
08:34 - 07/11/2019
Mekong Connect 2019: Ý nghĩa của một nông pháp mới
Tôi vẫn luôn dõi theo những cách ông làm. Bởi vì ông thường nói về phương cách, giải pháp rồi sau đó nghĩ cách xử lý, giải quyết các vấn đề của thực tế làm nông nghiệp.
Không phải là sản xuất nông nghiệp mà là làm kinh tế nông nghiệp theo ông Lê Minh Hoan, bí thư Đồng Tháp, từng nói và là kinh doanh nông sản tốt theo cách chúng ta mong mỏi.
Dạy kỹ sư nông học biết làm nông
Chúng tôi thường ngồi bàn chuyện lạm dụng hoá chất, chuyện giải cứu nông sản hay chuyện đi chợ thế giới… Mấy năm qua, tôi chứng kiến ông cũng đã từng thay đổi nhiều cách làm, xoay trở, tìm tòi để làm thay đổi nền nông nghiệp đang loay hoay cải tạo chất lượng của đất nước mình.
Và mãi tới năm nay, gần đây, ông đưa bức hình “ấn tượng” lên face của ông. Ông đứng với các bạn trẻ trên miếng đất nông trại vừa vỡ xong.Rồi, tôi đến nghe ông nói về bức ảnh đó. Thực sự là thú vị, đáng ngẫm…
Trước nhất phải nói, tôi nói chuyện làm nông nghiệp hữu cơ (NNHC) với ông mà không nghĩ là tất cả nông dân, mọi nhà nông nên đi làm NNHC. Và tôi cũng tin là ông Nguyễn Lâm Viên, “ông hữu cơ” mà chúng tôi hay gọi theo cách thân tình, cũng không nghĩ là mọi nông dân hãy đi làm NNHC. Có một niềm tin rất có lý của những người gian khổ làm NNHC là: cách làm NNHC sẽ thay đổi căn cơ hành vi của người nông dân. Và khi thay đổi cách nghĩ, biết được cách làm căn cơ, nghĩa là chúng ta đã tiếp cận một kiểu làm ăn khác, có cơ hội thay đổi nền nông nghiệp đang chạy theo sản lượng, bất chấp hiểm nguy hiện nay.
Các bạn trẻ đứng cùng ông trên đồng, họ là ai? Đó là các kỹ sư nông nghiệp hay những bạn đã học đại học khoa canh nông, hiểu biết căn bản về nông nghiệp rồi, bây giờ bắt đầu làm NNHC với ông. Những gì họ đã học có cho họ những khái niệm căn bản, nhưng không đủ. Họ cần một kiến thức và biết cả thực hành một nền nông nghiệp kết nối với sinh học, chứ không phải hoá học. Ông Viên không đủ thì giờ dạy cho họ toàn bộ hệ thống kiến thức ấy, nên ông đến làm việc với các thầy giáo ở các đại học có khoa sinh học hiện nay (có đến năm trường đại học có khoa sinh, nhưng hầu như không có gắn gì mấy với nông nghiệp nói chung, huống chi đi sâu nông nghiệp Việt Nam nữa). Ông kể, nói đến các vấn đề của khoa sinh học và nông nghiệp, hầu như các thầy cô đều biết và hiểu hết, nhưng biết thôi chứ chưa qua thực nghiệm khoa học vì… đâu có ai đặt hàng, còn nhà trường thì không có ngân sách cho nghiên cứu, thí nghiệm đến nơi đến chốn. Ví dụ một vấn đề lớn là sinh học và côn trùng, xử lý các loại sâu, nấm có hại và không hại bằng giải pháp sinh học… thì ông Viên phải trao đổi với các thầy cô về lý thuyết, trình bày nhận thức mới của ông (mà ông đi du học từ nhiều đại học hay các tổ chức nông học thế giới hàng năm), trình bày kết quả ông đã thực nghiệm rồi cùng làm thực nghiệm trên những mẫu đất, nước, sâu, cây cụ thể với các thầy. Sau khi thử nghiệm trong các phòng thí nghiệm mà ông lập ra ở các khu nông trại chính của ông, thì đến thực nghiệm ngoài đồng.
