
13:56 - 07/04/2016
Trẻ bị xâm hại là do giáo dục kém
Sau khi báo Thế Giới Tiếp Thị khởi đăng loạt bài về vấn đề bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bạo lực và xâm hại, chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến của bạn đọc gửi về. Xin giới thiệu với bạn đọc một bài viết đầy tâm huyết của bà Nguyễn Thị Oanh, một chuyên gia giáo dục tại Việt Nam.
Tôi nghĩ, nếu tình yêu là thể hiện đỉnh điểm sự văn minh của con người và làm cho con người khác biệt với các loài động vật khác thì tệ nạn xâm hại tình dục trẻ em lại là thể hiện sự tha hoá tột cùng của nhân cách và kéo con người trở về gần nhất với tính chất của loài vật.
Lạ một điều là có vẻ thông tin về vụ Minh Béo xâm hại trẻ em ở tít tận xứ Mỹ xa xôi kia lại được nhiều người dân ta quan tâm hơn là những tin các bé gái ở tỉnh A tỉnh B, trường C trường D ngay trên đất nước mình đang bị hàng xóm, người thân, thầy giáo…, thậm chí cả cha đẻ của mình làm nhục!
Tôi tin trong một xã hội như ở Mỹ, luật pháp đủ chặt chẽ, nghiêm minh và công bằng để xử lý tới nơi tới chốn những vụ như Minh Béo để bảo vệ trẻ em của họ.
Nhưng ở Việt Nam này, trẻ em (hiện nay chủ yếu là các bé gái), có thể phải chịu đến 3 lần bất công.
Bất công thứ nhất đến ngay từ thái độ và quan niệm của xã hội. Mặc dù Bộ Luật hình sự Việt Nam cũng quy định khung hình phạt nghiêm khắc về các tội xâm phạm và xâm hại tình dục trẻ em (mức án cao nhất có thể tới chung thân hoặc tử hình), nhưng trong nhận thức chung của cộng đồng, các hành vi xâm hại trẻ em hình như chưa bao giờ được xem là những vấn đề nghiêm trọng, không thể chấp nhận được trong một xã hội văn minh và tiến bộ.
Đáng lo ngại là tâm lý này không phải chỉ xuất hiện ở tỉnh lẻ, ở các vùng sâu vùng xa – nơi có trình độ dân trí thấp, mà còn hiển hiện ngay trong lớp cư dân “bậc cao” ở các thành phố lớn.
Người ta có thể rất quan tâm đến một vụ đánh ghen hay giật chồng ầm ĩ trên mạng, hoặc mau chóng chia sẻ một clip về học sinh đánh nhau, nhưng lại rất dễ bỏ qua hay hờ hững với những dòng tin tức về một đứa trẻ bị xâm hại tình dục ở đâu đó trên khắp đất nước này.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên vẫn xuất phát từ việc thiếu giáo dục. Ở trường học, người ta không dạy cho trẻ em đủ hiểu biết một cách nghiêm túc về giới tính để biết trân trọng bản thân và biết tự bảo vệ mình.
Bước ra ngoài xã hội, cũng không ai giúp con em chúng ta được trang bị đầy đủ kiến thức về pháp luật cũng như nâng cao nhận thức về hậu quả của các hành vi xâm hại tình dục trẻ em – cho cả hai phía đối tượng “tiềm năng” là người bị xâm hại và kẻ hãm hại.
Ở các nước phương Tây, các tổ chức, hội đoàn bảo vệ phụ nữ – trẻ em thường hoạt động rất mạnh và thực chất chứ không mang tính hình thức như kiểu Hội LHPN hay UB bảo vệ bà mẹ – trẻ em ở ta.
Con gái tôi học tại Canada kể Hội Phụ nữ nơi vùng cháu ở thường vào tận các trường trung học để phát thuốc ngừa thai khẩn cấp cho các nữ sinh và tổ chức những buổi nói chuyện hướng dẫn nữ sinh đối phó với các hành vi quấy rối tình dục hoặc khi bị hiếp dâm.
Họ làm những việc này rất thường xuyên, tự nguyện và xem đó là những hoạt động bắt buộc phải thực hiện.
