08:42 - 17/11/2016
Điều giáo viên đi tiếp khách, không lo, không sợ là sao?
Trước hết, câu hỏi cần đặt ra ở đây là nếu giáo viên ở thị xã Hồng Lĩnh làm đúng như lời bộ trưởng thì liệu có giữ được “cái ghế” giáo viên “quèn” của mình hay không?
“Khi các thầy cô bị lôi kéo, ép buộc, trước hết phải nói đến trách nhiệm của thầy cô rồi mới tính đến người ép buộc. Các thầy cô phải xem xét chính mình, nếu khi thấy không đúng thì phải đề nghị, kiến nghị, còn trong trường hợp các lãnh đạo địa phương cứ ép thì mình phải kiến nghị lên, chứ mình thực hiện là vi phạm”, bộ trưởng bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) đã nói như vậy khi trao đổi bên lề cuộc họp Quốc hội với VietNamNet về việc chính quyền thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh điều một số nữ giáo viên đi tiếp khách tại nhà hàng.
Một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục bình luận: trả lời của bộ trưởng bộ GD-ĐT quả là đúng, nhưng không ít người lại thấy thiếu và không ổn với thực tế việc làm hiện nay ở Việt Nam.
Bởi theo vị chuyên gia này, hiện cả nước số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp lên đến vài trăm ngàn người thì để có được một chỗ làm, chỗ dạy quả là không dễ. Điều này ai cũng biết và tin chắc bộ trưởng bộ GD-ĐT cũng biết.
Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là nếu giáo viên ở thị xã Hồng Lĩnh làm đúng như lời bộ trưởng thì liệu có giữ được “cái ghế” giáo viên “quèn” của mình hay không?
Theo vị chuyên gia trên, ông đặt câu hỏi là vì ông không dám lý giải cái gì mình không biết; còn cái ông biết là rất nhiều vụ vì chống lệnh mà bị đuổi việc; vì không được lòng sếp mà bị; vì không nằm trong êkíp nên không được cơ cấu; vì không quen biết, không con ông cháu cha nên không thể bước chân vào cơ quan nhà nước… thì rất nhiều và không cần phải kể, chỉ cần đọc báo sẽ thấy, sẽ hiểu.
Vậy, thử hỏi làm sao giáo viên “dám liều” như lời bộ trưởng khuyên, dù biết lời khuyên đó hoàn toàn đúng quy định, đúng quy trình và đúng luôn trong việc ứng xử giữa người với người.
Sai, đúng thế nào chưa biết, nhưng giờ ai cũng thấy việc buộc các giáo viên đi tiếp khách của vị trưởng phòng giáo dục thị xã Hồng Lĩnh là phản cảm, là áp đặt.
Do đó, trước khi khuyên giáo viên “phải tự bảo vệ mình” thì lãnh đạo ngành giáo dục phải kiên quyết loại ngay “con sâu” nghĩ ra cái trò tiếp khách vớ vẩn đấy, để giáo viên yên lòng khi tố cáo những trò bẩn của cấp trên, để dư luận tin rằng con họ đang được học trong một môi trường lành mạnh. Còn không xử thì xem ra công tác cán bộ đang có vấn đề!
Nói có sách, mách có chứng, chính đại biểu quốc hội (ĐBQH) Lê Thanh Vân, uỷ viên thường trực uỷ ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội, vừa thừa nhận trên phương tiện truyền thông rằng chất lượng cán bộ đang có vấn đề.
Theo vị ĐBQH này, từ trước đến nay, ông luôn quan tâm đến công tác cán bộ. Nếu có cơ hội, tại kỳ họp này, ông sẽ chất vấn bộ trưởng bộ GD-ĐT về chất lượng bằng cấp.
Đặc biệt, vị này cho rằng năng lực cán bộ hiện nay đang có vấn đề, thể hiện ở việc tham mưu chính sách cho Chính phủ. Đi sâu hơn nữa là công tác bổ nhiệm, lựa chọn cán bộ làm lãnh đạo mà dư luận cho rằng đang có vấn đề.
Thủ tướng nói chúng ta phải “chọn người tài” nhưng vẫn đang có khuynh hướng “chọn người nhà”. Nếu có cơ chế minh bạch, chọn qua thi cử khách quan thì cũng không loại trừ chọn được người tài trong số “người nhà”; nhưng vì chưa có cơ chế nên việc chọn theo kiểu “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba đồ đệ, bốn quan hệ” là điều rất đáng báo động.
Vậy tin rằng phải loại hết những lo ngại của vị ĐBQH này thì giáo viên mới dám đứng lên tự bảo vệ mình, tố cáo lãnh đạo như lời ông bộ trưởng bộ GD-ĐT nói.
Còn bằng không thì chẳng khác nào “đập nồi cơm của gia đình”. Không lo, không sợ mới lạ!
Minh Anh
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này