11:36 - 22/11/2021
Global G.A.P không chỉ là chứng nhận, giá vàng tiếp tục biến động, hai liều vắc xin là chưa đủ
Nhiều doanh nghiệp vẫn coi Global G.A.P chỉ là một tờ giấy chứng nhận cần thiết để đưa cho nhà nhập khẩu và bán được hàng. Quan niệm này chưa chính xác bởi Global G.A.P là một quy trình sản xuất, là thực hành nông nghiệp tốt và duy trì nghiêm ngặt quy trình sản xuất này.
[Nhận thức mới] Global G.A.P phải đi kèm thực hành nông nghiệp tốt
Dù được coi là tấm hộ chiếu cho nông phẩm (sản phẩm nông nghiệp) của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU, tuy nhiên nếu chỉ coi Global G.A.P như một tờ giấy chứng nhận mà không đi kèm thực hành nông nghiệp tốt thì nông phẩm Việt Nam không thể có chỗ đứng bền vững tại thị trường tiềm năng này.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ thương mại tại thị trường EU, ông Nguyễn Cảnh Cường- Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh cũng- bày tỏ: Một trong những điều kiện tiên quyết để nông phẩm Việt Nam thâm nhập thị trường EU là đáp ứng tiêu chuẩn Global G.A.P. Đối tác EU có tổ chức nghiên cứu, thống kê về sản xuất nông nghiệp của Việt Nam và mong muốn thiết lập quan hệ hợp tác lâu dài, bền vững do vậy rất quan tâm và yêu cầu cao với quy trình sản xuất nông phẩm của Việt Nam. “Có một thực tiễn, doanh nghiệp Việt Nam khi không đủ số lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, sẵn sàng thu gom hàng hoá từ nhà sản xuất khác để đáp ứng đủ đơn hàng. Điều này gây e ngại và khiến nhà nhập khẩu muốn phối hợp kiểm soát chất lượng đơn hàng”, ông Nguyễn Cảnh Cường chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp vẫn coi Global G.A.P chỉ là một tờ giấy chứng nhận cần thiết để đưa cho nhà nhập khẩu và bán được hàng. Quan niệm này chưa chính xác bởi Global G.A.P là một quy trình sản xuất, là thực hành nông nghiệp tốt. Duy trì các quy trình sản xuất này giúp doanh nghiệp đảm bảo sản phẩm không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.
Global G.A.P là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, đảm bảo sức khoẻ người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy suất nguồn gốc sản phẩm. “Tóm lại, Global G.A.P là chứng nhận quy trình sản xuất, thu hoạch chứ không chứng nhận sản phẩm”, TS Hán Quang Hạnh, đại học Glasgow, Vương quốc Anh, nhấn mạnh.
Trước tình trạng doanh nghiệp trong nước khó khăn trong việc xây dựng và đạt tiêu chuẩn Global G.A.P, TS Hán Quang Hạnh- chỉ ra: Nguyên nhân do việc quy hoạch xây dựng trang trại chưa hợp lý; đa số chưa lập kế hoạch, quy trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản; chưa quan tâm đúng mức tới việc ghi chép, theo dõi quá trình sản xuất; chưa quan tâm đúng mức tới phúc lợi của người lao động, vấn đề chất thải và ô nhiễm môi trường; chưa thường xuyên đánh giá và cải tiến quy trình sản xuất; công nhân chưa được tập huấn đầy đủ, chưa thực hiện theo đúng quy trình sản xuất đã đặt ra.
Về giải pháp khắc phục, theo TS Hán Quang Hạnh, doanh nghiệp cần tìm hiểu và tuân thủ các điểm kiểm soát theo tiêu chuẩn Global G.A.P; tự đánh giá nội bộ và tự cải tiến; có thể thuê chuyên gia tư vấn.
Với trở ngại hầu hết quy mô trang trại nhỏ gây tốn kém khi đánh giá và thực hành tiêu chuẩn Global G.A.P, các chuyên gia cho rằng, phương án liên kết các doanh nghiệp thành một hợp tác xã có quy mô lớn, có hệ thống quản lý là phù hợp. Khi đó, chuyên gia tiến hành đánh giá các tiêu chuẩn Global G.A.P sẽ đỡ tốn kém chi phí, đồng thời đảm bảo đủ sản lượng cho đơn hàng xuất khẩu lớn. Ngoài ra, các trang trại phải có thời gian thành lập tối thiểu 3 tháng trước khi tiến hành đánh giá. Thời điểm đánh giá xắp sếp càng gần ngày thu hoạch càng tốt.