Họ cũng không quên “sinh hoạt” với các nam sinh để các em ý thức được hậu quả về mặt pháp lý và xã hội nếu gây ra những hành vi xâm hại tình dục với trẻ vị thành niên, đồng thời phát bao cao su cho các em để hướng dẫn cách sinh hoạt tình dục an toàn.
Bạn tôi ở Mỹ kể các tổ chức xã hội bảo vệ trẻ em bên đó còn đến tận nhà hướng dẫn các bậc cha mẹ về những giải pháp bảo vệ an toàn cho trẻ. Và nếu họ thấy bạn có biểu hiện lơ là, thiếu trách nhiệm với con cái để có thể làm cho trẻ gặp nguy hiểm, họ sẽ tiến hành điều tra.
Ở mức độ nghiêm trọng, họ có thể “thu hồi” quyền làm cha/mẹ của bạn và đưa đứa trẻ đến cho một người giám hộ khác hoặc một tổ chức của Nhà nước tạm thời nuôi dạy.
Bên cạnh đó, tại các nước phương Tây, việc cung cấp cho trẻ các kiến thức về cơ thể con người, về giới tính và quan hệ nam nữ… cũng được dạy từ rất sớm trong chương trình giáo dục ở trường phổ thông.
Hồi con gái lớn của tôi học lớp 7, tôi đã thấy trong sách giáo khoa môn Khoa học của cháu có những bài học với nội dung và hình vẽ rất chi tiết về việc quan hệ thể xác giữa người nam và người nữ để dẫn đến thụ thai.
Khi thấy tôi có vẻ bất ngờ và lúng túng lúc xem những hình ảnh đó, con gái còn hồn nhiên giải thích: “Thầy dạy Science/Khoa học của con nói ai xem các hình trong những bài học này mà đỏ mặt xấu hổ thì người đó không nghiêm túc và không có suy nghĩ của người làm khoa học đấy mẹ!”.
Và sự khác biệt giữa Tây với Ta là ở đó! Trong khi chúng ta bưng bít, né tránh để rồi phải đi lo giải quyết hậu quả thì họ đối diện thẳng thắn với vấn đề và tìm các giải pháp ngăn ngừa để không xảy ra hậu quả.
Một khi cả xã hội đều được trang bị đầy đủ sự hiểu biết cùng ý thức sâu sắc về hậu quả nghiêm trọng của các hành vi xâm hại tình dục trẻ em, và những điều này được thể hiện ra như là đặc trưng của một cộng đồng văn minh, nhân bản, khi đó mới hy vọng có cơ hội chấm dứt được cơn ác mộng cầm thú đang hàng ngày đe dọa những cô gái bé bỏng của chúng ta.
Bất công thứ hai là cách hành xử của những người thực thi pháp luật khi xảy ra các vụ xâm hại trẻ em. Một thực trạng rất thường thấy là các cơ quan điều tra thường nhân danh những yêu cầu về mặt chuyên môn để đòi hỏi về chứng cứ cũng như những yêu cầu rất “tế nhị” đối với nạn nhân.
Thói quen văn hoá của người Việt và khả năng nhận thức của cả nạn nhân lẫn gia đình – vốn đã bị thiếu hụt vì không được trang bị các kiến thức và kỹ năng để đối phó trong các tình huống này – sẽ rất dễ dẫn đến sự bối rối, hoảng loạn, gây trở ngại hoặc thậm chí làm bế tắc việc điều tra.
Ở nhiều vùng thôn quê, có những bà mẹ thà nhẫn nhịn chịu để con mình bị nhục hoặc chấp nhận một món tiền bồi thường rẻ mạt từ kẻ thủ ác để khỏi phải ra công an khai báo, chưa kể còn bị yêu cầu thu thập chứng cứ đủ kiểu.
Đối với nhiều gia đình, việc phải đem con gái đi kiểm tra dấu vết xâm hại ở vùng kín hoặc khám xét tìm mẫu tinh dịch v.v… dường như còn là một nỗi nhơ nhuốc và nhục nhã mà họ không biết trút vào đâu ngoài đứa con gái tội nghiệp đang dúm dó vì sợ hãi của mình.
Cảnh sát ở nhiều quốc gia thường có một bộ phận riêng chuyên điều tra các vụ xâm phạm và xâm hại tình dục đối với trẻ vị thành niên. Các nhân viên trong bộ phận này ngoài những yêu cầu riêng về mặt chuyên môn còn đòi hỏi phải am hiểu về tâm lý trẻ, thậm chí phải có kiến thức về sư phạm.
