08:02 - 25/11/2021
Thanh niên Nigeria dấn thân làm nông nghiệp, niềm cảm hứng Samsung, lạm phát ở Singapore
Một trong những ước mơ lớn nhất trong đời của Mukhtar Musa-Daud, nông dân chăn nuôi trẻ người Nigeria, là thành lập một trong những trang trại nuôi thỏ lớn nhất ở quốc gia đông dân nhất châu Phi.
[Story] Thanh niên Nigeria dấn thân làm nông nghiệp từ ‘niềm cảm hứng Trung Quốc’
Kể từ khi rời trường đại học cách đây 5 năm, Musa-Daud đã từ chối nhận công việc cổ cồn trắng như lời khuyên của cha mẹ. “Tôi muốn theo học ngành thú y vì tình yêu đối với động vật và chăn nuôi nói chung. Nhưng rồi, tôi học vi sinh. Tôi phát hiện ra rằng tôi có năng khiếu làm nông nghiệp và tôi có khả năng chăn nuôi tốt”, chàng trai 28 tuổi nói với Tân Hoa Xã trong cuộc phỏng vấn gần đây tại trang trại thỏ của anh ở Kuje, khu phố nổi tiếng với diện tích đất nông nghiệp rộng lớn ở ngoại ô Abuja, thủ đô của Nigeria.
Musa-Daud bắt đầu nuôi thỏ được ba năm nay, với các khách hàng đến từ khắp các vùng của đất nước Tây Phi ủng hộ doanh nghiệp của anh. Anh là một trong số rất nhiều doanh nhân trẻ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, được truyền cảm hứng bởi chính phủ đang tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế từ dầu mỏ, cũng như các kỹ thuật canh tác hiệu quả từ Trung Quốc. Musa-Daud cho biết nguồn cảm hứng của anh để có một trong những trang trại nuôi thỏ lớn nhất ở Nigeria bắt nguồn từ một số video trực tuyến mà anh tình cờ xem, giới thiệu về những người chăn nuôi Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc và Nigeria đã triển khai một loạt chương trình trong lĩnh vực hợp tác nông nghiệp, cung cấp đào tạo kỹ thuật về nông học, thủy lợi, thủy sản và chăn nuôi cho người dân Nigeria.
Cục Thống kê Nigeria cho biết vào tháng 8, ngành nông nghiệp của Nigeria đóng góp 23,78% vào tổng sản phẩm quốc nội chung của đất nước trong quý 2 năm 2021. Cục Thống kê Nigeria cũng lưu ý rằng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt và lâm nghiệp là bốn hoạt động phụ tạo nên ngành nông nghiệp.
Israel Abraham Konfa, một thanh niên Nigeria khác đầu tư vào nuôi cá vào năm 2017, cho biết cho đến nay anh đã đạt được sự ổn định tài chính thông qua doanh nghiệp. Nông dân trẻ tuổi này, hiện có một trang trại cá lớn nằm trên hai mảnh đất phía sau nhà bố mẹ ở Abuja, đang mong muốn chuyển đến một nơi lớn hơn vào năm tới.
Konfa tin rằng vẫn còn nhiều triển vọng để thâm nhập thị trường lớn, sau khi nghiên cứu sâu về lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của Trung Quốc.
“Đối với khát vọng của tôi, tôi nghĩ là không có giới hạn” anh nói. “Một điều quan trọng mà tôi muốn học là sản xuất thức ăn. Nếu có thể học được điều đó, tôi sẽ trở thành một nông dân giỏi hơn chính tôi hiện nay rất nhiều”.
[Sự thật] “Samsung được thành lập năm 1938 với tư cách một nhà xuất khẩu trái cây, rau củ và cá.