Thực nghiệm được rồi thì các thầy cô sẽ dạy cho nhóm kỹ sư nông nghiệp theo chương trình các khoá học mà ông đã đặt hàng, thường là học nội trú kéo dài từ bốn tháng trở lên. Học xong, từng nhóm được giao dự án là những khu đất, những nông trại cho các loại sản phẩm mà ông đã chuẩn bị sẵn. Tuần tự các nhóm chuyên viên trẻ vào vị trí, đầu tiên là nhóm chuyên viên thiết kế đồng ruộng (bố trí tất cả khu vực chức năng, ruộng đồng, thuỷ lợi, đường đi, kho bãi…), rồi đến nhóm chuyên viên canh nông vào tiến hành công tác trồng trọt. Thường, họ phải chuẩn bị cánh đồng hay khu vườn trong nhiều tháng và việc phân tích chất đất, nước, không khí… diễn ra nghiêm ngặt, đúng hạn kỳ.
Học cách bảo vệ hệ sinh thái
Sau trồng trọt là khâu thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, sơ chế để đưa về những trung tâm chế biến chuyên nghiệp. Câu chuyện mà ông dừng lâu hơn, tỉ mỉ hơn luôn luôn là xử lý sâu, nấm, bảo vệ hệ sinh thái bằng giải pháp sinh học.Tuyệt nhiên không dùng hoá chất. Như là câu chuyện con sâu đục thân, thay vì chờ nó thành sâu thì mình phải xử nó ngay từ khi nó còn là ấu trùng chỉ ba ngày, cho nấm men và vi khuẩn lên là nó chết không xuất hiện được, và những cách làm nhẹ nhàng này là phải học và thực nghiệm trong phòng thí nghiệm đến hiểu, phát hiện và xử ý thuần thục, chứ đâu có dễ thấy ấu trùng được bằng mắt thường.
Vi sinh vật, lợi khuẩn và hại khuẩn là câu chuyện say mê bất tận của ông. Khi chưa quen dùng giải pháp sinh học thì ngay các kỹ sư nông nghiệp trẻ, giờ là “môn sinh” của ông cũng thấy ngán, vì giải pháp không hoá chất vừa chậm, vừa cực (phải nhọc thân theo dõi sát), và vừa không rõ kết quả cuối cùng có đến không (bởi xịt thuốc sâu mạnh thì thấy ngay con sâu lăn đùng chết tốt ngay trước mắt). Nhưng quen dần, các bạn kỹ sư trẻ hiểu và an tâm, bọn sâu gây hại chết rồi mà không để lại di hại nào do phản ứng phụ của hoá chất. Sau khi bắt tay vào canh tác thì các bạn học được các cách thực hành của NNHC. Một nhóm kỹ sư và chuyên viên trẻ khác xử lý bảo quản sau thu hoạch và đi vào chuỗi logistics của thu hoạch đúng lúc, cắt xẻ, lưu kho, rồi sau đó là công đoạn của nhà máy.
Hãy là người đi chợ giỏi nhất
Một đoạn sau đó các bạn kỹ sư nông nghiệp ít biết nhưng “người quan sát” là tôi lại biết khá rõ, vì đã đồng hành cùng ông. Đó là cách mà ông Viên hoàn tất quy trình tuần hoàn của sinh mệnh một món nông sản: tiêu thụ, bán chúng ra thị trường. Nhiều cánh đồng lớn được ca tụng một thời rốt cuộc bị vỡ mô hình là vì khâu cuối, tiêu thụ sản phẩm bị tắc, không thu được giá trị gì ngoài việc tốn thêm tiền lưu kho và khó mà bắt đầu lại chu trình sản xuất mới. Với ông Viên thì khác.Nghề bán hàng nông sản sau chế biến là nghề gốc rất thuần thục. Ông chẳng hề giấu giếm bí quyết gì hết. Hãy bám sát xu hướng thị trường, dự báo xa được càng tốt, ví dụ biết rõ xu hướng sấy đông khô từ trước để chuẩn bị việc chặn đầu, thực hiện cho các thị trường xuất khẩu là điều ông Viên nắm rõ. Nhờ phép thần thông nào?Chỉ là đi chợ thế giới thường xuyên, đi đúng những cái chợ đáng đi nhất, hiệu quả nhất.
