Cùng ngày, thị trường vàng trong nước biến động theo hướng giảm sâu trước khi có kết quả đấu thầu, nhưng nhanh chóng đảo chiều bật tăng trở lại sau khi có kết quả đấu thầu.
Có thể thấy, số lượng vàng trúng thầu chỉ bằng khoảng 1/5 so với khối lượng dự kiến ban đầu là điều có thể lường trước, bởi theo các chuyên gia, phiên đầu tiên bao giờ cũng mang tính thăm dò thị trường! Trước đó, trong 76 phiên đấu thầu vàng năm 2013, thì phiên đầu tiên khối lượng vàng trúng thầu cũng rất ít. Nhưng thực tế bối cảnh đấu thầu vàng năm nay khác với năm 2013 ở chỗ NHNN kiểm soát chặt hơn và doanh nghiệp sợ rủi ro hơn. Sự kiểm soát chặt của NHNN thể hiện ở việc quy định giá sàn đấu thầu ở mức khá cao, trong khi lại kiểm soát mức giá trần bán ra.
Thêm vào đó, NHNN cũng yêu cầu các doanh nghiệp tham gia đấu thầu phải mua lượng vàng tối thiểu khá lớn, 1.400 lượng. Vì vậy, giữa lúc giá vàng thế giới đang biến động đã khiến nhiều đơn vị tham gia đấu thầu cân nhắc. Doanh nghiệp mua vàng vào, nếu đẩy nhanh được tốc độ thanh khoản khi giá vàng còn giữ ở mức cao thì có lãi, còn nếu mua vàng miếng số lượng lớn, song không bán ra được, buộc phải lưu trữ, nguy cơ thua lỗ rất lớn, nhất là khi NHNN đã kiểm soát vàng miếng nhằm chống “vàng hóa” nền kinh tế. Mặt khác, nhu cầu vàng miếng thực sự trên thị trường đã giảm đi rất nhiều, không còn lớn như 11 năm trước đây. Do đó, trong những phiên đấu thầu sắp tới, nếu NHNN không điều chỉnh quy định để giảm khối lượng mua vàng tối thiểu thì chắc chắn khó hấp dẫn với doanh nghiệp và tiếp tục nguy cơ bị “ế”.
Đấu thầu được kỳ vọng là phương pháp để tăng nguồn cung vàng trong nước, từ đó thu hẹp khoảng cách chênh lệch với giá vàng thế giới và tiến tới bình ổn thị trường vàng dường như đã bị “phản tác dụng” ngay ở phiên đấu thầu đầu tiên ngày 23/4. Minh chứng rõ nhất là sau khi công bố kết quả đấu thầu, giá vàng trong nước đã bật tăng trở lại dù giá vàng thế giới có xu hướng giảm nhẹ. Bởi hiện nay chúng ta không thể biết được nhu cầu vàng của người dân đang cần là bao nhiêu (vì không có khảo sát định lượng). Chưa kể, còn có thể gây ra “hiệu ứng ngược” vì nếu NHNN cứ tiếp tục tung vàng ra thị trường, vô hình trung sẽ khiến người dân đổ xô đi mua để đầu cơ, tái diễn “vàng hóa” kinh tế.
Nếu kéo dài đấu thầu vàng, chắc chắn sẽ gây bất ổn cho nền kinh tế và gây nên nhiều hệ lụy khác. Khi NHNN tung vàng ra thị trường bằng hình thức đấu thầu thì buộc phải sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia, trong khi quỹ chỉ còn khoảng 80-90 tỷ USD. Do đó, nếu tiếp tục biện pháp này thì quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia sẽ dần suy giảm, từ đó ảnh hưởng tới vấn đề điều hành tỷ giá nói riêng và an ninh tiền tệ nói chung. Đơn cử, thời gian qua, chúng ta có thể thấy vấn đề điều hành tỷ giá đang rất “nóng”, chênh lệch tỷ giá VNĐ/USD đến nay rất lớn. Trên thế giới, giá đồng USD neo ở mức cao và Cục Dự trữ liên bang Mỹ có thể sẽ lùi kế hoạch hạ lãi suất. Sức ép tỷ giá đang đe dọa đến lĩnh vực nhập khẩu của Việt Nam và hiện rất nhiều doanh nghiệp nhập khẩu đang phải “kêu cứu”.
Tóm lại, để thị trường giá vàng trong nước tiến sát hơn với giá vàng thế giới thì không chỉ có một biện pháp đấu thầu vàng mà cần phải rất nhiều biện pháp tổng hòa, hỗ trợ nhau. Chẳng hạn, có thể phát triển thêm loại hình vàng “tài khoản”, vàng “kỳ hạn” thay vì vàng vật chất như hiện nay để đáp ứng nhu cầu thị trường. Dù NHNN đã có rất nhiều kinh nghiệm trong phương pháp đấu thầu vàng từ năm 2013, song cũng cần lưu ý rằng bối cảnh hiện nay khác với 11 năm trước rất nhiều.
Theo PGS TS Ngô Trí Long*/SGGP
Ngày đăng: 24/4/2024
—————–
(*) Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này