
22:32 - 09/06/2022
5 năm tới sẽ đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng phát triển giao thông ĐBSCL
Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy hoạch ĐBSCL, đặc biệt liên quan đến hạ tầng giao thông. Trong 5 năm tới Chính phủ sẽ đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng phát triển giao thông vận tải ở vùng này.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, chiều 9/6. Ảnh: Quang Phúc.
Trong chiều 9/6, chất vấn Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) chất vấn về vấn đề biến đổi khí hậu và phát triển ĐBSCL.
Phó Thủ tướng khẳng định, biến đổi khí hậu tác động lớn đến phát triển ĐBSCL, đó là nguy cơ, thách thức rất lớn. Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề này. Chính phủ đã có Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL, đã phê duyệt quy hoạch ĐBSCL, Bộ Chính trị cũng có Nghị quyết về phát triển ĐBSCL… Tất cả các nghị quyết, văn bản đều đề cập đến vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL.
Để đầu tư nguồn lực, giai đoạn 2011-2020, ngân sách trung ương đầu tư cho ĐBSCL không dưới 1% tổng chi ngân sách hàng năm. Năm 2011-2020, Chính phủ đã huy động được hơn 6,9 tỷ USD nguồn vốn ODA để bảo vệ môi trường, riêng hỗ trợ ĐBSCL là 1,5 tỷ USD cho ứng phó biến đổi khí hậu ở vùng ĐBSCL. Đồng thời, các cơ quan tiếp tục nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, hoàn thiện quy hoạch, huy động nguồn lực để ứng phó biến đổi khí hậu vùng này. Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy hoạch ĐBSCL, đặc biệt liên quan đến hạ tầng giao thông. Trong 5 năm tới Chính phủ sẽ đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng phát triển giao thông vận tải ở vùng này.
Tại hội nghị về vùng ĐBSCL trước đây, Thủ tướng yêu cầu huy động 2 tỷ USD phát triển để phát triển vùng ĐBSCL. Chính phủ tiếp tục có quy hoạch liên kết vùng, phát huy tiềm năng lợi thế vùng, thúc đẩy xúc tiến thương mại.
Đáng chú ý, ĐB Cầm Hà Chung (Phú Thọ) tranh luận về vấn đề hoàn thiện thể chế, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ. ĐB cho rằng, hiện có ý kiến cho rằng đâu đó còn lợi ích nhóm, cục bộ ngành, chạy theo thành tích trong việc hoàn thiện thể thế, xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ đánh giá vấn đề này thế nào và có giải pháp gì khắc phục thời gian tới?
Về điều này, Phó Thủ tướng cho rằng “không có vấn đề đó”, nếu có ý kiến cần chỉ ra cụ thế, lợi ích nhóm nào, chỗ nào. Đã có quy định rất chặt chẽ về quy trình xây dựng văn bản pháp luật, đã được luật hóa. Các quy định liên quan đến luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội và Thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo phải tổng kết, đánh giá tác động thì mới xây dựng. Khi xây dựng dự thảo, các cơ quan phải lấy ý kiến đánh giá tác động về chính sách, trong đó có ý kiến người dân, nhóm dân số bị tác động; tổ chức rộng rãi các hội thảo, hội nghị để tiếp thu, ý kiến Bộ Tư pháp thẩm định cuối cùng để đưa ra Chính phủ. Chính phủ tổ chức các phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, xem xét từng dự thảo trước khi trình ra Quốc hội.
“Đó là quy trình chặt chẽ, nếu tuân thủ nghiêm túc thì hiện tượng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ rất khó có thể xảy ra. Bởi không thể một mình cơ quan nào xây dựng luật được”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Chính phủ đã đề ra quy định và có biện pháp minh bạch, kiểm soát quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu nhất là bộ trưởng, thủ trưởng; nâng cao chất lượng cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định…
Theo Phan Thảo/SGGP
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này