[Sự kiện] 9 dự án Bảng A vào chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp
Sau hai ngày diễn ra phần trình bày của 28 dự án thuộc bảng A ở vòng bán kết, ngày 23/11, Hội đồng giám khảo cuộc thi Dự án khởi nghiệp – Nông nghiệp phát triển bền vững lần 7 – 2021 đã tổng hợp, phân tích, đánh giá tổng thể để lựa chọn những dự án xuất sắc nhất. Kết quả, có 9 dự án đến từ 6 tỉnh thành đi tiếp vào chung kết.
Ở bảng thi này, TP.HCM có hai dự án được đi tiếp là “Lan tỏa giá trị chăm sóc sức khỏe tự nhiên từ cây quế rừng” và “Thịt thay thế – meat substitute”. Tương tự, hai dự án “Sợi lá dứa ECOSOI – Nguyên liệu bền vững – Thời trang cao cấp” và “ABACA – máy ngành sợi chuối” của Nghệ An cũng vượt qua vòng bán kết.
Khánh Hòa cũng góp mặt ở Vòng chung kết 2 dự án là “Mật chuối Tabai – Nâng cao giá trị trái Chuối Việt và hỗ trợ đồng bào dân tộc Raglai mưu sinh” và “The Moshav Farm – Chắp cánh ước mơ nông nghiệp Việt”. Ba dự án còn lại, cạnh tranh ngôi vô địch ở bảng A đến từ Bến Tre, Thanh Hóa và Quảng Ngãi.
Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, các dự án tham gia tại bảng A đều có những điểm khá thú vị, đều có tiềm năng lớn. Một số dự án đã thương mại hóa trên thị trường, mang lại doanh thu hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi tháng.
Vòng bán kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp – Nông nghiệp phát triển bền vững lần 7 – 2021 diễn ra từ ngày 22-25/11 với 28 dự án ở bảng A thuộc 19 tỉnh, thành phố và 37 dự án ở bảng B bằng hình thức trực tiếp và online.
Cuộc thi Dự án khởi nghiệp do Trung tâm BSA và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cùng Công ty Cổ phần Vinamit tổ chức nhằm cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế của thanh niên nông thôn; tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên Việt Nam trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển tài nguyên bản địa, hình thành các sản phẩm đặc trưng, tham gia hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.
[Đáng chú ý ] Trung Quốc công bố kết quả tổng điều tra giống cây trồng, vật nuôi
Cuộc tổng điều tra ba năm một lần nhằm đạt được khả năng tự chủ về nguồn giống cây trồng, vật nuôi của Trung Quốc đã bắt đầu từ tháng 3 năm 2021 tập trung vào các nguồn giống cây trồng, gia súc, gia cầm và thủy sản trong nước trong bối cảnh quốc gia đông dân số nhất hành tinh tiếp tục các nỗ lực nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Vấn đề hiện đã được Bắc Kinh dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình nâng lên thành một mục tiêu quan trọng của chiến lược an ninh lương thực, an ninh quốc gia.
Đáng chú ý, trong cuộc tổng điều tra giống nông nghiệp lần này, nhiều nguồn gen mới, bao gồm 20.800 nguồn gen cây trồng, 18 nguồn gen gia súc, gia cầm và hơn 30.000 nguồn gen giống thủy sản, đã được nhận dạng và đưa vào bảo tồn.
Ông Sun Sun Haoqin, một quan chức của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn nói: “Việc bảo vệ và khám phá các nguồn tài nguyên giống bản địa quý đã trở thành một nhiệm vụ cấp bách đối với ngành công nghiệp hạt giống để đạt được khả năng tự lực và sự hồi sinh của ngành”.
Trước đó Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong việc xây dựng ngân hàng nguồn gen quốc gia, nhất là bộ nguồn gen giống cây trồng quốc gia đã được hoàn thiện và đưa vào vận hành thử nghiệm vào tháng 9.
Năng lực bảo quản của quốc gia này hiện đứng đầu thế giới cả về dung lượng và thời gian bảo quản, với công suất thiết kế là 1,5 triệu mẫu bản và thời gian bảo quản là 50 năm, theo Bộ Nông nghiệp và Nông thôn.