Đến một hội chợ thực phẩm toàn cầu uy tín thì thu được vô số lợi ích. Và luôn luôn kết nối thị trường mục tiêu của thế giới, ông Viên trở thành người đàn ông đi chợ giỏi nhất.Ông làm những thí nghiệm R&D trước khi vào chợ. Và ghi nhận những bài toán mới, chuyển hoá chúng cho hợp với khả năng của nền nông nghiệp Việt Nam, mà vẫn đảm bảo khi theo sát các trọng điểm mới nhất của thị trường thế giới được. Ở Việt Nam và vẫn thường gắn bó giảng bài cho các nhóm bạn trẻ khởi nghiệp, ông vẫn nắm chắc và kịp thời những cuộc quảng bá, sampling sản phẩm mới của Vinamit ở Thượng Hải, Chicago, Bangkok… tại những hệ thống siêu thị có phân khúc khách hàng khác nhau, do các công ty phân phối mà ông lập ra đã lâu ở Trung Quốc, và mới đây ở Mỹ.
Nông pháp và sức khoẻ
Cuối cùng ông mới hé lộ một ý định sâu xa của ông. “Tôi mong những mô hình nông trại mới mà tôi giao cho các bạn kỹ sư trẻ tự do canh tác sẽ thành công. Tôi đang tính sẽ về Bình Minh, Bình Tân của Vĩnh Long, những làng khoai xuất khẩu, thuê đất và làm lại các nông trường trồng khoai như đang làm ở Đăk Nông hiện nay. Nông dân mình thì… thấy mới tin.Mà tin rồi thì họ nhân ra rất nhanh. Còn xuống dạy, họ nghe, hiểu đó, nhưng vẫn sẽ cứ làm theo thói quen thôi, vì chưa thấy kết quả cuối cùng. Làm sao để khoai Vĩnh Long của mình trở lại giá trị cũ, bán 15 USD 1 ký, thay vì 1.700 đồng còn không có người mua”.
Cuối cùng, lý tưởng của nông pháp hữu cơ là đưa đến phương pháp ẩm thực tốt cho sức khoẻ. Ông thực nghiệm ngay cho chính mình và sau đó, phục vụ cho đội ngũ nhân viên, công nhân công ty qua việc dùng chính thực đơn ăn uống an toàn, hữu cơ để trị các bệnh thường thấy của dạ dày, đường ruột và một sốtrường hợp bất ổn tâm thần.
Như vậy, làm nông bằng nông pháp hữu cơ như ông Viên không chỉ để bán nông sản tốt, chăm sóc sức khoẻ cho người tiêu dùng, cho nông dân và công nhân, nói xa hơn là cho chính vùng đất, nước và không gian hoạt đông của các nông trường của ông; mà còn đưa ra, hướng dẫn công thức sử dụng nông sản tốt, an toàn nhằm bảo vệ sức khoẻ, sinh mệnh sống của con người. Đó là thực nghiệm khoa học sự sống về ý nghĩa đẹp nhất của nghề nông, thay vì chỉ mưu sinh hay làm giàu.
Hoá ra, ông hiểu rằng phải đi một quãng đường vòng công phu để hình thành và nhân rộng một mô hình làm nông kiểu khác. Trước nhất là chuẩn bị và nhân rộng nguồn nhân lực, bằng cách bắt tay với các thầy cô trường đại học. Và đưa các đề tài thí nghiệm vào các đại học, phối hợp với hoạt động của những trung tâm hay phòng thí nghiệm của công ty, để thực nghiệm nhanh các thí nghiệm lâm sàng về vi sinh vật, sinh học. Nhờ đến các quy trình đúng tiêu chuẩn của NNHC hướng dẫn người làm nông trên trang trại mình. Và luôn bám sát động thái các thị trường xuất khẩu chính.
Vũ Khánh Thọ (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này