[Sự kiện] Bán kết Cuộc thi ‘Dự án khởi nghiệp Nông nghiệp – Phát triển bền vững lần 7 năm 2021’
Sáng 22/11, tại Văn phòng Trung tâm BSA, bảng A cuộc thi Dự án khởi nghiệp có chủ đề “Nông nghiệp phát triển bền vững” lần 7, do Trung tâm BSA, Hội doanh nghiệp HVNCLC và Công ty Cổ phần Vinamit đồng tổ chức đã chính thức khai mạc.
Do tình hình dịch bệnh Covid – 19 năm 2021 diễn biến phức tạp nên chương trình được tổ chức bằng 2 hình thức online thông qua ứng dụng zoom và số ít dự án tại TP.HCM thi trực tiếp tại Văn phòng Trung tâm BSA.
Tại vòng thi này, 28 dự án ở bảng A gồm các doanh nghiệp khởi nghiệp lần đầu tham gia cuộc thi. Các dự án đến từ 19 tỉnh thành trên cả nước. Trong đó, Ba địa phương có nhiều dự án nhất là Bắc Kạn, Lâm Đồng và TP.HCM cùng có 3 dự án. Bến Tre, Đồng Tháp là những địa phương có số lượng dự án áp đảo ở nhiều mùa thi trước thì năm nay, lần lượt chỉ có 2 và 1 dự án. Số lượng bài thi của khu vực ĐBSCL giảm đáng kể phần nào do ảnh hưởng của dịch bệnh bùng phát mạnh trong thời gian qua.
Sau khi kết thúc bảng A, ngày 24/11, cuộc thi sẽ tiếp tục ở bảng B với 37 dự án. Đây là những dự án từng đoạt giải thưởng cao tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp ở 6 mùa thi trước.
Trung Quốc tiếp tục trừng phạt hàng loạt đại gia công nghệ
Theo Reuters, Cơ quan quản lý thị trường của Trung Quốc đã phạt hàng loạt các đại gia công nghệ như Alibaba, Baidu, JD.com… vì đã không khai báo 43 giao dịch kể từ năm 2012. Nhà chức trách Trung Quốc nói rằng những công ty này vi phạm luật chống độc quyền.
Mỗi doanh nghiệp liên quan đến vụ việc trên bị phạt 500.000 Nhân dân tệ (78.000 USD), mức tối đa theo Luật chống độc quyền năm 2008 của Trung Quốc. Như vậy, tổng cộng trong đợt phạt này, cơ quan quản lý của Trung Quốc yêu cầu các công ty nộp phạt tổng cộng 21,5 triệu nhân dân tệ.
Giao dịch từ lâu nhất được chỉ ra là thương vụ mua liên quan đến Baidu và một đối tác. Thoả thuận gần đây nhất là vào năm 2021 giữa Baidu và nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Zhejiang Geely Holdings để tạo ra một công ty xe năng lượng mới.
Các thương vụ khác được Cục Giám sát Thị trường Nhà nước trích dẫn bao gồm việc Alibaba mua lại công ty định vị và bản đồ kỹ thuật số Trung Quốc năm 2014 là AutoNavi, và năm 2018 mua 44% cổ phần của Ele.me để trở thành cổ đông lớn nhất của dịch vụ giao đồ ăn này.
Thời gian qua, Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành siết chặt các nền tảng internet, đảo ngược cách tiếp cận tự do một thời và viện dẫn nguy cơ lạm dụng sức mạnh thị trường để hạn chế cạnh tranh, lạm dụng dữ liệu của người tiêu dùng và vi phạm quyền của người tiêu dùng.
Trung Quốc hiện đang sửa đổi Luật Chống độc quyền lần đầu tiên kể từ khi có hiệu lực vào năm 2008, tăng cường các hình phạt chống độc quyền trong một nỗ lực nhằm kiểm soát nhiều hơn đối với lĩnh vực kỹ thuật số.
Tiêm đủ 2 liều vắc xin không còn an toàn trước Covid-19
Theo tờ The New York Times, trước sự lây lan mạnh của biến thể Delta trên toàn cầu, các bằng chứng khoa học ngày càng nghiêng về giải pháp phải tiêm nhiều hơn hai liều vắc xin để giúp duy trì khả năng bảo vệ tối ưu. Trong một cuộc nghiên cứu kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9 vừa qua, một số chuyên gia y tế Israel được ĐH Harvard (Mỹ) tài trợ đã theo dõi hơn 1,4 triệu người được tiêm hai liều vắc xin trước đó ít nhất năm tháng, một nửa trong số họ đã tiêm liều thứ ba ít nhất một tuần trước khi tham gia nghiên cứu.
