09:53 - 15/04/2024
TP.HCM: Xây dựng nền công vụ tận tâm và xuất sắc
Đề án xây dựng nền công vụ hiệu lực, hiệu quả có ý nghĩa quan trọng không chỉ cho TP.HCM mà còn cho cả nước. Khi thành công, mô hình này hoàn toàn có thể được thể chế hóa và nhân rộng ra cả nước.
Về diện tích, TP.HCM lớn hơn Singapore gần 3 lần. Về dân số, nếu chúng ta tính cả những người cư trú không đăng ký hộ khẩu, TP.HCM cũng lớn hơn Singapore gần 3 lần (13,42 triệu người/5,889 triệu người). Thế nhưng, GPD của TP.HCM chỉ bằng gần 1/3 của Singapore (126,6 tỷ USD/397 tỷ USD). Các số liệu trên cho thấy không gian để TP.HCM vươn lên về mặt kinh tế còn rất lớn.
Vấn đề là TP.HCM có điều kiện để làm như vậy hay không? Một trong những điều kiện quan trọng nhất ở đây là một nền công vụ tận tâm và xuất sắc, thứ mà Singapore luôn có thể tự hào là thuộc thứ hạng xuất sắc nhất thế giới. Lịch sử phát triển của các quốc gia cho thấy, một nền công vụ xuất sắc là cỗ máy hiệu năng nhất tạo ra sự phát triển vượt bậc của đất nước.
Trong cuốn sách “Trật tự chính trị và suy đồi chính trị”, ông Francis Fukuyama đã tổng kết toàn bộ lịch sử hình thành và phát triển của các nhà nước và đưa ra một phát hiện rất quan trọng: quốc gia nào có bộ máy công vụ tài giỏi thì quốc gia đó sẽ hùng cường bất kể thời đại, bất kể môi trường địa lý, bất kể chế độ chính trị. Trong bối cảnh như vậy, hội thảo khoa học về Đề án xây dựng nền công vụ TP.HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030, tổ chức mới đây là rất có ý nghĩa.
Để thiết kế một bộ máy công vụ xuất sắc trước mắt, theo tôi, cần quan tâm giải quyết 6 vấn đề. Vấn đề thứ nhất là tạo động lực cho bộ máy công vụ. Quan trọng nhất ở đây là phải tiếp tục cải cách chế độ tiền lương. Mức lương cần cạnh tranh so với thị trường lao động để thu hút và giữ chân người tài. Lương cần có cơ chế khuyến khích để công chức nâng cao năng lực và hiệu quả công việc.
Vấn đề thứ hai là xây dựng một hệ thống tuyển chọn nghiêm ngặt. TP.HCM cần thành lập một cơ quan chuyên trách để làm công việc này. Cơ quan này cần có vị thế độc lập, không chịu sự ảnh hưởng của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào; có quyền tự chủ trong việc tổ chức thi tuyển, đánh giá và tuyển dụng công chức. Mọi thông tin về kỳ thi tuyển dụng cần được công khai rộng rãi để người dân có thể theo dõi và giám sát.
Vấn đề thứ ba là thực hành quy chế đào tạo và phát triển liên tục. Sau khi được tuyển chọn, các công chức của thành phố đều phải trải qua các khóa đào tạo chuyên sâu và liên tục để nâng cao kỹ năng, kiến thức. Điều này đảm bảo rằng họ có thể đối phó với những thách thức kinh tế và xã hội phức tạp, cũng như thích ứng với sự thay đổi của công nghệ, môi trường toàn cầu.
Vấn đề thứ tư là xây dựng hệ thống thăng tiến dựa trên hiệu suất. Đây là hệ thống đánh giá công bằng và minh bạch, đảm bảo rằng những công chức có thành tích xuất sắc được thăng tiến.
Vấn đề thứ 5 là bảo đảm cơ cấu và tổ chức hiệu quả. Bộ máy công vụ phải được tổ chức một cách khoa học và hiệu quả, với cơ cấu rõ ràng và quy trình làm việc được chuẩn hóa. Thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý, vận hành để tăng cường hiệu quả và minh bạch.
Vấn đề thứ 6 là xây dựng đạo đức công vụ. Nó bao gồm sự trung thực, công bằng, trách nhiệm, minh bạch, và tôn trọng quyền lợi của công chúng. Đạo đức công vụ không chỉ là cơ sở cho sự công bằng và hiệu quả trong quản lý công, mà còn là yếu tố quan trọng để xây dựng và duy trì lòng tin giữa chính quyền với người dân, đồng thời thúc đẩy một xã hội công bằng, minh bạch.
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng/SGGP-ĐTTC
Ngày đăng: 15/4/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này