất, tạo hình sản phẩm, vẽ khắc hoa văn, men thuốc, vào lò, ra lò… Thích gốm, mê gốm dẫn đến chơi gốm, sưu tầm gốm cổ Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn (thực chất cũng là học). Như trên đã nói, tôi thích tư tưởng nhà Phật hoàn toàn tự nhiên, với gốm cũng vậy. Chính thế nên ý tưởng làm triển lãm “Kinh Gốm” ra đời. Chọn những câu kinh điển của nhà Phật và những câu thơ thiền (Việt Nam) viết lên lọ, đĩa gốm kèm minh hoạ. Những câu này ngắn gọn, có khi chỉ vài ba chữ nhưng chứa đựng những tư tưởng lớn, giản dị mà sâu sắc, rất hiện đại và khoa học. Ví dụ có một cái lọ ghi câu “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Có chính là không và ngược lại. Hiểu được vậy thì sẽ hiểu một hạt cải có thể chứa được cả quả núi. Như A. Einstein đã coi năng lượng là (chuyển thành) vật chất và vật chất là năng lượng. Cũng ý này, Trịnh Công Sơn viết “con sông là thuyền/ mây xa là buồm/ một giọt sương thu cả mênh mông”.
– Ngôn từ trên các tác phẩm của anh chọn, là một cách khiến người ta lặng im để chiêm nghiệm. Liệu sự trở về nội tâm này có giống như anh từng viết: “Im lặng sấm sét”?
– Tôi không làm được gì ngoài tối giản dù là vẽ tranh, làm tượng, làm gốm hoặc thiết kế đồ hoạ… Tối giản là tôi, tôi là tối giản.
Tối giản là “cá tính cốt tử” của tôi, là ADN, là vân tay, là người nào của ấy, là căn cước tôi – Lê Thiết Cương.
Tối giản là thiền, là yên tĩnh, là vô ngôn, là kiệm lời, kiệm hình, kiệm màu, kiệm nét là nói bằng im lặng, “im lặng sấm sét”.
Nhà Phật quan niệm, đi tu chính là trở về mình, tìm ra được cái “bản lai diện mục” của mình, kiến tính thành Phật, “ngoái đầu là bờ” giống như nghề nghệ thuật, làm nghệ thuật chính là làm mình, tìm mình, trở về nội tâm của mình.
– Làm thế nào để gốm Việt có thể vượt qua “cái vụng” của sự hồn nhiên, được tiếp sức bởi sự sáng tạo để cho ra một dòng gốm hiện đại, mang vẻ đẹp nghệ thuật thực sự nhưng vẫn mang tiếng nói của nước Việt như “ấm sắc thuốc, vại muối dưa”, và đó có phải chính là điều anh đang làm cho bộ sưu tập của mình?
– Nhà nghiên cứu Stevenson từng có một công trình về gốm Việt. Gốm Việt Nam, một truyền thống riêng biệt do Art Media Resources (1997) xuất bản, ông nhận xét: “Sự phát triển của đồ gốm Việt Nam liên quan mật thiết đến lịch sử thăng trầm của dân tộc. Đọc sách này độc giả sẽ thấy đồ gốm Việt Nam đã có một truyền thống riêng biệt, một quá khứ huy hoàng, một hãnh diện cho người Việt Nam”.
Có tiếp nhận, giao thoa từ bên ngoài nhưng vẫn giữ “riêng biệt”. Còn muốn bảo tồn thì cách tốt nhất là phải làm hiện đại truyền thống ấy, làm mới truyền thống ấy. Phải đưa được mỹ thuật hiện đại vào những Bát Tràng, Chu Đậu, Hương Canh ấy để cho cái vại muối dưa, cái lon giã cua vừa là nó, mà lại là một nó khác, đẹp và hiện đại. Nó phải sống được trong đời sống hiện đại. Trong triển lãm Kinh Gốm có một số tác phẩm của làng gốm sành Hương Canh: một ấm sắc thuốc ghi câu “Phiền não tức bồ đề”. Nếu thế gian này không còn phiền não, chỉ có toàn vui vẻ, hạnh phúc thì chả cần tâm Bồ đề, chả cần Bồ tát và Phật cũng “thất nghiệp”, một chum tương ghi câu “Phật sinh bất nhị”, Phật và chúng sinh là một, chúng sinh là Phật sẽ thành.
– “Nâu sòng”, từ này gợi cho anh điều gì?
– Năm kia, tôi mua được một cái lọ gốm Hương Canh cũ, tuy đã bị sứt ở miệng và có một vết nứt ở thân. Thế là cắm hoa không được mà cũng chả dùng được vào việc gì. Tôi bày trên kệ, ngắm chơi thôi. Bạn bè tới, có người hỏi, tôi bảo tôi thích màu của cái lọ này, tôi mua là mua cái màu, để lưu giữ lại màu nâu cháy đặc trưng của da gốm Hương Canh.
Gốm nào mà chả là đất và lửa đối thoại cùng nhau? Cái chất đất mà ông trời dành tặng cho Hương Canh là chất thổ đới kim, cái vi lượng ôxít sắt (Fe203) tự nhiên ở trong đất Hương Canh đã làm nên nước da nâu cháy mộc mạc khoẻ khoắn của gốm sành Hương Canh. Vậy thì, ngồi xuống ngắm cái màu nâu mê hồn ấy cũng là đủ đẹp rồi, là được việc rồi. Cái màu nâu ấy sẽ làm lòng mình lắng lại, thanh thản và yên tĩnh lại. Chưa bao giờ mà sự yên tĩnh, lắng dịu, bình an lại quá đỗi khó khăn, lại trở thành xa xỉ như lúc này.
Tại sao không được quyền ngưng nghỉ, được quyền “dừng lại”, được quyền “vô dụng”, thậm chí là “vô vi”. Tại sao cứ đổi mới mọi thứ thành nhôm, nhựa, inox. Những chất liệu công nghiệp và sản xuất hàng loạt ấy khi được đẩy lên thành lối sống, chính là nguyên nhân tạo ra lạnh lẽo, thực dụng và vô cảm. Tại sao cứ phải tiến lên, cứ nhân danh phát triển kinh tế để hy sinh văn hoá, hy sinh truyền thống, hy sinh di sản? Chả nhẽ thước đo sự phát triển của một đất nước lại chỉ được tính bằng số lượng “chung cư cao cấp” và “khu đô thị hiện đại”? Thành quả của đổi mới, của phát triển phải bao gồm sự phát triển của các làng nghề thủ công truyền thống trên khắp đất nước. Sản phẩm của các làng nghề sẽ là một ngành công nghiệp sáng tạo. Cái chum, cái vại, cái màu nâu gốm sành Hương Canh là truyền thống, là di sản, là ký ức, là tâm tính của người Việt, là văn hoá. Nếu để mất đi (như gốm Thổ Hà đã mất), tức là mất văn hoá, thì phát triển kinh tế để làm gì? Cả một làng gốm truyền thống, nghề gốm truyền thống hơn 300 tuổi biến mất mà chả ai động lòng. Sợ thật!
Ngân Hà thực hiện (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này