Samsung sẽ xây dựng nhà máy chip trị giá 17 tỷ USD tại Mỹ
Hãng điện tử Samsung Electronics Co Ltd (Hàn Quốc) ngày 24/11 thông báo hãng này đã quyết định chọn Taylor, bang Texas làm địa điểm xây dựng nhà máy chip mới trị giá 17 tỷ USD để sản xuất chip tiên tiến phục vụ nhu cầu di động, 5G và trí tuệ nhân tạo (AI).
Samsung cho biết nhà máy này sẽ tạo ra 2.000 việc làm công nghệ cao, và quá trình xây dựng sẽ bắt đầu vào nửa đầu năm 2022, còn hoạt động sản xuất sẽ bắt đầu vào nửa cuối năm 2024.
Samsung đã có một nhà máy chip đặt tại Austin, Texas. Việc tiếp tục lựa chọn bang Texas làm nơi đặt nhà máy chip mới lớn hơn dựa trên nhiều yếu tố như cơ sở hạ tầng ổn định, sự hỗ trợ của chính quyền và vị trí gần nhà máy hiện có.
Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin trước đó cho hay một địa điểm ở hạt Williamson, gần thành phố Taylor, đã đưa ra một gói ưu đãi hấp dẫn nhất trong số các địa điểm mà Samsung đang cân nhắc. Nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, đồng thời là nhà sản xuất chip hợp đồng lớn thứ hai thế giới này cũng đã cân nhắc các địa điểm tại bang Arizona và New York để đặt nhà máy.
Samsung sẽ cùng với các đối thủ là TSMC và Intel tham gia vào cuộc đua mở rộng sản xuất chip theo hợp đồng tại Mỹ, nơi được xem là lĩnh vực cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.
Mỹ, Ấn Độ thông báo mở kho dầu dự trữ chiến lược
Ngày 23/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố đã ra lệnh xuất 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược của nước này trong nỗ lực phối hợp với các quốc gia khác nhằm hạ nhiệt giá dầu.
Nhà Trắng nêu rõ: “Quyết định xuất kho này sẽ được thực hiện song song với các nước tiêu thụ năng lượng chủ chốt khác bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh”.
Theo một quan chức Mỹ cấp cao, động thái này sẽ bắt đầu từ giữa hoặc cuối tháng 12 tới, và Mỹ có thể can thiệp hơn nữa nhằm ổn định thị trường. Đây là lần đầu tiên, Mỹ phối hợp mở kho dầu dự trữ với một số nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Tương tự, Chính phủ Ấn Độ cùng ngày thông báo sẽ xuất khoảng 5 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ chiến lược của mình, trong hành động phối hợp với Mỹ, Nhật Bản và các nền kinh tế lớn khác để hạ nhiệt giá dầu.
Ấn Độ, nước nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới, đang ngày càng lo ngại về giá dầu gia tăng và mong muốn Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đối tác, được gọi là nhóm OPEC+, đẩy nhanh tốc độ tăng sản lượng dầu.
Tuyên bố của Chính phủ Ấn Độ nêu rõ: “Ấn Độ bày tỏ lo ngại về nguồn cung dầu được điều chỉnh giả tạo thấp dưới mức nhu cầu bởi các nước sản xuất dầu, dẫn tới việc tăng giá dầu và hậu quả tiêu cực kèm theo đó”. Tuy nhiên, Chính phủ Ấn Độ chưa ra thông báo khung thời gian cho việc xuất dầu này.
Trước đó, Tổng thống Biden đã đề nghị Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản mở kho dự trữ dầu trong bối cảnh giá xăng dầu ở Mỹ tăng cao. Đề nghị này được đưa ra sau khi Chính phủ Mỹ không thể thuyết phục OPEC+, tăng sản lượng khai thác do các nhà sản xuất lớn cho rằng thế giới không thiếu dầu thô.
