
09:37 - 02/12/2018
Sáng kiến… vi phạm quyền của doanh nghiệp!
Xin đừng nghĩ ra những “sáng kiến” vi phạm quyền của doanh nghiệp nữa, hãy huy động toàn lực để gỡ khó cho doanh nghiệp, mang đến môi trường thuận lợi, bình đẳng kinh doanh cho họ.

Hà Nội tiếp tục đưa ra “sáng kiến” dự định sẽ thống nhất áp dụng màu sơn chung đối với taxi hoạt động trên địa bàn.
Sau cơn “địa chấn” đòi mặc đồng phục cho các cơ quan công sở, màu sơn riêng cho từng khu phố, bị dư luận lên tiếng phản ứng gay gắt, gần đây, Hà Nội tiếp tục đưa ra “sáng kiến” dự định sẽ thống nhất áp dụng màu sơn chung đối với taxi hoạt động trên địa bàn.
Dù dự định đến năm năm 2026 mới áp dụng, nhưng ý tưởng thống nhất màu sơn taxi của Hà Nội đang bị cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp taxi phản bác, vì họ cho rằng màu sơn thế nào là quyền của họ. Việc yêu cầu taxi cùng màu sơn còn vi phạm quyền tự do kinh doanh, hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp, người dân. Ngoài ra, vô hình trung tạo cảm giác Nhà nước can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp một cách không cần thiết.
Nhiều ý kiến cho rằng luật pháp hiện nay không bắt buộc người dân, doanh nghiệp phải sơn màu gì cho ngôi nhà của họ, sơn màu gì cho tài sản, xe cộ của họ. Đặc biệt, trong kinh doanh, việc tạo ra bản sắc, đặc trưng riêng là hết sức quan trọng, rất cần thiết để quảng bá thương hiệu, phát triển doanh nghiệp một cách bền vững.bằng chứng là bây giờ người ta đang phân biệt thương hiệu taxi qua màu sắc, chứ không phải qua loại xe. Nói vậy để thấy, nếu Hà Nội muốn có màu sơn taxi thống nhất từ năm 2026 để tạo bản sắc, đặc trưng riêng cho địa phương mình thì chỉ có con đường duy nhất là khuyến khích, vận động, định hướng doanh nghiệp để họ lựa chọn mà thôi.
Hơn nữa, thử đặt tình huống, bất chấp sự phản đối của doanh nghiệp, Hà Nội vẫn quyết tâm ban hành văn bản buộc thống nhất màu sơn taxi, thì phải có chế tài đi kèm theo để đảm bảo thực hiện. Tuy nhiên, nếu đến thời điểm quy định trên được áp dụng, nhưng doanh nghiệp vẫn không thực hiện thì Hà Nội lấy cơ sở nào để xử phạt, cưỡng chế, ai dám đứng ra cưỡng chế… bởi luật đâu cho phép. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu cố đấm ban hành quy định bắt buộc mà không có chế tài, thì cũng chỉ làm cho có.
Xin đừng nghĩ ra những “sáng kiến” vi phạm quyền của doanh nghiệp nữa, hãy huy động toàn lực để gỡ khó cho doanh nghiệp, mang đến môi trường thuận lợi, bình đẳng kinh doanh cho họ.
Anh Minh (theo TGTT)
Có thể bạn quan tâm
Xe công nghệ nắm luật chơi, ép khách hàng, đối tác
Nguy cơ tiềm ẩn từ hợp tác thương mại điện tử
Siết trái phiếu doanh nghiệp, chặt chẽ nhưng không được gây đổ vỡ
Giảm chi chứ không thể mãi tăng thu, tăng vay nợ
Một lễ khai trường giữa trời, đất, núi và sông
Tags:đồng phục taxiHà Nội
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này