Kết quả cho thấy những người được tiêm liều tăng cường giảm tới 93% nguy cơ phải nhập viện liên quan tới Covid-19, giảm 92% nguy cơ bệnh nặng và 81% nguy cơ tử vong so với nhóm còn lại. Độ tuổi trung bình trong nghiên cứu là 52 tuổi. Hai nhóm đối tượng có lối sống và tình trạng sức khỏe tương tự nhau.
Trong khi đó, tờ The Sydney Morning Herald dẫn một nghiên cứu khác từ ĐH Sydney (Úc) đăng trên chuyên san y khoa The Lancet hồi tháng 10 chỉ ra rằng sau sáu tháng tiêm liều vắc xin thứ hai, khả năng bảo vệ sẽ giảm xuống còn 50%, một năm sau đó sẽ chỉ còn 40% và các năm tiếp theo khả năng bảo vệ có thể sẽ tiếp tục giảm. Vì lý do này, việc tiêm liều vắc xin tăng cường là rất cần thiết để kéo dài khả năng bảo vệ của vắc xin.
Kết quả nghiên cứu còn chứng minh được rằng liều vắc xin tăng cường được tiêm trong vòng một năm sẽ làm gia tăng gấp đôi khả năng miễn dịch so với hai liều tiêm đầu tiên. Đồng thời, liều vắc xin tăng cường có thể góp phần cải thiện khả năng miễn dịch chống lại các biến thể hiện tại, bao gồm biến thể Delta hung hãn.
Giá vàng miếng SJC sụt giảm thêm 300.000 đồng mỗi lượng
Giá vàng miếng SJC sáng 22/11 giảm 300.000 đồng mỗi lượng, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC mua vào còn 59,5 triệu đồng/lượng và bán ra 60,2 triệu đồng/lượng; Eximbank mua vào còn 59,2 triệu đồng/lượng và bán ra 59,9 triệu đồng/lượng… Vàng SJC cao hơn thế giới 9,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế sáng ngày 22/11 biến động tăng giảm theo hình chữ V, lao mạnh từ 1.845 USD/ounce xuống 1.838 USD/ounce rồi quay đầu tăng lại mức 1.845,5 USD/ounce. Vàng chịu áp lực giảm giá bắt nguồn trực tiếp từ bài phát biểu của Thành viên Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Christopher Waller (Mỹ).
Vị này nhấn mạnh, lạm phát sẽ duy trì lâu hơn nhiều so với giả định. Tỷ lệ lạm phát đã vượt quá tầm kiểm soát. Do đó cần thiết phải điều chỉnh quá trình cắt giảm và tăng tốc độ để Fed có thể phản ứng với áp lực lạm phát sớm hơn tháng 6, thời điểm mà việc cắt giảm dự kiến sẽ kết thúc. Thêm vào đó là sự không chắc chắn về việc liệu Chủ tịch Fed Jerome Powell có được bổ nhiệm vào nhiệm kỳ thứ hai hay không cũng tác động đến giá vàng. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho rằng ông sẽ đưa ra quyết định công khai ai là người đứng đầu Fed trong những ngày tới.
Bayer và Microsoft bắt tay xây dựng ‘đám mây nông nghiệp’
Sự kiện vừa diễn ra ngày 17/11/2021, hứa hẹn quan hệ đối tác giữa hai ông lớn trong ngành nông nghiệp và công nghệ thông tin sẽ mang lại cơ sở hạ tầng và năng lực nền tảng mới để đẩy nhanh sự đổi mới, tăng tính hiệu quả và hỗ trợ phát triển bền vững trên các chuỗi giá trị cho ngành nông nghiệp và khu vực lân cận.
Theo bản thỏa thuận vừa ký kết, Bayer và Microsoft sẽ hợp tác để đồng phát triển các giải pháp mới nhằm giải quyết các tình huống quan trọng của ngành nông nghiệp như hoạt động từ trồng trọt, tìm nguồn cung ứng bền vững, sản xuất và cải tiến chuỗi cung ứng và các dịch vụ ESG (môi trường, xã hội và quản trị) cho đến giám sát và đo lường.
