10:31 - 05/04/2024
Có nên giảm giờ làm?
Tổng LĐLĐ Việt Nam và một số đại biểu Quốc hội vừa có kiến nghị về giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động (NLĐ) xuống dưới 48 giờ/tuần nhằm sớm cụ thể hóa Nghị quyết 101/2019/QH14 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Điều này hướng tới bảo đảm sự công bằng giữa thời giờ làm việc của NLĐ khu vực cơ quan, hành chính nhà nước với khu vực doanh nghiệp (DN), tạo điều kiện để NLĐ tái tạo sức lao động, chăm sóc và giữ hạnh phúc gia đình.
Vừa mừng vừa lo
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, Nghị quyết 101/2019/QH14 nêu rõ: “Giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế – xã hội, nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với NLĐ thấp hơn 48 giờ/tuần, báo cáo Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp”.
Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng xã hội càng phát triển thì các quy định càng tiến bộ hơn so với trước. Giảm thời giờ làm việc, tăng thời giờ nghỉ ngơi là nguyện vọng thiết tha của nhiều NLĐ. Do vậy, tổ chức Công đoàn kiến nghị Chính phủ giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm nghiên cứu, sửa đổi, điều chỉnh thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của công nhân (CN) lao động.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết NLĐ đều mong giảm giờ làm nhưng sao cho không ảnh hưởng đến thu nhập, bởi đời sống của họ hiện vẫn còn rất khó khăn. Chị Hồ Thị Hồng Diệu – CN tại KCX Tân Thuận, quận 7, TP.HCM – cho biết khi nghe đề xuất trên, chị vừa mừng vừa lo. Mừng vì đời sống NLĐ ngày càng được quan tâm nhưng lại lo ngại việc giảm giờ làm sẽ kéo theo giảm lương.
Chị Diệu là mẹ đơn thân, đang nuôi 2 con nhỏ. Thu nhập hằng tháng của chị chỉ 6-7 triệu đồng/tháng nếu không tăng ca, không đủ để nuôi con. “Thu nhập thực tế khi chúng tôi làm việc 48 giờ/tuần vẫn không đủ sống. Do vậy, nếu giảm giờ làm xuống còn 44 giờ hoặc 40 giờ/tuần thì nên tính toán kỹ” – chị Diệu bày tỏ.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Kiệt – chị Trần Thị Hồng Loan – CN đang làm việc tại TP Thủ Đức, TP.HCM – cũng ủng hộ đề xuất giảm giờ làm. Hiện công ty của anh Kiệt làm việc 6 ngày/tuần, mỗi ngày 2 ca, mỗi ca 8 giờ làm chính thức cộng với 2 giờ tăng ca, CN xoay ca hằng tuần. Trong khi đó, chị Loan làm việc theo giờ hành chính, mỗi tuần tăng ca 3 ngày (khoảng 1,5 giờ/ngày).
Vì giờ làm việc lệch nhau nên tuần nào anh Kiệt làm ca đêm là vợ chồng chỉ gặp mặt 1-2 giờ/ngày. Do không có thời gian, anh chị phải gửi cả 2 con nhỏ về quê nhờ ông bà nội chăm sóc.
“Quê tôi ở Tiền Giang, khá gần nhưng với giờ làm việc như hiện tại, chúng tôi rất khó về thăm con. Do vậy, việc giảm giờ làm vào cuối tuần sẽ giúp chúng tôi có điều kiện gặp con nhiều hơn” – anh Kiệt cho biết.
Khó thể giảm ngay?
Không phải đến lúc này, vấn đề giảm thời giờ làm việc đối với NLĐ xuống dưới 48 giờ/tuần mới được đưa ra. Nhà nước đã khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với NLĐ. Tuy nhiên, giảm giờ làm kéo theo nhiều vấn đề về chi phí, xây dựng kế hoạch sản xuất – kinh doanh… nên không phải DN nào cũng đồng tình.
Theo ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức), cần có lộ trình giảm giờ chứ không thể đề nghị DN giảm ngay từ 48 xuống 44 hay 40 giờ/tuần. Chẳng hạn, mỗi 6 tháng hoặc một năm, DN giảm dần từ 48 giờ xuống còn 47-46 giờ/tuần… Nhiều DN có đặc thù làm việc liên tục 3 ca/ngày, việc giảm giờ sẽ khiến gián đoạn sản xuất và phát sinh chi phí. Vì vậy, nếu giảm giờ làm thì nên xem xét đến việc cho DN linh động sắp xếp thời gian tăng ca tương ứng để sản xuất không gián đoạn.
“Ví dụ, nếu giảm còn 47 giờ/tuần thì ngày cuối tuần, CN làm việc 7 giờ. Trường hợp DN có nhu cầu sản xuất thì vẫn làm 8 giờ, trong đó CN được tính tiền tăng ca 1 giờ” – ông Hồng diễn giải.
Qua khảo sát của chúng tôi, không ít DN đã áp dụng thời giờ làm việc dưới 48 giờ/tuần và đạt được một số kết quả tích cực. Điển hình, Công ty TNHH Fujiimpulse Việt Nam (KCX Linh Trung I, TP Thủ Đức) cho NLĐ nghỉ từ 1 đến 2 ngày thứ bảy trong 1 tháng. Nếu tuần nào đi làm thứ bảy, NLĐ được về sớm 1 giờ, tương đương làm việc 7 giờ/ngày. Tính ra, NLĐ chỉ làm việc từ 43,5 đến 45 giờ/tuần.
“Để cải thiện thu nhập cho NLĐ, DN cần tính toán kỹ phương án tăng năng suất lao động cho họ” – ông Đặng Văn Nhơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Fujiimpulse Việt Nam, góp ý.
Tại Công ty CP Dược phẩm An Thiên (quận 8, TP.HCM), từ khi nhà máy sản xuất thuốc được xây dựng ở KCN Hiệp Phước, huyện Nhà Bè năm 2016 thì DN này cũng áp dụng thời gian làm việc 44 giờ/tuần. Ông Lê Đình Chi, Giám đốc Hành chính – Nhân sự công ty, nhìn nhận: “Ngoài công việc, NLĐ cần có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân và gia đình. Vì vậy, việc giảm giờ làm xuống dưới 48 giờ/tuần là cần thiết và DN có thể linh hoạt sắp xếp kế hoạch sản xuất để CN làm việc, nghỉ ngơi hợp lý”.
Theo Nhóm PV/Người Lao Động
Ngày đăng: 5/4/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này