Indonesia sẽ tăng ngân sách ưu đãi thuế năm 2021
Bộ Tài chính Indonesia cho biết đang có kế hoạch tăng phân bổ ưu đãi thuế trong gói ngân sách phục hồi kinh tế quốc gia (PEN) năm 2021 do nhu cầu vượt quá mức dự kiến.
Thứ trưởng Tài chính Indonesia Suahasil Nazara cho biết, tính đến ngày 19/11, chính phủ đã giải ngân hơn 62.470 tỷ rupiah (4,37 tỷ USD) cho các ưu đãi thuế, bằng 99,4% ngân sách cả năm. Do đó, Bộ Tài chính Indonesia sẽ phải phân bổ thêm kinh phí để giải quyết các đơn xin ưu đãi thuế còn lại trong năm.
Indonesia đã ban hành các ưu đãi thuế, gồm giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với nhà ở, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế thu nhập cá nhân cho người lao động trong một số lĩnh vực… Các biện pháp này nhằm giảm bớt áp lực kinh tế đối với các doanh nghiệp và người lao động trong đại dịch.
Trong những tuần gần đây, số ca mắc Covid-19 hàng ngày tại Indonesia đã giảm xuống mức thấp nhất kể đầu đại dịch, kéo theo việc nới lỏng các hạn chế di chuyển trên khắp cả nước và giúp nền kinh tế tăng trưởng.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Indonesia đạt 57,2 điểm trong lần đánh giá mới nhất, phá vỡ kỷ lục được ghi nhận hồi đầu năm. Chỉ số bán lẻ tháng 10/2021 cũng tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước lên mức 193 điểm, đảo ngược mức giảm 2,2% hồi tháng 8/2021 do ảnh hưởng đợt bùng phát Covid-19.
Tính đến nay, 707.270 tỷ rupiah trong tổng số 744.770 tỷ rupiah dành cho PEN năm 2021 đã được phân bổ. Bộ Tài chính Indonesia dự kiến sẽ giải ngân phần lớn gói ngân sách PEN vào cuối năm nay.
Thứ trưởng Suahasil dự báo 95% ngân sách PEN sẽ được giải ngân vào cuối năm nay. Tuy nhiên, tính đến ngày 19/11, mới chỉ có 495.770 tỷ rupiah, chiếm 66,6% ngân sách PEN năm 2021, đã được quyết toán.
Singapore dự kiến lạm phát cơ bản tăng thêm lên 1-2% vào năm 2022
Bộ Thương mại và Công nghiệp (MTI) và Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS) ngày 23/11 thông báo lạm phát cơ bản của MAS, không bao gồm chi phí ăn ở và phương tiện đi lại cá nhân, trong tháng 10/2021 đã tăng lên 1,5% so với mức 1,2% của tháng 9/2021 do lạm phát thực phẩm và dịch vụ tăng cao.
Trong khi đó, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tất cả các mặt hàng của Singapore đã tăng lên 3,2% so với mức 2,5% trong tháng 9/2021. Điều này phản ánh chi phí ăn ở và dành cho phương tiện đi lại cá nhân tăng mạnh.
Trong tháng 10/2021, lạm phát giá thực phẩm của Singapore đã tăng lên 1,7% do giá thực phẩm chưa chế biến đã tăng với tốc độ nhanh hơn, trong khi giá của các món chế biến sẵn nhìn chung không đổi.
Trong khi đó, lạm phát dịch vụ tăng lên 1,6%, chủ yếu do lạm phát giá vé máy bay và chi phí dành cho kỳ nghỉ tăng cao. Chi phí bán lẻ và hàng hóa khác giảm với tốc độ chậm hơn 0,4% trong tháng 10, chi phí ăn ở tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái và “lạm phát” phương tiện đi lại cá nhân tăng lên 14,3% do giá ô tô tăng mạnh hơn.