Ngoài việc bắt tay hợp tác với Microsoft, Bayer cũng sẽ là khách hàng của dịch vụ B2B mới mẻ này và sử dụng nó làm nền tảng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cho FieldView và các giải pháp hướng tới khách hàng khác.
“Sẽ không có tác động đến trải nghiệm người dùng FieldView. Sau khi được phát triển, Bayer sẽ tận dụng giải pháp đám mây của Microsoft làm cơ sở hạ tầng và nền tảng hệ điều hành nông nghiệp kỹ thuật số Climate FieldView và các giải pháp kỹ thuật số khác trong tương lai”, theo hãng Bayer.
Nền tảng Climate FieldView của Bayer hiện có mặt tại hơn 20 quốc gia, với bộ công cụ toàn diện giúp nông dân kết nối dữ liệu để đưa ra các quyết định dựa trên dữ liệu để tăng năng suất cây trồng.
Giá vật tư nông nghiệp tăng mạnh
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp, vụ lúa đông xuân 2021-2022, toàn tỉnh dự kiến xuống giống 190.000 ha, cần sử dụng 133.000 tấn phân bón và gần 2.100 tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Thế nhưng, hiện nay nông dân trồng lúa tại Đồng Tháp cũng như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang “đau đầu” vì giá phân bón liên tiếp lập “đỉnh” mới. Bên cạnh đó, chi phí điện, nước, xăng dầu tăng sẽ “đội” chi phí sản xuất lên cao, nguy cơ người trồng lúa không có lãi là rất lớn.
Mặc dù Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đưa ra thông tin: Trong nửa năm gần đây, giá phân bón tăng rất cao, có những loại phân tăng tới trên 100%, ví như giá phân urea là 16.000 đồng/kg, trong khi cùng kỳ các năm chỉ khoảng 6.700 đồng/kg, tuy nhiên, thực tế giá phân bón trên thị trường tăng cao hơn nhiều. Chủ của nhiều đại lý phân bón cũng “kêu trời” vì nhiều loại phân bón tăng gần gấp đôi khiến việc kinh doanh của họ rất khó khăn bởi nông dân cắt giảm lượng mua.
Ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho hay: Chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chiếm khoảng 38% tổng chi phí sản xuất lúa. Trong đó, chi phí phân bón chiếm 22%, chi phí thuốc bảo vệ thực vật chiếm khoảng 16%. Chi phí này còn thay đổi tuỳ vào vụ mùa sản xuất và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai của từng địa phương. Khi giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao sẽ làm tăng giá thành sản xuất nông nghiệp.
Truy xuất nguồn gốc, nâng tầm hạt cà phê Việt
Với tổng diện tích gần 100.000 ha, Gia Lai là địa phương có diện tích cà phê lớn thứ 4 của cả nước. Đặc biệt, sản phẩm cà phê Robusta của Gia Lai được các chuyên gia đánh giá cao vì có hương vị đặc trưng riêng và được nhiều quốc gia trên thế giới ưa chuộng.
Tuy nhiên, những năm qua, cà phê Gia Lai vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng đưa thương hiệu xứng tầm với giá trị vốn có. Để có được sản phẩm cà phê đạt tiêu chuẩn, chất lượng, các hợp tác xã phải tập trung tuyên truyền sâu rộng đến nông dân cải tiến lại quy trình canh tác, thu hoạch, chế biến theo hướng hiện đại và hội nhập.
Thời gian quan, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp là doanh nghiệp tiên phong sản xuất cà phê chất lượng cao của Gia Lai với sản lượng xuất khẩu hàng năm đạt từ 50.000-70.000 tấn. Hiện doanh nghiệp đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất hơn 20.000 ha cà phê và sản phẩm của đơn vị cũng đã xuất đi hơn 40 quốc gia; trong đó, thị trường chính là châu Âu với kim ngạch chiếm khoảng 60%.
Ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch HĐTV kiêm GĐ công ty Vĩnh Hiệp, cho biết doanh nghiệp Việt Nam cần phải chủ động liên kết vùng, liên kết tỉnh, liên kết với nhau để cùng phát triển và tạo dựng ra một sản phẩm chất lượng được đảm bảo theo các quy trình đồng nhất. Có được những sản phẩm tốt nhất sẽ giúp những doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng hội nhập nhanh. Ngược lại nếu không tạo ra được vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý hoặc không liên kết các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân với nhau để trở thành chuỗi khép kín thì khó có thể xây dựng được vùng nguyên tốt, sản phẩm cà phê đạt chất lượng cạnh tranh vào thị trường khó tính.
