
09:40 - 09/10/2016
Prince Ea: Giáo dục hiện nay là ‘bắt con cá leo cây’
Mới đây cộng đồng mạng lan truyền video clip của nghệ sĩ hip-hop Prince Ea với chủ đề: “Tôi kiện hệ thống giáo dục”, clip dài hơn 5 phút với bài nói chuyện xuất sắc về Hệ thống giáo dục rập khuôn và những kỳ thi trắc nghiệm phản khoa học.

Prince Ea: lẽ ra giáo viên phải được hưởng mức lương như bác sĩ. Vì bác sĩ có thể phẫu thuật tim để cứu sống đứa trẻ, thì giáo viên cũng có thể chạm tới trái tim đó và giúp đứa trẻ được sống thực sự. Ảnh: TL.
Cảm động nhất khi ông cất tiếng: “Thay vì một giá trị chung, hãy chạm tới từng trái tim trong từng lớp học”.
Hình ảnh mà Prince Ea minh hoạ về những đứa trẻ bị hệ thống giáo dục tập trung giết chết các khả năng vốn có của nó là một con cá bơi trong một chậu nước thuỷ tinh: “Họ không những bắt cá phải leo cây mà còn bắt chúng phải leo xuống dốc và cùng chạy đua với nhau”.
Prince Ea học ngành nhân chủng học và tốt nghiệp hạng ưu tại trường ĐH Missouri-St.Louis, chính vì vậy ông đã lên án chắc nịch: “Tôi đã nghiên cứu các người (với nền giáo dục hiện nay – NV) và nhận thấy các người đang đào tạo robot, các công nhân cho nhà máy.
“Vì thế các người xếp học sinh gọn gàng vào khuôn, bắt chúng ngồi im và giơ tay khi muốn phát biểu, nghỉ trưa chỉ kịp ăn và nhồi sọ tám tiếng mỗi ngày. Bắt chúng cạnh tranh để giành điểm A – điểm A, cũng là ký tự đánh giá chất lượng sản phẩm”.
Tại sao “một cỡ cho tất cả”.
Chúng ta thường kể cho nhau nghe về con cái mình, đứa sau không giống tính đứa đầu, nuôi cũng khác, thích ăn khác, sở thích khác, đứa sau nữa cũng không giống hai đứa trước. Và cứ để ý mà xem, gia đình đông con ngày xưa, anh chị chúng ta có giống ta không?
Đúng như Prince Ea phân tích: thế giới đã tiến bộ, vì thế chúng ta không cần những con rối vô hồn. Chúng ta cần những người có tư duy sáng tạo, đột phá, sáng suốt, độc lập và có khả năng kết nối.
Mọi nhà khoa học đã khẳng định mỗi bộ não đều độc nhất và bất kỳ nhà nào có hai con trở lên cũng đều biết điều này.
Vậy tại sao áp đặt lên chúng những cái giống như khuôn bánh hay một loại nón cùng kích cỡ bằng những thứ kiểu “Một cỡ cho tất cả”.
Thế nên, giáo dục Phần Lan hiện đại, dựa trên từng sự khác nhau ấy để bắt đầu có một hành trình giáo dục nhân văn hơn, phát triển tính người và cả những khả năng đặc biệt của họ.
Chúng ta có thể tưởng tượng được thế giới của những con người khác biệt, được phát huy hết thiên bẩm, thì chúng ta có một nhân loại phong phú, đa dạng và sinh động biết nhường nào.
“Tôi không tin vào hệ thống giáo dục hiện nay, nhưng tôi tin vào con người. Và nếu chúng ta có thể sửa đổi y tế, xe hơi, hay tài khoản Facebook, thì chúng ta cũng phải có nghĩa vụ cùng nhau thay đổi giáo dục để nâng cấp nó, thay đổi nó.
Hãy thay nó bằng một tư tưởng mới hướng tới từng em học sinh một. Đó là nhiệm vụ của chúng ta”.
Câu chuyện của Prince Ea còn chạm đến những vấn đề cơ bản nhất đang tồn tại trong những nền giáo dục cổ hủ, lạc hậu, đó là đời sống giáo viên.
Ông nói: “Nghề giáo là nghề quan trọng nhất trên đời, nhưng lương lại quá thấp. Không ngạc nhiên khi có quá nhiều đứa trẻ bị đối xử bất công. Thành thật mà nói, lẽ ra giáo viên phải được hưởng mức lương như bác sĩ. Vì bác sĩ có thể phẫu thuật tim để cứu sống đứa trẻ, thì giáo viên cũng có thể chạm tới trái tim đó và giúp đứa trẻ được sống thực sự”.
Thu Thảo
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này