10:15 - 15/03/2017
Nỗi đau từ cây tiêu Tây Nguyên
Tây Nguyên đang bước vào mùa thu hoạch tiêu niên vụ 2016 – 2017. Năm nay, người trồng tiêu Tây nguyên đang đứng trước ba thảm họa: năng suất thấp, giá giảm từng ngày và diện tích tiêu chết vì bệnh ngày càng tăng.
Giá tiêu giảm thảm hại!
Vụ mùa 2016 – 2017, năng suất tiêu bình quân toàn vùng Tây Nguyên giảm đáng kể, chỉ ước chừng 2,2 tấn/ha, giảm khoảng 35% so với niên vụ 2015 – 2016. Năng suất thấp là chuyện buồn nhưng với người trồng tiêu, điều buồn hơn là giá đang hạ từng ngày. Giá tiêu xô ngày 10.3 tại Tây Nguyên dao động từ 100.000 – 117.000 đồng/kg, tùy theo tiêu chuẩn và năng lực thu mua của các doanh nghiệp. So với niên vụ trước (2015 – 2016), giá tiêu hiện giảm từ 70.000 – 90.000 đồng/kg.
Với giá đó, nông dân trồng tiêu ở Tây Nguyên, nếu biết đầu tư hợp lý và tiết kiệm, lợi nhuận từ cây tiêu chỉ còn khoảng 15 – 20%. Có nhiều hộ huề vốn, còn lại phần lớn lâm vào cảnh nợ nần vì thua lỗ.
Tiên liệu giá tiêu hạ, trước khi bắt đầu vào vụ thu hoạch, ông Hoàng Phước Bính, phó chủ tịch chi hội tiêu Chư Sê, đã nói chuyện với nhiều lão nông trồng tiêu: “Giá tiêu đang có biểu hiện xuống giá, có thể ở mức 120.000 đồng/kg. Mức giá này, người dân trồng tiêu, nếu biết vun vén, vẫn có lãi. Nhưng điều quan trọng là chất lượng sống của cây tiêu ngày càng tồi tệ. Diện tích tiêu chết đang gia tăng. Tôi cho rằng, vụ mùa sang năm, giá tiêu chỉ còn 50.000 đồng/kg!”.
Ông Bính còn cho biết thêm rằng giá tiêu sẽ còn đi xuống vì chất lượng tiêu của vùng Tây Nguyên ngày càng xuống dốc, dư lượng thuốc trừ sâu ngày càng tăng nên nhiều quốc gia không còn mặn mà nhập hạt tiêu Việt Nam, mà chính là hạt tiêu Tây Nguyên.
“Đây chính là nguyên nhân vì sao tiêu Việt Nam ngày càng mất giá trên thị trường”.
Nhìn những vườn tiêu chết…
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong vụ mùa 2016 – 2017, chỉ riêng vùng tiêu của hai tỉnh Đăk Lăk và Gia Lai, diện tích tiêu chết vì bệnh gần 3.000 ha, chia đều cho hai địa phương này. Cộng với những yếu tố khác, nông dân trồng tiêu đang đứng trước thảm họa là tái nghèo, thậm chí nhiều hộ dân lại tha phương cầu thực như cách đây vài chục năm…
Khi giá tiêu “ngất ngưởng”, người trồng tiêu bất chấp các cảnh báo, chạy theo lối canh tác “chụp giật”: gia tăng bón phân hóa học, không có giải pháp ngăn chặn tình trạng suy thoái đất, triệt hạ cả vành đai cây che bóng vốn có tác dụng ngăn chặn sự rửa trôi của đất để lấy thêm diện tích trồng tiêu…
Hai huyện Chư Sê, Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) được mệnh danh là “thủ phủ hồ tiêu” của Tây Nguyên, nơi có nhiều tỉ phú nông dân nhất cả nước. Tuy nhiên, mọi chuyện đã bắt đầu đổi khác khi thời gian gần đây, nhiều diện tích tiêu chết trắng, khiến nhiều người lâm nợ nần, phải bỏ nhà tha hương…
Ông Đoàn Minh Khánh (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, Gia Lai) cho biết: “Trước đây, gia đình ông có 2.000 trụ tiêu, mỗi năm thu hoạch hơn 5 tấn tiêu khô, trừ chi phí, mỗi năm còn dư 400 triệu đồng. Vụ mùa này, nhìn thấy những chùm tiêu của vườn nhà mình, chỉ cần bằng mức giá năm ngoái (180 – 200.000 đồng/kg, có lúc giá lên tới 230.000 đồng/kg) là đủ sức xây nhà. “Sau tết, tôi vay ngân hàng 600 triệu đồng để xây nhà. Cứ tưởng mọi chuyện xuôi chèo mát mái, nào ngờ nhà vừa xây xong thì giá tiêu hạ. Nhưng đau nhất là cả vườn tiêu đồng loạt rụng khớp, trụi lá… Nhìn cảnh tiêu hạ giá, tiêu chết mà muốn bỏ về lại quê”.
Ông Hà Văn Trọng (thôn 6, xã IaBlang, Chư Sê, Gia Lai) nói rằng, nếu được giá như mùa trước, sau khi thu hoạch một hécta tiêu với sản lượng khoảng 3 tấn, ông sẽ thu lời khoảng 500 triệu đồng. “Nhưng với mức giá giảm mạnh như hiện nay, từ 200.000 đồng/kg còn 117.000 đồng/ kg, sau khi trừ hết chi phí, chỉ còn kiếm được ngót nghét một trăm triệu đồng. Mức lãi trên không đủ chi phí cho mùa sau. Có lẽ sẽ phải vay thêm ngân hàng”.
Nói lời chia tay
Gia Lai được biết đến là địa phương có nhiều “vua tiêu”, với năng suất lên tới 10, thậm chí là 15 tấn/ha. Nhưng tiêu năng suất cao không phải do kỹ thuật tiên tiến, mà do nông dân bón quá nhiều phân vô cơ. Hệ lụy đã làm cho cây hồ tiêu “bốc” nhanh, dẫn đến không có sức đề kháng, dễ nhiễm bệnh và không thể chống chịu được những điều kiện thời tiết bất thường.
Nhiều hộ dân nhìn những vườn tiêu chết mà tính tới chuyện “nói lời chia tay với cây tiêu”. Ông Đặng Hải (Chư Sê, Gia Lai), cho biết: “Với tình hình cây tiêu, giá tiêu như hiện nay chắc tôi sẽ không trồng tiêu nữa vì chi phí chăm sóc quá lớn, bệnh tật thường xuyên xuất hiện, giá cả lại bấp bênh. Tính đi tính lại, chuyển sang trồng cây khác như bơ, mít, sầu riêng…”.
Ông Trần Duy Thị, một trong những người đầu tiên đem cây tiêu về với mảnh đất Chư Sê nhận ra rằng: “20 năm qua, cây tiêu đã hoàn thành sứ mệnh của nó với mảnh đất này. Đã đến lúc nên trồng xen canh các loại cây ăn trái trong vườn tiêu vì bản chất tiêu là một giống cây rừng. Nên tạo môi trường sống hoang dã cho nó”!
bài, ảnh Hoàng Vinh
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này