[Story] Nông dân An Giang hài lòng vì liên kết tốt với doanh nghiệp
Ông Đoàn Văn Thu, ở xã Bình Long, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang cho biết, mấy năm gần đây, nhờ tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa với doanh nghiệp, nên gia đình ông luôn an tâm trong việc sản, không lo giá lúa bị giảm, khó tiêu thụ khi vào vụ thu hoạch rộ; không ám ảnh bởi “được mùa, mất giá” như trước đây. Ông Đoàn Văn Thu cho biết thêm, vào vụ thu hoạch lúa, doanh nghiệp đã liên kết sẽ thu mua lúa hàng hóa cao hơn thị trường 50 đồng/kg.
Tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, trong vụ sản xuất thu-đông năm 2021, các doanh nghiệp đã liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa với hơn 1.000 hộ nông dân, với diện tích canh tác gần 1.600 ha; trong quá trình nông dân canh tác, doanh nghiệp cung cấp lúa giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đầu vào… đến cuối vụ mới thanh toán tiền. Bên cạnh đó, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa hàng hóa, nhiều bà con nông dân trên địa bàn huyện còn tham gia vào tổ hợp tác nhân giống lúa, liên kết với các công ty sản xuất lúa giống góp phần tăng thêm thu nhập trong sản xuất.
Hiện nay, toàn huyện Châu Phú có 5 công ty và 14 tổ nhân giống lúa, với hơn 200 hộ dân tham gia, diện tích nhân giống hơn 420 ha. Mô hình liên kết sản xuất lúa hàng hóa và lúa giống, đã góp phần giúp nông dân tiếp cận với kỹ thuật canh tác tiên tiến, xây dựng vùng nguyên liệu lúa, gạo chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh An Giang có nhiều doanh nghiệp đã liên kết với nông dân để sản xuất lúa hữu cơ. Công ty TNHH MTV Trịnh Văn Phú đã liên kết với nông dân, xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang sản xuất lúa gạo hữu cơ, theo quy trình khép kín, đảm bảo chất lượng sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho nông dân; quy mô mỗi vùng nguyên liệu khoảng 50 ha.
Ông Lâm Thành Kiệt, Giám đốc điều hành Công ty TNHH MTV Trịnh Văn Phú cho biết, nhờ việc ký kết với nông dân, Công ty đã từng bước thay đổi phương thức sản xuất gạo phẩm cấp thấp của nông dân trước đây; đồng thời dần dần đã xây dựng được thương hiệu “Gạo 7 Núi”. Hiện nay, sản phẩm gạo hữu cơ mang thương hiệu “Gạo 7 Núi”, không chỉ phân phối khắp thị trường trong nước, mà còn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc… và đang thâm nhập vào thị trường châu Âu.
“6 tháng đầu năm, chúng tôi đã bao tiêu cho bà con nông dân là khoảng 50.000 tấn. Vụ này, chúng tôi sẽ tiếp tục bao tiêu cho bà con nông dân trong vụ lúa nhật. Đối với công ty, thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch bện, đảm bảo được cái mục tiêu kép, là chống dịch và đảm bảo được sản xuất, tăng trưởng kinh tế. Chúng tôi cũng mong muốn Nhà nước hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để công ty được phát triển” – ông Lâm Thành Kiệt nói.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, lúa gạo và cá tra vẫn là 2 mặt hàng chiến lược của tỉnh, tiếp tục đóng góp rất lớn vào giá trị kim ngạch xuất khẩu. Sản lượng lúa của An Giang đạt khoảng 4 triệu tấn/năm, trong đó 70% diện tích trồng lúa chất lượng cao.
Thời gian qua, An Giang có nhiều giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” trong mời gọi đầu tư vào nông nghiệp. Nhất là, đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết theo mô hình “Cánh đồng lớn” trong sản xuất và tiêu thụ. Giai đoạn 2016-2020, trung bình mỗi năm có 20 doanh nghiệp tham gia ký hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản với nông dân tiêu biểu, như: Lộc Trời, Tấn Vương, Angimex, Antesco…. Đến nay, toàn tỉnh có trên 180 hợp tác xã nông nghiệp; với 13.000 thành viên. Đặc biệt, thời gian qua, có 24 HTX kiểu mới và 1 Liên hiệp HTX nông nghiệp được thành lập gắn với Tập đoàn Lộc Trời.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này