Việc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ điều tra đối với một đứa trẻ đang bị tổn thương thể xác và khủng hoảng tinh thần sâu sắc đòi hỏi phải có tình thương yêu và sự tôn trọng một cách tinh tế để động viên em an tâm hợp tác, vì thế, không thể nào được tiến hành một cách thô thiển, qua quýt, kiểu như cho xong việc.
Tôi nói bất công là vì không thể xem việc điều tra một vụ xâm hại trẻ em giống như điều tra một vụ trộm cắp tài sản hay hành hung người khác.
Thế nhưng hiện nay, thể chế và các điều kiện về tư pháp cũng như hành pháp ở ta chưa đủ trình độ để đáp ứng yêu cầu này. Thử hình dung vào một ngày u ám nào đó, bạn phải đối mặt với điều khủng khiếp là phát hiện con gái bị xâm hại.
Bạn bắt đầu phải quay cuồng với một mớ bòng bong những yêu cầu khi làm việc với cơ quan điều tra, trong đó có những thứ mà trước đây bạn không bao giờ ngờ rằng sẽ phải làm với cô con gái bé nhỏ của mình… Bạn sẽ hoảng loạn, hoang mang, uất hận và đau đớn cùng cực.
Khi đó có thể bạn mới cảm nhận hết sự bất công mà con mình đang phải gánh chịu!
Điều bất công thứ ba, buồn thay, lại đến từ chính những người thân yêu ruột thịt của các bé gái.
Gia đình có thể là nơi trú ẩn an toàn nhất nhưng cũng có thể là nơi khiến cho các em cảm thấy cô đơn và tuyệt vọng nhất.
Vì nhiều lý do khác nhau, hoặc bận rộn mưu sinh, hoặc cả tin hay đơn giản, các bậc phụ huynh có thể dễ dàng để cho con gái mình rơi vào móng vuốt của những con thú đội lốt người từ lúc nào không hay…
Khi con gái thu hết can đảm kể với mẹ (thường là mẹ) về những hành vi xâm hại đang diễn ra với mình thì có khi bà mẹ lại coi đó là chuyện cường điệu, là sự tưởng tượng thái quá của con, vì ông hàng xóm đó hay chú đồng nghiệp nọ “làm gì có tính ấy!”
Ở nhiều nơi, khi chuyện vỡ lở, có gia đình còn tìm cách giấu nhẹm và tự dàn xếp cho yên chuyện vì sợ xấu hổ với xóm giềng, sợ ảnh hưởng cả tới tương lai sau này của con gái khi làng trên xóm dưới đều biết con mình bị xâm hại tình dục.
Đứa trẻ chỉ còn biết cam chịu và theo cách ứng xử của gia đình mình, thay vì phải phản kháng với tâm thế của một nạn nhân, em lại cảm thấy như mình đang phạm vào một điều cấm kỵ ghê tởm mà có thể bị cả xã hội xa lánh, dè bỉu.
Ở phương Tây, không ít trường hợp những nạn nhân bị xâm hại tình dục ở tuổi vị thành niên, khi đã trưởng thành và thậm chí trở thành người của công chúng, họ vẫn sẵn sàng chia sẻ công khai câu chuyện của mình với cộng đồng để tiếp sức cho cuộc chiến không khoan nhượng chống lại những con yêu râu xanh và giúp các nạn nhân vượt qua cơn bão cuộc đời từ nỗi đau của chính mình.
Xã hội không những chia sẻ, cảm thông mà còn phẫn nộ đứng bên cạnh họ để ủng hộ việc chống lại và ngăn chặn những con thú không còn tính người.
Vậy thì các ông bố, bà mẹ, một khi xã hội cũng như thể chế pháp luật chưa mang lại được sự an toàn và bảo vệ công bằng cho con cái chúng ta trong cuộc chiến chống lại nạn xâm hại tình dục trẻ em, xin hãy nhớ rằng chỉ chúng ta mới có thể giúp con mình vượt qua mọi nguy hiểm.
Nguyễn Thị Oanh
Thế Giới Tiếp Thị
(Còn tiếp)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này