10:15 - 17/03/2016
Sài Gòn tử tế: Làm đi, xin đừng nói nữa…
Những khu phố du khách đông người nước ngoài cần sự yên bình như là một nét văn minh của Sài Gòn, vẫn không hề bình yên.
“Phải tìm và xin lỗi nữ du khách bị cướp giật”, bí thư Thành uỷ TPHCM Đinh La Thăng chỉ đạo.
Thế nhưng, giữ tiền lệ này liệu thành phố có xin lỗi xuể du khách? Từ đây những cụm từ “xấu hổ – bất an – báo cáo láo”… là những gì người Sài Gòn tử tế chia sẻ và lo ngại về hàng loạt những sự việc tồi tệ đang xảy ra ở thành phố này.
Họ chỉ mong chính quyền “làm đi xin đừng nói nữa…”
Giảm tội phạm bằng… quán triệt
“Công an TPHCM đã tổ chức hội nghị quán triệt các nội dung trọng tâm cấp bách đối với trưởng công an quận, huyện, phường, xã, thị trấn năm 2016”.
“Công an thành phố đã huy động cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông, cùng đặc nhiệm hình sự phối hợp với lực lượng địa phương ra quân tuần tra, chốt chặn, phòng chống các loại tội phạm.
Các lực lượng sẽ tăng cường phòng ngừa, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm như cướp giật, trộm cắp…, nhất là loại tội phạm lưu động và hoạt động ở khu vực trung tâm. Trong đợt tấn công trấn áp này, Công an thành phố có kế hoạch cử lực lượng chuyên môn kiểm soát ở những tuyến đường đông du khách”…
Đó là những thông điệp phát đi của lực lượng bài trừ tội phạm, tệ nạn thông qua phương tiện truyền thông.
“Nghe thì rất phấn khởi và chúng tôi chờ đợi thành phố này ngày một bình yên hơn”, ông Nguyễn Hữu Trãi, cán bộ hưu trí ngành giao thông ở quận Phú Nhuận, chia sẻ.
Thế nhưng tới thời điểm hiện tại, dường như mọi sự quyết liệt chỉ nằm ở câu chữ trên báo, còn ngoài thực tế thì hoàn toàn… bất an.
“Tội phạm giờ quá liều lĩnh và manh động. Thiếu niên có thể chỉ vì vài lời nói xách mé đã giết nhau như vụ chặt rớt bàn tay dẫn đến tử vong ở Gò Vấp.
Du khách đi trên đường có thể bị kéo lê bất cứ lúc nào vì nạn cướp giật, bằng chứng là trong khu ông bí thư vừa chỉ đạo xin lỗi du khách lại có thêm một du khách khác bị cướp giữa ban ngày, giữa chốn đông người. Rồi mại dâm, các hình thức tệ nạn tràn ra đầy đường ai cũng biết nhưng ngành chức năng “đợi báo mới biết”, ông Trãi ngao ngán.
Theo ông Trãi, “Lực lượng ở địa phương phải là người nắm rõ từng ngóc ngách, từng đối tượng… nếu siêng xuống địa bàn thì đối tượng nào qua mặt được”.
Ông đề nghị: đã đến lúc phải bắt những người ăn lương từ tiền ngân sách do dân đóng thuế phải chịu trách nhiệm cá nhân, chứ không thể cứ chịu trách nhiệm tập thể như lâu nay vẫn làm,
thì mới mong đem lại bình yên cho Sài Gòn.
Dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè trên giấy
Cũng liên quan đến cách làm hời hợt cho có của địa phương là chuyện dẹp nạn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.
Theo thống kê của sở Giao thông vận tải TPHCM tính đến tháng 10/2015, có 22/24 quận, huyện trên địa bàn đánh giá kết quả của 149/159 tuyến đường đã ký cam kết với UBND thành phố về giải quyết tình trạng buôn bán, trông giữ phương tiện lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè.
Theo đó, có bốn tuyến đường được đánh giá đạt tiêu chí đường mẫu với tỷ lệ 100%; mười tuyến đường đạt từ 95% trở lên. Qua ghi nhận, thực tế không đẹp như vậy. Trong bốn tuyến đường được đánh giá đạt 100%, có đường Nguyễn Kiệm (Gò Vấp).
Tuy nhiên, qua ghi nhận của phóng viên TGTT và tin rằng ai đi qua con đường này đều thấy đó là một báo cáo láo trắng trợn.
“Tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè trên tuyến này vẫn diễn ra công khai. Vậy mà họ dám báo cáo láo như vậy. Thiệt hết biết”, ông Trần Quang Hải, nhà trong một con hẻm đối diện bệnh viện 175 trên đường Nguyễn Kiệm, bức xúc.
Quả vậy, đoạn vỉa hè từ giao lộ Nguyễn Kiệm – Nguyễn Văn Công kéo dài đến gần vòng xoay Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh, đậu xe, buôn bán hàng rong. Có những đoạn, xe được xếp kín trên vỉa hè khiến người đi bộ phải xuống dưới lòng đường.
Một số cửa hàng kinh doanh buôn bán kê đồ trên vỉa hè, khi khách hàng đến phải đậu xe tạm dưới lòng đường để mua.
Rồi trên các tuyến đường được đánh giá đạt trên 95% “kiểu mẫu” như Kha Vạn Cân, Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức), Khánh Hội (quận 4), Lương Định Của (quận 2)… đi đâu cũng nghe người dân trong các con hẻm nơi đây than trời và tình trạng lấn chiếm vẻ hè và lắc đầu ngao ngán khi nghe nói đến những số liệu báo cáo “trong mơ”.
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Ngọc Tường, phó ban chuyên trách ban An toàn giao thông TPHCM, phải thừa nhận rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một số quận, huyện triển khai việc giải quyết trật tự lòng lề đường, vỉa hè như “bắt cóc bỏ dĩa”.
Chính quyền một số địa phương triển khai ra quân rầm rộ, có được một số kết quả trước mắt nhưng sau đó, việc lấn chiếm lại tái diễn. Kế đến là công tác tuyên truyền chưa được thực hiện thường xuyên và đúng đối tượng.
“Cướp giật ở đâu cũng có nhưng ở TPHCM được xem là nhức nhối nhất. Lấn chiếm vỉa hè ở đâu cũng có nhưng ở TPHCM cũng được xem là rầm rộ nhất. Vậy xin chính quyền địa phương phải làm thực, làm đúng, làm đủ trách nhiệm của mình”, ông Trãi đúc kết.
Giang Thanh – Đằng Giang
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này