
09:46 - 14/11/2019
Bền và vững cơ nghiệp lớn với con cá tra Việt
Tôi quyết định đi 8 tiếng Sài Gòn – Đồng Tháp – Sài Gòn, để nghe câu chuyện của chị với các bạn trẻ khởi nghiệp xứ sen hồng trong vòng hai tiếng.

Để hội nhập, Vĩnh Hoàn kiên trì hơn nữa với quyết tâm làm đủ các chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế, “chấp” hết những loại tiêu chuẩn thách thức khắc nghiệt nhất.
Đọc về chị và công ty hàng đầu Vĩnh Hoàn trong làng xuất khẩu cá tra, thì tôi cũng đã đọc không ít bài. Hôm nay là đề tài “Quản trị doanh nghiệp phát triển bền vững”, chứ không chỉ là doanh nghiệp thành công. Để xem, thế nào là bền vững.
Nhỏ nhắn, không son phấn, sơ mi trắng, áo vest xanh thẫm nhẹ nhàng, tự tin, bà-bán-cá-toàn-cầu Trương Thị Lệ Khanh có tài sản hơn 3.000 tỷ đồng, kể chuyện thật bình dị, tự nhiên. Những chặng gian truân mà Vĩnh Hoàn (VH) phải vượt qua để xây dựng cơ nghiệp thật là kinh khủng. Khởi nghiệp với số vốn 70 triệu đồng năm 1996, từ năm 2000 – 2006, thị trường rất nóng, hàng không bao giờ đủ để xuất trong thời kỳ hoàng kim của con cá tra. Cũng chính vì “nóng” như vậy nên mới xảy ra vụ kiện chống bán phá giá năm 2003. Vụ kiện này, để duy trì thuế suất bằng 0, VH theo đuổi 18 năm trời.
Và để hội nhập, VH kiên trì hơn nữa với quyết tâm làm đủ các chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế, “chấp” hết những loại tiêu chuẩn thách thức khắc nghiệt nhất. Nhìn dãy bằng chứng nhận của VH, tôi nghĩ ngay tới chữ lót nền quá chắc cho phát triển bền vững: là công ty được chứng nhận ASC năm 2012, và BAP 4 sao năm 2015, rồi BRC Food của hệ thống bán lẻ Anh, GlobalG.A.P., BSCI… Cả giải thưởng “Sản phẩm dinh dưỡng và sức khoẻ” tại hội chợ thuỷ sản châu Âu và “Sản phẩm bán lẻ tốt nhất” cũng ở hội chợdanh giá này, năm 2011.
Ba năm xây dựng và tiến hành dự án “Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập” để hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt hội nhập, tôi hiểu để lấy được bao nhiêu tiêu chuẩn đó, bên cạnh việc phải chấp nhận tốn của, tốn công đều đều hàng năm để tái chứng nhận, còn thể hiện ý chí tuân thủ luật chơi quốc tế cực kỳ quyết liệt, sẵn sàng đấu tay đôi khi cần minh bạch, cam kết chất lượng ổn định, “chẳng ngán thằng Tây nào”, theo cách nói bình dân của cạnh tranh thị trường. Với nhiều doanh nghiệp vẫn còn tâm lý đối phó như người Việt mình hay tính chuyện mua điểm lấy bằng, thì chỉ một tiêu chuẩn GlobalG.A.P. và BRC Food, đã nặng như cùm. Điều này cũng thể hiện rõ việc thực thi chiến lược kinh doanh: đáp ứng vượt hơn mong đợi của khách hàng, trung thực trong kinh doanh và tuân thủ luật pháp.
Mười ngày trước buổi chiều giao lưu này, ngành thuỷ sản Việt Nam nhận được tin vui: bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ công nhận là tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Việt Nam tương đương với Hoa Kỳ. Đó là kết quả sau một chặng đường gay go nữa của ba năm với sáu bước, gồm ba giai đoạn: nộp hồ sơ tham gia quy trình đánh giá tương đồng, trả lời các câu hỏi, và thanh tra thực địa các cơ sở sản xuất và cơ quan quản lý chất lượng của quốc gia đang xem xét.