Thanh long ruột đỏ Đồng Nai chuẩn bị lên đường sang Nhật Bản
Xuất phát từ thực tế thanh long sản xuất theo quy trình truyền thống năng suất không cao, đầu ra không ổn định, giá cả phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái khiến người nông dân gặp gặp khó khăn thậm chí thua lỗ. Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp dịch vụ thương mại thanh long Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) đã chuyển sang sản xuất hữu cơ và kết nối với đối tác mở đường cho thanh long ruột đỏ vào các thị trường Nhật Bản, Australia.
Giám đốc HTX Nguyễn Văn Nga chia sẻ, hiện HTX đã có 2 đối tác đồng ý đặt hàng. Đối tác Nhật Bản đồng ý đặt hàng trực tiếp với HTX và đối tác Australia đặt hàng thông qua đơn vị đang xuất khẩu thanh long ruột trắng ở tỉnh Bình Thuận. Hiện tại HTX đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, chứng nhận sản xuất hữu cơ… Ông Nga cho rằng, mặc dù số lượng ban đầu chỉ vài chục tấn/tháng, thủ tục nhiều nhưng HTX vẫn kiên trì vì thị trường Nhật nổi tiếng khắt khe, vào được thị trường này sẽ thuận lợi vào được rất nhiều nước khác.
Do đó, HTX sẽ tập trung chuyển đổi từ mô hình VietGAP theo tiêu chí nội địa sang sản xuất hữu cơ xuất khẩu trên diện tích 80ha; đầu tư kho bãi, kho lạnh để thuận tiện trong việc vận chuyển, bảo quản sản phẩm. Khi có thêm đơn hàng, HTX sẽ mở rộng diện tích thanh long hữu cơ tại các vườn đang chăm sóc theo quy trình thông thường. Ngoài ra, HTX sẽ hợp tác chế biến thanh long sấy dẻo, nước uống từ những quả thanh long sạch nhưng không đạt tiêu chí xuất khẩu.
Khoai lang đúng chuẩn không bao giờ lo ế
Ông Ngô Văn Tua, Giám đốc HTX Nông nghiệp – Dịch vụ Thành Đông (Vĩnh Long) cho biết: “Khoai lang trồng theo tiêu chuẩn sạch, an toàn thì dù không xuất khẩu được vẫn có thể bán cho thị trường nội địa. Vừa rồi, do ảnh hưởng dịch Covid-19, giá khoai lang bên ngoài chưa tới 5.000 đồng/kg nhưng sản phẩm của HTX bán vào siêu thị với giá 15.000 đồng/kg”.
Theo ông Tua, năm 2020, HTX được tỉnh Vĩnh Long hỗ trợ làm chứng nhận VietGAP cho 10 ha khoai lang. Mới đây tỉnh Vĩnh Long, vừa ký ban hành quyết định phê duyệt dự án “Liên kết xây dựng mô hình chuỗi cung ứng khoai lang phục vụ nội tiêu và xuất khẩu tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2021-2024”.
Chủ đầu tư chuỗi liên kết này là Công ty CP Sản xuất – Xuất nhập khẩu Việt Phúc và các hợp tác xã, hộ kinh doanh ở Vĩnh Long. Dự án có diện tích 100 ha, dự kiến thực hiện từ nay đến tháng 10/2024. Tổng kinh phí thực hiện dự án là hơn 16 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng của các bên tham gia liên kết hơn 10,8 tỷ đồng; ngân sách hỗ trợ hơn 5,2 tỷ đồng cho các hạng mục: chứng nhận VietGAP, nâng cấp hạ tầng, cải tạo nhà xưởng, ứng dụng khoa học kỹ thuật… Dự án sẽ hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho 20 ha khoai lang nhằm nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản xuất.
Ông Trương Thành Dãnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, nhận xét: “Dự án này rất có lợi cho nông dân trồng khoai lang. Doanh nghiệp sẽ tìm thị trường tiêu thụ và liên kết với nông dân, HTX trên địa bàn huyện Bình Tân. Từ đó, doanh nghiệp sẽ định hướng cho bà con sản xuất theo nhu cầu mà thị trường cần, chứ không phải làm theo kiểu truyền thống như trước nay”.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này