08:03 - 10/03/2016
Nhà xí bên hông nhà hát
Lâu thật lâu mới trở lại Nhà hát TP.HCM nhân dịp được mời đi dự buổi hoà nhạc chủ đề “Heal the World” của dàn hợp xướng thiếu nhi Hàn Quốc cùng khách mời là “Saigon Lady Singers” và ban hợp xướng CIS Junior.
Nhà hát thành phố – mà những người nước ngoài trân trọng gọi là “Opera House” – bây giờ có lẽ chỉ còn vẻ lịch lãm ở bên trong.
Tối thứ bảy, xung quanh nhà hát là cảnh tượng nhếch nhác thật kinh khủng! Tôi gửi xe ở bãi xe nồng nặc mùi nước đái bẩn thỉu đằng sau nhà hát (dù thường xuyên “nặng mùi” nhưng cái bãi xe này vẫn được gọi là “mỏ vàng” vì nằm giữa hai trục đường Đồng Khởi – Hai Bà Trưng, liền kề không chỉ Nhà hát thành phố mà còn gần với các khách sạn lớn như Park Hyatt, Caravelle, Saigon Continental… Tuy nhiên không biết ai đã “may mắn” được thầu nó từ lâu!).
Ngay phần còn lại sau lưng nhà hát, đối diện với bãi gửi xe này là một quán cà phê. Phần bên hông nhà hát đối diện khách sạn Saigon Continental trước đây là một công viên với lối đi thoáng đãng rất đẹp và có cả đài phun nước, bây giờ đã bị ngăn không cho đi thông ra mặt trước của nhà hát ở đường Đồng Khởi để lấy chỗ để xe máy!
Dọc bức tường rào từ bãi gửi xe đi lên nhà hát, người ta treo đủ thứ bịch nilông đựng nước nôi, đồ ăn… để bán! Rác xả đầy trên vỉa hè đối diện khách sạn Saigon Continental, do các nam thanh nữ tú dập dìu ngồi ăn uống trên bờ tường rào bao quanh công viên thải ra.
Công viên cũ bị thu hẹp chỉ còn một rẻo nhỏ xíu trông dúm dó đến tội nghiệp! Người ta tranh thủ tận dụng tối đa từng tấc đất, từng khoảng trống xung quanh nhà hát để khai thác kinh doanh.
Nhìn nhà hát bị bủa vây bởi quán xá, bãi xe, hàng rong, cảm giác thật xót xa như nhìn một người đẹp thanh tú, sang trọng sắp bị ngộp thở trong sự ô nhiễm…
Nhân danh chuyện áo cơm, người ta sẵn sàng đẩy văn hoá xuống hàng thứ yếu mà không hề hình dung rằng khi văn hoá lụn bại thì xã hội cũng không thể no đủ để tồn tại!
Tôi ước được thấy Nhà hát thành phố/The Opera House – một địa chỉ văn hoá kiêu hãnh còn sót lại từ “chế độ cũ” – được trả lại không gian như ngày xưa!
Ở nước nào cũng vậy, các địa chỉ văn hoá kiểu ấy luôn gắn liền với những quảng trường rộng lớn để phục vụ đại đa số quần chúng nhân dân. Hiếm thấy nơi nào tận dụng khai thác triệt để cho kinh doanh như ở ta!
Mà ước chỉ để ước vậy thôi! Không biết chuyện này có nên gửi tới tân Bí thư không nhỉ? Và liệu bác ấy có quan tâm?
Nguyễn Thị Oanh
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này