Tôi đặc biệt chú ý đến “giá trị cốt lõi” của VH với năm chữ C: cam kết, cải tiến, cống hiến, chia sẻ, chuyên nghiệp, mà cái lõi của cốt lõi chính là hai chữ: BIẾT ƠN. Hơi bất ngờ, lời cảm ơn đầu tiên là dành cho… dòng sông Mekong: “Trong tâm tưởng tôi, con cá tra chính là tặng vật quý giá của dòng sông Mekong trao cho người dân nước Việt, và cá tra sống dọc sông Mekong từ thượng nguồn đến hạ nguồn, nhưng điều diệu kỳ là khi dòng nước đổ về Việt Nam thì con cá tra lại đạt chất lượng cao nhất”. Sau tạ ơn dòng sông là các thế hệ đi trước, các chuyên gia nước ngoài, các nhà đầu tư…
Thú vị là chị nhớ vanh vách những chuyên gia và tổ chức quốc tế đã hướng dẫn VH ra biển lớn. Từ chuyên gia Úc là người đầu tiên dạy VH fillet cá, chuyên gia của chương trình xúc tiến xuất khẩu Thuỵ Sĩ Sippo dắt tay VH đi hội chợ quốc tế châu Âu đầu tiên, hướng dẫn cách mở gian hàng, cách tiếp thị mà đến nay VH đã xuất sản phẩm sang 145 nước. Nhớ cả ông tham tán của Đan Mạch năm 1992, đã đi khảo sát dọc chiều dài Việt Nam cùng các chuyên gia Việt, tạo tiền đề cho dự án SEAQIP thực hiện tại Việt Nam, giúp ngành cá tra có chứng nhận HACCP để EU cấp code xuất khẩu vào châu Âu, cắm cột mốc quan trọng đưa ngành chế biến cá tra Việt Nam lên tầm cao. Chị Lệ Khanh kể: “Sự trợ giúp của Đan Mạch là cực kỳ quý giá, đã giúp cải thiện chất lượng cá tra xuất khẩu bằng những cách quản lý chất lượng hiệu quả”.
Sơ đồ biểu diễn quan điểm phát triển bền vững của VH nhìn có vẻ nhiều tầng, phức tạp, tuy nhiên, nổi bật cũng là quan trọng nhất là bốn yếu tố ở vòng tròn ngoài cùng: với sản phẩm là vai trò công nghệ; với con người quan trọng nhất là khách hàng; với kinh doanh quan trọng nhất là môi trường; và với tổ chức quan trọng nhất là hệ thống.
Trước câu hỏi của bạn trẻ về suy nghĩ trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chị cho biết khi chúng ta còn nuôi một ao cá 1ha, thu hoạch được 300 tấn, thì Na Uy với công nghiệp nuôi lồng bè đã thu hoạch 6.000 tấn. Mô hình phát triển cá hồi của Na Uy đáng tham khảo, để chứng minh tính bền vững của toàn chuỗi giá trị con cá tra. Và diện tích mặt nước có giới hạn phải ứng dụng công nghệ tuần hoàn, cải tiến sinh học. VH mong muốn đưa sản phẩm của mình vào hệ thống siêu thị cao cấp nhất ở Hoa Kỳ, bán toàn sản phẩm chất lượng siêu đẳng của thiên nhiên, hay đạt chuẩn hữu cơ trong quá trình không ngừng nâng cao giá trị con cá tra Việt. Ngày nay, sức ép của thị trường khiến việc phân tích dữ liệu có vai trò hết sức quan trọng, để kích thích tăng năng suất mà vẫn không ngừng cải thiện chất lượng cá…
Lời khuyên của chị cho các bạn trẻ khởi nghiệp vốn khá năng động của Đồng Tháp? Hãy nuôi khát vọng, làm hết sức mình trong từng công việc, làm ăn trung thực và tuân thủ pháp luật, chú ý tốc độ khi đưa sản phẩm ra thị trường, chú ý nhu cầu tiện ích của cuộc sống hiện đại của các gia đình. Quan trọng nhất là trung thực và tận tuỵ với khách hàng.
Lặng lẽ và bền bỉ, VH đã trao tặng hơn 12.000 thẻ bảo hiểm y tế cho các hộ cận nghèo, đã trang cấp các phương tiện đi lại cho mấy trăm người khuyết tật, góp sức xây bệnh viện cho người nghèo, tổ chức lễ tri ân đấng sinh thành hay chăm lo nhà ở khang trang cho công nhân viên, trong khi vẫn hàng ngày sống trong cuộc cạnh tranh ác liệt trên thị trường thế giới, để giữ vững vị thế con cá tra cho Việt Nam. Phát triển bền vững là như vậy chứ đâu, là thực sự thể hiện sinh động và thường xuyên trong tư duy, cũng như hành động thực thi chiến lược của công ty: coi trọng quyền lợi khách hàng, phát triển kinh doanh song song với bảo vệ môi trường, chăm sóc người lao động và làm tốt trách nhiệm xã hội.
Kim Hạnh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này